Chiến sự ngày 27/3: Pháp viện trợ 2 tỷ euro cho Ukraine
Pháp cam kết viện trợ quân sự 2 tỷ euro cho Ukraine
Pháp đã tuyên bố cam kết viện trợ 2 tỷ euro hỗ trợ quân sự cho Ukraine, khi 30 nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Paris để thảo luận về cách củng cố vị thế của Kiev và vai trò của châu Âu trong tiến trình hòa bình với Nga.

Hội nghị lần này do Pháp và Anh khởi xướng, có sự tham dự của Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thư ký NATO Mark Rutte, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yılmaz.
Cuộc họp diễn ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhất trí tiến hành đàm phán ngừng bắn nhằm duy trì sự hỗ trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo từ Mỹ. Tuy nhiên, Nga đã đưa ra thêm các điều kiện, bao gồm lệnh ngừng bắn ở Biển Đen và các mục tiêu năng lượng, khiến nhiều nước châu Âu lo ngại rằng một hiệp định hòa bình thực sự vẫn còn xa.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết cung cấp gói viện trợ quân sự 2 tỷ euro cho Ukraine, bao gồm tên lửa, máy bay chiến đấu và thiết bị phòng không. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết thêm, các đối tác khác có thể sẽ công bố các gói viện trợ bổ sung trong ngày.
Hội nghị lần này nhằm khẳng định vai trò của châu Âu trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào giữa Ukraine và Nga. Dù Mỹ không tham dự, các quan chức Pháp nhấn mạnh rằng, kết quả thảo luận sẽ được chia sẻ với Washington.

Các cuộc đàm phán tập trung vào hai vấn đề chính: tăng cường sức mạnh quân sự cho Ukraine nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai và giám sát một lệnh ngừng bắn giới hạn liên quan đến các mục tiêu trên biển và cơ sở hạ tầng năng lượng, phù hợp với nội dung thảo luận tại hội nghị do Mỹ dẫn đầu tại Ả rập Xê út tuần này.
Hội nghị thượng đỉnh Paris đánh dấu một bước đi quan trọng trong nỗ lực của châu Âu nhằm duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine, trong bối cảnh chiến sự vẫn tiếp diễn và các giải pháp hòa bình vẫn chưa rõ ràng.
Mỹ và Ukraine có thể ký thỏa thuận khoáng sản vào tuần tới
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, Washington và Kiev có thể ký một thỏa thuận hợp tác kinh tế, bao gồm lĩnh vực tài nguyên khoáng sản vào tuần tới.
"Chúng tôi đã chuyển một văn bản hoàn chỉnh về quan hệ đối tác kinh tế. Hiện tại, phía Ukraine đang xem xét và chúng tôi hy vọng có thể tiến hành thảo luận đầy đủ, thậm chí ký kết thỏa thuận vào tuần tới", ông Bessent trả lời Fox News khi được hỏi về tiến trình thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine.
Ông cũng tiết lộ rằng văn bản gốc của thỏa thuận dài bốn trang và đã được hoàn thiện để đảm bảo tính chặt chẽ và toàn diện.

Việc ký kết ban đầu đã bị hoãn lại sau cuộc tranh luận căng thẳng giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 28/2. Tuy nhiên, tại cuộc họp sau đó ở Jeddah, Ả rập Xê út, hai bên đã đồng ý xúc tiến hợp tác khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng của Ukraine nhằm củng cố nền kinh tế nước này.
Trong khi đó, ngày 26/3, Tổng thống Volodymyr Zelensky tiết lộ rằng, Mỹ đã đề xuất một phiên bản mới của thỏa thuận, dựa trên thỏa thuận khung trước đó. Theo ông, thỏa thuận mới đang được xây dựng với mục tiêu tạo ra một "thỏa thuận toàn diện quy mô lớn" giữa hai nước. Tuy nhiên, phiên bản này sẽ không bao gồm sự tham gia của Mỹ vào các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, một đề xuất từng được Tổng thống Trump đưa ra hồi tuần trước. Điều này đồng nghĩa với việc vai trò của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Ukraine sẽ giảm đi đáng kể, mặc dù đây từng là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch hợp tác ban đầu.
Mỹ ưu tiên Sáng kiến Biển Đen trong đàm phán về Ukraine
Mỹ đã quyết định bắt đầu các cuộc thảo luận về khủng hoảng Ukraine bằng cách tập trung vào lệnh ngừng bắn ở Biển Đen, vì đây là vấn đề dễ giải quyết nhất. Đây là tuyên bố được Đặc phái viên Mỹ về Ukraine Keith Kellogg đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 27/3.
"Chúng tôi chọn khởi đầu từ đây vì đó là vấn đề có thể đạt được thỏa thuận dễ dàng nhất. Những vấn đề khác, đặc biệt liên quan đến lãnh thổ sẽ phức tạp hơn nhiều", ông Kellogg nói.
Ông cho rằng đây là bước đi chiến lược nhằm tiến tới một thỏa thuận toàn diện. “Đây là một thành công bước đầu và tôi tin rằng nó sẽ tạo đà cho những bước tiếp theo. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi vẫn là một lệnh ngừng bắn toàn diện”, ông Kellogg cho biết.

