Châu chấu rang, hồi ức đẹp những ngày thơ ấu
Trong những ngày mùa màng thất bát hoặc những buổi tối se lạnh, các bà, các mẹ trong làng thường tụ tập quanh bếp lửa, bên cạnh những chiếc chảo gang cũ kỹ, rang từng mẻ châu chấu vừa bắt được trong ruộng lúa hay vườn cây. Châu chấu là loài côn trùng nhỏ bé, nhưng lại là nguồn thực phẩm dồi dào, dễ dàng tìm thấy trong thiên nhiên. Với đôi bàn tay khéo léo, người dân đã biến chúng thành món ăn lạ miệng mà đầy bổ dưỡng, không chỉ cung cấp năng lượng mà còn chứa đựng một phần ký ức, một phần cuộc sống khó khăn của những người dân nghèo.
Một trong những món ăn bình dị ở làng quê Hà Nội khi xưa chính là món châu chấu rang. Cũng bởi, châu chấu là một thức ăn đơn giản, rẻ tiền nhưng lại phải theo mùa, chẳng phải cứ muốn ăn bất cứ thời điểm nào cũng có. Chính vì thế, bọn trẻ ở làng khi xưa hay nói đùa rằng châu chấu là lộc trời cho, có nhiều tiền cũng chưa chắc mua được.
Thông thường, mùa châu chấu không có quanh năm, mà chỉ xuất hiện vào các vụ gặt. Thời điểm khi những cánh đồng bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu vàng như những tấm thảm khổng lồ thì mùa vui của bọn trẻ con cũng bắt đầu khi tha hồ ra đồng tìm bắt các loại châu chấu, cào cào, muồm muỗm.
Chẳng rõ các loại châu chấu, cào cào, muồm muỗm từ đâu đến nhưng có lẽ hương lúa chín cũng khiến chúng xốn xang theo bước chân người nông dân. Mặc dù thân hình châu chấu có phần tương đồng giống như màu cỏ, màu lá lúa nhưng vẫn không làm khó được những đứa trẻ chăn trâu.
Cách bắt châu chấu thông thường không khó, mải chơi thì căng màn rồi dùng gậy lùa chúng vào. Theo kinh nghiệm của nhiều người lớn trong làng, những con châu chấu vào mùa gặt bao giờ cũng béo tròn, da căng bóng bẩy. Để bắt được châu chấu ngon, nên chọn những con đầu nhỏ, bụng nhiều trứng hoặc có màu xanh mạ non.
Những buổi trưa sau giờ tan trường, lũ trẻ trong làng sẽ rủ nhau đi bắt châu chấu. Những đứa trẻ háo hức đến độ ăn vội vàng bữa cơm trưa, rồi mặc kệ trời trưa nắng nóng, lon ton chạy ra cánh đồng, quần xắn tận bẹn, tay cầm chiếc chai to hoặc tận dụng cái bao tay của mẹ, chầm chậm lội hết ruộng trên đến ruộng dưới để đuổi bắt châu chấu. Thậm chí, có hôm say mê đến độ cả bọn bị lá lúa cứa xước cả chân, tứa máu mà cũng không để ý.
Dụng cụ bắt châu chấu cũng được tận dụng từ túi ni lông, nẹp bằng khung dây thép uốn tròn, buộc thêm cái cán dài để dễ cầm hoặc đôi khi chỉ là cái bao tải dứa cũ mẹ bỏ thế là đã có một đồ nghề bắt chấu hữu hiệu. Hoặc đơn giản có khi tiện đi làm đồng, chỉ cần dùng tay không, một lúc đã vồ được cả một xà cạp châu chấu. Cũng có thể dùng vợt thì mỗi lần vợt được cả dăm, bảy, thậm chí cả chục con.
Châu chấu thấy động thì bay xào xạc, nhưng do trời nhá nhem tối, châu chấu không thể bay được xa. Chỉ một đoạn chúng lại dừng lại và nép mình trên lá lúa. Người đi bắt, nếu cần mẫn, chỉ một vài tiếng là được cả cân châu chấu. Châu chấu có rất nhiều loại, như chấu chấu lúa và châu chấu tre. Châu chấu lúa tuy thân hình nhỏ nhưng đanh, ngon, rắn thịt và rất thơm. Châu chấu tre thì ít khi được người khác tìm bắt để chế biến món ăn, chỉ đôi khi có vài con lẫn vào cùng với châu chấu lúa. Châu chấu tre thân mình to nhưng rỗng, khi rang lên thì có vị giòn tan.
