Chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai

Tổng thống đắc cử Donald Trump thường đã phác thảo một chương trình nghị sự rộng khắp, trong đó kết hợp các cách tiếp cận bảo thủ truyền thống đối với các vấn đề thuế và các vấn đề văn hóa với khuynh hướng dân túy hơn về thương mại và sự thay đổi trong vai trò quốc tế của Mỹ.

Chương trình nghị sự của ông Trump cũng sẽ giảm bớt nỗ lực của chính quyền liên bang về quyền công dân và mở rộng quyền hạn của tổng thống.

Nhập cư

Mệnh lệnh “Xây tường!” được nhắc đến thường xuyên trong chiến dịch tranh cử năm 2016 nay đã trở thành “chương trình trục xuất ồ ạt, lớn nhất trong lịch sử”. Ông Trump đã kêu gọi sử dụng Vệ binh Quốc gia và trao quyền cho lực lượng cảnh sát trong nước thực hiện công việc này. Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa tiết lộ chi tiết về chương trình sẽ như thế nào và làm thế nào để đảm bảo rằng chương trình chỉ nhắm vào những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.

Ông đã đề xuất “kiểm tra tư tưởng” đối với những người muốn nhập cảnh, chấm dứt quy định về việc “Bất kỳ ai sinh ra trên lãnh thổ Mỹ đều có quyền trở thành công dân Mỹ (điều này gần như chắc chắn sẽ đòi hỏi phải thay đổi hiến pháp) và cho biết ông sẽ khôi phục các chính sách đã áp dụng nhiệm kỳ đầu tiên như chương trình “Ở lại Mexico”, và hạn chế nghiêm ngặt hoặc cấm những người nhập cảnh từ một số quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi. Nhìn chung, cách tiếp cận này sẽ không chỉ trấn áp tình trạng di cư bất hợp pháp mà còn hạn chế nhập cư nói chung.

Dòng người nhập cư ở biên giới Mexico

Phá thai

Ông Trump coi nhẹ việc phá thai trong nhiệm kỳ thứ hai, ngay cả khi ông trao cho Tòa án Tối cao quyền chấm dứt quyền phá thai của phụ nữ theo luật liên bang và trả lại quy định về phá thai cho chính quyền tiểu bang. Ông Trump kiên quyết cho rằng, cương lĩnh của Đảng Cộng hòa lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ đã không kêu gọi lệnh cấm phá thai trên toàn quốc. Ông vẫn cho rằng việc lật ngược phán quyết Roe v. Wade là đủ ở cấp liên bang. Tháng trước, ông Trump đã nói trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social của mình rằng ông sẽ phủ quyết lệnh cấm phá thai của liên bang nếu dự luật được đưa ra. Khi đó, ông cố tránh đưa ra lập trường cứng rắn trong cuộc tranh luận vào tháng 9 với ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris.

Thuế

Chính sách thuế của ông Trump chủ yếu nghiêng về các tập đoàn và người Mỹ giàu có. Điều đó chủ yếu là do lời hứa của ông về việc gia hạn đợt cải cách thuế năm 2017, với một vài thay đổi đáng chú ý bao gồm việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 21% hiện tại xuống còn 15%, hủy bỏ mức tăng thuế thu nhập mà Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden đề ra đối với những người Mỹ giàu có nhất và bãi bỏ các khoản thuế theo Đạo luật Giảm lạm phát tài trợ cho các biện pháp chuyển đổi năng lượng nhằm chống biến đổi khí hậu.

Bất chấp các chính sách đó, ông Trump đã nhấn mạnh hơn vào các đề xuất mới nhắm vào người Mỹ thuộc tầng lớp lao động và trung lưu, như miễn thuế thu nhập cho tiền boa đã kiếm được, tiền lương an sinh xã hội và tiền lương làm thêm giờ. Lẽ ra quy định này chỉ dành cho các nhân viên phục vụ trong nhà hàng nhưng cũng có thể bị các nhà quản lý quỹ hoặc các luật sư giàu có lợi dụng bằng cách chuyển tiền lương của mình thành tiền boa để được miễn thuế.

