Có một tình yêu dành riêng thu Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội hẳn vì nơi ấy còn là biểu tượng của nghìn năm văn hiến, tựa như ngấm vào dòng máu mỗi người Việt chứ nào phải riêng tôi. Tôi ước được một lần đứng nghiêm trang trước Lăng Bác để được chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng đầy tự hào trong Lễ Thượng cờ, được nhủ trong lòng mình sự biết ơn đến vị Cha già của muôn dân, đến thế hệ vàng son đã kiên cường bảo vệ từng tấc đất.
Khoảnh khắc nhìn người chiến sĩ đội hồng kỳ khi nhận được hiệu lệnh, tung cao lá cờ qua màn ảnh nhỏ mà tôi đã không khỏi bồi hồi xúc động. Được thấy quốc kì quê hương rực màu đỏ thắm giữa làn gió thu, được hút sâu vào tầm mắt hình ảnh ngôi sao vàng xòe năm cánh rộng với dáng vẻ uy nghiêm và thể hiện sắt son tình đoàn kết dân tộc.
Tôi ước được mặc chiếc áo dài tha thướt, bước chậm rãi nhẹ nhàng cùng bước chân khe khẽ của nắng mềm trên con phố Phan Đình Phùng. Tôi sẽ ngồi yên đó, dưới gốc cây già và lắng nghe cây kể chuyện, kể về những chiếc lá vàng bay bay trong gió.
Nhặt chiếc lá nào rơi chạm bàn tay, ngắm chiếc lá ấy đổi màu, nửa như người lớn muốn trở lại làm trẻ con, nửa xanh nửa già, vàng nâu len lỏi tròng mắt. Nắng dịu êm xuyên qua tán lá hay những cành non trẻ lẫn cành già khẳng khiu. Nắng lại rọi vào những kẽ tường tạo nên sắc cầu vồng len lỏi xuống mặt đường và nắng ngọt ngào rót mật vào hồn tôi với chiếc hôn lãng mạn. Đưa mắt ngước nhìn lên cao tít, hàng sấu già đang tỏa ra hai bên như ôm tất thảy những điều nhỏ bé vào lòng, trong đó có tôi.
Tôi đến Hồ Tây trong buổi ban mai, không khí trong lành bởi nước trong hồ biêng biếc một màu xanh, thoạt nhìn ngỡ như mặt hồ lao xao sóng, chòng chành rồi quyện vào đám mây bồng bềnh treo bâng quơ giữa nắng. Cảm nhận thật rõ cảm giác được đạp từng vòng xe chầm chậm quanh bờ hồ, vòng xe xoay tròn tựa tâm trí đang đong đưa giữa làn gió heo may.
Tôi tưởng tượng cảm giác nếu có cơn mưa thu nào nhè nhẹ ghé qua, khẽ thôi để vừa đủ thắm ướt đôi môi mềm mại đang hát nghêu ngao giữa phố phường, khẽ thôi để cảm nhận đủ đầy khúc giao mùa giữa nắng huy hoàng mùa hạ và chút gió se lạnh chuỗi ngày lập đông.
Anh bạn người Hà Nội thi thoảng hỏi tôi: Này, bao giờ em ra Hà Nội đấy? Mỗi lần như vậy tôi đều cười hòa, anh lại liến thoắng kể về miền đất anh đang sinh sống và làm việc. Dặn đi dặn lại bao giờ tôi ra thì nhớ vào phố cổ, ba mươi sáu phố phường nơi nào tôi cũng sẽ muốn ôm ấp tất cả vào lòng.
Không chỉ những mảng tường nâu đã pha trầm theo năm tháng mà còn những mái hiên, hàng cây quán nước, ly trà đá vỉa hè và cả những món ăn mà phải ngồi giữa Hà Thành thưởng thức mới trọn vị ngon như bún thang, bún chả, bánh cuốn, phở bò... Nhâm nhi từng chút một để thấm được tinh tế ẩm thực đất kinh kì hay chỉ đơn giản ngồi yên một hàng quán nào đó, ngắm những chiếc xe chở hoa đi khắp mọi nẻo đường.
Hương hoa vương vấn lòng người với bao màu sắc trộn lẫn vào nhau. Ngắm những gánh hàng rong của các bà các mẹ rong ruổi khắp từng con phố, say mê nhìn bà gói ghém mớ cốm non thơm trong lòng lá sen một cách gọn gàng nhã nhặn. Tôi sẽ đưa tay nhón thử miếng nhỏ vào đầu lưỡi và nghe bà tỉ tê về tình yêu nồng nàn dành cho Hà Nội. Hoặc giản đơn hơn nữa là khi tôi lặng yên ngắm dòng người qua lại.
Rất nhiều lần tôi ngóng trông những ngày tháng 10, rảo bước trên một con đường nơi ngoại thành vì nơi ấy mang chút tình tứ của mùa thu với lưu luyến nồng nàn hoa sữa, loài hoa khiến bao tâm hồn thơ thẩn, khiến phân vân giữa người thương kẻ ghét. Có người bảo con đường ấy một phần nào len lỏi vào hồn những người con miền Nam đem lòng yêu Hà Nội hay người miền Bắc xa xứ nhớ về miền đất Hà thành cổ kính, thâm nghiêm.
Tôi hứa hẹn một ngày được chầm chậm qua phố Nguyễn Du, được ngắm con đường phủ đầy sắc trắng ngần của loài hoa sữa và tận hưởng cả không gian được ướp trọn hương thơm thoảng qua, khi dìu dịu lúc nồng nàn quyến rũ cả tâm hồn. Đôi khi tôi nghĩ hoa sữa như cô nàng đỏng đảnh, không dễ dàng gì yêu được cô gái ấy nhưng khi đã yêu rồi thì ngay cả khi rời đi vẫn xốn xang những chùm hoa trắng ngà và lưu luyến mùi hương đầy thi vị.
Nghĩ mới bấy nhiêu mà lòng tôi lại xao động đến lạ thường. Tôi đã vẽ ra cho riêng mình hành trình như thế và tin rằng một ngày nào đó, sớm thôi, tôi được đặt đôi chân nhỏ của mình đến miền đất Thăng Long, được đi nhiều hơn những gì mình nghĩ. Một người chị nói với tôi rằng có nhiều cách để yêu và tình yêu dành cho thu Hà Nội cũng vậy.
Dẫu chưa một lần đặt chân đến nhưng yêu vẫn là yêu. Nghe có phần vô lý nhưng cảm xúc là một điều gì đó lạ lắm, không thể nào giải thích bằng lý trí mà duyên dáng len lỏi trong từng lời ca tiếng hát hay khi bắt gặp những hình ảnh giữa thu vàng Hà Nội, quá đỗi dịu dàng và ngập tràn sắc thương.
Ngọc Nữ
Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng Gạ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã được phù sa của sông Hồng bồi đắp, bởi vậy, lúa nếp làng Gạ rất thơm, nấu xôi đặc biệt ngon. Nhắc đến xôi Phú Thượng là nhắc đến một chất xôi ngon, dẻo, hòa quyện với đỗ lạc và đến nay, làng nghề này vẫn giữ được nghề làm xôi truyền thống.
Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.
Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.
Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.
Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.
0