Đài Hà Nội chung sức trong cuộc chiến chống dịch Covid-19
Từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan rộng tới các quốc gia trên thế giới, làm hàng triệu người mắc, hàng trăm ngàn người tử vong. Trước sự nguy hiểm của dịch Covid-19, Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt huy động sự vào cuộc từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành trong việc phòng, chống dịch. Nhiệm vụ tuyên truyền cũng là hoạt động hết sức cần thiết trong giai đoạn này.
Ngay từ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, Đài Hà Nội đã bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Trung ương và thành phố, liên tục cập nhật, đưa tin tình hình dịch Covid-19 trên tất cả các nền tảng phát thanh, truyền hình, nội dung số và các Fanpage chính thức của Đài.
Đặc biệt từ thời điểm tối 6/3/2020, khi Hà Nội ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên (bệnh nhân 26 tuổi ở Trúc Bạch - Ba Đình), Đài Hà Nội bắt đầu bước vào những ngày cao điểm “chống dịch như chống giặc”. Tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của Đài Hà Nội thời điểm đó.
Trong suốt thời gian diễn biến dịch bệnh Covid-19, các phóng viên thời sự luôn thường trực để cập nhật, chuyển tải nhanh nhất, chính xác nhất, đầy đủ nhất các chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, ghi nhận các hoạt động kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ phòng chống dịch của các đoàn công tác thành phố tại các địa bàn nóng có dịch.
Phóng viên chuyên trách mảng y tế liên tục hoạt động không có ngày nghỉ, không ngại hiểm nguy, sẵn sàng có mặt kịp thời tại các điểm nóng có nguy cơ lây nhiễm cao như: Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội và các ổ dịch tại nhiều địa bàn để phản ánh nỗ lực, quyết tâm của các lực lượng tham gia khoanh vùng, dập dịch cũng như công tác xét nghiệm, cấp cứu, điều trị người bệnh.
Đài Hà Nội là cơ quan đưa thông tin chính thống của thành phố, đặc biệt trong phòng chống dịch Covid-19 lần này, việc tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan đến nhân dân Thủ đô càng được chú trọng hơn. "Ekip chúng tôi luôn nhận được sự hợp tác từ phía các đơn vị y tế trong thành phố, đặc biệt có sự quan tâm chỉ đạo từ lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố nên việc tiếp cận thông tin ở cơ sở gặp nhiều thuận lợi" - phóng viên Nguyễn Thị Thu Hà, Trung tâm Tin tức, kể lại.
Đó là những ngày không quên. Dẫu biết lao vào những điểm nóng của dịch là vô cùng hiểm nguy, nhưng khi đó chúng tôi luôn sẵn sàng lên đường bằng nhiệt huyết của những phóng viên yêu nghề. Có rất nhiều những lời động viên, khen ngợi của bạn bè, đồng nghiệp, khán giả đã tiếp thêm cho chúng tôi quyết tâm bám thông tin, bám địa bàn để tuyên truyền nhanh nhất công tác phòng chống dịch của thành phố.
Phóng viên Thu Hà chia sẻ.
Phóng viên Thu Hằng, Ban biên tập Văn hóa - Xã hội, kể lại: “Rất nhiều phóng sự chúng tôi thực hiện tại điểm nóng của dịch như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, các khu vực khoanh vùng cách ly. Tiếp cận phản ánh trực tiếp tại địa bàn càng thấy mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 và cảm phục sự hy sinh của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y thế của Thủ đô”.
“Không biết mệt mỏi, ngày nào cũng vậy, từ nhà lên cơ quan lấy máy móc thiết bị, nhận nhiệm vụ là lại lên đường cùng ekip của mình. Và đến giờ tôi cũng không nhớ mình bao lần ra vào bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện thành phố hay khu vực cách ly khác. Tại những điểm nóng về dịch bệnh, mặc lên mình những trang phục kín mít, nóng bức nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng ghi lại những hình ảnh chân thực về những hoạt động của các y bác sĩ đang ngày đêm xét nghiệm, cứu chữa bệnh nhân. Thực hiện xong nhiệm vụ là khử trùng toàn bộ người và máy móc, cởi bỏ hết đồ bảo hộ mới lên xe ra về được” - phóng viên quay phim Đức Tân nhớ lại.
Các nhóm phóng viên khác cũng bám sát từng lĩnh vực, địa bàn được phân công để phản ánh toàn diện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố, góp phần định hướng tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về dịch bệnh, ủng hộ, tuân thủ các chủ trương, chỉ đạo phòng chống dịch của Trung ương và thành phố, biểu dương động viên các lực lượng tham gia phòng chống dịch.