Ngày 25/3, Điện Kremlin thông báo đã có các cuộc tham vấn giữa các chuyên gia Nga và Mỹ, dẫn đến thỏa thuận về Sáng kiến Biển Đen với những cam kết quan trọng. Mỹ sẽ hỗ trợ khôi phục quyền tiếp cận thị trường quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực khi các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Nông nghiệp Nga và các tổ chức tài chính liên quan đến xuất khẩu nông sản được dỡ bỏ. Ngoài ra, hai bên còn thảo luận thêm về một số điều kiện khác chưa được công bố.
Việc ưu tiên Sáng kiến Biển Đen được xem là bước đi mang tính chiến lược của Mỹ và đồng minh, mở đường cho các cuộc đàm phán sâu hơn về giải pháp hòa bình cho Ukraine.
Mỹ để ngỏ khả năng dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt Nga
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessen hôm 27/3 cho biết, Washington để ngỏ khả năng dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt Nga để thực thi lệnh ngừng bắn ở Biển Đen, nhưng đồng thời cũng cân nhắc khả năng siết chặt các hạn chế.
Phát biểu với báo chí, Ngoại trưởng Marco Rubio cho biết, Nhà Trắng đã nhận được các điều khoản chi tiết hơn về lệnh ngừng bắn trong lĩnh vực năng lượng và các điều kiện để Nga chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn ở Biển Đen. Các điều kiện này chủ yếu liên quan đến lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

"Một số điều kiện liên quan đến các lệnh trừng phạt do EU áp đặt, không phải của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi sẽ tập hợp lại, đánh giá đề xuất và xem xét lập trường của Nga trước khi đưa ra quyết định tiếp theo", ông Rubio giải thích.
Theo ông, lập trường của Nga sẽ được trình lên Tổng thống Donald Trump để quyết định các bước tiếp theo trong đàm phán.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessen cho biết, Mỹ sẵn sàng xem xét việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt để đổi lấy thỏa thuận ngừng bắn ở Biển Đen, nhưng cũng không loại trừ khả năng siết chặt trừng phạt nếu điều đó có lợi trong đàm phán.
"Tổng thống Trump sẽ không ngần ngại tăng lệnh trừng phạt nếu điều đó mang lại cho ông lợi thế trong các cuộc đàm phán", ông Bessen nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.
Ngoài ra, ông Bessen còn tiết lộ rằng, chính quyền Mỹ có thể xem xét đưa Nga trở lại hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, tùy thuộc vào tiến trình đàm phán và các động thái của Moscow.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, còn quá sớm để khẳng định khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt và quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào hành động của Nga trong thời gian tới.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng, mọi lệnh trừng phạt đối với Nga có thể được dỡ bỏ, nhưng điều này phụ thuộc vào việc Nga có rút quân về biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine hay không.
"Nếu Nga tuyên bố sẽ quay trở lại biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine vào ngày mai, tất cả các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ ngay lập tức", ông Macron nhấn mạnh, đồng thời khẳng định quyết định này hoàn toàn phụ thuộc vào việc Nga có tuân thủ luật pháp quốc tế hay không.
FSB: Tình báo Ukraine tuyển dụng gián điệp tại Nga dưới vỏ bọc Tập đoàn RAND của Mỹ
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, tình báo Ukraine đang tiến hành tuyển dụng gián điệp tại Nga dưới vỏ bọc Tập đoàn RAND Corporation của Mỹ, nhằm thu thập thông tin về hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.
Theo Trung tâm Quan hệ Công chúng của FSB, các đặc vụ Ukraine đã sử dụng danh nghĩa RAND Corporation để tiếp cận công dân Nga, đặc biệt là những người có liên quan đến quân đội.
"FSB đã phát hiện các đại diện của cơ quan tình báo Ukraine sử dụng vỏ bọc của RAND Corporation để tuyển dụng nhân sự trên lãnh thổ Nga và thu thập thông tin về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine", thông báo nêu rõ.

