Chuyện lạ cặp song sinh ra đời cách nhau 5 tuần

Sản phụ mang thai đôi đã vỡ ối và có dấu hiệu nhiễm khuẩn, các bác sĩ buộc phải để bé trai chào đời ở tuần thai thứ 26, nặng 730g, giữ thai nhi còn lại trong bụng mẹ. 5 tuần sau, bé gái nặng 1.200g chào đời an toàn.

Chiều 2/1, phóng viên Đài Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Biên Thùy - Phó trưởng Khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Phóng viên: Thưa bác sĩ Nguyễn Biên Thùy, bác sĩ có thể chia sẻ rõ hơn về câu chuyện của hai bé song sinh chào đời cách nhau 5 tuần? Quá trình điều trị trường hợp này điều gì là khó khăn nhất?

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Biên Thùy: Đây là một trường hợp sản phụ làm IVF hiếm muộn 6 năm. Khi làm IVF thành công thì có song thai một bé trai và một bé gái. Đến tuần thai thứ 24, bệnh nhân có biểu hiện doạ đẻ non, đã được điều trị tại bệnh viện tuyến dưới khâu vòng cổ tử cung, nhưng sau đó thì không thành công và tình trạng nhiễm khuẩn tăng lên. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thai ở dưới ối vỡ, nhiễm khuẩn, chúng tôi đã buộc phải để thai nhiễm khuẩn đó chào đời ở tuần thai thứ 26, nặng 730g.

Vấn đề đặt ra ở đây là có tiếp tục giữ thai thứ hai không? Bởi vì thai thứ nhất khi ra đời thì còn nhỏ. Thứ hai là nguy cơ di chứng về tim, não, phổi, thận của em bé với trẻ non tháng, ví dụ như xơ phổi, liệt do tổn thương chất trắng thần kinh hoặc mù mắt do bong võng mạc, hoặc nặng nhất là sẽ tử vong.

Ê-kip mổ lấy thai thứ 2.

Vấn đề đặt ra rất khó khăn, nhưng chúng tôi đã bàn với gia đình là nếu được, chúng tôi sẽ cố gắng giữ thai thứ hai trong bụng mẹ. Thì sau khi ra đời thai thứ nhất, chúng tôi đã kẹp cắt dây rốn sát và để nguyên cả bánh rau và dây rốn của thai đã ra đời vẫn ở trong buồng tử cung. Chúng tôi sát khuẩn và sử dụng phác đồ điều trị kháng sinh mạnh và nội tiết. Trong tuần đầu theo dõi của thai để lại thì khá khó khăn bởi vì nhiễm khuẩn mà tăng lên thì bắt buộc phải tiếp tục cho nốt thai thứ hai ra. Còn nếu ổn định thì chúng tôi sẽ duy trì tiếp.

Cũng may mắn là bệnh nhân sau khi điều trị 3 loại kháng sinh mạnh kết hợp, chỉ số nhiễm khuẩn đã giảm dần. Thật kỳ diệu, chỉ sau một tuần, cổ tử cung dần đóng lại, các dấu hiệu nhiễm khuẩn giảm hẳn, và thai nhi tiếp tục phát triển ổn định trong bụng mẹ. Sau một tuần theo dõi chúng tôi yên tâm hơn, bệnh nhân thì nằm luôn tại viện để theo dõi giám sát tất cả các yếu tố về mẹ và con.

Đến tuần 31, tức sau gần 5 tuần trong bụng mẹ, mẹ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu tiền sản giật nặng. Đây là một bệnh lý sản khoa đe doạ tính mạng của mẹ, thực chất nếu chưa xuất hiện dấu hiệu về phía mẹ thì con vẫn ổn và chúng tôi có thể giữ tiếp được. Thế nhưng do phía mẹ có đe doạ như vậy, bắt buộc chúng tôi phải hội chẩn và quyết định mổ lấy thai ra để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Khi lấy thai ra thì em bé thứ hai được 1.200g. Do khóc tốt và cũng chỉ cần bác sĩ sơ sinh theo dõi trong thời gian ngắn hai tuần, em bé đã được về với mẹ, tự ăn và gia đình chăm sóc em bé luôn từ thời điểm đó.

Phóng viên: Hiện tại tình hình sức khỏe của sản phụ và hai bé ra sao?

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Biên Thùy: Hiện tại em bé thứ hai đã được 2.500g. Còn em bé thứ nhất thì vẫn còn những vấn đề. Em bé từ 730g lên 2.300g, tuy nhiên di chứng về trẻ đẻ non vẫn có. Em bé bị xơ phổi và hiện vẫn phải hỗ trợ ô-xy tại bệnh viện. Hy vọng trong thời gian tới, sau khi phổi phát triển ổn định được thì em bé sẽ được đoàn tụ với em gái và mẹ trong dịp Tết tới.

Phóng viên: Theo bác sĩ, điều gì đã làm nên kỳ tích này? Bởi rất hiếm có trường hợp song sinh nào một em bé đã ra đời mà vẫn còn 1 em bé trong bụng mẹ tới 5 tuần?

