Chứng khoán chiều 2/11: VN-Index quay đầu giảm điểm
Trong phiên sáng, sau nhịp giảm khá mạnh khi mở cửa, lực cầu gom hàng giá thấp đã kéo VN-Index trở lại trên tham chiếu, nhưng khi chỉ số này vừa chớm xanh đã nhanh chóng bị đẩy ngược trở lại.
Quan sát diễn biến thị trường cho thấy, mỗi khi VN-Index về vùng 1.020 lực cầu lại hoạt động để gom hàng giá thấp, nhưng khi giá các cổ phiếu hồi trở lại, lực cầu nhanh chóng rút lui, khiến VN-Index thiếu đi động lực để đi lên.
Bước sang phiên chiều, các nhịp đẩy mua, rồi kéo, đẩy lại tiếp diễn. Ngay khi mở cửa phiên, khi VN-Index lùi xuống phá vỡ đáy của phiên sáng, lực cầu giá thấp hoạt động kéo thị trường hồi nhẹ trở lại. Sau 2 nhịp kéo đẩy với đáy sau thấp hơn đáy trước, VN-Index bất ngờ được kéo lên trên ngưỡng 1.030 điểm. Khi mọi người nghĩ tới kịch bản VN-Index sẽ được kéo trở lại tham chiếu như phiên sáng và có thể có phiên hồi để duy trì phiên tăng thứ 3 liên tiếp, thì VN-Index lực cung ở các mã lớn như MSN, nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khiến VN-Index bị đẩy thẳng đứng, thậm chí xuyên thủng ngưỡng 1.020 điểm. Dù thu hẹp đà giảm về cuối phiên nhờ lực mua giá thấp và sự hỗ trợ của một số mã thép, dầu khí, nhưng VN-Index không đủ sức để trở lại đường ngưỡng MA20.
Chốt phiên, VN-Index giảm 10,56 điểm (-1,02%), xuống 1.023,19 điểm với 164 mã tăng, nhiều hơn 24 mã so với phiên sáng, trong số mã giảm cũng nhiều hơn 23 mã, với 273 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 614 triệu đơn vị, giá trị 10.738,7 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng và 5,5% về giá trị giao dịch so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 89,9 triệu đơn vị, giá trị 1.387,9 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng, chứng khoán lại yếu đà, nhóm bất động sản cũng chủ yếu chìm trong sắc đỏ, chỉ có một số cổ phiếu đơn lẻ trong nhóm thép, dầu khí khởi sắc, nhưng chừng đó là không đủ sức để giữ được VN-Index trên mốc 1.025 điểm khi đa số các mã lớn khác đều giảm.
Cụ thể, nhóm ngân hàng chỉ còn 3 sắc xanh tại VIB, VPB và OCB, nhưng đà giảm cũng thu hẹp nhiều so với phiên sáng khi VIB tăng mạnh nhất cũng chỉ là 2,7% lên 20.700 đồng, VPB tăng 1,7% lên 17.500 đồng và OCB tăng 1,1% lên 14.250 đồng. MSB và STB đóng cửa ở mức tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, EIB nới đà giảm lên thành -5,4% xuống 34.050 đồng, LPB giảm 3,3% xuống 11.600 đồng, ACB mất 2,9% xuống 21.800 đồng, SHB giảm 2,6% xuống 11.300 đồng. VCB cũng nới đà giảm khi đóng cửa mất 1,9% xuống 73.600 đồng. Các mã ngân hàng lớn khác cũng giảm như CTG giảm 1,8% xuống 24.000 đồng, TCB giảm 1,8% xuống 25.200 đồng, BID và TPB cũng giảm hơn 1%... Trong nhóm này, VPB vượt qua STB trở thành mã có thanh khoản tốt nhất với 21,51 triệu đơn vị, STB khớp 19,12 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán cũng chỉ có 4 sắc xanh và VND vẫn là mã có mức tăng tốt nhất 2,5% lên 12.100 đồng, khớp 22,06 triệu đơn vị, đứng đầu nhóm và thứ 2 sàn HOSE sau HPG. Ba mã khác tăng nhẹ trên dưới 0,5% là FTS, HCM, TVS. Trong khi đó, SSI giảm mạnh nhất nhóm với -2,7% xuống 16.500 đồng, khớp 15,91 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm thép nới rộng đà tăng khi HSG tăng 6,4% lên 12.400 đồng, NKG tăng 4,3% lên 13.450 đồng, nhưng “anh cả” HPG lại lùi 1 bước so với phiên sáng khi tăng 2,3% lên 15.350 đồng, khớp cao nhất sàn với 40,12 triệu đơn vị.
