Chiến sự ngày 11/11: Nga giành lợi thế ở Kharkov
Nga giành lợi thế ở Kharkov sau khi kiểm soát Kolesnikovka
Hãng tin TASS dẫn lời ông Vitaly Ganchev, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự-dân sự của vùng Kharkov, miền đông Ukraine, cho biết quân đội Nga tiếp tục giành được lợi thế ở Kharkov sau khi chiếm được khu định cư ven sông Kolesnikovka.
“Nhóm tác chiến phía Tây của Nga đã giải phóng khu định cư Kolesnikovka tại khu vực Kharkov. Quân đội Nga tiếp tục tiến về phía Oskol, san phẳng tuyến đầu dọc theo con sông và hướng tới các khu định cư Glushkovka và Borovaya”, vị quan chức này cho biết.
Ông Ganchev cũng nói thêm rằng tình hình ở các khu định cư khác được giải phóng trước đó rất nguy hiểm. “Chúng tôi đang tìm kiếm dân thường ở các khu vực này để cung cấp cho họ sự hỗ trợ y tế cần thiết”, ông lưu ý.
Nga bác thông tin Tổng thống Putin điện đàm với ông Donald Trump
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/11 bác bỏ thông tin truyền thông phương Tây đưa về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Donald Trump, người vừa tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Hãng tin TASS dẫn phát biểu của ông Peskov khẳng định không có cuộc điện đàm nào giữa hai nhà lãnh đạ, và thông tin trên hoàn toàn sai sự thật. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết thêm hiện không có kế hoạch điện đàm giữa ông Putin và ông Trump.
Tuyên bố được đưa ra sau khi báo Washington Post của Mỹ dẫn một số nguồn tin cho biết ông Trump đã có cuộc điện đàm với ông Putin. Tờ báo Mỹ cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình Ukraine, mục tiêu thiết lập hòa bình ở châu Âu và ông Trump bày tỏ mong muốn tiếp tục đối thoại để thảo luận nhanh chóng kết thúc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên cả Nga và Mỹ không chính thức xác nhận thông tin này.
Trước đó ngày 8/11, ông Peskov tuyên bố ông Putin vẫn sẵn sàng đối thoại với ông Trump, tuy nhiên hiện không có kế hoạch cụ thể nào về vấn đề này. Khi tham dự diễn đàn Valdai, Tổng thống Putin đã gửi lời chúc mừng chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cho biết Moskva không ngại trao đổi với ông Trump. Về phần mình, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng truyền hình NBC, ông Trump tuyên bố chưa điện đàm với ông Putin sau chiến thắng, tuy nhiên để ngỏ khả năng này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga kiểm tra lực lượng tham chiến tại Ukraine
Hãng thông tấn TASS dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết ngày 11/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov đã kiểm tra lực lượng đang chiến đấu tại Ukraine.
Tuy nhiên, tin trên không cung cấp thêm thông tin chi tiết về chuyến thị sát này.
Cùng ngày, tướng Oleksandr Syrskyi, chỉ huy cấp cao quân đội Ukraine, cho biết Nga đang huy động hàng chục nghìn binh sỹ tại khu vực giáp biên giới và tìm cách đánh bật lực lượng Ukraine khỏi vùng lãnh thổ đang kiểm soát tại tỉnh Kursk. Trước đó hồi tháng 8, Ukraine đã tiến hành chiến dịch quân sự vào tỉnh Kursk của Nga, lần đầu tiên kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Ukraine đã kiểm soát một số khu định cư trong chiến dịch này.
Tình báo Nga: Mỹ xem xét thúc đẩy Ukraine tổ chức bầu cử Tổng thống
Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn thông tin từ Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) cho biết Washington đang xem xét khả năng tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Ukraine vào năm 2025 trong bối cảnh tình hình căng thẳng với Nga vẫn tiếp diễn vào năm tới.
