Chiến sự ngày 8/1: UAV Ukraine tấn công nhiều vùng của Nga
Kho dầu Nga bị cháy do UAV Ukraine tập kích
Thống đốc vùng Saratov của Nga, ông Roman Busargin cho biết sáng 8/1, hai thành phố Saratov và Engels thuộc vùng này đã hứng chịu cuộc tập kích quy mô lớn bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát của Ukraine. Tình trạng khẩn cấp sau đó được ban bố tại thành phố Engels khi mảnh vỡ của phi cơ đã rơi xuống một cơ sở công nghiệp ở thành phố này, gây ra hỏa hoạn. Ngọn lửa sau đó đã được dập tắt. Hai nhân viên cứu hỏa của Bộ Tình trạng khẩn cấp đã thiệt mạng khi dập tắt đám cháy. Một chuyên gia cũng phải nhập viện.
Theo người đứng đầu vùng Saratov, các chuyên gia đã lấy mẫu không khí ở khu vực cháy, không ghi nhận chất gây ô nhiễm vượt quá mức cho phép.
Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine sau đó xác nhận đã tập kích kho dầu tại thành phố Engels, thêm rằng cơ sở này là nơi cung cấp nhiên liệu cho căn cứ không quân Engels-2 ở cùng đô thị. "Kho dầu này cung cấp nhiên liệu cho sân bay quân sự Engels-2, nơi có căn cứ không quân chiến lược của đối phương", tuyên bố có đoạn.
Theo quân đội Ukraine, cuộc tấn công sẽ gây ra "vấn đề hậu cần nghiêm trọng" cho lực lượng không quân chiến lược của Nga. "Việc phá hủy kho dầu tạo ra những vấn đề hậu cần nghiêm trọng cho lực lượng không quân chiến lược của Nga, làm giảm khả năng tấn công các thành phố và các cơ sở dân sự của Ukraine", Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết.
Sân bay quân sự Engels-2 là căn cứ quan trọng cho các máy bay ném bom chiến lược Tu-95, Tu-22 và Tu-160 của Nga. Ukraine cho rằng Nga sử dụng những máy bay này để tiến hành các cuộc tấn công hàng loạt vào Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không đã phá hủy 32 máy bay không người lái của Ukraine trên lãnh thổ Nga vào rạng sáng nay, trong đó Saratov là mục tiêu chính, với 11 UAV bị bắn hạ. 8 chiếc bị phá hủy ở Kursk và Rostov, 6 chiếc ở Belgorod và Bryansk, 4 chiếc ở Krasnodar và Volgograd, 4 chiếc ở biển Azov.
Nga bắt giữ tù binh ở Donetsk
Bộ Quốc phòng Nga ngày 8/1 tuyên bố quân đội nước này đã phá hủy nhiều khí tài và bắt giữ 18 binh sỹ của của lực lượng vũ trang Ukraine ở phía tây Kurakhovo thuộc Donetsk.
"Các đơn vị thuộc nhóm cánh quân phía nam đã chiếm được những vị trí thuận lợi hơn. Họ đã đánh bại các đội hình của 2 lữ đoàn cơ giới và một lữ đoàn cơ động đường không của quân đội Ukraine ở các khu vực Seversk, Belogorovka, Chasov Yar, Vasyukovka và Yantarnoye tại Donetsk. Ba cuộc phản công của đối phương đã bị đẩy lùi. Ukraine mất hơn 280 quân nhân. 18 binh sĩ thuộc lữ đoàn cơ động đường không số 46 của họ đã bị bắt giữ ở phía tây Kurakhovo, Donetsk”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn.
Tổng cộng, tổn thất của lực lượng vũ trang Ukraine lên tới hơn 280 máy bay chiến đấu. Ngoài ra, một xe tăng, một xe chiến đấu bộ binh, một xe bọc thép M113 do Mỹ sản xuất , 7 xe bán tải, 2 khẩu pháo và một kho đạn cũng bị phá hủy .
Kể từ đầu cuộc xung đột hồi cuối tháng 2/2022 cho đến nay, phía Nga đã khiến Ukraine mất tổng cộng 652 máy bay, 283 trực thăng, 39.723 máy bay không người lái (UAV), 590 hệ thống tên lửa phòng không, 20.290 xe tăng và các xe chiến đấu bọc thép khác, 1.507 bệ phóng tên lửa đa nòng, 20.284 khẩu pháo và súng cối dã chiến cũng như 29.983 phương tiện quân sự đặc biệt.
Ukraine: Nga điều quân từ nhiều nơi đến hỗ trợ vùng Kursk
Theo trang RBC-Ukraine, phát ngôn viên của Lực lượng Vệ binh quốc gia Ukraine, Đại tá Ruslan Muzychuk cho biết quân đội Nga đã phải điều binh từ những vùng khác về hỗ trợ mặt trận vùng Kursk.
Theo Đại tá Muzychuk, chiến dịch vùng Kursk của lực lượng vũ trang Ukraine nhằm tạo ra những điều kiện bất lợi cho quân đội Nga, đồng thời làm gián đoạn hoạt động hậu cần của Moscow.
“Điều này không chỉ ảnh hưởng đến phía bắc vùng Kharkov, hay dọc biên giới với vùng Sumy mà còn ảnh hưởng đến các hướng khác của mặt trận. Bởi vì Nga phải điều động các đơn vị của mình từ các hướng nam, ngay từ đầu và từ các hướng khác để tăng cường sức mạnh cho các nhóm đặc biệt ở khu vực Kursk” ông Muzychuk cho biết.
