Chuyển đổi năng lượng sạch - chủ đề nóng tại COP29
Nhiên liệu hoá thạch và sự nóng lên toàn cầu
Kể từ khi các quốc gia nhất trí vào năm 2015 về tham vọng hạn chế mức nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, con số này đã trở thành biểu tượng cho việc ngăn chặn biến đổi khí hậu thảm khốc.
Báo cáo mới đây cho thấy vấn đề ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch sẽ tăng lên 37,4 tỷ tấn trong năm nay, tăng 0,8% so với năm 2023. Lượng khí thải toàn cầu từ than, dầu và khí đốt đều được dự báo cũng sẽ tăng. Thông tin này đang làm tan vỡ hy vọng nỗ lực cắt giảm nhiên liệu hóa thạch sẽ hạn chế hành tinh ấm lên vào năm 2024.
Báo cáo này được đưa ra khi các nhà lãnh đạo toàn cầu họp tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Baku, Azerbaijain.
Báo cáo nêu rõ tính cấp thiết là rõ ràng, năm nay "gần như chắc chắn" sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử và đã chứng kiến những cơn bão liên tiếp, lũ lụt thảm khốc và hạn hán nghiêm trọng.
Đầu tháng này, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu ngày 7/11 cũng ghi nhận năm 2024, Trái Đất gần như chắc chắn sẽ nóng nhất từ trước đến nay. Và lần đầu tiên, năm 2024, nhiệt độ toàn cầu cao hơn 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong khi nhiên liệu hóa thạch chiếm tỷ lệ lớn gây ra ô nhiễm làm nóng hành tinh thì vẫn còn nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm chính là nhu cầu thay đổi mục đích sử dụng đất của con người, điển hình là nạn phá rừng. Theo báo cáo, lượng khí thải sẽ tăng mạnh vào năm 2024, do hạn hán và cháy rừng nghiêm trọng liên tục xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tôi nghĩ rằng bản chất không ngừng của sự nóng lên này là điều đáng lo ngại. Việc vượt quá ngưỡng nóng lên 1,5 độ C trong một năm là khác với mục tiêu được thông qua trong Thỏa thuận Paris năm 2015. Mục tiêu cốt lõi của Thỏa thuận Paris là cố gắng hạn chế tình trạng nhiệt độ vượt mức 1,5 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp cũng như ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu đối với nhân loại.
Ông Carlo Buontempo, Giám đốc Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus.
Thống kê cũng ghi nhận một số thông tin tích cực hơn: lượng khí thải sẽ giảm ở Mỹ và châu Âu, trong khi lượng khí thải của Trung Quốc cũng đang chậm lại, thậm chí có thể giảm trong năm nay, nghiên cứu dự đoán. Tuy nhiên, lượng khí thải giảm ở các nước này lại bị bù đắp bởi sự gia tăng ở hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới, bao gồm cả Ấn Độ.
Theo báo cáo, tổng lượng ô nhiễm khí hậu toàn cầu sẽ đạt 41,6 tỷ tấn trong năm nay, tăng so với mức 40,6 tỷ tấn của năm 2023. Sự gia tăng này có vẻ không lớn, nhưng nó khiến thế giới đi chệch hướng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Trước đó, một báo cáo của Liên hợp quốc được công bố vào tháng 10 cho biết lượng khí thải carbon toàn cầu đang dần ổn định và đã nêu ra khả năng chúng có thể giảm trong năm nay. Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch cần phải giảm khoảng 1/2 trong thập kỷ này để hạn chế mức nóng lên toàn cầu ở dưới 1,5 độ C, ngưỡng mà các quốc gia đã cam kết cố gắng duy trì dưới mức này trong Thỏa thuận khí hậu Paris.
Biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động thảm khốc. Nhưng các nhà khoa học cảnh báo rằng ở mức 1,5 độ C, nó bắt đầu vượt quá khả năng thích nghi của con người và thế giới tự nhiên. Chính những điều này sẽ có khả năng gây ra các điểm tới hạn khí hậu tàn khốc.
Nhân loại đã trải qua 12 tháng vượt quá mức giới hạn khí hậu quan trọng này. Các nhà khoa học hiện bày tỏ lo ngại mức giới hạn khí hậu có thể tiếp tục vượt khung trong thời gian dài hơn. Nghiên cứu hôm 12/11 ước tính rằng với tốc độ phát thải hiện tại, khoảng 50% khả năng thế giới sẽ liên tục vượt ngưỡng 1,5 độ C trong khoảng 6 năm tới.
Báo cáo ghi nhận một số công ty và chính phủ đã nhấn mạnh việc loại bỏ carbon là một cách quan trọng để giảm nhiệt độ toàn cầu, nhưng công nghệ hiện tại chỉ loại bỏ được khoảng một phần triệu lượng ô nhiễm carbon do nhiên liệu hóa thạch tạo ra.
Ông Pierre Friedlingstein, nhà khoa học về khí hậu tại Đại học Exeter cho rằng thời gian đang cạn kiệt, đồng thời nói thêm rằng các nhà lãnh đạo thế giới họp tại COP29 phải thực hiện cắt giảm nhanh chóng và sâu rộng lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.
