Chiến sự ngày 7/10: Ukraine rời bỏ nhiều vị trí phòng thủ

Nga ngăn chặn nỗ lực tấn công của Ukraine và xóa sổ trạm kiểm soát UAV của Ukraine ở Kursk. Ukraine thừa nhận căn cứ trọng yếu trúng tên lửa siêu vượt âm của Nga.

Nga ngăn chặn nỗ lực tấn công của Ukraine ở Kursk

Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 7/10 dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong vòng 24 giờ, lực lượng nước này đã tiếp tục phản công tại vùng Kursk trong khi ngăn chặn nhiều đơn vị Ukraine khác tiến vào khu vực này.

Báo cáo cho biết: “Các đơn vị của nhóm lực lượng Sever (Nga) đã đẩy lùi hai cuộc phản công của đối phương theo hướng các khu định cư Kremennoye và Plekhovo, đồng thời ngăn chặn các nỗ lực tấn công theo hướng các khu định cư Lyubimovka và Russkoye Porechnoye”.

Ukraine thực hiện cuộc tấn công ở Kursk. Ảnh: AP

Theo báo cáo, quân đội Ukraine đã mất khoảng 200 binh sĩ. Một số thiết bị quân sự của Ukraine đã bị phá hủy trong 24 giờ qua, bao gồm 1 hệ thống pháo, 3 khẩu súng cối và 2 phương tiện chiến đấu. 1 binh sĩ Ukraine đã đầu hàng - quân đội Nga lưu ý.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tổng số binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở khu vực biên giới Nga đã vượt quá 20.800. Theo ước tính của quân đội Nga, Kiev đã mất hơn 130 xe tăng, 66 xe chiến đấu bộ binh và gần 100 xe bọc thép chở quân trong chiến dịch ở vùng Kursk được triển khai vào đầu tháng 8.

Pháo binh Nga xóa sổ trạm kiểm soát UAV của Ukraine ở Kursk

Pháo binh thuộc Nhóm tác chiến phía Bắc của Nga đã phá hủy một trạm kiểm soát UAV của Ukraine ở khu vực biên giới Kursk, Bộ Quốc phòng Nga cho hay ngày 7/10. Bộ này cũng đăng tải một video dựa trên dữ liệu thu thập được cho thấy trạm kiểm soát UAV của đối phương bị pháo binh Nga phá hủy.

Quân đội Nga đã xóa sổ kho vũ khí tên lửa/pháo binh của Ukraine ngày 17/7/2024. Ảnh: © Alexander Polegenko/TASS

"Trong suốt quá trình tiến hành các biện pháp trinh sát, các quan nhân thuộc Nhóm tác chiến phía Bắc đã phát hiện ra một trạm kiểm soát UAV của quân đội Ukraine ở khu vực biên giới Kursk. Sau khi xác định và xác nhận địa điểm của đối phương, quyết định tấn công mục tiêu đã được đưa ra”, Bộ Quốc phòng Nga cho hay trong một thông báo.

Các hệ thống pháo ngay lập tức nhắm vào mục tiêu với sự hỗ trợ của UAV. “Pháo binh thuộc Nhóm tác chiến phía Bắc đã phá hủy trạm kiểm soát UAV của quân đội Ukraine bằng một cuộc tấn công chính xác”, Bộ này cho hay.

Trước đó, các trực thăng Ka-52M của Nga đã tấn công các lực lượng và xe bọc thép của Ukraine gần biên giới Kursk. Các tên lửa phóng từ trên không tấn công vào các mục tiêu đã được xác nhận là của đối phương và phá hủy chúng. TASS cũng đưa tin quân đội Ukraine đã bỏ lại các vị trí phòng thủ quan trọng ở khu định cư gần Selidovo thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Tình hình của Kiev ở Gornyak cũng không mấy dễ dàng.

Ukraine thừa nhận căn cứ trọng yếu trúng tên lửa siêu vượt âm Nga

Quân đội Ukraine cho biết sân bay Starokostiantyniv của nước này đã bị tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga tấn công. Theo thông báo của quân đội Ukraine, vụ tấn công xảy ra vào sáng 7/10, sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tự sát và tên lửa nhắm vào thủ đô Kiev. Sân bay quân sự Starokostiantyni là căn cứ trọng yếu của không quân Ukraine và được cho là căn cứ đóng quân của phi đội F-16 của Ukraine.

Binh lính Mỹ đi ngang qua các máy bay chiến đấu Su-27 của Ukraine trong cuộc tập trận quân sự đa quốc gia Clear Sky 2018 tại Căn cứ Không quân Starokostiantyniv ở Vùng Khmelnytsky, Ukraine, ngày 12 tháng 10 năm 2018. Ảnh: Reuters/Gleb Garanich.

