Chuyện về chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện

Sống ở Thủ đô, gần như ai cũng đã từng đi qua và biết đến Bưu điện Hà Nội, hay còn gọi là Bưu điện Bờ Hồ và chiếc đồng hồ khổng lồ trên nóc tòa nhà ấy. Ngay từ khi chính thức đổ tiếng chuông đầu tiên, nó đã trở thành một phần trong cuộc sống, mang lại nhiều kỷ niệm, ký ức đẹp đẽ cho nhiều thế hệ người Hà Nội.

Chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội được hoàn thành vào đúng dịp Quốc khánh 2/9/1978. Hình ảnh Tháp đồng hồ trên nóc toà nhà 75 Đinh Tiên Hoàng thấp thoáng qua những vòm cây xanh ven hồ Hoàn Kiếm đã trở thành một biểu tượng thời gian trong tâm trí nhiều người Hà Nội.

Vậy nhưng ít ai biết rằng để chiếc đồng hồ ấy "sống" với thời gian, trở thành "chứng nhân" của bao sự đổi thay, phát triển của Thủ đô, có những con người bao năm lặng thầm, luôn giữ cho những chiếc kim đồng hồ không bao giờ dừng nghỉ. Hãy cùng tìm hiểu về chiếc đồng hồ bưu điện Bờ Hồ và câu chuyện của những người bảo dưỡng "thời gian" tại nơi đây.

Gần 50 năm trước, toà nhà 75 Đinh Tiên Hoàng có độ cao gần như nhất Hà Nội. Ở vị trí đó, mỗi khi Tháp đồng hồ ngân nga điểm giờ, tiếng chuông sẽ dài vang xa thật xa. Chẳng thế mà với người dân sống xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, tiếng chuông đồng hồ là sự ngóng đợi như một thói quen, như một mốc thời gian để điều chỉnh công việc, sớm tối đi về.

Chiếc đồng hồ như một biểu tượng của Thủ đô. (Ảnh: Tổ quốc)

Bà Nguyễn Mai Hương, sinh sống ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhớ lại: "Suốt cả tuổi thơ của mình, lúc nào cũng gắn bó với cái đồng hồ này, cái tiếng chuông của nó khi gió mùa đông bắc về vọng vang rất xa. Nghe mà cảm thấy Hà Nội của mình sao nó đẹp thế. Khi giao thừa 30 Tết, tiếng chuông ngân lên, khoảnh khắc giao thời giữa năm mới và năm cũ, mọi người xốn xang lắm".

Từ người đi tập thể dục buổi sáng, tới các bà, các chị nội trợ, thậm chí cả người qua đường, đều dựa vào tiếng chuông báo và thời gian chính xác hiện trên các mặt đồng hồ, mà ở bất kỳ góc phố nào quanh đó cũng đều nhìn, đều nghe thấy mà sắp xếp cho mình thời gian để xử lý công việc.

Chiếc đồng hồ Bưu điện Bờ Hồ có thiết kế 4 mặt đồng hồ, trong đó 3 mặt hướng ra ngoài để giúp ai đi qua khu vực Hồ Hoàn Kiếm cũng đều có thể nhìn thấy. Nhiều người Hà Nội coi nó như một người bạn gắn bó với cuộc sống của mình. Có lẽ vì nó đã âm thầm, bền bỉ đi cùng họ qua quãng đường gian khó đến tận ngày nay. Nó đã trở thành một thói quen và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Hà Nội lúc bấy giờ.

