Chủ nhà trọ trục lợi từ tiền điện của người thuê trọ | Hà Nội tin mỗi chiều
Một nữ sinh viên Học viện Ngoại giao đang thuê trọ ở khu vực gần trường cùng ba người khác. Ban ngày hầu như mọi người đều đi học, đi làm, thời gian ở nhà không nhiều. Thế nhưng với giá điện hàng tháng là 4.000 đồng/số, với hơn 400 số điện mỗi tháng dịp hè, hầu như tháng nào họ cũng phải trả suýt soát 2 triệu đồng tiền điện. Dù cũng xót tiền, nhưng vì nhà trọ gần trường và cũng sợ khó tìm được chỗ có giá rẻ hơn nên các bạn đành chấp nhận.
Trường hợp của bạn nữ sinh viên trường Học viện Ngoại giao không phải hiếm gặp. Hiện tượng chủ nhà trọ thu tiền tiện của người thuê trọ mức cao xảy ra ở nhiều khu vực tại Hà Nội.
Một sinh viên Đại học Bách Khoa cho hay cũng phải chịu giá điện 3.800 đồng/ số từ ba năm nay. Một sinh viên khác quê Nghệ An đang thuê trọ ở khu vực chợ Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm phải chịu mức tiền điện 4.500 đồng/số.
Tại một khu nhà trọ ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, người thuê nhà chủ yếu là công nhân và người lao động tự do. Mỗi một phòng trọ được lắp một công tơ điện riêng. Giá thuê trung bình mỗi phòng là 600 nghìn đồng/tháng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Yến đã thuê ở đây nhiều năm. Ban đầu giá điện chủ nhà đưa ra là 3.500 đồng/số, nhưng từ hơn một năm nay giá điện đã tăng lên thành 4.000 đồng/số, khiến tiền điện có khi gấp đôi, thậm chí cao gấp ba lần tiền thuê nhà khi vào tháng cao điểm mùa hè.
Xu thế hiện tại nhiều chủ nhà trọ thường yêu cầu người thuê trọ chuyển từ bếp ga sang bếp từ để phòng chống cháy nổ, nên hàng tháng số tiền điện lại tăng thêm. Giá thuê nhà đang tăng cao, lại thêm gánh nặng tiền điện khiến nhiều sinh viên và người lao động có thu nhập thấp khó càng thêm khó.
Không khó để có thể tìm thấy những phòng trọ, căn hộ mini hay chung cư mini có giá điện, giá nước công khai cao hơn nhiều so với mức giá Nhà nước quy định. Và nhiều hội nhóm cho thuê nhà trên mạng xã hội, trang mạng nào cũng để giá khoảng từ 3.500 – 4.000 đồng/số điện, điều này dẫn đến việc mức giá bất hợp lý dần trở thành mức giá hợp lý. Cũng có chủ nhà lúc đầu công bố giá điện chỉ 3.000 đồng/số, nhưng vài tháng sau tăng lên 4.000, thậm chí 5.000 đồng/số.
Một chủ nhà trọ ở quận Cầu Giấy cho biết: "Điện giá 4.000 đồng/số, 4.000 đồng không đắt, làm gì ở đâu có giá dưới 4.000 bây giờ. Quanh khu này cũng có nhà 5.000 đến 6.000 đồng/số".
Một số chủ nhà trọ lý giải rằng mức giá điện cao vượt quy định là do tính thêm phí dịch vụ như đèn chiếu sáng, hệ thống bơm nước vào giá điện cho người thuê nhà. Tuy nhiên, những khoản phí này được cho là đã bao gồm trong tiền dịch vụ quản lý mà người thuê trọ phải trả. Người ở trọ thường là những người có hoàn cảnh khó khăn nên chưa có nhà, lao động nhập cư, công nhân, học sinh.
Giá điện cao hơn quy định mà chủ nhà thường tính cho họ khiến những người thuê trọ vốn có thu nhập thấp lại thêm gánh nặng.
Tại Hà Nội, có hàng trăm nghìn phòng ở cho thuê. Chủ trọ nào làm đúng thì mỗi tháng, người thuê trọ tiết kiệm được thêm vài ba trăm nghìn đồng. Còn chủ trọ nào cố tình thu cao thì người thuê trọ dù biết nhưng vẫn phải chịu thiệt thòi.
Bày tỏ quan điểm về tình trạng các chủ nhà trọ đang thu tiền điện vượt quá quy định, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng tình trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân.
Thứ nhất, do người cho thuê nhà không biết các quy định của Nhà nước nên chủ trọ thu tiền điện của người thuê nhà vượt khung quy định của ngành điện. Thứ hai, có những chủ nhà vừa hưởng lợi ích ưu đãi của Nhà nước về giá điện dành cho người thuê, đồng thời lại tính theo mức giá cao nhất dành cho các đối tượng khác không phải người thuê trọ. Đây là một hiện tượng không lành mạnh và vi phạm các quy định của Nhà nước cũng như vi phạm về đạo đức kinh doanh.
