Chiến dịch thần tốc cứu cây

Ngay sau bão, trong suốt hơn 10 ngày qua, cả Hà Nội xắn tay vừa dọn bão vừa cứu cây xanh. Chiến dịch “Cứu cây thần tốc” được khởi động, với hy vọng hồi sinh những cây xanh quý giá, khôi phục không chỉ màu xanh mà cả giá trị tinh thần vô giá mà cây xanh mang lại.

Cây xanh đang hồi sinh sau bão

Cơn bão Yagi với cấp siêu bão đã vào Hà Nội tối 7/9. Người Hà Nội chứng kiến cơn cuồng phong kèm mưa lớn ở mức độ chưa từng thấy, trong đêm, suốt nhiều giờ.

Bão qua, đường phố Hà Nội ngổn ngang cây gãy, đổ. Những người từng đi qua chiến tranh, nhìn đường phố Thủ đô ngày sau bão Yagi, liên tưởng đến cảnh tượng cây rừng sau những trận bom rải thảm.

Cây bật gốc, ngã, đổ, nhưng từng chùm rễ không chịu dứt khỏi đất…

Cây gãy ngang thân, ngang cành, cành không muốn rời thân. Ở vết gãy, nhựa không thôi ứa trào…

Cây non, cây già, cây trồng mới và cây thành cổ thụ. Cây ở tầm di sản, cây gửi gắm những tầng ký ức, trước cơn cuồng phong chẳng thể trụ vững.

Bão qua, đường phố Hà Nội ngổn ngang cây gãy, đổ.

Chị Hoàng Thu Thủy, phố Hàng Bạc, cho biết: "Đợt trước có bão, mình đi quanh bờ hồ thấy có mấy cành cây bị xẻ ngang, xẻ dọc thôi, còn giờ đến mấy cây cổ thụ lâu năm cũng bị bật gốc, chứng tỏ cơn bão lớn đến nhường nào".

Anh Đoàn Hoàng Long, phố Tân Mai: "Thiệt hại của Hà Nội, đăc biệt về cây xanh là ngoài sức tưởng tượng. Thực sự tôi thấy rất tiếc vì cây xanh là một phần không thể thiếu của thành phố".

Ngay sau bão, trong suốt hơn 10 ngày qua, cả thành phố đã xắn tay, vừa dọn bão, vừa cứu cây xanh. Chiến dịch “Cứu cây thần tốc” được khởi động, với hy vọng hồi sinh những cây xanh quý giá, khôi phục không chỉ màu xanh, cảnh quan đô thị mà cả giá trị tinh thần vô giá mà cây xanh mang lại.

Nhờ sự chung tay quyết liệt của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, cùng với tinh thần nhiệt huyết của người dân, hàng hàng cây xanh đã được dựng lại, dần phục hồi. Bà Trương Thị Chí, phường Xuân La, quận Tây Hồ, nhận xét: "Thành phố đang hồi sinh nhiều, những mầm non đang trỗi dậy và mọi người đều hoan hỉ xây dựng, tái thiết lại thành phố. Hôm trước bão thì cảnh quan xung quanh thực sự kinh hoàng còn hôm nay tôi thấy rất sạch sẽ và tôi thấy chúng ta đúng xứng đáng với danh xưng thành phố hòa bình".

Với bà Đặng Thị Linh, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân: "Hà Nội đã gần như hồi phục lại các cây xanh, các cây gãy đổ thì đã được dọn dẹp, và có thể nói sự sống đã trở lại với nhịp sống thường ngày của thành phố này".

Theo bạn Nguyễn Thị Phương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân: "Một người sống gắn bó với cây xanh, cây xanh gần như gắn liền với tuổi thơ của mình, khi một cây như thế mất đi mình thấy rất là tiếc. Khi mà cây xanh được phục hồi trở lại, mình thấy vui hơn".

Những thân cổ thụ từng tơ tướp vì gió bão, được chăm sóc, phục hồi, đã bật nhú mầm xanh. Khắp các con phố của Thủ đô, vóc dáng hàng cây xanh đang định hình trở lại. Trên đầu cành, đầu nhánh cây đã le lói màu xanh.

Những cây di sản được cứu như thế nào?

Khi nhắc đến Hà Nội, cùng với 36 phố phường, hồ Gươm, hồ Tây, không thể không kể đến những cây cổ thụ. Nhưng cây cổ thụ ở Hà Nội đang ít dần và càng trở nên quý hiếm, vì vậy một số cây đa, cây đề hàng chục, hàng trăm năm tuổi được chính quyền, người dân chăm sóc, bảo vệ.

Thế nhưng trong cơn bão số 3, nhiều cây cổ thụ đã không trụ vững. Phải chứng kiến và nói lời tạm biệt với những bóng cổ thụ đã gắn liền với bao thế hệ, nhiều người dân Thủ đô không khỏi bùi ngùi.

Cây sưa đỏ ven hồ Thiền Quang, theo người dân kể lại và công ty công viên cây xanh đánh giá, với đường kính thân khoảng 40cm, cây này phải có tuổi đời đến 60-70 năm. Sau 1 tuần gãy đổ, chiều qua, sau khi tỉa gọn các cành gãy và rễ bị dập nát, cây đã được các đơn vị chức năng dựng lại.

Những dây bản to được dùng để bảo đảm cây xanh không bị trầy xước trong quá trình vận chuyển.

Anh Đào Xuân Ích - Tổ trưởng tổ 10 - Xí nghiệp cắt sửa cây xanh, cho biết: "Theo quy trình thì cây đổ xuống, chúng tôi phải cắt cái đầu cây sinh trưởng và phần rễ bị dập, sau đó chúng tôi phải đào hố để trồng lại, bên cạnh đó xử lý các vết cắt, bôi thuốc liền sẹo để bảo đảm không bị thoát nước để cây sinh trưởng".

