Châu Âu đạt thỏa thuận về đạo luật trí tuệ nhân tạo

Châu Âu đã đạt được thỏa thuận tạm thời về các quy tắc mang tính bước ngoặt trong quản lý sử dụng trí tuệ nhân tạo AI. Bao gồm việc các chính phủ sử dụng AI trong giám sát sinh trắc học và cách điều chỉnh các hệ thống AI như ChatGPT.

Ủy viên Thị trường Nội địa EU ông Thierry Breton khẳng định, với việc đạt được thỏa thuận về đạo luật AI, EU đã trở thành lục địa đầu tiên đưa ra quy định rõ ràng về việc sử dụng công nghệ này. Đạo luật là nền tảng để các công ty khởi nghiệp và các nhà nghiên cứu EU dẫn đầu cuộc đua toàn cầu về phát triển AI đáng tin cậy.

Theo ông Thierry Breton: "Châu Âu đã định vị mình là người tiên phong, hiểu được tầm quan trọng của vai trò là người thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu. Vì vậy, bây giờ, chúng ta cùng nhau bắt tay vào hành trình mới. Đây đúng là một ngày lịch sử."

Các quy định được đề xuất, dự kiến ​​sẽ được đưa ra biểu quyết tại Nghị viện châu Âu vào đầu năm tới. Dự kiến ​​thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sớm nhất vào năm 2025.

Thỏa thuận bao gồm cách tiếp cận 2 cấp, trong đó yêu cầu minh bạch đối với các mô hình AI nói chung và yêu cầu khắt khe hơn với các mô hình mạnh. Thỏa thuận cũng cấm  nhận diện khuôn mặt theo thời gian thực, với một số ngoại lệ.

Thỏa thuận yêu cầu các mô hình nền tảng như ChatGPT và hệ thống AI mục đích chung phải tuân thủ các nghĩa vụ minh bạch trước khi chúng được đưa ra thị trường.

Thỏa thuận cũng cho phép EU tiến hành giám sát thông qua văn phòng AI của EU, cơ quan mới trực thuộc EC. Cơ quan này sẽ có quyền phạt tới 7% doanh thu công ty hoặc 35 triệu euro (tương đương 37,7 triệu USD) với những bên vi phạm.

Google công bố mô hình AI cạnh tranh với ChatGPT

Cuộc cạnh tranh khốc liệt về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn tiếp diễn khi mà Google mới đây công bố ra mắt mô hình AI mới có sức mạnh đáng kinh ngạc. Mô hình AI mang tên Gemini không chỉ là một mô hình AI tổng quát mà còn là một trong những công nghệ AI tiên tiến nhất, có khả năng tóm tắt tổng quan, hiểu và kết hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như văn bản, hình ảnh, video, code và âm thanh. Sự ra đời của Gemini, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc đua công nghệ với ChatGPT, đối thủ mạnh nhất cho đến thời điểm hiện tại của Google.

Kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT khoảng một năm trước, Google đã chạy đua để sản xuất phần mềm AI cạnh tranh với sản phẩm mới của công ty được Microsoft hậu thuẫn.

Mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) Gemini mới ra mắt của Google không chỉ là một mô hình AI tổng quát mà còn là một trong những  công nghệ AI tiên tiến nhất. Google cho biết, để đáp ứng nhu cầu sử dụng linh hoạt, từ các trung tâm dữ liệu cho tới thiết bị di động, Gemini được cung cấp dưới ba kích cỡ khác nhau.

Ông Sundar Pichai, CEO của Google & Alphabet cho biết: "Gemini 1.0 là mô hình AI tổng hợp và có khả năng nhất của chúng tôi, được xây dựng theo mô hình đa phương thức. Đây là bước đầu tiên trong các mô hình kỷ nguyên Gemini của chúng tôi. Gemini được tối ưu hóa ở ba kích cỡ - Ultra, Pro và Nano. Hiệu suất của Gemini Ultra vượt xa kết quả của những mô hình hiện đại nhất ở 30 trong số 32 tiêu chuẩn học thuật được sử dụng rộng rãi”.

Theo kết quả thử nghiệm được Google công bố, Gemini Ultra đạt điểm 90% trong bài kiểm tra khả năng hiểu ngôn ngữ đa nhiệm vụ. Mô hình này sử dụng tổ hợp 57 môn học như toán, vật lý, lịch sử, luật, y học và đạo đức để kiểm tra cả kiến thức tổng quát và khả năng giải quyết vấn đề, đồng thời có thể sử dụng khả năng của mình để suy nghĩ trước khi trả lời những câu hỏi khó.