Khi đem châu chấu về, người ta thường chuẩn bị một nồi nước sôi, rồi khéo léo luồn cả bao, đổ cả túi vào nồi nước để chần qua. Sau đó, chúng được mang ra nhặt hết cánh, chân, tiến hành rút ruột, bỏ đầu, rửa sạch và đem rang. Trước khi rang châu chấu, phải chuẩn bị chút lá chanh và nước dưa chua thì mới hợp vị. Cuối cùng, nêm thêm ít gia vị như tương, nước mắm vào đảo cho ngấm. Nếu muốn món ăn ngon hơn thì trước khi bắc ra nên rắc ít mì chính và rải lá chanh vào đảo qua rồi dọn ra đĩa. Cứ thế, cả nhà vừa ăn vừa râm ran trò chuyện đủ mọi điều từ chuyện ruộng đồng đến nhà cửa, cảm giác ấm áp vô kể.
Châu chấu rang đã ngon rồi, nhưng còn ngon hơn khi tìm được trong đĩa một con châu chấu cái với cái đuôi to đùng, béo bùi toàn trứng, mấy đứa trẻ vùng quê lúc nào cũng lấm lem lại tranh nhau chí choé.
Đến tận bây giờ, với những người con của vùng ngoại thành Hà Nội, khi đã trưởng thành, có lẽ sẽ chẳng ai quên được vị ngon béo bùi của món châu chấu… đặc trưng mùi vị mưa nắng đồng quê, của hương lúa mới. Có đôi lần vào mùa châu chấu, mỗi khi ngang qua chợ phố, bản thân thường rẽ vào mua một vài lạng về ăn như muốn tìm lại chút hương vị của tuổi thơ. Dù thế, vẫn cảm thấy châu chấu bây giờ dường như không được ngon như châu chấu của ngày xưa, dẫu vẫn chế biến theo cách cũ với đủ đầy gia vị mà không sao tìm lại được đúng hương vị đã từng ăn, hương vị của những con châu chấu một thời tuổi thơ mình tự tay đi bắt.
Món châu chấu rang, giản dị nhưng đầy ắp ký ức về một thời nghèo khó, gắn liền với những buổi chiều đông lạnh, khi những bà mẹ đứng bên bếp lửa rang từng mẻ châu chấu giòn tan, thơm nức mùi tỏi ớt. Dù là món ăn bình dân, châu chấu rang lại thể hiện sự sáng tạo và tinh thần vượt khó của người xưa, khi mỗi bữa ăn là bài học về sự kiên cường và tinh tế trong cuộc sống.
Ngày nay, khi những món ăn xưa dần thành hoài niệm, hương vị châu chấu rang vẫn vương lại trong lòng những người từng sống qua thời ấy. Món ăn ấy không chỉ là ký ức về một thời đã qua, mà còn là biểu tượng của sự chịu đựng, tình người và sự gắn kết trong những ngày tháng khó khăn.
Sáng 11/12, Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Thưởng thức từng hạt xôi dẻo, từng viên kem ngọt thơm trên những con phố của Hà Nội, dù là mùa đông hay hè cũng đều đem lại cảm giác thật khó quên.
Sinh ra và lớn lên ở làng rối nước truyền thống hơn 300 năm - làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, đắm chìm trong không gian nghệ thuật này khiến nghệ nhân Nguyễn Văn Phi có duyên với những con rối. Hiện ông là người chế tác rối nước thủ công duy nhất của phường múa rối nước này.
Tiết chào cờ đầu tuần của buổi sáng thứ hai luôn được các nhà trường duy trì với nhiều hoạt động sôi nổi để khởi động một tuần học tập đầy hứng khởi.
Có bao giờ khi bước đi trên phố và ngắm nhìn những khung cửa sổ của những ngôi nhà bên đường bạn chợt nhận ra đó chính là nơi những công dân đô thị 'kết nối' với bầu trời. Nhưng tiếc thay, những ô cửa sổ ấy, đôi khi, lại chẳng thể mở ra khoảng trời đủ rộng thỏa mãn khát khao 'bay cao' của những con người sống trong những ngôi nhà có những ô cửa sổ ấy.
Với gần 130 gian hàng ẩm thực của Việt Nam và 40 quốc gia, Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 không chỉ là nơi người dân Hà Nội và bạn bè quốc tế được trải nghiệm những hương vị độc đáo làm nên nền ẩm thực nổi tiếng của nhiều quốc gia mà còn mở ra cơ hội giao lưu văn hóa, thúc đẩy quan hệ giữa các nước thông qua ngôn ngữ chung là ẩm thực.
0