Chiến sự Nga – Ukraine 24/11
Nga tấn công các sân bay của Ukraine
Hãng tin RIA Novosti ngày 24/11 dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong vòng 24 giờ, quân đội Nga đã tấn công các sân bay quân sự, cơ sở sản xuất và kho chứa máy bay không người lái của Ukraine. Những cơ sở này đã bị hư hại sau đòn tấn công của Nga. Quân đội Nga cũng đã tấn công vào nơi tập trung nhân lực và trang thiết bị của đối phương ở 141 khu vực.
Đồng thời, hệ thống phòng không Nga đã bắn hạ 44 máy bay không người lái của phía Ukraine.
Hai máy bay không người lái của Ukraine bị bắn hạ trên lãnh thổ khu vực Kursk và Belgorod.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong ngày qua, Lực lượng vũ trang Ukraine có 1.500 binh sĩ thiệt mạng và bị thương, ba kho đạn bị phá hủy.
Thống kê cho biết từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, phía Ukraine đã mất:
- 649 máy bay;
- 283 trực thăng;
- 36.603 máy bay không người lái;
- 586 hệ thống tên lửa phòng không;
- 19.496 xe tăng và xe chiến đấu bọc thép khác;
- 1.492 xe chiến đấu thuộc hệ thống tên lửa phóng loạt;
- 18.472 khẩu pháo dã chiến và súng cối;
- 28.701 xe quân sự.
Trên mặt trận Kursk, Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/11 cho biết các đơn vị quân đội nước này đã tiêu diệt hơn 260 binh sỹ thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine, một xe tăng và một xe bọc thép chỉ trong một ngày.
Tổng cộng từ khi tiến công vào Kursk, phía Ukraine đã mất: 35.310 quân nhân, 216 xe tăng, 149 xe chiến đấu bộ binh, 120 xe bọc thép chở quân, 1.193 xe chiến đấu bọc thép, 1.022 xe ô tô, 300 khẩu pháo, 40 bệ phóng đa nòng. hệ thống tên lửa bao gồm 11 HIMARS và 6 MLRS do Mỹ sản xuất, 13 bệ phóng lắp đặt hệ thống tên lửa phòng không, 7 phương tiện vận tải, 70 trạm tác chiến điện tử, 13 radar phản pháo, 4 radar phòng không, 27 đơn vị kỹ thuật và thiết bị khác, trong đó 13 phương tiện dọn chướng ngại vật kỹ thuật, 1 UR-77 lắp đặt rà phá bom mìn, cũng như 6 xe sửa chữa bọc thép - xe phục hồi và xe chỉ huy điều khiển.
Ukraine tuyên bố tập kích tổ hợp S-400 của Nga tại Kursk
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine ngày 24/11 cho biết, trong đêm ngày 23/11, lực lượng tên lửa Ukraine phối hợp với các đơn vị khác thực hiện cuộc tập kích hiệp đồng vào vị trí một đơn vị thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không số 1490, Tập đoàn quân số 6 của Nga ở tỉnh Kursk. Đòn tấn công đã đánh trúng đài radar của một tổ hợp phòng không tầm xa S-400.
Phía Ukraine lưu ý rằng Lực lượng Vũ trang Nga đã tiến hành các hoạt động chiến đấu theo chế độ "đất đối đất", tức là đánh vào các mục tiêu cố định trên đất liền Ukraine.
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine không tiết lộ loại vũ khí được sử dụng và chưa đưa ra bằng chứng về sự việc.
Trang tin hàng không quân sự Avia Pro của Nga nói rằng Ukraine đã phóng 5 tên lửa đạn đạo ATACMS nhằm vào tỉnh Kursk đêm 23/11, song các hệ thống phòng không S-400, S-300V4 trực ban đã phát hiện mục tiêu và kịp thời đánh chặn.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Trong khi đó, Thống đốc tỉnh Kursk ngày 24/11 cho biết hai tên lửa và 27 máy bay không người lái của Ukraine đã bị phá hủy trên vùng Kursk của Nga.
Hiện vẫn chưa rõ những tên lửa nào đã bị phá hủy. Thống đốc khu vực Kursk Alexei Smirnov không cung cấp thêm thông tin chi tiết trong bài đăng trên kênh Telegram của mình.