Cộng đồng doanh nghiệp hy vọng quan hệ Mỹ-Trung sẽ đi theo hướng tích cực

Thuế quan và thương mại

Quan điểm của ông Trump về thương mại quốc tế là không tin tưởng vào thị trường thế giới vì nó gây hại cho lợi ích của Mỹ. Ông đề xuất mức thuế từ 10% đến 20% đối với hàng hóa nước ngoài - và trong một số bài phát biểu, ông đã đề cập đến thuế suất thậm chí còn cao hơn. Ông hứa sẽ tái lập lệnh hành pháp vào tháng 8 năm 2020 yêu cầu chính phủ liên bang chỉ mua các loại thuốc "thiết yếu" từ các công ty Mỹ. Ông cam kết sẽ chặn người Trung Quốc mua "bất kỳ cơ sở hạ tầng quan trọng nào" tại Mỹ.

Ngành công nghiệp ô tô Đức lo ngại chính sách thuế quan mới của ông Trump

Quy định, bộ máy hành chính liên bang và quyền lực của tổng thống

Tổng thống đắc cử tìm cách giảm vai trò của các viên chức liên bang và các quy định trong các lĩnh vực kinh tế. Ông Trump coi mọi biện pháp cắt giảm quy định và thủ tục là một cây đũa thần kinh tế. Ông cam kết sẽ giảm mạnh hóa đơn điện nước của các hộ gia đình Mỹ bằng cách xóa bỏ các rào cản đối với việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch, bao gồm mở cửa tất cả các vùng đất liên bang cho việc thăm dò và khai thác - mặc dù sản lượng năng lượng của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục. Ông Trump hứa sẽ nới lỏng việc xây dựng nhà ở bằng cách cắt giảm các quy định mặc dù hầu hết các quy tắc xây dựng đều do chính quyền tiểu bang và địa phương đề ra. Ông cũng cho biết ông sẽ chấm dứt "các vụ kiện tụng phù phiếm từ những người cực đoan về môi trường". Cách tiếp cận này sẽ củng cố ảnh hưởng của nhánh hành pháp.

Ông sẽ làm cho việc sa thải nhân viên liên bang dễ dàng hơn bằng cách phân loại hàng nghìn người trong số họ là những người không được hưởng quyền bảo vệ công chức. Điều đó có thể làm suy yếu quyền lực của chính phủ trong việc thực thi các luật lệ.

Ông Trump cũng tuyên bố rằng tổng thống có độc quyền kiểm soát chi tiêu của liên bang ngay cả sau khi Quốc hội đã phân bổ tiền. Ông Trump lập luận rằng nghĩa vụ hiến pháp của tổng thống là "thực thi luật một cách trung thực" bao gồm cả quyền quyết định có nên chi tiền hay không. Cách giải thích này có thể gây ra một cuộc chiến pháp lý với Quốc hội.

Giáo dục

Bộ Giáo dục liên bang sẽ bị xóa sổ. Điều đó không có nghĩa là ông Trump muốn chính phủ trung ương không tham gia gì vào lĩnh vực này. Ông vẫn đề xuất sử dụng nguồn tài trợ của liên bang làm đòn bẩy để gây áp lực buộc các hệ thống trường học bãi bỏ chế độ biên chế lâu dài và áp dụng chế độ trả lương theo thành tích cho giáo viên. Ông kêu gọi cắt nguồn tài trợ của liên bang "cho bất kỳ trường học hoặc chương trình nào thúc đẩy Lý thuyết chủng tộc quan trọng, hệ tư tưởng giới tính, nội dung chủng tộc, tình dục hoặc chính trị không phù hợp khác đối với trẻ em".

Ông Trump nhắm vào các quỹ tài trợ cho giáo dục đại học, nói rằng ông sẽ thu "hàng tỷ đô la" từ các trường thông qua "đánh thuế, phạt tiền và kiện các quỹ tài trợ quá lớn của trường đại học tư thục " tại các trường không tuân thủ các sắc lệnh của ông. Điều đó gần như chắc chắn sẽ dẫn đến các cuộc chiến pháp lý kéo dài.

Giống như trong các lĩnh vực chính sách khác, ông Trump không thực sự đề xuất hạn chế quyền lực liên bang trong giáo dục đại học mà là tăng cường nó. Ông kêu gọi chuyển hướng số tiền tài trợ bị tịch thu vào một "Học viện Mỹ" trực tuyến cung cấp chứng chỉ đại học cho tất cả người Mỹ mà không phải trả học phí. "Nó sẽ hoàn toàn phi chính trị, và sẽ không cho phép sự thức tỉnh hay chủ nghĩa thánh chiến nào". Tuyên bố này được ông Trump đưa ra vào ngày 1 tháng 11 năm 2023.

