Chút hơi ấm ngày đông

Cơn gió cuối đông rót hơi lạnh vào mọi khoảng trống không gian. Hương thơm của cá lan tỏa khắp nhà mằn mặn mà níu lấy đôi bàn chân tôi ngưng bước để ở lại với bà ăn bữa cơm ngày mưa vội vã. Mâm cơm chiều mang theo tình thương của bà mặn mà, ấm áp. Hơi ấm ngày đông vẫn còn vương lại mãi trong trái tim tôi.

Quê ta, một ngày êm ả! Cơn gió cuối đông rót hơi lạnh vào mọi khoảng trống không gian. Ngoại nhẹ nhàng chắt nước khi cơm sôi vừa đủ, rồi khéo léo đặt vào đó chén cá mặn  để chưng, khi cơm vừa cạn nước, cá cũng vừa chín. Hương thơm của cá lan tỏa khắp nhà mằn mặn mà níu lấy đôi bàn chân tôi ngưng bước để ở lại với bà ăn bữa cơm ngày mưa vội vã.

Tôi lại cạnh bên ngoại, hít hà mái tóc ám đầy mùi khói bếp. Ánh mắt ngoại nheo lại vì cay cay, có cả vị mặn của cá làm cho nước bọt cứ tứa ra. Bầu trời tự dưng trở mình nổi gió, mấy cơn gió cứ ạt ào rít trên mái tôn cũ, xô những cây bắp ngoài vườn dúi vào với nhau. Ngoại nhấc nồi cơm từ trên bếp xuống đặt vào mâm đã có sẵn đĩa rau lang luộc, nước chấm và tô canh, rồi vội vàng với tay mặc thêm chiếc áo dạ cho ấm người. Tôi thấy bà hơi run lên vì rét, chạnh lòng thương đôi vai gầy đã hơn nửa đời vất vả lo toan, gánh gồng vì con cháu. Tôi ngồi lại bên nồi cơm nóng hổi, xới mỗi người mỗi bát. Bà gắp và đặt miếng cá mặn vào bát cơm tôi rồi giục: Cháu ăn nhanh đi cho nóng sốt!

Nhìn nồi cơm đang tỏa ra hơi ấm, tôi thấy vui, khi nhà chẳng còn phải ăn cơm độn như thời bao cấp, cuộc sống giờ đây đã khá giả hơn. Trên bàn ăn dù chỉ toàn là món ăn dân dã nhưng cũng là “mĩ vị” của một thời gian khó, nhọc nhằn. Đó là  rau lang luộc, cá mặn chưng. Thời tiết mưa dầm dề mà được ăn những thứ này còn gì bằng. Cá mặn là gọi theo vị của cá, thực chất đây là món cá muối với nhiều loại cá, cá chuồn. cá nục, cá mòi…

Tôi nhớ những sáng mưa tầm, mưa tã, ngoại mặc chiếc áo tơi bước vội xuôi dòng nước trên con đường làng mà về nhà. Tay bà mang theo món cá mặn, tôi tíu tít mừng vui vì tối nay có cá ăn. Cũng có những năm mùa mưa đến sớm, ngoại lại tự tay mình muối lấy chum cá để trong góc sân nhà vắng nắng. Rồi chậm rãi mà dùng qua cả một mùa mưa. Đã bao mùa nước lũ qua đi, tóc bà nay đã như mây trời ấp ôm, chở che cả một đời tôi.

Trong khoảnh khắc này, vết cứa tâm hồn của đứa trẻ tuổi đôi mươi dường như đang được chữa lành bằng tình thương vô hạn của bà. Lòng tôi ngập tràn yêu nhớ, những kỷ niệm xưa cũ như thước phim chiếu chậm chạy qua tâm trí mình. Thấy tôi ngẩn ngơ, bà dừng đũa, ánh mắt đầy âu yếm nhìn tôi nở nụ cười hiền hậu: “Lâu lắm rồi con mới về. Bà vui lắm. Cố gắng ăn uống, học hành cho đến nơi đến chốn”. Và miếng cơm, cắn miếng cá rồi nhai chầm chậm trong miệng, cơm dẻo thơm, cá đậm đà. Còn gì ngon bằng hương vị bữa cơm của ngoại.

Mỗi năm tôi mỗi lớn, đôi mắt bà đã mờ theo màu thời gian. Hôm nay tôi về, còn bữa cơm quê dạt dào tình thương, nhưng liệu rằng ngày mai hơi ấm đó còn chăng? Bưng bát cơm trên tay mà lòng tôi cứ nghèn nghẹn. Chẳng biết còn có thể về nhà quây quần cùng ngoại được bao lần nữa. Gian bếp kia sợ một ngày nào đó sẽ chẳng còn ngọn lửa nào để sưởi ấm đời tôi. Mâm cơm chiều mang theo tình thương của bà mặn mà, ấm áp… Hơi ấm ngày đông vẫn còn vương lại mãi trong trái tim tôi./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hoa lưu ly (forget me not) - một loài hoa tím nhỏ thủy chung, suốt đời ôm thương nhớ về mối tình vô vọng. Loài hoa tím ấy như tượng trưng cho một cuộc tình tàn phai rồi hồi sinh, hồi sinh rồi lại phai tàn từ kiếp này qua kiếp khác mặc cho trong đời ai nhớ ai quên.

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...