Còn nhớ, có một thời gian chiếc đồng hồ này ngừng hoạt động. Mỗi lần đi qua Bưu điện Bờ Hồ, ai cũng ngước lên nhìn như thể mong mỏi một điều gì đó, chứ không hẳn là muốn xem giờ. Có lẽ với họ, chiếc đồng hồ ấy đã quá gắn bó, gần gũi và sự lo lắng khi nó ngừng chạy, cũng giống như khi chứng kiến một người bạn thân thiết, không may đổ bệnh. Chẳng thế mà nhiều năm về trước, khi  tiếng chuông đồng hồ bị ngắt, đã khiến không ít người bâng khuâng, hụt hẫng…

46 năm trôi qua, chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội vẫn chạy. Gần một nửa thế kỷ bền bỉ, như một chứng nhân, một chi tiết trong chiếc bản lề cánh cửa lịch sử, đứng lặng lẽ ở một góc hồ Hoàn Kiếm, chứng kiến sự đổi thay của Thủ đô. Giống như một thước phim tua nhanh thường thấy, sự biến mất của tàu điện leng keng, những hàng dài xe đạp kẽo kẹt lặng lẽ xoay quanh trục trung tâm là hồ Hoàn Kiếm dần biến mất thay vào đó là những phương tiện cơ giới hiện đại vội vã, rất nhiều công trình mới đã được xây dựng thay thế những công trình cũ kỹ, làm cho thành phố khang trang hơn, mới mẻ hơn.

Tháp Bưu điện Hà Nội nay đã được dổi tên thành VNPT Hà Nội. (Ảnh: Tổ quốc)

Để giữ nhịp thời gian ấy là một Tổ công tác gồm 7 người thuộc Công ty Viễn thông Hà Nội, đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành Tháp đồng hồ Hà Nội.

Công việc hàng ngày bao gồm rất nhiều việc, nhưng mà một trong số đấy là sửa chữa và vận hành Tháp 75 Đinh Tiên Hoàng. Công việc hàng ngày của mỗi ca là lên kiểm tra độ chính xác của đồng hồ một lần: kiểm tra xem là ánh sáng, giờ 4 mặt đồng hồ có chính xác hay không. Sau đấy là tra dầu dựng động cơ để cho nó đảm bảo nó chạy tốt, còn nếu có trục trặc gì thì lúc ấy thì sẽ cùng phối hợp xử lý luôn.

Theo chân những người phụ trách quản lý và bảo dưỡng đồng hồ, mới biết được nhiều điều thú vị và bất ngờ. Và điều đầu tiên đó là cỗ máy thời gian này có sự vận hành khá phức tạp. Tháp đồng hồ trên tầng 5 của toà nhà 75 Đinh Tiên Hoàng nhưng phòng điều khiển đồng hồ thì lại ở ngay tầng 1.

Trong căn phòng rộng chừng 30 m² đến nay vẫn lưu giữ nguyên vẹn tất cả những thiết bị vận hành Tháp đồng hồ từ những ngày đầu tiên. Được đặt trên nóc toà nhà 75 Đinh Tiên Hoàng năm 1976, nhưng phải đến 12h00 ngày 02/09/1978 Tháp đồng hồ Hà Nội mới rung bản nhạc đầu tiên "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác.

Mỗi mặt rộng 4,5m², 4 mặt của Tháp đồng hồ được quay về 4 hướng. 4 chiếc đồng hồ giống hệt nhau nhưng hoạt động hoàn toàn độc lập với kim giờ dài 1,35m, kim phút dài 1,65m. Để có thể vận hành trơn tru, chính xác Tháp đồng hồ này, đến nay các kỹ sư điều khiển hoàn toàn trên mặt tháp, đây thực sự là điều thú vị nữa và cũng rất bất ngờ.

Sau một hồi leo 3 nhịp cầu thang sắt dựng đứng có độ cao 10 m tính từ nóc toà nhà 75 Đinh Tiên Hoàng là sẽ đến vị trí chính giữa lòng của 4 mặt đồng hồ. Một khoảng diện tích 15m², 4 phía là động cơ, là những bánh răng, là những khối kim loại… và nhịp tích tắc đều đều…

Hà Nội đang vào thu, thời tiết không quá nắng nóng nhưng chỉ đứng một lúc quanh khối kim loại ấy cũng đủ để cảm nhận rõ sự nóng bức, mới thấu hiểu với những vất vả người làm công việc bảo dưỡng thời gian tại nơi đây.