Chuyên gia quân sự, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Ukraine SBU Ivan Stupak, trong bình luận trên kênh YouTube RBC-Ukraine, cho rằng cuộc tấn công của Ukraine ở khu vực Kursk có hai mục tiêu: 30% quân sự và 70% chính trị.
Về mặt quân sự, theo ông Stupak, đây có thể là một nỗ lực khác của Ukraine nhằm chuyển hướng sự chú ý của Nga khỏi miền đông Ukraine, buộc họ phải rút một phần lực lượng khỏi Pokrovsk, khỏi Kurakhovo và chuyển về Kursk. Tức là tạo ra một điểm căng thẳng lớn khác.
“70% trong mục tiêu chính trị là để nhắc nhở một lần nữa rằng chúng ta có thể làm được điều này, để một lần nữa cho thấy sức mạnh của Liên bang Nga còn yếu. Có lẽ đây cũng là một nỗ lực nhằm tạo ra căng thẳng trong xã hội Nga, tạo ra một số bất đồng nhất định trong nội bộ,” ông Stupak gợi ý.
Đáng chú ý là Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây đã chỉ ra tầm quan trọng của vị thế của Ukraine ở khu vực Kursk đối với các cuộc đàm phán trong tương lai.
Ông Blinken nhấn mạnh: “Vị trí của Kiev ở Kursk rất quan trọng vì tất nhiên đây là điều sẽ được tính đến trong bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể diễn ra vào năm tới”.
Nhà khoa học chính trị Igor Reiterovich không loại trừ rằng câu chuyện với vùng Kursk có triển vọng nhất định đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Bởi trên thực tế, ông Trump là người có thể đưa ra đề nghị với Nga để “thương lượng”.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cho biết đúng 5 tháng sau khi Ukraine duy trì vùng đệm trên lãnh thổ Nga, tổng cộng trong chiến dịch Kursk, phía Nga đã mất hơn 38 nghìn binh sĩ.
Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine khi tổng kết kết quả hoạt động nhấn mạnh chiến dịch Kursk còn có mục tiêu ngăn chặn địch tiến vào khu vực Sumy.
Phía Nga chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích cách xử lý của chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với căng thẳng Nga - Ukraine, cho rằng chính điều này là nguyên nhân dẫn tới xung đột hiện nay.
Phát biểu được nhà lãnh đạo tương lai của Mỹ đưa ra trong cuộc họp báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, chỉ chưa đầy hai tuần trước khi ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Trong cuộc họp báo này, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng nếu Mỹ không đưa ra triển vọng gia nhập NATO cho Ukraine, Moscow và Kiev đã có thể tránh được xung đột. Theo ông Trump, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phá vỡ thỏa thuận mà Mỹ từng có với Nga về phạm vi mở rộng của khối quân sự NATO do Washington dẫn đầu.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói: “Nga đã nhiều lần tuyên bố ngay cả trước khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền rằng họ không muốn thấy lực lượng NATO đồn trú ở Ukraine. Tôi có thể hiểu cảm giác của Nga khi một khối quân sự nước ngoài xuất hiện ngay trước cửa nhà”.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO sẽ đe dọa đến an ninh Nga. Hồi tháng 6 năm 2024, Tổng thống Putin từng nêu điều kiện ngừng bắn và đàm phán hòa bình là Ukraine phải từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Trump cam kết sẽ giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, dù thừa nhận đây sẽ là “tình huống khó khăn”. Theo nhà lãnh đạo này, việc ngăn chặn xung đột nổ ra vào năm 2022 sẽ dễ dàng hơn là giải quyết cuộc chiến ở hiện tại. Ông Trump cho biết ông có thể cần 6 tháng sau khi nhậm chức để giúp Moscow và Kiev đạt được thỏa thuận, chấm dứt xung đột.
Lãnh đạo Singapore và Malaysia vừa ký kết thỏa thuận thành lập khu kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là đặc khu kinh tế, nhằm thu hút vốn đầu tư toàn cầu và tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc luân chuyển hàng hóa, con người giữa hai quốc gia.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết nước này đang cân nhắc áp dụng hàng loạt biện pháp cứng rắn với Ukraine nếu Kiev không giải quyết ổn thỏa vấn đề vận chuyển khí đốt Nga.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể bị tuyên án trong ngày 10/1 liên quan đến vụ án chi tiền bịt miệng, Tòa án Tối cao Mỹ cho biết.
Chính phủ Armenia đã thông qua dự luật gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân. Ủy ban bầu cử trung ương Armenia xác nhận có hơn 50.000 chữ ký đồng ý với dự luật. Văn kiện này hiện đã được đệ trình lên Quốc hội để phê chuẩn.
Quốc hội Liban hôm qua đã bầu ông Joseph Aoun, Tổng Tư lệnh Quân đội Liban làm Tổng thống. Ông Joseph Aoun đã tuyên thệ nhậm chức ngay sau đó. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới và các quốc gia tại khu vực đã chúc mừng tân Tổng thống Liban.
Giới chức Trung Quốc cho biết công tác tìm kiếm và cứu hộ sau trận động đất mạnh 6,8 độ xảy ra ở Khu tự trị Tây Tạng về cơ bản đã kết thúc, trọng tâm công việc hiện sẽ chuyển sang tái định cư những người bị ảnh hưởng.
0