Chung tay biến rác thải nhựa thành tài nguyên quý giá

Thế giới tạo ra 57 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Con số này cho thấy rác thải nhựa vẫn tiếp tục là một vấn nạn mà các nước cần chung tay giải quyết. Tái chế được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm giảm lượng rác thải nhựa đang làn tràn khắp nơi.

Thế giới tạo ra 57 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm

Một nghiên cứu được công bố mới đây của các nhà khoa học Đại học Leeds ở Vương quốc Anh cho thấy, thế giới tạo ra 57 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Và hơn 2/3 lượng rác thải này đến từ khu vực Nam bán cầu. Con số này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu điều tra lượng rác thải nhựa bị thải ra môi trường tự nhiên ở hơn 50.000 thành phố và thị trấn trên khắp thế giới. Những con số này cho thấy rác thải nhựa vẫn tiếp tục là một vấn nạn mà thế giới cần chung tay giải quyết.

Các nhà khoa học Đại học Leeds so sánh lượng rác thải nhựa mà thế giới thải ra mỗi năm có thể lấp đầy Công viên Trung tâm của thành phố New York với chiều cao 443 m, bằng độ cao của tòa nhà Empire State. Rác thải nhựa đang có mặt ở khắp nơi, từ nơi sâu thẳm nhất của đại dương cho tới những đỉnh núi cao nhất thế giới. Nghiên cứu này xem xét nhựa thải ra môi trường tự nhiên, chứ không phải nhựa thải ra bãi rác hoặc được đốt đúng cách.

Khó khăn nhất trong cuộc chiến chống rác thải nhựa nằm ở khu vực Nam bán cầu. Nơi đây đang có khoảng 1,2 tỷ người sống mà không được tiếp cận với các dịch vụ xử lý rác thải nhựa rắn. Do vậy, họ không có cách nào khác ngoài việc vứt bỏ ra môi trường hoặc đốt rác thải nhựa, dẫn đến tình trạng ô nhiễm.

Giáo sư Costas Velis - Trưởng nhóm nghiên cứu Đại học Leeds.

Theo kết quả nghiên cứu thì thành phố xả nhiều rác thải nhất thế giới là Lagos của Nigeria. Các thành phố khác xếp vào top đầu gây ô nhiễm nhựa là New Delhi - Ấn độ, Luanda - Angola; Karachi - Pakistan và Al Qahirah - Ai Cập.

Vị trí quốc gia dẫn đầu thế giới về ô nhiễm nhựa thuộc về Ấn Độ với 10,2 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm, cao hơn gấp đôi so với Nigeria và Indonesia, các quốc gia xếp vị trí thứ 2 và thứ 3.

Đường ray xe lửa đầy rác thải nhựa và các vật liệu phế thải khác ở Mumbai, Ấn Độ. Nguồn: AP.

Các nhà khoa học cho biết, Trung Quốc, đứng thứ tư thế giới về ô nhiễm nhựa nhưng đang có những bước tiến vượt bậc trong việc giảm thiểu chất thải này. Các quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu khác là Pakistan, Bangladesh, Nga và Brazil. Theo dữ liệu của nghiên cứu, 8 quốc gia này chịu trách nhiệm cho hơn một nửa tình trạng ô nhiễm nhựa trên toàn cầu.

Trong danh sách này Mỹ đứng thứ 90 về ô nhiễm nhựa với hơn 52.500 tấn và Vương quốc Anh đứng thứ 135 với gần 5.100 tấn.

Vào năm 2022, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đồng ý thực hiện hiệp ước ràng buộc pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ở các đại dương. Các cuộc đàm phán cuối cùng sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 11 tới .

Các nhà khoa học của Đại học Leeds đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để tập trung vào các loại nhựa bị đốt không đúng cách hoặc bị vứt bỏ, vốn chiếm khoảng 57% lượng rác thải nhựa. Trong cả hai trường hợp trên thì hạt vi nhựa cực nhỏ hay nhựa nano trong rác thải đã trở thành mối đe đọa nghiêm trọng tới sinh vật biển và sức khỏe con người.

Liên hợp quốc dự đoán rằng sản lượng nhựa có khả năng tăng từ khoảng 440 triệu tấn mỗi năm lên hơn 1.200 triệu tấn. Sự gia tăng này khiến hành tinh của chúng ta nghẹt thở vì nhựa.