Với kết quả này, Gemini là mô hình trí tuệ nhân tạo đầu tiên vượt qua con người ở cấp độ chuyên gia, vốn có điểm 89,8% trong bài kiểm tra tương tự. Kết quả của GPT4 là 87%, LLAMA2 đạt 68% và Claude 2 của Anthropic đạt 78,5%.

Google đã bổ sung một phần công nghệ mô hình Gemini mới cho trợ lý AI Bard và cho biết, họ có kế hoạch phát hành phiên bản Gemini tiên tiến nhất thông qua Bard vào đầu năm tới. Gemini là mô hình AI đa phương thức do bộ phận Google DeepMind nghiên cứu và phát triển, được đề cập lần đầu hồi tháng 5 tại sự kiện Google I/O 2023.  Sự ra mắt của Gemini - mô hình trí tuệ nhân tạo đa phương thức của Google được xem là nỗ lực lớn nhất của Google vốn được cho là chậm chân hơn so với các đối thủ trong cuộc đua AI.

Sử dụng hơi thở, ánh mắt để điều khiển cánh tay robot 

Các nhà khoa học Thụy Sĩ cho thấy, bằng công nghệ AI, hơi thở và ánh mắt có thể được sử dụng để kích hoạt một cánh tay robot bổ sung ở người khỏe mạnh. Và điều này không can thiệp vào việc kiểm soát các bộ phận khác của cơ thể. 

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Robotics được kỳ vọng trong tương lai có thể tạo các bộ phận giả bằng robot dành cho những người bị mất chức năng vận động do chấn thương hoặc bệnh tật, đồng thời có thể tăng thêm khả năng làm việc cho những người khỏe mạnh.

Các nhà nghiên cứu đã phát minh ra một hệ thống điều khiển, trong đó người dùng đeo kính thực tế ảo (VR) nhìn thấy ba cánh tay trong khi dây thắt lưng quanh eo đo nhịp thở vào và ra của họ.

"Trong quá trình mô phỏng, người dùng sẽ nhìn thấy tay trái, tay phải và cánh tay thứ 3 ở giữa. Cánh tay thứ 3 được thiết kế đối xứng, với 6 ngón tay để tránh thiên vị về tay trái hoặc tay phải. Đặc biệt, chúng tôi sử dụng môi trường này để kiểm tra giao diện điều khiển dựa trên ánh nhìn - hơi thở, để đánh giá tính khả thi thực tế của nó” - chị Giulia Dominijanni, nhà khoa học Viện khoa học liên bang Thụy Sĩ chia sẻ.

Theo Giáo sư Silvestro Micera, một nhà thần kinh học tại Viện khoa học liên bang Thụy Sĩ cho biết, mục tiêu của các nhà khoa học là cho phép những người khỏe mạnh điều khiển một cánh tay phụ một cách tự nhiên như tay trái và tay phải của họ.

Hệ thống đã được thử nghiệm trên 61 người trong hơn 150 lần thí nghiệm. Người dùng học rất nhanh cách điều khiển cánh tay phụ. Hơn nữa, việc điều khiển màng loa không ảnh hưởng đến khả năng nói mạch lạc của người dùng.

Các nhà khoa học cũng đã thử nghiệm thành công khả năng kiểm soát hơi thở bằng cách gắn vào ngực người dùng một cánh tay robot thực sự được đơn giản hóa giống như một chiếc đũa có thể kéo dài và gấp lại.

Mặc dù không được báo cáo trong nghiên cứu của họ, nhưng nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, các tình nguyện viên có thể được huấn luyện để điều khiển chuột máy tính bằng các cơ sau tai hay còn được gọi là cơ tiền đình.

Ông Solaiman Shokur, nhà khoa học cấp cao tại Viện khoa học liên bang Thụy Sĩ cho biết: Qua quá trình tiến hóa, chúng ta đã đánh mất chức năng của cơ sau tai. Chúng tôi phát hiện ra rằng sau vài ngày tập luyện, mọi người có thể sử dụng cơ tai này trong khi vẫn sử dụng cánh tay một cách tự nhiên, vẫn có thể nói và nhìn xung quanh”.

Nghiên cứu này là một phần của “Dự án cánh tay thứ ba”, nhằm mục đích cung cấp cho con người một cánh tay robot để hỗ trợ họ trong các công việc hàng ngày hoặc hỗ trợ trong các hoạt động cứu hộ. Nó cũng có thể được sử dụng cho người khuyết tật hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ.