“Theo thông tin mà Cơ quan Tình báo Đối ngoại (SVR) Nga thu thập được, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tiếp tục nghiên cứu các kịch bản thay thế lãnh đạo hiện tại ở Ukraine, nếu cần thiết. Trong số những cách hợp pháp khác để loại bỏ Tổng thống Volodymyr Zelensky, Washington đang cân nhắc tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội ở Ukraine trong bối cảnh tình hình căng thẳng với Nga vẫn tiếp diễn vào năm tới", Cơ quan Tình báo Đối ngoại (SVR) Nga hôm 11/11 tuyên bố.
Theo SVR, cơ quan ngoại giao Mỹ đã quyết định đặt nền móng cho chiến dịch tranh cử ở Ukraine.
Trong khi đó theo hãng tin TASS, các nhà hoạt động Ukraine được phương Tây tài trợ đã khởi động các cuộc thảo luận về việc thành lập một đảng thân Mỹ mới tại quốc gia này. Cơ quan tình báo Nga cho rằng hoạt động này của Mỹ cho thấy các quan chức cấp cao tại Washington sẽ tiếp tục quyết định "số phận" của Ukraine và các lãnh đạo của Ukraine trong tương lai.
Cơ quan tình báo Nga tiết lộ Mỹ coi cựu Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov là ứng cử viên phù hợp để thay thế Tổng thống Zelensky.
Theo quy định của Hiến pháp Ukraine, nhiệm kỳ của Tổng thống Volodymyr Zelensky chấm dứt từ ngày 21/5. Theo kế hoạch ban đầu, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra tại Ukraine vào ngày 31/3 để chọn ra người kế nhiệm ông Zelensky. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, ông Zelensky cho biết Ukraine sẽ không tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào trong giai đoạn thiết quân luật như hiện nay.
Nga phá âm mưu cướp trực thăng
Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin Cơ quan An ninh Nga (FSB) đã ngăn chặn một hoạt động tình báo quân sự của Ukraine nhằm cướp một trực thăng tác chiến điện tử của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Cơ quan An ninh Nga (FSB) ngày 11/11 thông báo: “Các đặc vụ thuộc Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR) cố gắng tuyển mộ phi công quân sự Nga với mục đích cướp trực thăng tác chiến điện tử Mi-8MTPR-1 khi máy bay tới vùng đối phương kiểm soát”.
Phi công Nga liên quan cho biết đại diện tình báo Ukraine liên lạc với anh qua Telegram. “Họ thông báo tới ngày đã định, tôi phải lái trực thăng vượt qua chiến tuyến sau khi đầu độc đồng đội của mình”, người này nói, “Đặc vụ tình báo Ukraine đã gửi cho tôi các loại thuốc cần thiết và chỉ dẫn liều lượng”.
Phía Ukraine hứa với phi công này rằng sẽ đưa gia đình của anh ta tới Ukraine qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ và Moldova. "Tình báo Ukraine hứa trả 750.000 USD và hỗ trợ tôi trở thành công dân Czech", phi công Nga nói.
Sau khi phi công Nga báo cáo về kế hoạch của Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR), quân đội và FSB mở chiến dịch phản gián, phát hiện vị trí đóng quân và trận địa phòng không của Ukraine. Lực lượng Nga sau đó dùng pháo phản lực tập kích các vị trí này, theo FSB.
Ukraine và các bên được phi công Nga nhắc tới chưa bình luận về thông tin.
Theo FSB, đây không phải lần đầu cơ quan này phá kế hoạch chiêu mộ phi công và cướp máy bay của tình báo Ukraine, lần gần nhất diễn ra vào tháng 7 với âm mưu nhằm vào oanh tạc cơ Tu-22M3. Chiến dịch phản gián giúp Nga thu nhiều thông tin để tập kích gây thiệt hại cho căn cứ không quân Ozerne ở tỉnh Zhytormy, miền bắc Ukraine.