Ukraine nghiên cứu mảnh vỡ thu được từ tên lửa Nga
Cục An ninh Ukraine (SBU) ngày 24/11 cho biết đã nghiên cứu mảnh vỡ thu được từ loại tên lửa siêu vượt âm mới mà Nga dùng để tấn công thành phố Dnipro vào ngày 21/11.
Theo Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine, loại vũ khí này có khả năng thuộc tổ hợp tên lửa Kedr có liên quan đến hệ thống Oreshnik và được thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 6/2021.
Trong đánh giá đầu tiên về tên lửa Oreshnik ngày 22/11, Ukraine nói rằng tên lửa Oreshnik đã tấn công thành phố Dnipro vào ngày 21/11, đạt tốc độ tối đa hơn 13.000 km/h và mất khoảng 15 phút để đến mục tiêu từ vị trí phóng.
Trước đó, đài RT dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng, Nga đã sử dụng hệ thống tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới nhất có tên là Oreshnik để tấn công cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine tại Dnipro vào sáng 21/11.
Tên lửa này thuộc thế hệ vũ khí tầm trung mới của Nga, có tốc độ đạt Mach 10 (2,5-3 km mỗi giây). Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện nay, kể cả những hệ thống mà Mỹ triển khai ở châu Âu, có thể đánh chặn được Oreshnik.
Theo ông Putin, cuộc tấn công đã phá hủy thành công một trong những khu công nghiệp thời Liên Xô lớn nhất của Ukraine chuyên sản xuất công nghệ tên lửa.
Trong bài phát biểu, ông Putin nêu bật lợi thế chiến lược của công nghệ tên lửa mới của Nga, khẳng định các hệ thống phòng thủ phương Tây, bao gồm cả những hệ thống tại căn cứ Mỹ ở châu Âu, không thể đánh chặn được. Nhà lãnh đạo coi việc triển khai hệ thống Oreshnik là phản ứng với các hành động ngày càng leo thang của NATO, như Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 2019.
“Những tên lửa như Oreshnik là câu trả lời của chúng tôi đối với kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn của NATO tại châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Putin nói.
Sau vụ Nga tấn công thành phố Dnipro, kênh CNN đã phát hình ảnh mảnh vỡ từ tên lửa Oreshnik mà một nguồn tin an ninh Ukraine cung cấp.
Rostov của Nga sẽ bị Ukraine tấn công bằng tên lửa tầm xa
Theo The Wall Street Journal (WSJ), Ukraine có thể thực hiện cuộc tấn công tiếp theo bằng tên lửa do phương Tây cung cấp vào khu vực Rostov của Liên bang Nga, nơi có nhiều cơ sở có thể trở thành mục tiêu của Lực lượng vũ trang Ukraine.
Trang newsukraine.rbc.ua dẫn thông tin từ tờ WSJ cho rằng các sân bay, kho đạn và bãi huấn luyện của Nga không còn an toàn sau khi các nước phương Tây cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa. Hàng trăm mục tiêu hiện nằm trong tầm bắn của các loại tên lửa mạnh hơn so với các thiết bị bay không người lái tầm xa mà Ukraine từng sử dụng.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) xác định khoảng 200 mục tiêu quân sự nằm trong tầm bắn của tên lửa ATACMS và Storm Shadow. Nhà phân tích George Barros tại ISW nói rằng đây chỉ là một phần trong số các mục tiêu. Theo ông, Ukraine có thể sử dụng dữ liệu tình báo để tấn công các sở chỉ huy và các cơ sở khác vốn thay đổi vị trí thường xuyên.
Theo ông Barros, loại bỏ một sở chỉ huy lữ đoàn hoặc sư đoàn có thể gây gián đoạn trong vài ngày đối với hàng trăm binh sĩ Nga.
Bài viết trên WSJ nói rằng khu vực Rostov là nơi tập trung nhiều mục tiêu nhất. Có ít nhất bốn sân bay ở đây nằm trong tầm bắn của các loại tên lửa phương Tây, mặc dù một số sân bay này là sân bay dân sự.
Rostov là nơi tập trung nhiều binh sĩ được vận chuyển tới đây bằng máy bay quân sự lớn. Họ được trang bị đầy đủ rồi lên xe buýt và di chuyển đến khu vực phía Đông Ukraine. WSJ cho rằng tấn công vào khu vực này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng và làm gián đoạn một trung tâm tập kết quan trọng của quân đội Nga.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Mỹ có áp đặt các hạn chế đối với loại mục tiêu hoặc khu vực mà Ukraine được phép tấn công hay không.