Mỹ: Tái chế nhựa phế thải thành nhựa mới

Tái chế là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm giảm lượng rác thải nhựa đang lan tràn khắp nơi. Mới đây các nhà hóa học tại Trường Đại học California – Berkeley, Mỹ đã thực hiện thành công một thí nghiệm mới biến rác thải nhựa thành khí để tái chế chúng thành loại nhựa hoàn toàn mới. Đây được coi là một bước tiến lớn trong việc tái chế các sản phẩm nhựa bị bỏ đi.

Các nhân viên phòng thí nghiệm sẽ cắt nhỏ một chai nhựa. Họ trộn các mảnh nhựa với hóa chất và chuẩn bị hỗn hợp để 'bay hơi'.

Sản phẩm cuối cùng từ quy trình của chúng tôi là loại khí C3H6 gọi là propylene và có thể được sử dụng để tạo ra nhiều thứ, nhưng nó có thể được sử dụng lại để sản xuất nhựa polypropylen, giúp giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để tạo ra sản phẩm mới.

Giáo sư hóa học John Hartwig, Đại học California - Berkeley.

Hiện nay, các cơ sở tái chế thường trộn rác thải nhựa và nấu chảy để phát triển sản phẩm mới như đồ chơi trẻ em, đồ nội thất và nhiều sản phẩm có giá trị thấp khác.

Tuy nhiên, phương pháp của nhóm nghiên cứu Đại học Berkeley có thể phá vỡ nhựa xuống mức cơ bản trở về dưới dạng tiền chất của chúng là những phân tử để tái tạo thành nhựa mới.

Các nhà nghiên cứu sử dụng chất xúc tác, một thành phần của phản ứng hóa học giúp quá trình phản ứng diễn ra nhanh hơn, để làm bay hơi cả nhựa polyetylen và nhựa polypropylen. Đây là hai loại nhựa được sử dụng rộng rãi trong các mặt hàng tiêu dùng như đồ chơi, nội thất, sản phẩm gia dụng. Khoảng 2/3 rác thải nhựa trên thế giới được làm từ vật liệu polyetylen và polypropylen, và 80% trong số đó bị đốt hoặc trở thành rác thải trên đường phố, trôi nổi trên đại dương hoặc ném vào bãi rác. Phần còn lại được tái chế. Những loại nhựa này trộn lẫn với nhau trong dòng thải rất khó phân loại bằng robot và các phương pháp khác.

Thí nghiệm mới biến rác thải nhựa thành khí để tái chế của nhóm nghiên cứu Đại học Berkeley.

Nhưng nhóm của ông Hartwig nhận thấy quy trình của họ có thể phá vỡ các vật liệu polyetylen và polypropylen ngay cả khi chúng được trộn lẫn, giúp giảm bớt gánh nặng phải phân tách chúng. Các nhà khoa học ước tính có khoảng 8 triệu tấn rác thải đổ vào các đại dương trên thế giới mỗi năm, tương đương với việc mỗi phút đổ một xe rác thải nhựa xuống đại dương.

Mặc dù nhóm nghiên đã đạt được thành công trong phòng thí nghiệm, nhưng họ phải cải tiến quy trình này để nó trở nên khả thi về mặt công nghiệp, một quá trình đòi hỏi rất nhiều thời gian và chi phí.

Các phương pháp tái chế rác thải

Trên hòn đảo ven biển Lamu, ngoài khơi bờ biển phía Đông Kenya, đâu đâu cũng là những đống rác thải nhựa. Nhựa bị nước biển cuốn tới hoặc nhựa do chính người dân đảo tạo ra. Để hòn đảo trở lại vẻ đẹp trong lành, một dự án tái chế rác đã ra đời. Người dân có thể tận dụng rác thải nhựa để biến chúng thành đồ nội thất, thậm chí là tạo ra cả những chiếc thuyền buồm có thể vượt đại dương.

Dự án tái chế rác Flipflopi ra đời vào năm 2016 tại đảo Lamu. Số tiền các tổ chức phi chính phủ tài trợ cho dự án được dùng để mua rác thải nhựa của người dân địa phương và trả cho các công đoạn tái chế.

Sau khi rác được thu gom, các công nhân sẽ phân loại từng loại nhựa và màu sắc khác nhau. Nhựa được nghiền nát, rửa sạch, sấy khô, nấu chảy và đúc thành nhiều màu sắc, hình dạng và kích cỡ khác nhau. Chúng được tái chế thành đồ nội thất và thuyền buồm.

