Chữ thương của ngoại

Năm dài tháng rộng, dẫu yêu thương thế nào cũng khó có thể vượt qua sức mạnh của thời gian. Nhưng, vẫn có một người, bao năm vẫn vậy, chưa một lần quên bóng hình của người mình thương.

Nghe má kể ông ngoại mất từ khi má lên năm, thứ duy nhất còn sót lại chỉ là di ảnh để má hình dung thật rõ về ông. Ký ức trẻ con sẽ ngủ vùi theo năm tháng, má cũng đã hai màu tóc theo dòng thời gian. Ông mất khi bà đang thời tuổi trẻ, khi bồng bế đứa con thứ mười thì ông bỏ bà ở lại thế gian.

Dẫu vậy, suốt thời gian dài đằng đẵng, bà vẫn thoáng chút buồn khe khẽ khi nhắc đến ông. Từ ngày ông mất bà thêm phần lặng lẽ, khép mình lại gồng gánh nuôi đàn con thơ. Ngày đó má lên lớp hai, thì mấy người đàn ông lạ qua nhà lân la hỏi ngoại, đàn bà vắng chồng có sợ phòng không, hay để tôi thay mình chăm lo cho tụi nhỏ?

Ngoại bảo không, một mực thẳng thừng, rồi người đàn ông hỏi má bâng quơ, con có muốn chú làm tía con không? Má nhìn ngoại thấy đôi mắt nheo lại má lại thôi, chạy đến ôm ngoại. Và rồi những người đàn ông đeo theo ngoại nhiều vô số kể, nhưng ngoại chưa một lần bận lòng, không một chút bận tâm.

Ngoại chỉ có một tình thương sâu sắc dành cho ông. Ảnh minh hoạ: Blog Radio.

Ngoại lo cho con lo cho cháu, rồi chăm lo cho tình yêu với ông thêm phần trọn nghĩa. Hơn chín mươi năm cuộc đời, ngoại chỉ có bóng hình ông. Hết lau di ảnh cho ông khỏi bụi bặm bám vào, ngoại lại làm những món ông thích bày biện cúng ông.

Những lúc tôi về quê ngoại bất chợt, còn thấy ngoại như đang kể cho ông nghe những câu chuyện đời, rồi lại nhìn xa xăm nơi con nước dâng cao. Nơi cây mắm, cây bần làm con người ta khắc khoải, còn ngoại thì lại đau đáu chỉ một tình yêu.

Chưa bao giờ tôi thấy ngoại nói tiếng thương, mà từ thương của ngoại nếu nói ra chắc là lạ lắm. Không hào nhoáng như lời ong với bướm, xô bồ tấp nập rồi lặng lẽ rời đi. Không ướt át như một chiều thu thương nhớ, vấn vương thao thức một người, mà ngoại để trong lòng lời thương sâu kín, giấu kỹ trong những hờn tủi tháng năm.

Đàn bà ai chẳng có lúc sợ phòng không gối chiếc, nhưng tiếng thương yêu nó lấn át hết rồi. Ngoại chỉ có một tình thương sâu sắc, chút chạnh lòng thoang thoảng mùi yêu đương.

Dẫu là qua bao nhiêu tháng bao nhiêu năm, dẫu là có đi qua những khó khăn chồng chất thì tình yêu đó vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Ảnh minh hoạ: Blog Radio.

Năm dài tháng rộng, dẫu yêu thương thế nào nhưng sao vượt qua sức mạnh thời gian, họ lần lượt lập gia đình, dẫu mắt còn hướng nhìn về ngôi nhà có ngoại. Bầy con thơ mong mỏi vòng tay ấm áp vô cùng. Ngày xuân sang ánh hoàng hôn yên giấc, giấc mộng nào cũng đến lúc tàn canh. Duy có ngoại bao năm vẫn vậy, chưa một lần ngơi bóng hình ông.

Gió lại thổi mang theo vị mặn mòi của biển cả, phả vào đất liền những hình ảnh nhớ mong. Ngoại nhớ ông như cây nhớ lá, như nước kia nhớ lắm từng đàn cá lội tung tăng.

Nghe má kể có lần hỏi ngoại, sao má không chịu lấy chồng mà ở vậy hoài, thì ngoại chỉ im lặng hồi lâu. Rồi ngoại khẽ nhìn lên bàn thờ, một giọt nước mắt nóng hổi lăn dài. Hẳn là má đã có câu trả lời, ngoại chỉ thương hoài một bóng hình người con trai năm đó.

Dẫu là qua bao nhiêu tháng bao nhiêu năm, dẫu là có đi qua những khó khăn chồng chất thì tình yêu đó vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Chữ thương gắn liền với chữ yêu, mà từ thương của ngoại còn lớn hơn yêu nhiều. Bởi vậy mới đậm sâu, son sắt với một người, cả cuộc đời ngoại chỉ biết thương thôi.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong ký ức của một người con, có một căn nhà xưa sơ sài tới mức không có cổng, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy, lại đầy ắp tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau…

Dạo gần đây mạng xã hội nổi rần rần về chữa lành. Chỉ cần mở YouTube, 10 podcast thì 9 cái nói về việc chữa lành. Có người nói với tôi, muốn hạnh phúc phải yêu chính mình trước đã, phải chiều chuộng bản thân, làm gì mình thích để chữa lành. Dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, nghĩ đến bản thân nhiều hơn, đặt gánh nặng trách nhiệm trên vai xuống để đi chữa lành cho đầu óc thanh thản, nhẹ nhàng hơn...

Đêm ở biển, thanh âm của biển, vị của biển, giữa một màu đen bát ngát bao la. Lòng bình yên lắng dịu. Biển vắng giữa đêm mùa thu thật lạ mà thật quen. Ngỡ như ta đã gặp đâu đó một thời xa lắm. Nhớ về một đêm biển vắng năm nào, ngồi ở một căn chòi nhỏ, lặng nghe tiếng mưa rơi... Biển vẫn vậy, dịu dàng quá đỗi. Ta khác rồi, liệu đã thâm trầm như biển ngày xưa?

Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng từng một lần theo đuổi điều gì đó tưởng chừng vĩ đại, tưởng chừng hoàn hảo. Đó có thể là những giấc mơ lớn lao hay chỉ là những điều giản dị, bé nhỏ mà tâm hồn chúng ta đã khắc khoải tìm kiếm. Với tôi, hành trình ấy bắt đầu từ những buổi chiều thơ bé, nơi tôi đắm mình giữa đồng cỏ xanh rì, tìm kiếm chiếc lá cỏ hoàn hảo - một thứ biểu tượng đẹp đẽ mà tôi tin rằng khi tìm thấy, cuộc đời tôi sẽ trọn vẹn theo cách kỳ diệu nhất. Có một người cũng giống như tôi.

Có một người không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng quãng thời gian mà người ta vẫn ưu ái gọi tên "đẹp nhất của đời người" - thời trung học của cô đã gắn với mảnh đất cổ kính, nên thơ này. Từ lâu, Hà Nội đối với cô đã vượt lên cả một miền ký ức, trở thành một phần hiện hữu trong cuộc đời.

Cuộc sống vội vã trôi, cuốn mỗi người chúng ta vào guồng quay không ngừng nghỉ. Để tới một lúc nào đó, ta bỗng phát hiện ra dường như mình đã quên mất những điều bình dị, ấm áp xung quanh, quên mất rằng ta và người ấy vẫn cần lắm những nồng ấm, yêu thương…