Nhóm dầu khí chiều nay đã xuất hiện sắc tím ở PVD lên 17.300 đồng, khớp 6,17 triệu đơn vị, nhưng mã lớn nhất là GAS lại lùi về tham chiếu, còn PLX cũng chỉ có được mức tăng nhẹ 0,7% lên 29.300 đồng.
Trong nhóm bất động sản, sắc xanh của DIG cũng đã biến mất khi đóng cửa giảm 1,6% xuống 18.600 đồng, mức thấp nhất ngày. Trong khi DXG, UDC giảm gần 5%, mức giảm mạnh nhất trong nhóm. Các mã lớn trong nhóm cũng giảm nhưng nhẹ, như NVL giảm 1,1% xuống 69.200 đồng, BCM giảm 0,7% xuống 80.500 đồng, VHM chỉ mất 0,2% xuống 44.900 đồng… Trong khi đó, KBC lại duy trì sắc xanh với mức tăng 2,6% lên 17.900 đồng, khớp 16,11 triệu đơn vị.
Trong nhóm VN30, chỉ có 5 sắc xanh, ngoài VIB, HPG, VPB, PLX, còn có thêm KDH, với mức tăng nhẹ dưới 1%, cùng 3 mã đứng giá là VIC, cùng GAS và STB như đã nêu.
Trong khi đó, MSN vẫn là mã giảm mạnh nhất nhóm, thậm chí đà giảm nới rộng gấp đôi so với phiên sáng khi đóng cửa mất 6,4% xuống 81.000 đồng, mức thấp nhất ngày. Tiếp đến vẫn là MWG giảm 4,2% xuống 48.000 đồng. Thậm chí, GVR cũng đảo chiều khi đóng cửa giảm 2,1% xuống mức thấp nhất ngày 14.200 đồng, cùng với đó là VNM cũng giảm 2,4% xuống 78.300 đồng, cũng là mức thấp nhất ngày. FPT, BVH, POW cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Ở các mã khác, nhóm phân bón lại bị bán mạnh, thậm chí đẩy DCM xuống mức sàn 30.050 đồng, với thanh khoản cao nhất 2 tháng, đạt 10,9 triệu đơn vị. DPM cũng giảm mạnh 5,5% xuống 41.250 đồng.
Trong khi đó, sàn HNX lại giằng co nhẹ dưới tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ, với mức điểm thấp hơn phiên sáng.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,7 điểm (-0,33%), xuống 211,66 điểm với 73 mã tăng và 95 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,5 triệu đơn vị, tổng giá trị 750,5 tỷ đồng, giảm 11% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,1 triệu đơn vị, giá trị 43,2 tỷ đồng.
Lực cung mạnh trong phiên chiều khiến SHS không thể giữ được đà tăng, mà chỉ đóng cửa ở mức tham chiếu. Dù vậy, lực cầu cũng mạnh giúp thanh khoản của SHS tăng lên 10,28 triệu đơn vị, vẫn cao nhất sàn HNX.
Trong khi đó, PVS lại nới rộng đà tăng với mức tăng 5,6% lên 22.700 đồng, thanh khoản 8,63 triệu đơn vị. CEO nới rộng đà giảm khi mất 4,2% xuống 13.600 đồng, khớp 5,52 triệu đơn vị, còn BII vẫn an vị ở mức trần 2.200 đồng, khớp 1,95 triệu đơn vị.
