Chùa Hương hoa gạo soi dòng suối Yến

Tháng Ba, gạt lại sau lưng bao hối hả, nửa tiếng chạy xe rời khỏi nội thành Hà Nội đến với chùa Hương. Ngược dòng suối Yến, ngước lên thấy rực đỏ hoa gạo. Những bông hoa như những ngọn nến bừng lên trong một ngày thiếu nắng.

Những bông hoa gạo bung nở tháng Ba. Ảnh: Meogia

Cây gạo len mình bên sườn núi, màu lá xanh non tôn lên màu đỏ cam của hoa. Hai gam màu mạnh mẽ, tràn trề sức sống hiện ra giữa đám cành gầy guộc khô khẳng, trong một ngày cuối xuân đất trời mờ sương khói, tác động mạnh vào thị giác.

Vào ngày giữa tuần, khách vãn cảnh hay khách đi chùa lễ Phật không đông như cuối tuần.

Những con thuyền chèo tay đưa du khách ngược dòng suối Yến vào chùa Hương. Hai bên bờ, thỉnh thoảng lại một vừng hoa gạo, một cụm cây gạo bung hoa rừng rực. Giữa cảnh non nước hữu tình, ngắm hoa gạo nở bên vách núi thấy thư thái, bình yên đến lạ.

Những vầng hoa gạo điểm tô cho chùa Hương cổ kính thêm phần huyền hoặc.

Hoa gạo thuộc họ Bombacaceae, còn có tên gọi khác là mộc miên hoặc hồng miên. Loài cây này có lẽ có nguồn gốc ở Ấn Độ. Nay cây gạo được trồng nhiều ở các nước Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan... Vào Việt Nam, cây gạo được trồng nhiều ở các làng quê. Cây gạo thân thuộc với đồng lúa và làng quê đến nỗi người ta mặc định rằng cây đã ở đó từ khi nó xuất hiện trên đời, như một biểu tượng của làng quê Việt Nam.

Có truyền thuyết kể rằng, hoa gạo là hoá thân của một người con gái chờ đợi người yêu. Chàng lên thiên đình chất vấn Ngọc Hoàng tại sao hạ giới lại mưa nắng thất thường. Chàng được Ngọc Hoàng giữ lại làm thần mưa. Còn người yêu chàng được Ngọc Hoàng ban trở thành loài hoa rực rỡ mang tên hoa Gạo.

Đầu tháng Ba, cây gạo mới bung hoa, nụ non còn nhiều.

Sắc đỏ mạnh mẽ của hoa gạo khiến lòng người bồi hồi, gợi ta nhớ về năm tháng tuổi thơ. Hoa nở như để xua bớt bầu không khí ảm đạm của những ngày cuối xuân ẩm ướt, tạo nên những mảng màu ấn tượng và ấm áp.

Bông hoa gạo bung nở căng tràn nhựa sống.
Đông về, cây gạo trút lá. Cây lặng lẽ gồng mình trong giá rét, tích tụ, chờ đợi, chuẩn bị cho mùa hoa.

Có một điều đặc biệt ở bông hoa vòng đời chỉ vài ngày ngắn ngủi, đó là khi rụng xuống vẫn giữ nguyên màu, cánh hoa không hề phai tàn hay héo úa như những loài hoa khác. Hoa gạo không rơi rớt từng cánh trong sự lẻ loi tàn tạ, mà nhẹ nhàng trút xuống cả bông như muốn khẳng định sự quyến rũ ngạo nghễ của riêng mình./.

(Tác giả : Nguyễn Minh Minh)

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ai đi qua Phố Bà Triệu, cũng cảm nhận được sắc đẹp của những chiếc lá rụng rải dày trên đường phố. Đây là thời điểm giao mùa hiếm có cuối Xuân đầu Hè, mà nhiều người gọi đó là mùa thay lá.

Mỗi độ tháng Tư về, là thời điểm những cây bún cổ thụ bắt đầu nở hoa, tạo một quang cảnh riêng có và độc đáo. Khi hoa bún nở, gần như toàn bộ tán lá đều nhuộm chung một mầu. Một bức tranh tự nhiên đẹp mắt, cuốn hút người dân và du khách.

Sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trên những thân cây khẳng khiu trụi lá, sẽ khiến nhiều người mê mẩn. Nét đẹp gợi nhớ những kỷ niệm xưa, mà không ít người cảm thấy quyến luyến.

Ai đi trên tuyến đường Văn Khê cũng muốn dừng chầm chậm để ngắm những màu sắc Phong Linh đang vào mùa nở rộ…

Giữa không gian ồn ào, náo nhiệt của đô thị hiện đại, công viên Bách thảo được ví như “lá phổi xanh” của Thủ đô, mang đến một không gian xanh mát, trong lành, thu hút nhiều người dân đến vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe.

Vào những ngày đầu tháng Tư này, trên các con phố của Thủ đô như sáng hơn bởi sắc trắng của những bó hoa loa kèn, trên những xe hoa đầy ăm ắp. Và dường như sắc trắng tinh khôi, dịu dàng, giản dị của những bông hoa loa kèn khiến cho sự vội vã, hối hả của ngày thường trở nên lãng mạn, nên thơ hơn trong tiết trời chuyển mùa của Hà Nội.