Chứng khoán Việt Nam giảm kỷ lục

VN-Index đóng cửa phiên 3/4 với mức giảm 88 điểm (giảm 6,68%) xuống dưới 1.230 điểm; vốn hóa toàn thị trường còn khoảng 6,8 triệu tỷ đồng; thanh khoản cao kỷ lục, vượt 38.000 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có một phiên lập “kỷ lục buồn”, giảm mạnh nhất lịch sử kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán.

Cụ thể, VN-Index đóng cửa phiên 3/4 với mức giảm 88 điểm (giảm 6,68%) xuống dưới 1.230 điểm. Vốn hóa toàn thị trường giảm hơn 500.000 tỷ đồng, còn khoảng 6,8 triệu tỷ đồng. Thanh khoản phiên hôm nay (3/4) cao kỷ lục với giá trị khớp lệnh trên HOSE vượt 38.000 tỷ đồng.

Tính chung trên cả 3 sàn, giá trị khớp lệnh lên đến hơn 42.000 tỷ đồng. Toàn sàn có tới gần 1.100 mã giảm điểm; trong đó có đến gần 500 cổ phiếu giảm sàn. Rổ cổ phiếu VN30 có 30 mã giảm, nhưng có tới 28 mã giảm hết biên độ. Nhóm ngân hàng cũng không còn mã nào ở chiều tăng giá mà chủ yếu giảm kịch sàn.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.

Các nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, dầu khí, thép, gỗ, cao su... chủ yếu giảm sàn. Khối ngoại bán ròng gần 2.700 tỷ đồng. Trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 2.673 tỷ đồng, tập trung tại các mã TPB (354,99 tỷ đồng), FPT (339,13 tỷ đồng), VNM (311,36 tỷ đồng) và VCB (267,26 tỷ đồng). Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 7,5 tỷ đồng, tập trung vào mã PVS (11,99 tỷ đồng), IDC (11,46 tỷ đồng), TNG (6,58 tỷ đồng) và VTZ (2,54 tỷ đồng).

Việc thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh cũng chung xu hướng với các thị trường chứng khoán trên thế giới.

Rạng sáng 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đã công bố thuế quan đối ứng ở mức ít nhất 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ; trong đó có hàng chục quốc gia phải chịu thuế suất cao hơn.

Danh sách các nền kinh tế phải chịu thuế đối ứng cao hơn bao gồm những đối tác thương mại thuộc hàng lớn nhất của Mỹ như Việt Nam (46%), Trung Quốc (34%), Nhật Bản (24%), và EU (20%).Việc thực hiện bao gồm 2 đợt: 10% cho thuế quan cơ bản vào ngày 5/4, sau đó là mức thuế riêng cho từng quốc gia vào ngày 9/4.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), ông Đỗ Bảo Ngọc, tâm lý nhà đầu tư toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, vì quyết định này có thể làm trầm trọng hơn các căng thẳng thương mại và gia tăng lo ngại về sự bất ổn kinh tế toàn cầu.

Thị trường chứng khoán Mỹ có thể điều chỉnh, đặc biệt là cổ phiếu của các công ty đa quốc gia có chuỗi cung ứng phụ thuộc vào các nước bị áp thuế.

Trên thực tế, chiều 2/4 theo giờ địa phương, thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến xu thế giảm điểm bao trùm ngay sau khi Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế chiết khấu đối ứng nhằm vào hàng chục đối tác thương mại.

Hàng loạt mã chứng khoán Mỹ đã giảm điểm sau giờ giao dịch khi Tổng thống Trump công bố áp thuế ít nhất 10% và thậm chí cao hơn đối với một số quốc gia và vùng lãnh thổ, làm tăng nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu.

Chỉ số Dow Jones giảm 256 điểm, tương đương 0,61%; S&P 500 giảm 1,69%; chỉ số Nasdaq-100 giảm 2,54%.Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán có thể phản ứng tiêu cực trong ngắn hạn, với áp lực bán mạnh ở các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực. Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, nếu Chính phủ có biện pháp ứng phó phù hợp, tâm lý thị trường có thể ổn định dần.

Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), ông Phạm Lưu Hưng cho rằng định giá thị trường hiện chỉ bằng một nửa so với thời điểm căng thẳng thương mại lần đầu năm 2018 khi P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) VN-Index ở mức 23-24 lần. Vì thế, áp lực buộc phải bán của nhà đầu tư ra không quá mạnh. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường của các nhà đầu tư cá nhân với tỷ lệ giao dịch trên 90% và yếu tố tâm lý có ảnh hưởng rất lớn.

Theo TTXVN

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
User
Ý KIẾN

Quý I/2025 chứng kiến đà tăng chững lại của giá chung cư tại Hà Nội sau 8 quý tăng phi mã. Thông tin này được đơn vị nghiên cứu Bất động sản CBRE công bố sáng 9/4.

Mức thuế đối ứng của Mỹ áp dụng với hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức có hiệu lực vào trưa 9/4 giờ Việt Nam. Nhiều chuyên gia lo ngại, mức thuế 46% có thể ảnh hưởng tới làn sóng đầu tư vào Việt Nam.

Giá vàng trong nước tăng gần 2 triệu đồng, lên sát 102 triệu đồng một lượng trong ngày 9/4.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố ấn phẩm kinh tế thường niên: “Báo cáo Triển vọng châu Á tháng 4/2025” vào sáng 9/4, duy trì triển vọng tích cực cho Việt Nam nhưng chính sách thuế quan của Mỹ đang đặt ra nhiều thách thức lớn.

Giá vàng trong nước sáng 9/4 tăng nhẹ, hiện vàng miếng SJC vẫn giữ vững mốc trên 100 triệu đồng/lượng.

Thị trường chứng khoán đang bị đe dọa bởi thông tin về sự sụp đổ của hệ thống thương mại tự do toàn cầu, về trật tự thế giới mới, về xung đột leo thang giữa các cường quốc kinh tế. Vậy, chứng khoán giảm sâu đã đủ để mua vào?