Thông báo cũng cho biết Nga đã phóng hàng loạt vũ khí nhằm vào nước này, gồm 3 tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal từ tiêm kích MiG-31, một tên lửa đạn đạo Iskander-M, một tên lửa hành trình chiến thuật Kh-59, một tên lửa chưa rõ loại và số lượng không xác định máy bay không người lái tự sát.

Cuộc tấn công mới nhất vào sân bay Starokostiantyniv ở khu vực Khmelnytskyi phía tây, nơi thường bị Nga tấn công, xảy ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan cho biết sẽ cung cấp cho Ukraine thêm nhiều máy bay chiến đấu F-16 trong những tháng tới.

Ukraine đã nhận được một lô máy bay F-16 vào mùa hè này sau nhiều tháng vận động phương Tây, giữ bí mật tuyệt đối về nơi đóng quân của các máy bay chiến đấu này nhằm bảo vệ chúng khỏi các cuộc tấn công tầm xa từ Nga.

Không quân Ukraine, vốn hiếm khi tiết lộ thiệt hại đối với các mục tiêu quân sự, không nói rõ cuộc tấn công mới nhất này của Nga có gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho căn cứ không quân hay không, nhưng việc thừa nhận một tên lửa tấn công vào khu vực lân cận của cơ sở này là điều bất ngờ.

Thống đốc khu vực Serhiy Tyurin cho biết không có thương vong về dân thường hoặc thiệt hại nào đối với cơ sở hạ tầng quan trọng. Không quân Ukraine cũng cho biết phòng không nước này phát hiện hơn 80 mục tiêu trên radar, bắn hạ 2 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal nhằm vào thủ đô Kiev và 32 máy bay không người lái tự sát tại nhiều khu vực. 37 chiếc khác mất tích có thể do bị vô hiệu hóa bởi tác chiến điện tử.

Nga từng nhiều lần tấn công sân bay Starokostiantyniv từ khi chiến sự bùng phát. Lực lượng Nga từng phóng liên tiếp 5 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal vào địa điểm này trong ngày 26-27/9, phòng không Ukraine không chặn được quả đạn nào. Moskva hôm 6/10 cũng thông báo tập kích sân bay Starokostiantyniv, nhưng không nêu loại vũ khí được sử dụng.

Ngoại trưởng Nga: Khôi phục hòa bình ở Ukraine không nằm trong kế hoạch của phương Tây

Các nước phương Tây không thảo luận về việc khôi phục hòa bình với Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov trả lời Newsweek trong một cuộc phỏng vấn.

“Hiện tại, theo như chúng tôi thấy, việc khôi phục hòa bình không nằm trong kế hoạch của đối phương. Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky vẫn chưa hủy bỏ sắc lệnh cấm đàm phán với Moscow, ông Lavrov cho biết. “Washington và các đồng minh NATO cung cấp hỗ trợ chính trị, quân sự và tài chính cho Kiev để cuộc xung đột tiếp tục diễn ra”, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nói thêm.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Ilya Pitalev - RIA Novosti

Ngoại trưởng Sergey Lavrov cũng tuyên bố Moscow muốn chấm dứt xung đột lâu dài thay vì chỉ đạt được lệnh ngừng bắn với Ukraine. Tuy nhiên, phương Tây phải ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine và Kiev nên chấm dứt các hành động thù địch, đồng thời trở lại “tình trạng trung lập, không tham gia liên minh và phi hạt nhân, bảo vệ tiếng Nga và tôn trọng các quyền và tự do của người dân”.

Ngoại trưởng Lavrov gợi ý rằng thỏa thuận Istanbul, gần như đã được các phái đoàn Nga và Ukraine thông qua vào tháng 3/2022, có thể đóng vai trò là cơ sở cho một giải pháp như vậy, vì thỏa thuận này quy định Kiev chính thức không gia nhập NATO, cũng như đảm bảo an ninh cho Ukraine trong khi thừa nhận "thực tế trên thực địa ở thời điểm hiện tại".

Ông Lavrov cũng nhắc lại rằng, vào tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã liệt kê các điều kiện tiên quyết cho một giải pháp hòa bình với Ukraine, nhưng Kiev đã đáp trả bằng cách phát động một cuộc tấn công vũ trang vào tỉnh Kursk của Nga. Trong khi đó, Mỹ và các nước NATO khác đã công khai tuyên bố mong muốn gây ra một "thất bại chiến lược" cho Nga.

“Trong hoàn cảnh này, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt của mình cho đến khi các mối đe dọa từ Ukraine được loại bỏ”, ông Lavrov nói, đồng thời lưu ý rằng người Ukraine phải trả cái giá lớn nhất trong cuộc xung đột này.