"Hàng ngày phải tra dầu vào bộ ly hợp để cho đồng hồ chạy trơn tru. Cứ buổi trưa nắng lên đây tra dầu, kiểm tra và nếu hôm ấy phải sửa chữa gì thì sẽ là một cực hình. Nắng nóng cũng vất vả…" - một công nhân bảo dưỡng đồng hồ chia sẻ.

Tình yêu với Thủ đô những anh em thuộc Tổ Quản lý điện lực thể hiện qua việc chăm sóc thật cẩn trọng, chu đáo Tháp đồng hồ, để nhịp đập thời gian mãi không ngừng nghỉ. Đến nay, người có thời gian làm việc ít nhất ở đây cũng đã có hơn 20 năm gắn bó với Tháp đồng hồ.

Tình yêu với Hà Nội là động lực khiến những người bảo dưỡng bền bỉ, thầm lặng cống hiến. (Ảnh: Giáo dục và Thời đại)

Chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội giờ đây đã không còn gánh vác nhiều công năng nữa, nhưng nó vẫn luôn là một biểu tượng văn hóa đẹp, một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người dân Hà Nội và du khách mỗi khi có dịp đến với Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm.

Bây giờ, ai cũng có đồng hồ, nếu không thì cũng là chiếc điện thoại thông minh với chức năng báo thức, nhắc nhở công việc chi tiết tới từng phút, từng giây. Ai ra đường cũng vội vã, gấp gáp, nhưng đôi khi lại chẳng thể đúng giờ bằng cái thời mà tất cả mọi người cùng nhau sống, cùng làm việc theo tiếng vọng của chiếc chuông đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện kia.

Nhưng dù không còn chiếm vị trí quan trọng như xưa nữa, nhưng nếu một ngày chiếc đồng hồ Bưu điện ngừng chạy hay biến mất, có lẽ là một mất mát, thiếu vắng rất lớn với những người yêu Hà Nội, yêu hồ Hoàn Kiếm, yêu hình ảnh chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội.

Hà Nội, một mùa thu nữa đang trải nắng vàng trên những con đường, ngõ phố và trên nóc toà nhà 75 Đinh Tiên Hoàng, những chiếc kim đồng hồ vẫn đều đều đếm nhịp thời gian kể câu chuyện về Hà Nội của ngày hôm qua, hôm nay và của ngày mai...

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với mong muốn bảo tồn di sản và phát huy, ứng dụng các giá trị văn hóa Việt vào đời sống hiện đại, cuộc Triển lãm với tên gọi “Tôn cựu, nghênh tân” đang diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cũ, 46 Hàng Bài.

Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 với chủ đề "Gastronomy of Unity - Ẩm thực kết nối" sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8/12, tại khu Ngoại giao Đoàn - 298 Kim Mã, Hà Nội.

Làng cổ Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, vẫn còn lưu giữ được những truyền thống và nét dấu xưa đặc trưng của người Hà Nội.

Nghề giày da ra đời không chỉ là để đáp ứng nhu cầu thiết thực, mà còn mang đậm dấu ấn của từng nền văn hóa. Từ những chiếc dép lá đơn sơ của người Việt, đến những đôi giày da tinh xảo của người Ý, mỗi đôi giày đều là một câu chuyện lịch sử.

Làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề lụa nổi tiếng với hơn 1000 năm tuổi, lưu giữ tinh hoa văn hóa qua từng sợi tơ, là biểu tượng của sự khéo léo, sáng tạo và tình yêu bất tận với nghề truyền thống.

Chùa Vạn Niên, ngôi chùa cổ hơn 1.000 năm tuổi nằm yên bình bên bờ hồ Tây đang là một điểm đến hấp dẫn tại Hà Nội.