Các đặc vụ Ukraine liên hệ với mục tiêu thông qua ứng dụng nhắn tin, đưa ra lời mời hợp tác với RAND Corporation và hứa hẹn phần thưởng tài chính hậu hĩnh. Họ tự nhận là nhân viên của Trung tâm Đông Âu thuộc RAND Europe, một chi nhánh của RAND Corporation, đồng thời cung cấp danh tính Hans Pung, Giám đốc RAND Europe để tạo lòng tin.
FSB cho biết, các gián điệp Ukraine đã cố gắng thu thập thông tin về chiến lược sử dụng không quân của Nga trong chiến đấu, số lượng và vị trí triển khai của các đơn vị quân đội Nga, cơ cấu tổ chức của lực lượng vũ trang Nga, nhân sự và thiết bị tác chiến điện tử. Mỗi gói thông tin như vậy có thể được tình báo Ukraine trả giá trung bình 1.000 USD.
RAND Corporation là một tổ chức nghiên cứu chiến lược của Mỹ, chuyên tư vấn cho chính phủ Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế về an ninh, chính sách công và quốc phòng. Một phần đáng kể nghiên cứu của RAND liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ và được xếp vào danh mục tuyệt mật.
FSB nhấn mạnh rằng, RAND Corporation được chính phủ Mỹ, các tổ chức quốc tế và nhiều cơ quan chính phủ khác tài trợ.
Vào tháng 12/2023, Nga đã liệt RAND Corporation vào danh sách các tổ chức bị cấm hoạt động trên lãnh thổ nước này.
FSB cảnh báo người dân về các thủ đoạn tinh vi của tình báo Ukraine và kêu gọi cảnh giác, không tham gia vào các giao dịch khả nghi, đồng thời báo cáo ngay cho cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu tuyển dụng gián điệp.
Nga kiểm soát làng Guevo ở vùng Kursk, siết chặt vòng vây quân Ukraine
Hãng thông tấn Ria Novosti đưa tin, lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát làng Guevo ở vùng Kursk bằng thế gọng kìm, cô lập quân đội Ukraine và cắt đứt tuyến tiếp tế của đối phương.
Một sĩ quan thuộc Trung đoàn súng trường cơ giới số 22, nhóm lực lượng phía Bắc, cho biết: “Trung đoàn của chúng tôi đã mở cuộc tấn công, đánh chiếm các vị trí phòng thủ kiên cố của lực lượng vũ trang Ukraine và kiểm soát làng Guevo trong thế gọng kìm”.

Ông cũng tiết lộ, lực lượng Nga đã tiến sâu vào mặt trận, bao vây Guevo từ hướng Tây Bắc và Đông Bắc, khiến quân Ukraine rơi vào tình thế gần như bị cô lập hoàn toàn. Hiện pháo binh Nga đang tiến hành các cuộc tấn công chính xác vào những vị trí cố thủ của Ukraine trong khu vực nhà máy chưng cất.
Trước đó, vào tháng 8/2024, quân đội Ukraine đã bất ngờ quân xâm nhập qua biên giới vào vùng Kursk ở phía Tây nước Nga và chiếm giữ nhiều khu vực. Đến đầu tháng 3/2025, quân đội Nga đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn tại vùng Kursk, giành lại hơn 1.100 km² lãnh thổ chỉ trong vài ngày. Trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến 14/3, hơn 30 khu định cư, bao gồm cả thị trấn Sudzha đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Khi siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ được triển khai vào cuối năm nay, nhóm tác chiến của tàu sẽ bao gồm các khu trục lớp Arleigh Burke được trang bị các hệ thống đánh chặn máy bay không người lái Coyote của Raytheon và Roadrunner-M của Anduril.
Tổng thống Iran kiên quyết bác bỏ đề xuất đàm phán trực tiếp với Mỹ về vấn đề hạt nhân.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẵn sàng thảo luận về giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt xung đột tại Dải Gaza, với điều kiện phong trào Hamas hạ vũ khí và rời khỏi vùng đất này.
Các bệnh viện ở Myanmar đang nỗ lực điều trị cho bệnh nhân sau trận động đất kinh hoàng hôm 28/3; nhiều nơi thiếu nhân lực, cạn kiệt thuốc men, cơ sở hạ tầng bị tàn phá.
Tổng thống Trump cho biết, ông "rất tức giận" với Tổng thống Putin và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với dầu mỏ của Nga nếu nước này không đồng ý ngừng bắn chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Nhà chức trách Thái Lan đã mở cuộc điều tra để xác định nguyên nhân khiến công trình xây dựng 30 tầng đang thi công tại quận Chatuchak bị đổ sập do ảnh hưởng của trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra tại Myanmar cuối tuần qua.
0