Trên trận tuyến giữ “mạch máu” thông tin chống dịch, song hành cùng các kíp phóng viên trực tiếp xuống hiện trường đưa tin, đi vào tâm dịch, là đội ngũ các kíp trực biên tập tổ chức sản xuất, kỹ thuật truyền dẫn phát sóng hàng ngày. Dịch bệnh chẳng tránh một ai, có những kỹ thuật viên đã mắc Covid-19. Nhiệm vụ của Đài Hà Nội càng trở nên nặng nề hơn, vừa thực hiện yêu cầu cách ly, vừa đảm bảo luân phiên trực sóng 24/24h.
Trong những đợt Hà Nội giãn cách, học sinh phải nghỉ học dài ngày phòng chống dịch. Thực hiện yêu cầu của lãnh đạo thành phố, Đài Hà Nội đã nhanh chóng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức dạy học trực tuyến trên truyền hình và các nền tảng nội dung số của Đài như website, app, kênh YouTube, các Fanpage chính thức.
Đội ngũ giáo viên không quản ngày đêm soạn giáo trình, bài giảng trực tuyến, bục giảng là trường quay truyền hình. Các kíp sản xuất phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 22 giờ cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật để kịp phát sóng mỗi ngày 16 chương trình từ lớp 4 đến lớp 12.
Chương trình "Dạy học trên truyền hình" được phát sóng đã tạo được hiệu ứng tốt với các em học sinh, phụ huynh học sinh. Sau khi chương trình phát sóng, rất nhiều tỉnh thành trong cả nước đề nghị được tiếp sóng và cung cấp chương trình do Đài sản xuất để phát sóng phục vụ học sinh của tỉnh mình.
Nhờ chương trình dạy học trực tuyến, học sinh Hà Nội vẫn đảm bảo được kiến thức những môn học cơ bản. Kỳ thi cuối các cấp diễn ra suôn sẻ, học sinh đạt kết quả tốt. Điều này có công sức đóng góp không nhỏ của đội ngũ giáo viên hết lòng vì học sinh thân yêu và trách nhiệm trong nhiệm vụ tuyên truyền của Đài Hà Nội trong giai đoạn chống dịch cam go.
Cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 có giai đoạn căng thẳng, nhưng bất chấp khó khăn, những người làm báo vẫn tận tụy từng ngày liên tục đưa những hình ảnh về phòng chống dịch bệnh đến với hàng triệu khán - thính giả. Trong hai năm chống dịch Covid-19, hàng nghìn tin bài, phóng sự, phim tài liệu về diễn biến dịch, công tác tuyên truyền phòng, chữa bệnh đã được phát sóng, đăng tải trên các phương tiện truyền thông của Đài. Cả nghìn bài giảng trực tuyến đã được học sinh đón nhận. Ghi nhận những thành tích quan trọng này, Chủ tịch UBND thành phố đã tặng Bằng khen cho Đài và nhiều đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác phòng chống dịch của thành phố.
Trong những giai đoạn cam go, đã thể hiện rõ vai trò của Đài Hà Nội và bản lĩnh, ý chí của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, công nhân viên của Đài Thủ đô.
Ở Hà Nội có những con phố cổ đông đúc cả ngày. Phố Hàng Chiếu cũng không phải ngoại lệ. Đây là một trong số những con phố hiếm hoi buôn bán đúng mặt hàng gắn với tên gọi "Hàng Chiếu".
Cùng sử dụng chất liệu sợi tơ tằm giống như lụa nhưng "the" hay "sa" dường như đã trở nên khá xa lạ trong đời sống ngày nay. Với khát khao gìn giữ hơi thở của the lụa từng vang danh gắn với mảnh đất quê hương mình, nghệ nhân Lê Đăng Toản (La Khê, Hà Đông) đã miệt mài canh cửi trong suốt gần 20 năm, dù hành trình đó có không ít gian nan.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống bốn đời làm gốm sứ, chị Vũ Như Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Vạn An Lộc (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã có 9 năm bươn chải với nghề. Thời gian 9 năm không dài đối với một nghệ nhân, vậy nhưng chị Vũ Như Quỳnh đã xây dựng được một vị thế vững chắc cho thương hiệu gốm sứ Vạn An Lộc trên thị trường.
Từ những bó hoa tươi có mặt vào những dịp lễ đặc biệt, những khoảnh khắc đáng nhớ, qua bàn tay khéo léo đã trở thành sản phẩm hộp hoa khô, khung ảnh hay đèn hoa... để kỷ niệm được lưu giữ.
Hà Nội với vẻ đẹp cổ kính và những phố phường rộn rã nhịp sống, từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ. Trong không gian tĩnh lặng của những bức tranh, Thủ đô hiện lên dịu dàng và thơ mộng.
Hà Nội không chỉ có bốn mùa quen thuộc xuân - hạ - thu - đông, mà còn có cả một mùa để lưu giữ những bức ảnh, những thước phim, những xúc cảm và kỷ vật vô giá của một thời học trò dấu yêu sẽ không bao giờ trở lại.
0