Chuyện về tiệm thuốc ra đời từ năm 1900

Nằm trong căn nhà nhỏ trên phố Lãn Ông, hiệu thuốc y học cổ truyền Nghi Hưng Long được ra đời từ năm 1900, đến nay đã trải qua nhiều thế hệ cha truyền con nối.

Bà Trần Thị Tuyết Mai là chủ hiệu thuốc Nghi Hưng Long, ở phố Lãn Ông, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bà là thế hệ thứ 4 trong gia đình tiếp nối nghề làm thuốc.

Bà Mai kể: "Trước kia gia đình đã làm nghề thuốc nhưng mà là nghề thuốc ở dưới quê Nam Định. Cho đến năm 1900 thì bố chồng tôi lúc bấy giờ mới chưa đến 30 tuổi từ Nam Định lên Hà Nội. Hai ông bà lên Hà Nội và mở hiệu thuốc lấy tên Nghi Hưng Long".

Bà Tuyết Mai và tiệm thuốc Nghi Hưng Long (Ảnh: Hải Nguyễn)

Từ đó, qua nhiều năm tháng, nghề thuốc của gia đình bà Tuyết Mai được tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác cho tới hiện tại.

Hiệu thuốc Nghi Hưng Long không chỉ được biết đến với những bài thuốc quý mà còn ở lối kiến trúc độc đáo, từ tấm biển hiệu bằng gỗ đến tủ thuốc và những bao giấy treo trước cửa. Sát tường là chiếc tủ gỗ màu nâu bóng với hàng chục ngăn kéo gắn quai đồng, mỗi ngăn ghi rõ tên thuốc bằng chữ Hán Nôm hay bằng chữ quốc ngữ.

Nét đặc biệt của nghề thuốc y học cổ truyền trên phố nghề Lãn Ông là mô hình kinh doanh nhỏ, theo hộ gia đình, thường là cha truyền con nối. Những bài thuốc, kỹ thuật nghề, phương pháp điều trị được lưu giữ và truyền thụ trong gia đình suốt hàng chục, hàng trăm năm.

Để thuận tiện cho người sử dụng, hiệu thuốc Nghi Hưng Long, ngoài giữ gìn phương thuốc cổ truyền, còn sáng tạo những cách bào chế thuốc phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Có những gia đình bệnh nhân theo dùng thuốc của hiệu thuốc nhà bà nhiều năm nay, từ thời ông bà đến con cháu họ đều ưa sử dụng thuốc Nghi Hưng Long. Bà Mai quan niệm có tâm thì sẽ giữ được nghề.

"Bản thân gia đình tôi là bào chế toàn bằng thuốc nam, những vị thuốc nam giá thành rẻ nhưng mà chất lượng tương đối tốt. Tôi tự hào rằng là 10 người dùng thì có thể là 8 - 9 người khỏi bệnh. Đấy là thuốc viêm xoang, đau dạ dày, thuốc bổ thận, có những gia đình người ta đã ba thế hệ dùng thuốc ở đây nhưng mà khi mà đến cửa hàng người ta vẫn bảo là nhà tôi 3 - 4 - 50 năm nay rồi không dùng thuốc tây mà chuyên môn dùng thuốc nam, thuốc bắc ở nhà bà thôi", bà Mai chia sẻ.

Con cháu bà Tuyết Mai tiếp nối nghề thuốc gia truyền. (Ảnh: Hải Nguyễn)

Được sinh ra và lớn lên trong môi trường gia đình theo nghề thuốc, những vị thuốc, mùi thơm của thảo dược ngấm dần vào các con, các cháu của bà Tuyết Mai từ thuở nhỏ. Ngoài việc tiếp nối những bài thuốc gia truyền, các con cháu của bà theo học chính quy tại các cơ sở đào tạo đông y uy tín để làm tốt hơn công việc hiện tại.

Để giữ nghề xưa, ngoài việc truyền nghề cho con cháu gìn giữ và phát triển hiệu thuốc Nghi Hưng Long, bà Tuyết Mai còn đảm nhận vai trò là Chi trưởng Chi hội Đông y của phố Lãn Ông và dạy nghề cho các con em trong khu phố.

Theo thời gian, sự nhộn nhịp của một phố nghề Hà thành tuy không còn như thời hoàng kim, nhưng nghề thuốc đông nam dược thì không hề mai một nhờ những hiệu thuốc như Nghi Hưng Long ở phố Lãn Ông.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày nay, dù người đọc đã có nhiều sự lựa chọn hơn trong cách đọc báo, dù số lượng báo in hàng ngày giảm đi so với trước đây thì một bộ phận người Hà Nội vẫn giữ thói quen đọc báo giấy hàng ngày.

Từ những mảnh vải vụn được sưu tầm về, cùng với sự sáng tạo, bàn tay khéo léo của nữ họa sĩ Thanh Thục, những tác phẩm nghệ thuật đầy sức sống đã ra đời.

Ngày nay, khi mà chiếc áo, chiếc quần có khi chỉ mặc qua một lần chụp ảnh đã thành cũ, thì chuyện vá lại những vết rách trên quần áo là điều hiếm thấy. Thế mà giữa Hà Nội vẫn có một người phụ nữ hàng ngày tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ vá lại những chiếc áo, quần rách.

Mâm cỗ Trung thu chẳng khi nào thiếu được bánh nướng, bánh dẻo. Nhưng ít ai biết rằng, ẩn sau vẻ đẹp tròn đầy của chiếc bánh là cả một quá trình sáng tạo tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo của những nghệ nhân làm khuôn bánh.

Với niềm đam mê gắn bó với nghề truyền thống, giữa phố cổ Hà Nội, có một gia đình vẫn duy trì nghề làm mặt nạ giấy bồi từ nhiều năm nay.

Tại làng Thuỵ Ứng (Hòa Bình, Thường Tín, Hà Nội), những chiếc sừng khi qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân Lê Thị Thuận, đều trở thành những món đồ tinh xảo, đẹp mắt.