Chiếc thuyền buồm làm hoàn toàn từ nhựa tái chế Flipflopi. Ảnh: UN.

Kể từ năm 2019, tổ chức phi chính phủ này đã vận hành thuyền Flipflopi, mà họ cho rằng đó là thuyền buồm bằng nhựa tái chế đầu tiên trên thế giới. Họ đã thực hiện các chuyến thám hiểm bằng con thuyền này từ Ấn Độ Dương đến Hồ Victoria. Dự sán Flipflopi cũng đã hạ thủy thêm hai chiếc thuyền được làm từ rác thải nhựa tái chế.

Ông Ali Skanda, nhà sáng lập dự án Flipflopi chia sẻ: “Chúng tôi làm điều này chỉ để thế giới hiểu rằng nhựa không phải là rác thải. Chúng tôi có thể gia tăng giá trị và tạo ra những đồ vật có giá trị."

Dự án tái chế rác không chỉ đem lại môi truòng trong lành cho hòn đảo mà còn giúp đem lại thu nhập cho những người dân trên đảo.

Anh: Bao bì có thể phân hủy hoàn toàn

Là một trong những món ăn nhẹ phổ biến nhất thế giới, hàng tỷ gói khoai tây chiên giòn được tiêu thụ mỗi năm nhưng hầu hết bao bì của chúng lại không thể tái chế và bị vứt ra bãi rác. Một trang trại ở Anh đã biến gói khoai tây chiên giòn trở thành sự lựa chọn thân thiện với môi trường hơn bằng cách sử dụng bao bì có thể phân hủy hoàn toàn.

Theo công ty tư vấn nghiên cứu của Tập đoàn IMARC, thì thị trường khoai tây chiên trên toàn cầu trị giá tới 34,3 tỷ USD vào năm 2023, nhưng bao bì cho đồ ăn vặt phổ biến này thường được làm bằng nhựa không thể tái chế. Để phân hủy bao bì loại này có thể mất tới 80 năm. Nhà sản xuất bao bì Two Farmers ở Anh đã đưa ra giải pháp cho vấn đề này.

Nhìn bề ngoài chững chiếc túi này giống như bất kỳ bao bì khoai tây chiên bình thường nhưng trên thực tế, chúng có thể phân hủy hoàn toàn chỉ trong vòng 26 tuần.

Gói khoai tây chiên giòn Two Farmers với bao bì có thể phân hủy trong vòng 26 tuần. Ảnh: Two Farmers.

Một gói khoai tây chiên giòn Two Farmers được bán với giá khoảng 1 bảng Anh, hơn 32.000 đồng. Bao bì hoàn toàn có thể phân hủy là một trong nhiều biện pháp mà trang trại đang thực hiện để áp dụng phương pháp sản xuất thực phẩm cực kỳ bền vững. Điều đó khiến nhiều khách hàng cho rằng họ có thể ăn món ăn vặt yêu thích của mình mà không phải lo lắng tới việc gây hại cho môi trường.

Thụy Điển đưa ra luật tái chế rác thải thực phẩm  

Thụy Điển được xem là nước đi đầu thế giới về công nghệ tái chế, thậm chí quốc gia này còn phải nhập khẩu rác để duy trì hoạt động của các nhà máy tái chế rác thải. Ngoài tái chế rác thải nhựa, chính phủ nước này còn quan tâm tới tái chế rác thải thực phẩm. Với việc ban hành luật tái chế rác thải thực phẩm vào đầu năm nay, quốc gia này hy vọng có thể giảm 20% lượng rác thải thực phẩm bình quân đầu người vào năm 2025.

Anh Fabian Säll sống ở thành phố Stockholm, là một trong những người hâm mộ luật tái chế rác thải thực phẩm của Thụy Điển. Vì vậy khi chuẩn bị bữa ăn, anh cẩn thận cất riêng vỏ khoai tây để mang đi tái chế chứ không vứt vào thùng rác.

Luật tái chế rác thải thực phẩm có hiệu lực vào đầu năm nay tại Thụy Điển. Nhưng trên thực tế nhiều thành phố trên khắp Thụy Điển đã thực hiện việc tái chế rác thải thực phẩm trong nhiều thập kỷ qua. Vậy luật mới này có tạo ra sự khác biệt nào không?