Chuyển đổi năng lượng sạch: Chủ đề nóng tại COP29
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội nghị COP29, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết, nước này đang “đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tổng hợp hạt nhân” và đã tổ chức hội nghị đầu tiên của Nhóm Năng lượng tổng hợp thế giới, do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tài trợ, trong thời gian làm Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) năm nay.
Bày tỏ ủng hộ việc sử dụng năng lượng hạt nhân thay thế cho nhiên liệu hóa thạch do thế giới không có các lựa chọn thực tế khác, Thủ tướng Italy kêu gọi thế giới nên ưu tiên việc phi carbon hóa, khi tính đến tính bền vững của hệ thống sản xuất và xã hội.
GDP toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới. Điều này sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ năng lượng, cũng như nhu cầu ngày càng tăng đối với sự phát triển trí tuệ nhân tạo. Chúng ta cần một hỗn hợp năng lượng cân bằng để tăng cường quá trình chuyển đổi. Chúng ta phải sử dụng tất cả các công nghệ có sẵn: không chỉ năng lượng tái tạo mà còn cả khí đốt, nhiên liệu sinh học, hydro, thu giữ CO2 và trong tương lai là phản ứng tổng hợp hạt nhân.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni.
Bày tỏ ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, Nga đang tăng cường công nghệ và sản xuất của riêng mình để trung hoà khí thải carbon trong công nghiệp. Thủ tướng Nga kêu gọi nỗ lực thống nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đề ra 4 lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Trong đó có thống nhất mục tiêu chung mới về tài chính khí hậu vì lợi ích của các nước đang phát triển, không chấp nhận sự phân biệt đối xử về công nghệ, tạo ra một hệ thống thống nhất để đánh giá chất lượng của các dự án khí hậu, cũng như tăng cường hợp tác giữa các cộng đồng khoa học để đưa ra quyết định hiệu quả về quá trình trung hoà carbon và thích ứng.
Chia sẻ quan điểm với Thủ tướng Nga, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng nhấn mạnh, chuyển đổi năng lượng sạch là cần thiết song cần lộ trình rõ ràng và từng bước để đảm bảo phát triển bền vững. Theo Thủ tướng Hy Lạp thế giới cần đảm bảo có nhiều nguồn lực hơn để giải quyết tác động của những cú sốc khí hậu chưa từng có.
Châu Âu và thế giới phải trung thực hơn về những đánh đổi liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng. Đúng vậy, về lâu dài, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ giúp giảm chi phí, nhưng quá trình chuyển đổi này sẽ không hề dễ dàng. Chúng ta cần đặt ra những câu hỏi khó về một con đường đi rất nhanh với cái giá phải trả là khả năng cạnh tranh của chúng ta và một con đường đi chậm hơn một chút nhưng cho phép ngành công nghiệp của chúng ta thích nghi và phát triển. Chúng ta có trách nhiệm cân nhắc cẩn thận những đánh đổi này, chứ không phải là gạt chúng đi.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis.
Bằng chứng khoa học cho thấy, các nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấm nóng toàn cầu. Tình trạng nóng lên toàn cầu cũng như tác động của hiện tượng này đang diễn ra nhanh hơn dự kiến và nhiệt độ trung bình của Trái Đất có thể đã tăng 1,5 độ C so với thời kỳ công nghiệp. Mức tăng nhiệt vượt ngưỡng 1,5 độ C sẽ dẫn đến nguy cơ các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch theo thỏa thuận của COP28 đến nay vẫn là "bài toán khó” với toàn cầu, nhất là vấn đề kinh phí và phương án thực hiện. Muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo cần đầu tư nguồn kinh phí lớn để phát triển công nghệ mới, đồng thời hỗ trợ xã hội và doanh nghiệp chuyển đổi.
COP29 nhất trí các quy tắc của thị trường carbon
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã đạt được nhất trí về các tiêu chuẩn chất lượng tín chỉ carbon. Đây là yếu tố quan trọng để khởi động thị trường carbon toàn cầu do Liên hợp quốc điều hành nhằm tài trợ cho các dự án giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev đã ca ngợi việc đạt nhất trí về tín chỉ carbon là một “bước đột phá” có thể giúp giải phóng tới 250 tỷ USD chi tiêu một năm để giúp các quốc gia nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh các vấn đề tài chính, việc xây dựng thị trường carbon toàn cầu cũng là chủ đề được đặc biệt quan tâm tại hội nghị lần này.
Theo báo cáo thường niên, "Hiện trạng và xu hướng định giá carbon năm 2024" của Ngân hàng Thế giới công bố vào giữa năm nay, vào năm 2023, trên khắp thế giới đã có 75 thị trường carbon đang được vận hành riêng rẽ, với doanh thu định giá carbon đạt mức kỷ lục 104 tỷ USD. Hơn một nửa số doanh thu này được được sử dụng để tài trợ cho các chương trình liên quan đến khí hậu và thiên nhiên.
