Chiều cuối năm con về thăm mẹ

Ngày ba mươi Tết, người ta hay hồi tưởng, tự vấn và rưng rưng thương nhớ những điều đẹp đẽ trong đời. May mắn cho ai còn có cha mẹ để tìm về, để được thấy mình nhỏ lại trong tình thương bao la của bậc sinh thành.

Chiều 30 Tết, Hường mời bạn nghe những dòng cảm xúc của Thanh Hải gửi về cho Hường từ Hưng Yên…

Chiều cuối năm, con lại về bên mẹ sau khi đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và sắp đặt chu toàn cho năm mới. Con về bên mẹ để tận hưởng những giây phút bình an hiếm hoi sau cả năm trời tất bật bận rộn lo toan. Con muốn những thời khắc cuối cùng của năm cũ sẽ lắng đọng lại bởi những điều gần gũi, giản dị mà thiêng liêng vô ngần ấy.

Con có diễm phúc lấy chồng gần, tưởng như bất cứ lúc nào muốn là có thể về bên mẹ. Nhưng con lại thật vô tâm, ngày ngày  đi qua nhà mẹ mà cứ vin vào lý do công việc hoặc con nhỏ để rồi lại nhanh chóng lướt qua. Có khi con chỉ kịp gọi vọng vào một câu “mẹ ơi!”, mẹ nghe thấy tiếng con, lật đật ngó ra thì con đã đi xa hút. Cũng có hôm con dừng xe trước cửa, nhìn thấy mẹ đang bán hàng đông khách, thâm tâm lại tự nhủ: “Mẹ vẫn bán được hàng ấy là mẹ vẫn khỏe, vẫn vui” và rồi lại tặc lưỡi nhấn ga đi. Để rồi về đến nhà con xót xa khi nghĩ về niềm vui “được bán hàng” của mẹ.

Mẹ đi viện về hôm trước thì hôm sau đã lụi cụi dậy bán hàng. Mẹ có tiếng mát tay bán thuốc trị bệnh, mẹ bảo rằng thương người ta đau ốm đang cần đến mình nên mình phải cố. Mẹ có làm cho mẹ đâu. Mẹ làm để các con còn có chỗ dựa. Con thường hay vô tâm, lúc vui vẻ cứ bay nhảy đâu đâu, khi buồn bực khó khăn lại chỉ biết tìm về với mẹ. Cả năm con mới có một chiều bình tâm để về bên mẹ, ngắm nhìn mái tóc bạc trắng và bước đi chậm chạp của mẹ mà lòng rưng rưng xót xa…

Về với mẹ chiều cuối năm, thường thì con sẽ ngồi bán hàng giúp mẹ. Ngắm nhìn mẹ điềm tĩnh cắt thuốc và dặn dò bệnh nhân mà con thầm cảm tạ trời đất vì thấy mẹ mình vẫn còn minh mẫn như thế. Có lúc con mê mải ngắm mẹ nhai trầu, gương mặt phúc hậu của mẹ đỏ bừng vì say trầu mà nghe trong lòng ấm áp lạ kì. Nhất là khi nghe mẹ chuyện trò với khách, hỏi han ân cần, dặn dò chu đáo, con nhận thấy trong mẹ toát lên vẻ đẹp của trí tuệ và tình cảm. Con cảm nhận điều đó bằng tất cả niềm trân trọng tự hào và yêu thương khôn tả.

Chiều cuối năm về với mẹ để được tựa vào vai mẹ, để được đón nhận những thức cây nhà lá vườn mà mẹ đã sắp sẵn. Với mẹ, con mãi như là một đứa trẻ vụng về cần được chỉ bảo chở che. Mẹ tỉ mẩn viết những tờ giấy nhỏ dán lên các chai nhựa hoặc bỏ vào từng túi ni-lon, nét chữ đã dần ngả nghiêng theo thời gian mà sao con lại thấy vững tâm đến thế. Này là “chai rượu tịnh” để thắp hương, này là “dầu hỏa thơm thắp đèn”, đây là túi hương cau dùng đi lễ, kia là túi cau trầu để mời khách. Mẹ luôn tỉ mẩn như thế dù cho những thứ kia con đã sắm sửa đủ đầy…

Rồi mẹ nhẩn nha nhắc lại những chuyện trong năm qua. Có những chuyện con đã trót quên, giờ mẹ nhắc lại, đột nhiên con thoáng giật mình. Có những câu chuyện vui, có cả những điều muộn phiền hối tiếc. Nhưng sau cùng bao giờ cũng lắng lại những lời động viên là niềm hi vọng về những gì sắp tới. Chỉ cần được ngồi bên mẹ, nghe mẹ rủ rỉ chuyện trò là con thấy mọi vui buồn, bao biến cố của năm qua như tan biến hết. Chỉ còn hiện hữu duy nhất là mẹ của con, với bàn tay chai sần hằn vết đồi mồi nâu sạm mà tin cậy chở che, ánh mắt đã mờ đục mà vẫn ấm áp niềm vui, là hơi trầu thoang thoảng quấn quyện trong những lời tâm tình rủ rỉ ăm ắp yêu thương…

Giữa trăm hồng ngàn tía ngoài kia, con chỉ thấy rưng rưng nao lòng trước màu bạc trắng của mái tóc mẹ. Giữa cái ồn ào tấp nập của buổi chợ cuối năm, con chợt thấy những lời dặn dò thủ thỉ ân cần của mẹ là thứ thanh âm diệu kì nhất. Trong cuộc sống hối hả bộn bề, chỉ ở bên mẹ con mới thấy vững lòng. Về với mẹ chiều cuối năm để thấy nơi ấm áp nhất là nhà của mẹ, hạnh phúc giản dị mà thiêng liêng nhất là còn được mẹ chăm chút vỗ về. Về với mẹ chiều cuối năm để gói lại bao tâm tình, để nụ cười ấm áp của mẹ thắp lên trong tim con nguồn năng lượng tràn trề cho ngày đầu năm mới. Cảm ơn mẹ đã cho con những mùa xuân yêu thương./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...