An sinh xã hội, Medicare và Medicaid

Ông Trump khẳng định ông sẽ bảo vệ An sinh xã hội và Medicare, các chương trình phổ biến dành cho người Mỹ lớn tuổi và là một trong những phần lớn nhất trong chi tiêu liên bang mỗi năm. Tuy nhiên, người ta lo ngại rằng đề xuất không đánh thuế tiền boa và tiền lương làm thêm giờ có thể ảnh hưởng đến An sinh xã hội và Medicare. Ông Trump đã nói rất ít về Medicaid trong chiến dịch vận động tranh cử lần này.

Khí hậu và năng lượng

Ông Trump từng tuyên bố sai sự thật rằng biến đổi khí hậu là một "trò lừa bịp", chỉ trích việc chi tiêu cho năng lượng sạch hơn dưới thời Tổng thống Biden được thiết kế để giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nhiên liệu hóa thạch. Ông đề xuất một chính sách năng lượng - và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng giao thông - gắn chặt với nhiên liệu hóa thạch: đường sá, cầu cống và xe chạy bằng động cơ đốt trong. "Khoan đi, khoan đi, khoan nữa đi!" là câu khẩu hiệu thường xuyên tại các cuộc mít tinh của ông Trump. Ông không phản đối xe điện nhưng hứa sẽ chấm dứt mọi ưu đãi của tổng thống Biden nhằm khuyến khích phát triển thị trường xe điện. Ông Trump cũng cam kết bãi bỏ các tiêu chuẩn về hiệu quả nhiên liệu của thời Biden.

Quyền của người lao động

Ông Trump và Phó Tổng thống đắc cử JD Vance đã định hình chiến dịch của họ là ủng hộ người lao động Mỹ. Nhưng ông Trump có thể khiến người lao động khó thành lập công đoàn hơn. Khi thảo luận về công nhân ngành ô tô, ông Trump tập trung gần như hoàn toàn vào nỗ lực thúc đẩy xe điện của ông Biden. Trong tuyên bố ngày 23 tháng 10 năm 2023, Trump nói về United Auto Workers, "Tôi nói cho các bạn biết, các bạn không nên trả những khoản phí công đoàn đó".

Quốc phòng và vai trò của Mỹ trên thế giới

Cách tiếp cận chính sách và những lời hùng biện của ông Trump về các vấn đề thế giới mang tính cô lập hơn về mặt ngoại giao, không can thiệp về mặt quân sự và bảo hộ về mặt kinh tế so với chính sách của Mỹ kể từ Thế chiến II. Nhưng các chi tiết phức tạp hơn. Ông cam kết mở rộng quân đội, hứa sẽ bảo vệ chi tiêu của Lầu Năm Góc khỏi các nỗ lực thắt lưng buộc bụng và đề xuất một lá chắn phòng thủ tên lửa mới — một ý tưởng cũ từ thời Reagan trong Chiến tranh Lạnh. Ông Trump khẳng định ông có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine và chiến tranh Israel -Hamas, nhưng không giải thích bằng cách nào.

Ông Trump tóm tắt cách tiếp cận của mình thông qua một cụm từ của cựu Tổng thống Reagan: "hòa bình thông qua sức mạnh". Nhưng ông vẫn chỉ trích NATO và các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ. "Tôi không coi họ là những nhà lãnh đạo", ông Trump nói về các quan chức Lầu Năm Góc mà người Mỹ "nhìn thấy trên truyền hình". Ông liên tục ca ngợi các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Báo chí quốc tế quan tâm đến chính sách mới của ông Trump

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, từ 2017 đến 2021, ông Trump đã rút Mỹ khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế, bao gồm Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), thường được gọi là thỏa thuận Iran. Thỏa thuận đó, được đàm phán vào năm 2015 dưới thời Tổng thống Barack Obama, về cơ bản đã nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran để đổi lấy việc cắt giảm chương trình hạt nhân của nước này và cho phép quốc tế giám sát chặt chẽ hơn đối với chương trình này.