Ông Nguyễn Văn Long - Hiệp hội cây xanh Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi dùng những dây bản to để bảo đảm cây xanh không bị trầy xước. Khi trồng cây xanh, lúc nào chúng tôi cũng phải làm từ từ, không thể vội được, chúng tôi còn phải xem xét phải xoay cây theo hướng nào, bảo đảm cây được đặt ngay ngắn".

Hai cây đa cổ thụ tuổi đời hơn 200 năm, trước cửa Đền thờ Hai Bà Trưng ở phố Hương Yên, phường Đồng Nhân - di tích lịch sử cấp quốc gia, đều bị gãy đổ. Các cây này cũng được cưa tỉa cành để dựng lại. Người dân trong khu vực rất phấn khởi.

Ông Vũ Ngọc Ánh - phường Đồng Nhân, nói: "Rất mong cấp trên sẽ trồng lại cây đa này lại cho chúng tôi, rất nhiều kỉ niệm của người dân gắn với cái cây này".

Cây đa Bác Hồ trồng trong Công viên Thống Nhất từ năm 1960, bị tét một nửa nhánh bên trái và 3 trong số 9 bộ rễ của cây bị bão xô đứt. Ngay sau bão, cây được dựng lại trước tiên, và được những chuyên gia cây xanh chăm sóc bảo tồn.

Ông Ma Kiên Hán - Phó Tổng giám đốc Công ty Công viên Thống Nhất, cho biết: "Tôi nghĩ sẽ phải mất 2-3 năm để cây có thể trở lại hiện trạng như cũ, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, chúng tôi cũng sẽ phấn đấu để nuôi sống và phục hồi về cơ bản cái nét ban đầu của cây đa Bác Hồ".

Lực lượng chức năng nỗ lực cứu sống cây.

Hai cây sưa trắng, ở góc đường Chùa Một Cột - Chu Văn An, quận Ba Đình, bị đổ trong cơn bão số 3, đã được Công ty Công viên cây xanh Hà Nội dựng lại đúng vị trí cũ. Hai cây sưa này có tuổi đời vài chục năm, đường kính khoảng 70-80cm.

Để cứu cây bị đổ, các công nhân phải cắt bỏ lá, tỉa bớt cành, nhằm tập trung dưỡng chất nuôi thân, tăng khả năng sống sót của cây. Ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó TGĐ Công ty công viên cây xanh Hà Nội, cho biết: “Cây bị ngã đổ chúng tôi sẽ tiến hành cắt sửa còn lại chiều cao khoảng 6-8m tùy loại cây và địa điểm cụ thể. Sau đó, chúng tôi sẽ bôi chất liền sẹo để đảm bảo thân cây phát triển ổn định. Sau khi dựng lại cây, chúng tôi sẽ bôi chất kích thích rễ phát triển. Cuối cùng là chống dựng cây để đảm bảo cây không ngã đổ trong mưa bão”.

Để Hà Nội trở lại một màu xanh 

Hà Nội đang dần hồi phục. Điều thể hiện rõ nhất là tinh thần đoàn kết của người dân Hà Nội, từ các cấp chính quyền đến từng người dân, mọi người đều chung tay dọn dẹp, cứu chữa cây xanh, cùng nhau xây dựng một Hà Nội xanh.

Hà Nội sớm thôi sẽ trở lại màu xanh vốn có.

Với tinh thần lạc quan và ý chí mạnh mẽ “đoàn kết là sức mạnh”, giờ đây khi đi ra đường, chúng ta cảm nhận rõ những cây xanh bị gãy đổ sau cơn bão Yagi đã được chăm sóc kỹ càng cẩn thận, những con đường đã sạch đẹp và gọn gàng, và cuộc sống đang dần trở lại bình thường.

Điều đó cho thấy, với sự chung tay của cả cộng đồng, Hà Nội sẽ sớm hồi sinh và trở nên xanh tươi hơn bao giờ hết. Cây xanh Hà Nội sẽ sớm hồi sinh, trở thành biểu tượng của sự sống và sức mạnh của thành phố. Hà Nội sớm thôi sẽ trở lại màu xanh vốn có.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sau hơn ba tháng xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu, chiều 21/12, tại xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức khởi công xây dựng cầu Phong Châu mới.

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, vai trò là lực lượng quân đội anh hùng của dân tộc, là niềm tự hào của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

7h44 sáng 22/12, lễ công bố vận hành chính thức tuyến metro số 1 đã bắt đầu. Cùng tham dự với lãnh đạo TP.HCM, đại biểu các bộ, ngành là đông đảo người dân TP.HCM háo hức chờ để được trải nghiệm 9 đoàn tàu hoạt động từ 5h sáng tới 22h đêm.

Trong lịch sử vẻ vang 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn tự hào vì quân đội ta được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu trực tiếp sáng lập, giáo dục, rèn luyện. Và cũng thật đặc biệt khi tên của Người đã được nhân dân đặt cho quân đội với cách gọi vô cùng thân thương và trìu mến "Bộ đội Cụ Hồ".

Chào mừng tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vận hành, cuộc thi “Chạm đến tương lai cùng Metro” đã được phát động tại TP. HCM, nhằm khơi nguồn sáng tạo, kết nối cộng đồng và lan tỏa cảm hứng đô thị hiện đại.

Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác bài hát về phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhằm kêu gọi mọi người không hút thuốc, bỏ thuốc để cùng nhau xây dựng môi trường sống trong lành không khói thuốc lá.