Thụy Điển 'sạch' tới mức phải nhập khẩu rác để tái chế. Ảnh: Business Insider Nordic.

Câu trả lời có lẽ là có. Biokraft, một trong hai công ty chịu trách nhiệm tái chế rác thải thực phẩm ở khu vực Stockholm, đã báo cáo tổng lượng rác thải thực phẩm được thu gom tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty này xử lý chất thải thực phẩm thành khí sinh học và phân bón, sau đó gửi tới các bến xe buýt và nông dân địa phương. Ngoài ra, công ty cũng sản xuất nhiên liệu sinh học hóa lỏng để bán ra nước ngoài.

Theo SL, tổ chức quản lý tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở Stockholm, với nguồn nhiên liệu sinh học tái chế này, Stockholm đã chuyển đổi tất cả xe buýt của mình sang chạy bằng nhiên liệu tái tạo vào năm 2018.

Theo tính toán thì lượng thực phẩm thừa của khoảng 3.000 người mới đủ cung cấp năng lượng cho một chiếc xe buýt trong một năm. Nhưng việc tái chế rác thải thực phẩm vẫn là một thách thức đối với Stockholm, khoảng 35% thức ăn thừa vẫn bị lãng phí mà không được tái chế. Theo Vatten och Avfall - Cơ quan giám sát việc quản lý rác thải của thành phố Stockhom, trung bình mỗi người Thụy Điển tạo ra khoảng 120 kg rác thực phẩm mỗi năm.

Một vấn đề là các tòa nhà dân cư cũ thường thiếu cơ sở vật chất hoặc không gian thích hợp để lắp đặt thùng rác thực phẩm. Một thách thức khác là hơn 50% rác thải thực phẩm ở Stockholm hiện không đến từ các hộ gia đình mà đến từ các nhà hàng và cơ sở kinh doanh thực phẩm khác.

Trước đây, rác thải gia đình chiếm 2/3 tổng số rác thải thực phẩm, nhưng hiện nay, chỉ một nửa lượng rác thải thực phẩm đến từ các hộ gia đình, phần còn lại đến từ các nhà hàng và ngành công nghiệp thực phẩm.

Bà Stina Hedström, điều phối viên của Vatten och Avfall.

Dù còn nhiều thách thức trong quá trình triển khai nhưng luật mới sẽ góp phần giúp Thụy Điển hướng tới mục tiêu giảm 20% lượng thức ăn bị thải ra môi trường. Dù tái chế là tốt nhưng tránh lãng phí vẫn được khuyến khích hơn tại quốc gia này.

Rác thải là một nguồn tài nguyên có thể tái chế và có giá trị. Thay vì vứt bỏ, chúng được tái chế để phục vụ cho cuộc sống con người. Việc tái chế rác thải không những giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích lớn về kinh tế.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thế giới tạo ra 57 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Con số này cho thấy rác thải nhựa vẫn tiếp tục là một vấn nạn mà các nước cần chung tay giải quyết. Tái chế được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm giảm lượng rác thải nhựa đang làn tràn khắp nơi.

Bà Kazuo Araki, một nghệ nhân bóng Temari nổi tiếng đã và đang nỗ lực để bảo tồn cũng như truyền bá nghề thủ công lâu đời này đến với thế hệ trẻ.

Tổng thống Israel Isaac Herzog đã chính thức bác bỏ cáo buộc về việc Israel liên quan đến các vụ nổ thiết bị viễn thông tại Liban, diễn ra trong hai ngày 17-18/9. Theo đó, Tổng thống Herzog khẳng định: "Tôi hoàn toàn bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào đến hoạt động này".

Để làm mát các thành phố, đồng thời tăng cường đa dạng sinh học, các nhà nghiên cứu của Đức đã đưa ra giải pháp kiến trúc phủ xanh đô thị theo chiều dọc bằng một hệ thống cây dây leo phát triển nhanh, có thể tạo ra nhiều bóng râm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa thông qua thành phần Chính phủ mới của tân Thủ tướng Michel Barnier, với toàn bộ 39 thành viên đều thuộc các đảng trung dung và cực hữu.

Quân đội Liên bang Nga và Quân đội nhân dân Lào đã bắt đầu cuộc tập trận chung Laros-2024 tại trường bắn Sergeyevsky thuộc khu vực Primorsky ở vùng Viễn Đông của Nga.