Để kiểm soát tình trạng chủ nhà trọ tự ý tăng giá tiền điện đối với người đi thuê trọ, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng điều quan trọng nhất là vai trò của các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành điện. Đồng thời, cần có chính sách kiểm soát việc tính giá điện của chủ nhà trọ.
Bên cạnh đó cũng cần tuyên truyền để người thuê nhà nắm được chính sách ưu đãi mà họ được hưởng để từ đó làm căn cứ thương lượng, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình ký hợp đồng và thanh toán tiền theo hợp đồng thuê nhà.
Hiện nay, theo quy định pháp luật, có hai cách tính tiền điện cho người thuê trọ. Áp dụng giá 2.167 đồng/số điện chưa tính VAT cho trường hợp thuê nhà dưới một năm và chủ nhà không kê khai số người sử dụng. Áp dụng giá 1.806 đồng/số điện cho 50 số đầu tiên và những số tiếp theo sẽ được tính giá luỹ tiến, với điều kiện là người thuê nhà phải có hợp đồng thuê nhà từ một năm trở lên và đăng ký tạm trú.
Theo Luật sư Bùi Quang Hưng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, việc các chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn mức quy định được coi là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính từ 20-30 triệu đồng. Người thuê trọ có thể phản ánh các vi phạm này với cơ quan điện lực địa phương hoặc qua đường dây nóng: 19001288.
Bên cạnh những chủ nhà trọ thu sai thì vẫn còn những chủ nhà trọ tử tế, bao nhiêu năm nay họ vẫn thu đúng giá theo quy định của Nhà nước. Thậm chí, có người còn có chính sách hỗ trợ giảm tiền nhà khi sinh viên về quê hay lúc người thuê trọ gặp khó khăn.
Chị Tạ Thị Hạnh – chủ dãy nhà trọ 30 phòng, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, nhân dịp nghĩ lễ 2/9 năm nay đã quyết định giảm 300 nghìn đồng tiền nhà cho mỗi phòng. Giá tiền điện mùa hè ở đây là 3.000 đồng/số.
Trước đó, vào đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chị Hạnh cũng miễn giảm tiền thuê phòng, hỗ trợ tiền điện nước cho người thuê trọ. Chị Hạnh luôn thấy vui với những việc làm từ tâm của mình.
Mong những hành động tử tế từ những người như chị Tạ Thị Hạnh sẽ được lan tỏa, để những sinh viên tỉnh xa và những lao động nghèo vơi bớt gánh nặng khi học tập và làm việc tại thành phố.
- Sợ thang máy, cư dân Linh Đàm luyện sức leo thang bộ | Hà Nội tin mỗi chiều
- 4.500 du khách Ấn Độ đến Việt Nam | Hà Nội tin mỗi chiều
- Không có vùng cấm nếu phát hiện tiêu cực tại Bệnh viện K
- Hà Nội lần đầu tiên lấy - ghép tạng từ người cho chết não | Hà Nội tin mỗi chiều
- Có một Hà Nội hào hoa trong lòng thành phố mang tên Bác | Hà Nội tin mỗi chiều
Hà Nội những sắc hoa cuối thu; Những hồ nước đang bị xóa sổ ở quận Hoàng Mai;... là một số nội dung đáng chú ý trong bản tin Hà Nội đẹp và chưa đẹp hôm nay.
CLB Hải Phòng có cuộc tiếp đón Nam Định ở trận đấu sớm nhất tại vòng 6 V-League; Leverkusen bị cầm hòa trên sân nhà; Kết quả các trận đấu vòng 12 giải VĐQG Tây Ban Nha; CLB Manchester United bổ nhiệm Huấn luyện viên trưởng mới;... là một số nội dung đáng chú ý trong bản tin Thể thao hôm nay.
Tối và đêm nay 2/11, khu vực Hà Nội trời không mưa, nền nhiệt giảm sâu so với ban ngày, đêm và sáng sớm có sương mù rải rác, trời lạnh; nhiệt độ từ 18-25 độ; độ ẩm từ 67-92%.
Kiến nghị tăng mức phạt với sàn giao dịch đẩy giá bất động sản; Đất nền ven đô tăng phi lý, cảnh báo nhiều rủi ro; Giải quyết dứt điểm các vấn đề về đất giãn dân;... là một số nội dung đáng chú ý trong Bản tin hôm nay.
Đưa công trình công nghiệp thành di sản; Nhà máy thép Volklingen, Đức - di sản của thế giới; Xu hướng tiêu dùng thịt mát của người nội trợ Việt;... là nội dung trong chương trình hôm nay.
Tình đoàn kết Việt Nam - Cuba là tài sản quý giá; Hà Nội trong trái tim bạn bè quốc tế; Ba rủi ro mua sắm trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Israel và Hezbollah;... là một số nội dung đáng chú ý trong chương trình hôm nay.
0