Thông tin trên tờ WSJ xuất hiện trong bối cảnh Mỹ gần đây đã cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa ATACMS tầm xa.
FT: Nga tuyển lính đánh thuê Yemen sang chiến đấu ở Ukraine
Theo tờ Finacial Times (FT), Nga đã tuyển hàng trăm lính đánh thuê Yemen có liên hệ với Houthi để chiến đấu ở Ukraine, làm nổi bật mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Moscow và Houthi. Có tin cho rằng những tay súng này bị ép sang Ukraine.
Những tân binh Yemen đã đến Nga nói với tờ Financial Times rằng họ được hứa hẹn việc làm lương cao và thậm chí là cơ hội trở thành công dân Nga.
Tuy nhiên, khi những binh sĩ Yemen đến Nga với sự giúp đỡ của một công ty liên kết với Houthi, họ bị ép buộc gia nhập quân đội Nga và được đưa đến tiền tuyến ở Ukraine.
Tạp chí Anh đánh giá việc tuyển mộ các binh sĩ Yemen cho thấy Nga đang có xu hướng xích lại gần Iran và trục kháng chiến của nước này tại Trung Đông, bao gồm nhóm Hezbollah ở Liban, nhóm Hamas ở Dải Gaza và nhóm Houthi ở Yemen trong bối cảnh leo thang xung đột với phương Tây.
Giới phân tích Mỹ nhận định mối quan hệ giữa Matxcơva và Houthi là điều “không thể tưởng tượng được” trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine năm 2022.
Tuy nhiên tình hình hiện tại lại chứng minh Điện Kremlin sẵn sàng mở rộng cuộc xung đột sang các mặt trận mới, bao gồm cả điểm nóng Trung Đông. Điều này phản ánh sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Nga.
Về phía Washington, đặc phái viên Mỹ về Yemen Tim Lenderking xác nhận Nga đang mở rộng các cuộc tiếp xúc với lực lượng Houthi, đồng thời bắt đầu thảo luận về việc chuyển giao vũ khí.
Ngoài ra, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Sana’a có trụ sở tại Yemen Maged Almadhaji cũng cho biết Nga đang quan tâm đến “bất kỳ lực lượng nào ở biển Đỏ hoặc Trung Đông thù địch với Mỹ”. Ông Maged Almadhaji cho biết những lính đánh thuê này được Houthis tổ chức như một phần của nỗ lực xây dựng mối liên hệ với Nga.
Người phát ngôn của Ansar Allah, tên chính thức của phong trào Houthi đã không trả lời yêu cầu bình luận. Mohammed al Bukhaiti, một thành viên của bộ chính trị Ansar Allah, đã nói với trang tin tức Nga Meduza vào đầu tháng này rằng họ thường xuyên liên lạc với giới lãnh đạo Nga để phát triển các mối quan hệ này trong mọi lĩnh vực, bao gồm kinh tế, chính trị và quân sự".
Giảm khí thải từ phương tiện giao thông đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách trên toàn cầu, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Hoạt động trong khu vực tư nhân của Mỹ tăng tốc khi các doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào chính quyền mới sắp tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt với thách thức kép.
Quân đội Ukraine tuyên bố trên Telegram đã phá hủy hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga ở Kursk.
Theo nhật báo Wall Street Journal, sau cuộc tấn công tỉnh Bryansk bằng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp, quân đội Ukraine có thể nhắm mục tiêu vào tỉnh Rostov của Nga.
Hôm nay, 24/11, hàng triệu cử tri Romania đi bỏ phiếu bầu tổng thống vòng 1 để chọn ra người lãnh đạo quốc gia trong nhiệm kỳ 5 năm tới. 13 chính trị gia tham gia tranh cử để chọn ra 2 ứng cử viên có số phiếu cao nhất bước vào vòng 2, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 8/12 tới.
Sau hai tuần đàm phán hỗn loạn và căng thẳng, đại diện gần 200 quốc gia đã thông qua hiệp ước tài chính gây tranh cãi vào sáng nay, tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu thường niên lần thứ 29 (COP29) ở Baku, Azerbaijan.
0