Hồi tháng 7/2022, FSB phá kế hoạch tuyển mộ phi công Su-34 của Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR) và triển khai chiến dịch phản gián giúp quân đội Nga phá hủy hàng loạt hạ tầng quân sự đối phương. Ukraine tháng 4/2023 mở cuộc điều tra các đặc vụ bị nghi tự ý thuyết phục phi công Su-34 Nga đào tẩu, khiến đối phương tung đòn phản kích gây thiệt hại nặng.
EU sẽ không triển khai quân đến Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Peter Stano hôm 11/11 cho biết Liên minh châu Âu sẽ không triển khai quân đến Ukraine dưới bất kỳ hình thức hoặc nhiệm vụ nào.
"Khi nói đến việc triển khai quân đội trên bộ, Liên minh châu Âu đến nay vẫn không có bất kỳ quyết định nào về việc EU sẽ đưa quân đến lãnh thổ Ukraine, bất kể với bất kỳ hình thức và nhiệm vụ nào”, ông Stano phát biểu trong cuộc họp báo vào giữa trưa ngày 11/11.
Trước đó, hồi tháng 10, tờ Politico đưa tin EU được cho là đang cân nhắc khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine sau khi xung đột kết thúc. Theo cựu đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Kenneth Weinstein, động thái như vậy cho thấy EU vẫn còn lợi ích trong cuộc chơi.
“Nếu có một khu phi quân sự DMZ giữa Ukraine và Nga, tôi đề xuất nên để quân đội EU điều hành khu vực này, không phải quân đội NATO và không phải quân đội Mỹ”, ông Weinstein, hiện là Chủ tịch của Viện Hudson, một nhóm nghiên cứu bảo thủ có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Một nhà lập pháp EU cũng đã xác nhận với Politico rằng vấn đề về lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine “sẽ được nêu ra” sau khi xung đột kết thúc.
Về phía Nga, Moscow đã nhiều lần cảnh báo về việc triển khai lực lượng phương Tây tới Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng động thái như vậy có thể dẫn đến “một cuộc xung đột nghiêm trọng ở châu Âu và một cuộc xung đột toàn cầu”.
Mỹ và các đồng minh NATO nhiều lần khẳng định không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine vì lo ngại trở thành một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Phương Tây đến nay chỉ dừng lại ở việc cung cấp vũ khí, hỗ trợ huấn luyện quân sự cho Kiev. Các nước này cũng chưa cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.
Trả lời phỏng vấn, Đại sứ Nga tại Đức, ông Sergey Nechayev cho biết nước này một lần nữa cảnh báo Đức không nên tiến hành bất kỳ hành động thù địch nào nhằm vào nước Nga nếu không muốn bị đáp trả, trong đó có việc cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine và cho phép Mỹ triển khai tên lửa trên lãnh thổ Đức.
Quân đội Nga ngày 22/12 kiểm soát hai khu định cư ở khu vực Donbass và Vùng Kharkov; trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu Ukraine thừa nhận tình hình căng thẳng trên toàn bộ tiền tuyến.
Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi ngày 23/12 đã có cuộc tiếp xúc với ông Ahmed al-Sharaa, thủ lĩnh nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu lực lượng đang nắm quyền ở Syria.
Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Liên minh các quốc gia Sahel, gồm Burkina Faso, Mali và Niger cho biết, 3 quốc gia này đã đặt lực lượng quốc phòng và an ninh của mình ở mức báo động cao nhất.
Tờ Financial Times của Mỹ ngày 22/12 đưa tin, Tổng thống đắc cử Donald Trump đang đẩy mạnh việc rút nước Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngay vào ngày đầu tiên chính quyền mới chính thức hoạt động. Các chuyên gia cho rằng nếu điều này xảy ra sẽ gây ra thảm họa cho ngành y tế toàn cầu.
Tây Ban Nha đã khởi động giải xổ số đặc biệt mùa Giáng sinh với tổng giá trị giải thưởng lên tới 2,7 tỷ euro (tương đương 2,8 tỷ USD).
0