Hệ thống trồng cây trên vũ trụ sử dụng công nghệ AI

Trong tương lai, khái niệm về cây trái theo mùa có lẽ sẽ không còn nữa và những khái niệm mới về trồng trọt sẽ ra đời, việc canh tác không còn phụ thuộc vào đất đai, nguồn nước hay khí hậu.

Khoang trồng cây sử dụng công nghệ AI của công ty Interstellar Lab của Pháp cho phép trồng cây trên vũ trụ giúp các phi hành gia cải thiện bữa ăn trong khi thực hiện những sứ mệnh lâu dài trên mặt trăng hay xa hơn nữa là trên sao Hỏa. Khoang trồng cây lấy cảm hứng từ vũ trụ có thể tối ưu hóa các điều kiện giúp cây phát triển trong mọi môi trường, giúp duy trì các loài thực vật bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu

Khoang trồng Biopod có hình elip, trông giống như một con sò,  thực chất là một nhà kính siêu tiên tiến. Mỗi khoang có chiều cao khoảng 5 mét và diện tích là 55 mét vuông.

Bên trong lớp vỏ hình vòm trong suốt, Biopod được trang bị hệ thống giàn trồng cây bố trí theo chiều dọc. Hai máy tính sử dụng công nghệ AI được kết nối với các cảm biến sẽ quản lý nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và mức oxy. Ngoài ra Biopod có chứa một bình nước 500 lít với thời lượng pin từ ba đến sáu tháng, tùy thuộc vào khí hậu mong muốn. Thiết bị này còn tạo ra lượng CO2 cần thiết cho cây phát triển.

Biopod được lấy cảm hứng từ công nghệ vũ trụ cung cấp một hệ thống sản xuất hoàn toàn khép kín, để đảm bảo cây trồng không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và nhiệt độ của môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó, thiết bị này có thể được triển khai dễ dàng, nhanh chóng và không cần nền móng hoặc nguồn nước. Hình dạng của khoang trồng cũng giúp dễ thông khí, sưởi ấm và làm mát.

Công ty Interstellas cũng đã phối hợp với NASA để đưa Biopod lên trên mặt trăng vào năm 2027.  Khoang trồng này giúp NASA duy trì dinh dưỡng cho các nhà du hành trong thời gian dài sống trong môi trường không trọng lực, khép kín. Trong hai thập kỷ qua, thực đơn của các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS chủ yếu là món ăn đóng gói sẵn, những thức ăn tươi chỉ được cung cấp khi có các chuyến tàu tiếp tế.

Ngoài mục đích cải thiện cuộc sống của các phi hành gia, khoang trồng cây trên vũ trụ còn thu hút một trong những công ty dẫn đầu thị trường về hương liệu và nước hoa, công ty Robertet của Pháp.

Bà Barbara Belvisi, người sáng lập Interstellar Lab cho biết: "Khách hàng của chúng tôi hiện đang thực sự gặp khó khăn vì biến đổi khí hậu. Thời tiết khó lường gây bất ổn trong nguồn cung nguyên liệu của họ. Vì vậy, điều họ đang tìm kiếm là một giải pháp trồng cây hiệu quả hơn để đánh giá về năng suất cũng như tối ưu hóa chi phí, không gây hại cho môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học."

Cũng theo bà Barbara Belvisi, "việc trồng trong khoang Biopod giúp giảm lượng phát thải CO2 do quá trình vận chuyển nguyên liệu từ nước này sang nước khác. Chúng tôi tối ưu hóa việc tiêu thụ nước, so với nông nghiệp truyền thống, ở đây 99% nước được tái chế và tái sử dụng. Chúng tôi lấy CO2 từ khí quyển để làm tăng mức CO2 bên trong khoang trồng cây”.

Công ty Interstellar Lab có kế hoạch bán sản phẩm của mình với giá 350.000 USD (gần 8,5 tỷ đồng) sau khi sản phẩm này được thương mại hóa. Bà Barbara Belvisi cho biết, mục tiêu công ty đặt ra là bán được 500 khoang Biopod .

Bên cạnh những nguy cơ tiềm ẩn thì AI có rất nhiều lợi ích. Nếu các quốc gia có chính sách phát triển và sử dụng AI đúng cách thì có thể vừa bảo vệ công dân tránh được những rủi ro mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra, đồng thời thúc đẩy những ý tưởng khởi nghiệp mới, đem lại lợi ích cho cuộc sống con người. Đó cũng là mục tiêu mà nhiều quốc gia trên thế giới đang theo đuổi

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.

Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ được dư luận quốc tế nhìn nhận như một thách thức mới cho quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã trải qua nhiều sóng gió trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.