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Biên Thùy: Trường hợp này, may mắn là thai thứ hai chưa bị nhiễm khuẩn ngay từ trong bụng mẹ. Vấn đề tiếp theo là dựa trên những tài liệu thế giới trước đây cũng có rồi và kinh nghiệm điều trị của chúng tôi ở viện, vấn đề thai không nhiễm khuẩn chúng tôi vẫn có thể duy trì tiếp. Trước đây có những ca sảy một thai chúng tôi vẫn giữ được một thai.

Chúng ta hãy tưởng tượng một gia đình mà đẻ hai bé non tháng mà đều có di chứng, nuôi thì cực kỳ khổ, thành ra tập thể bác sĩ bệnh viện đã cố gắng hết sức để làm sao đạt được mức an toàn cao nhất cho cả mẹ và con và giảm di chứng cho em bé để sau khi ra đời thì đỡ gánh nặng cho gia đình và cho xã hội. Vậy nên chúng tôi quyết định điều trị tiếp, cố gắng giữ thai tiếp đến khi em bé có khả năng sinh hoạt độc lập được, tức là có thể tự thở, cho ăn tự ăn chứ không cần nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch hay hỗ trợ thở như em bé đầu tiên. Mục tiêu điều trị non tháng là cố gắng duy trì thêm cho em bé cho ổn định.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Biên Thùy.

Phóng viên: Bác sĩ có lời khuyên gì tới các sản phụ, đặc biệt là các sản phụ mang thai IVF, mang đa thai để có thai kỳ an toàn?

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Biên Thùy: Về vấn đề đẻ non thì không chỉ xảy ra trên bệnh nhân IVF mà còn ở tất cả các bệnh nhân. Nhưng tại sao IVF xảy ra nhiều? Bởi IVF tăng tỷ lệ đa thai lên, mà khi đa thai thì nguy cơ đẻ non rất cao. Đấy là một trong các nguyên nhân. Nguyên nhân thứ hai là vấn đề viêm nhiễm, như trường hợp này thì nhiễm khuẩn có thể gây ra đến 96% trường hợp đẻ non. Chính vì vậy, khuyến cáo là khi có thai, các bà bầu lưu ý nếu có dấu hiệu bất thường để các bác sĩ khám và điều trị thuốc ngay từ đầu thì sẽ ổn định hơn chứ nếu để nhiễm khuẩn vào thai rồi, tiếp tục điều trị là cả vấn đề.

Các em bé đẻ non nuôi rất tốn kém, có những trường hợp theo tôi biết là khi để lại di chứng em bé bị liệt hay bị mù, gia đình có thể mất vài tỷ điều trị nhưng không có kết quả. Nếu mà điều trị trong bệnh viện, nếu giữ được thai, thậm chí chúng ta tốn đến 100 - 200 triệu mà giữ được em bé thêm thì rõ ràng đầu tư đó có lợi hơn. Thành ra lời khuyên cho các mẹ rất đơn giản, đó là có bất thường thì phải báo bác sĩ ngay để có hướng điều trị kịp thời.

Phóng viên: Bác sĩ có thể chia sẻ cảm xúc của mình mỗi khi đón một sinh linh bé bỏng chào đời, nhất là tại khoa Sản bệnh?

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Biên Thùy: Mình thì ra trường từ 2004, năm nay đã là 20 năm trong nghề, vấn đề gặp những trường hợp đặc biệt thì khá nhiều. Những thai ối vỡ 19 tuần trước đây mà bệnh viện cũng giữ được đến 30 tuần, em bé nuôi được, cũng là chống nhiễm khuẩn tốt cho em bé. Đến những trường hợp mổ những ca cực kỳ phức tạp ví dụ như rau cài răng lược vào cổ tử cung, thì thực sự sau một thành công thì điều đầu tiên là thấy hạnh phúc của gia đình cũng như hạnh phúc của mình, thứ hai là được những bệnh nhân tin tưởng thì đó là niềm hạnh phúc của bác sĩ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thay vì giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế một năm/lần có giá trị hết năm dương lịch, từ 1/1/2025, giấy này sẽ có giá trị một năm kể từ ngày ký. Bên cạnh đó, danh mục bệnh được cấp giấy chuyển tuyến năm cũng được nâng lên 141 bệnh, trước đó chỉ là 62 bệnh.

Ngay trong những ngày đầu năm mới 2025, Bệnh viện viện Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức lấy, ghép 4 mô tạng gồm tim, gan, 2 giác mạc để ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện viện Trung ương Quân đội 108 và lấy 02 thận điều phối cho Bệnh viện Chợ Rẫy từ người hiến chết não.

Bộ Y tế vừa ban hành danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện, người bệnh vẫn được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm y tế.

Sản phụ mang thai đôi đã vỡ ối và có dấu hiệu nhiễm khuẩn, các bác sĩ buộc phải để bé trai chào đời ở tuần thai thứ 26, nặng 730g, giữ thai nhi còn lại trong bụng mẹ. 5 tuần sau, bé gái nặng 1.200g chào đời an toàn.

Bộ Y tế vừa ban hành danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện, người bệnh vẫn được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm y tế.

Để góp phần hạn chế tối đa việc khan hiếm nguồn máu cấp cứu và điều trị trong dịp Tết Nguyên đán, Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh vừa phối hợp với Viện huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện với chủ đề: “Hiến máu cứu người - sinh mệnh của bạn và tôi”.