Tín chỉ carbon được tạo ra thông qua các hoạt động làm giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính làm nóng hành tinh, như trồng cây, bảo vệ các bồn chứa carbon hoặc thay thế than gây ô nhiễm bằng các giải pháp năng lượng sạch. Một tín chỉ tương đương với một tấn dioxide carbon giữ nhiệt được ngăn ngừa hoặc loại bỏ. Kể từ Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, Liên hợp quốc đã xây dựng các quy tắc để cho phép các quốc gia và doanh nghiệp trao đổi tín chỉ trong một thị trường minh bạch và đáng tin cậy.
Một khi đi vào hoạt động, thị trường carbon sẽ cho phép các quốc gia - chủ yếu là các quốc gia giàu có gây ô nhiễm - bù đắp lượng khí thải bằng cách mua tín chỉ từ các quốc gia đã cắt giảm khí nhà kính vượt mức đã cam kết. Các quốc gia mua khí thải sau đó có thể sử dụng tín chỉ carbon để đạt được các mục tiêu về khí hậu đã cam kết trong kế hoạch quốc gia.
Mỗi hội nghị COP đều là một hội nghị quan trọng và COP29 cũng vậy. Trước hết, chúng ta cần tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng. Năm ngoái chúng ta đã quyết định chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch, tăng gấp ba năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu suất trên toàn thế giới. Năm nay chúng ta cần cụ thể hoá những mục tiêu này.
Bà Jennifer Morgan, Đặc phái viên về khí hậu của Đức.
Dù vẫn còn nhiều việc phải làm để hướng tới một thị trường carbon chất lượng cao, song đây có thể xem là một khởi đầu đáng khích lệ của COP29 trong bối cảnh những tranh cãi về tài chính khí hậu đã phủ bóng ngày họp đầu tiên của hội nghị. Các quốc gia vẫn chia rẽ về cách các nước giàu “chi tiền” để hỗ trợ các nước nghèo giảm khí thải CO2 bằng cách chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, bù đắp cho các thảm họa khí hậu và thích ứng với thời tiết khắc nghiệt trong tương lai. Liên hợp quốc ước tính, nhu cầu có thể lên tới 1.300 tỷ đô la một năm.
Gói tài chính được thảo luận tại các cuộc đàm phán năm nay rất quan trọng. Bởi đầu năm tới là thời hạn chót để các nước đưa ra các mục tiêu mới tham vọng hơn nhằm hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ việc đốt than, dầu và khí tự nhiên. Số tiền đưa ra có thể đánh giá mức độ tham vọng của các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các phái đoàn tại COP29 cho biết, trong khi các cơ chế định giá và giao dịch carbon hiện nay đang hoạt động hiệu quả, vẫn cần có một cơ chế mang tính toàn cầu để tối ưu hóa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tạo thuận lợi cho các giao dịch carbon xuyên biên giới. Đây cũng là một trong các nội dung mới rất đáng chú ý tại Hội nghị COP29 năm nay. Theo các chuyên gia, nếu thị trường carbon hoạt động hiệu quả, nó có thể mang lại hàng trăm tỷ USD cho các nước đang phát triển.
Tại ngôi làng Ponikla ở Cộng hòa Séc, nghề thổi thủy tinh có truyền thống hơn 150 năm tuổi vẫn đang được duy trì. Nhà xưởng Rautis, đơn vị duy nhất trên thế giới còn sản xuất đồ trang trí Giáng sinh từ cát thủy tinh, không chỉ đang bảo tồn một nghề thủ công truyền thống mà còn góp phần đưa kỹ thuật này đến đông đảo bạn bè quốc tế.
Dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố mới đây cho thấy, trong tháng 10 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã mua dầu từ Nga với tổng trị giá 687,5 triệu euro (khoảng 735,6 triệu USD), mức cao nhất kể từ tháng 2 năm nay.
Albania công bố lệnh cấm TikTok trong vòng một năm do lo ngại về ảnh hưởng của mạng xã hội lên trẻ em. Quyết định được đưa ra sau vụ một thiếu niên 14 tuổi bị bạn học đâm chết vì những tranh cãi qua lại trên mạng xã hội.
Theo tờ Maariv của Israel, các lực lượng quân sự Israel đang gặp phải những thách thức đáng kể trong việc đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái từ nhóm Houthi.
Trong cuộc họp trực tuyến ở Moskva ngày 22/12, Tổng thống Vladimir Putin đã đề cập vụ máy bay không người lái (UAV) tấn công hạ tầng dân sự tại thành phố Kazan, thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga, cách biên giới với Ukraine hơn 1.000 km hôm 21/12.
Thủ lĩnh lực lượng đối lập Syria Hayat Tahrir al-Sham (HTS), ông Ahmed al-Sharaa, ngày 22/12 khẳng định với lãnh đạo cộng đồng người Druze ở Liban rằng Syria sẽ không can thiệp tiêu cực vào Liban và cam kết tôn trọng chủ quyền của nước láng giềng.
0