Ngoài 4 mã trên, trong phiên chiều còn có thêm 5 mã nữa trên sàn HNX gia nhập nhóm có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có PVC tăng mạnh 7,7% lên 15.300 đồng và IDJ tăng 2,6% lên 8.000 đồng, còn lại đều giảm. Cụ thể, IDC giảm 3,1% xuống 44.000 đồng, TAR giảm 4,8% xuống 16.000 đồng và TNG giảm 1,2% xuống 16.300 đồng.
UPCoM cũng chỉ giằng co nhẹ quanh mức giá đóng cửa phiên sáng, nhưng đóng cửa ở trên mức giá này.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,62%) xuống 76,01 điểm với 116 mã tăng, 124 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21 triệu đơn vị, giá trị 319,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,3 triệu đơn vị, giá trị 36 tỷ đồng.
Trong cả phiên giao dịch chiều, không có thêm mã nào được khớp tới 1 triệu đơn vị, vẫn là 2 cái tên từ phiên sáng là BSR và PAS. Trong đó, BSR khớp 5,1 triệu, đóng cửa tăng 1,7% về giá lên 18.100 đồng, còn PAS khớp 1,35 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 6.200 đồng.
Trên thị trường phái sinh, 2 hợp đồng tương lai đáo hạn gần nhất đóng cửa trái chiều với thị trường cơ sở. Theo đó, VN30-Index giảm 12,91 điểm (-1,24%), xuống 1.025,18 điểm, thì hợp đồng đáo hạn tháng 11 là VN30F2211 lại tăng 3 điểm (+0,29%), lên 1.021 điểm với 487.585 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 47.645 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ hoàn toàn áp đảo sắc xanh, trong đó mã có mức tăng mạnh nhất là CKDH2210 do VND phát hành tăng 125% lên 90 đồng, thanh khoản gần 1 triệu đơn vị, trong khi mã giảm mạnh nhất là CNVL2206 do KIS phát hành giảm 61,3% xuống 120 đồng, thanh khoản chỉ 40.500 đơn vị.
Hôm nay có nhiều mã có thanh khoản tốt trên 1 triệu đơn vị, trong đó cao nhất là CHPG2221 do SSI phát hành với 3,35 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 14,3% lên 80 đồng. Hai mã khác có thanh khoản hơn 2,8 triệu đơn vị cũng do SSI phát hành và cùng đóng cửa giảm giá là CVPB2211 và CMWG2212, trong đó CMWG2212 giảm tới 42,9% xuống 80 đồng.
Đến nay, toàn bộ 27 ngân hàng niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán cùng với hai ngân hàng chưa niêm yết là BaoVietBank, PVCombank đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024. Trong đó, nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, gấp nhiều lần cùng kỳ 2023.
Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày 1/11 do áp lực từ đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng. Tuy nhiên, số liệu tăng trưởng việc làm yếu từ nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến các nhà phân tích tăng dự đoán về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất, qua đó hạn chế đà giảm của vàng.
Thị trường chứng khoán thường được coi là thước đo của nền kinh tế. Khi VN-Index liên tục dao động quanh ngưỡng 1.300 điểm nhưng chưa thể bứt phá thì cũng là lúc mà các nhà đầu tư tự đặt ra câu hỏi: Tại sao kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng tốt mà VN-Index vẫn chưa thể bứt phá được? Liệu thị trường có thể vượt qua mốc này một cách bền vững trong tương lai gần hay không?
Các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý trong nước ngày 2/11 đồng loạt điều chỉnh giảm giá vàng, với giá vàng miếng giảm 500.000 đồng ở cả hai chiều, giá vàng nhẫn giảm mạnh nhất 550.000 đồng.
Theo báo cáo tài chính quý III/2024, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại nhóm ba ngân hàng lớn gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV vào cuối tháng 9 ở mức 175.596 tỷ đồng, giảm 40% so với quý liền trước, tuy nhiên vẫn tăng so với đầu năm.
Thị trường chứng khoán trong nước ngày 1/11 đã chứng kiến một phiên giao dịch đầu tháng, cuối tuần giảm đột ngột, về sát mốc 1.250 điểm.
0