Iran lo ngại ông Trump sẽ tăng cường lệnh trừng phạt

Năm 2018, ông Trump từng nói: “Thỏa thuận Iran là một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất và phiến diện nhất mà Mỹ từng tham gia". Kể từ đó, Iran đã xây dựng kho dự trữ uranium đã làm giàu và tăng cường nguồn cung cấp tên lửa, được cho là đã đưa chương trình này đến gần hơn với việc phát triển năng lực hạt nhân.

Ông Trump cũng rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris về giảm phát thải khí nhà kính. Chính quyền ông Trump cũng phá vỡ các thỏa thuận khác, bao gồm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga nhằm hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung; Hiệp ước Bầu trời Mở về các chuyến bay trinh sát quân sự; và hai hiệp định di cư quốc tế.

Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã cam kết một lần nữa rút khỏi các hiệp định và tổ chức quốc tế. Ông sẽ rút Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris một lần nữa, sau khi Mỹ tái gia nhập thỏa thuận này dưới thời Tổng thống Joe Biden. Và ông Trump có thể hạn chế sự hợp tác của Mỹ với các tổ chức của Liên Hợp Quốc mà chính quyền của ông chỉ trích, như Tổ chức Y tế Thế giới.

Có thể ông Trump sẽ tìm cách để rút Mỹ khỏi NATO dù vấp phải sự phản đối của giới ngoại giao và quốc phòng của nước này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chính trị đánh giá, đây dường như chỉ là "chiến thuật đàm phán" nhằm thúc đẩy đồng minh của Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng và giảm bớt gánh nặng cho Washington. Hơn nữa, một số người tin rằng những phát biểu gần đây cho thấy, ông Trump ngày càng có xu hướng ít đề cập đến việc rút Mỹ khỏi NATO như thời gian trước. Ông đã phát biểu rằng, Mỹ sẽ "100% ở lại NATO dưới sự lãnh đạo của ông miễn là các nước châu Âu "chơi công bằng".

Theo James Lindsay, một thành viên cấp cao về chính sách đối ngoại của Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, điều này phụ thuộc nhiều vào các thành viên nội các như ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng, hoặc cố vấn an ninh quốc gia. Những người nắm giữ các vị trí đó có thể có tác động lớn đến tất cả các định về chính sách đối ngoại.

Trong trường hợp không có một bộ máy ngoại giao mạnh mẽ và giàu kinh nghiệm, ông Trump có thể cố gắng tự mình đàm phán chính sách đối ngoại như ông đã từng làm trong quá khứ, như đàm phán của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kết thúc vào năm 2019, đàm phán với Taliban.

Đối với nhiều người Ukraine, việc ông Trump giành chiến thắng là điều vô cùng đáng lo ngại, bởi khi ông nhậm chức có thể rút lại sự hỗ trợ quân sự của Mỹ và gây áp lực lên các đồng minh NATO. Kế hoạch hòa bình của ông Trump được cho là liên quan đến việc gây áp lực để Ukraine từ bỏ lãnh thổ hoặc từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 23/11, người phát ngôn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo, Tổng thư ký NATO, ông Mark Rutte đã gặp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại bang Florida để thảo luận về các vấn đề an ninh toàn cầu mà liên minh phải đối mặt.

Khả năng một thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) có thể sớm được ký kết đã gây ra sự hỗn loạn chính trị ở Pháp và trên khắp châu Âu. Nếu được hoàn tất, đây sẽ là thỏa thuận thương mại tự do quan trọng nhất từng được EU ký kết, tuy nhiên, nó cũng châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình tại Pháp.

Theo Reuters, trong ngày đàm phán kéo dài của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các quốc gia giàu có khác đã nhất trí tăng mục tiêu tài chính toàn cầu từ 250 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035, để giúp các nước đang phát triển chống chịu với biến đổi khí hậu.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử nhà đầu tư Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ mới.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhận định rằng, việc Moscow sử dụng tên lửa Oreshnik sẽ làm thay đổi tiến trình của cuộc xung đột Ukraine.

Nếu đến thủ đô Paris của Pháp những ngày này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một “công viên kỷ Jura” thu nhỏ khi những mô hình của các loài động vật từ thời tiền sử được đem ra trưng bày và tỏa sáng lung linh trong màn đêm.