Vào tháng 3/2022, Nga và Ukraine đã tiến hành các cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột. Theo dự thảo thỏa thuận, Ukraine cam kết trung lập vĩnh viễn, cắt giảm quân đội để nhận được những cam kết an ninh. Thỏa thuận bao gồm các nghĩa vụ của Ukraine về vị thế trung lập không liên kết và từ chối triển khai vũ khí nước ngoài, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, trên lãnh thổ của mình.

Nga cho rằng vòng đàm phán đổ vỡ vào phút chót và Ukraine đã từ chối ký vào dự thảo thỏa thuận sau khi lãnh đạo phương Tây hối thúc Kiev tiếp tục chiến đấu. Cuối năm 2022, Tổng thống Zelensky ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Putin. Ông Zelensky cũng đưa ra công thức hòa bình 10 điểm, trong đó có điều khoản yêu cầu Nga rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine. Kiev coi đây là nền tảng cho bất cứ cuộc hòa đàm nào với Moscow. Trong khi đó, Nga tuyên bố mọi đàm phán phải dựa trên thực tế mới về lãnh thổ, nghĩa là Ukraine phải công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.

EU: Xung đột ở Ukraine có thể chấm dứt trong 15 ngày nếu phương Tây ngừng viện trợ

Hãng tin TASS dẫn lời đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell thừa nhận rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc trong 15 ngày nếu phương Tây ngừng viện trợ cho Kiev.

“Nhiều người muốn xung đột kết thúc càng sớm càng tốt. Nhưng nếu chúng ta ngừng hỗ trợ Ukraine, chiến sự sẽ kết thúc trong 15 ngày và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đạt được mục tiêu của mình. Nhưng chúng ta có muốn kịch bản đó xảy ra với người Ukraine và cho sự an toàn của chính chúng ta, cho người châu Âu không?", ông chia sẻ khi trả lời phỏng vấn với báo Tây Ban Nha 20 Minutos.

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell. Ảnh: © Getty Images / Europa Press News

Cuối tháng trước, Kiev thừa nhận gần như hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự của phương Tây để tiếp tục chiến đấu với Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết: "Chúng tôi giải quyết vấn đề vũ khí và thiết bị quân sự với các đồng nghiệp từ Mỹ, châu Âu, Nhóm Hỗ trợ An ninh - Ukraine, Trung tâm Điều phối Nhà tài trợ Quốc tế... Đây là các hợp đồng mua sắm và hậu cần. Chúng tôi phụ thuộc hơn 80% vào các đối tác".

Tiết lộ của ông Umerov về mức độ phụ thuộc của Ukraine vào viện trợ quân sự phương Tây được đưa ra sau khi Mikhail Podoliak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết Kiev đã phải tranh cãi về tốc độ bàn giao viện trợ với phương Tây thông qua các cuộc đàm phán cực kỳ phức tạp. Ông Zelensky nhiều lần chỉ trích các đối tác phương Tây vì không cung cấp tất cả những vũ khí mà Kiev cần để đối phó với Nga. Ông cũng đổ lỗi cho việc phương Tây chậm trễ bàn giao viện trợ khiến Ukraine tổn thất lớn.

Trong thời gian qua, giới chức phương Tây nhiều lần cảnh báo về nguy cơ Nga sẽ tấn công các nước NATO nếu chiến thắng ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga nhiều lần khẳng định họ không có ý định làm như vậy vì Moscow sẽ không đạt được bất cứ lợi ích gì.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Giảm khí thải từ phương tiện giao thông đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách trên toàn cầu, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Hoạt động trong khu vực tư nhân của Mỹ tăng tốc khi các doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào chính quyền mới sắp tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt với thách thức kép.

Quân đội Ukraine tuyên bố trên Telegram đã phá hủy hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga ở Kursk.

Theo nhật báo Wall Street Journal, sau cuộc tấn công tỉnh Bryansk bằng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp, quân đội Ukraine có thể nhắm mục tiêu vào tỉnh Rostov của Nga.

Hôm nay, 24/11, hàng triệu cử tri Romania đi bỏ phiếu bầu tổng thống vòng 1 để chọn ra người lãnh đạo quốc gia trong nhiệm kỳ 5 năm tới. 13 chính trị gia tham gia tranh cử để chọn ra 2 ứng cử viên có số phiếu cao nhất bước vào vòng 2, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 8/12 tới.

Sau hai tuần đàm phán hỗn loạn và căng thẳng, đại diện gần 200 quốc gia đã thông qua hiệp ước tài chính gây tranh cãi vào sáng nay, tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu thường niên lần thứ 29 (COP29) ở Baku, Azerbaijan.