Có một tô mì Quảng Đà Lạt đã trôi vào dĩ vãng

Mì Quảng là một món ăn nổi tiếng của người miền Trung. Nhắc tới nó, người ta sẽ nghĩ đến vùng Quảng Nam, cái nôi của những sợi mì vàng óng quyện trong nước dùng đậm đà.

Riêng có một người lại khắc khoải khôn nguôi về tô mì Quảng Đà Lạt, một hương vị mà cả đời này cô ấy chẳng thể tìm được ở đâu khác.

Năm chín tuổi, tôi theo bố mẹ chuyển tới Đà Lạt để bắt đầu một cuộc sống mới. Đà Lạt đón tôi giữa màn sương mù giăng kín lối, trong cái lạnh, đói nghèo và vất vả. Với một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở miền quê phương Bắc xa xôi, mọi thứ nơi đây hiện lên trước mắt tôi đầy lạ lẫm. Mì Quảng là một trong rất nhiều điều mới lạ mà tôi đã lỡ đem lòng yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Mì Quảng là món quà sáng quen thuộc, không giống với phở Bắc hay các loại bún. Tô mì được hoà trộn bởi rất nhiều thực phẩm với các loại màu sắc bắt mắt. Hương vị đậm đà cô đọng trong chút nước dùng sền sệt làm vừa lòng thực khách.

Ảnh minh hoạ: Vinwonders.

Những sợi mì vàng mượt mà được quết mỡ bóng nhẫy trông như ánh nắng sớm mai mới lên từ phía chân trời. Mấy con tôm nõn nằm e ấp bên cạnh quả trứng gà bổ đôi trắng phau. Có nhiều nơi còn kết hợp cùng mảnh sườn hoặc miếng đùi gà to ở giữa bát. Tất cả đều được người đầu bếp tài tình sắp xếp hợp lý trong cùng một tô.

Tuy nhiên sự khác biệt của mì Quảng Đà Lạt chính là ở nước dùng. Nó có màu đỏ nhạt của bột điều, có vị ngọt mát từ củ sắn, béo ngậy của miếng ba chỉ được ninh lâu trong nước và thơm phức những hạt lạc rang giã nhỏ. Nước dùng không quá đậm đà mà vị thanh, nhẹ nhàng, dễ ăn, phù hợp với khẩu vị của Đà Lạt, nơi quy tụ cư dân tứ xứ.

Ảnh minh hoạ: Kinh tế & Đô thị.

Hồi đó tôi mười tuổi, sáng nào cũng ăn mì Quảng trước khi đi học. Bố mẹ đi làm xa, tôi ở cùng ông bà. Sáng sáng tôi được mẹ cho hai ngàn nhưng tô mì có giá tận năm ngàn. Giữa quán cóc dựng hờ bên hông ngôi nhà gỗ, cô bán hàng thương đứa trẻ nghèo nên cho tôi một tô mì nhỏ với mì và nước dùng. Tôi nhớ cô đã lấy cái muỗng dài khuấy sâu xuống đáy nồi rồi cố múc cho tôi thật nhiều bì lợn và củ sắn. Cũng nhờ vậy mà tô mì hai ngàn của tôi vẫn đầy ăm ắp.

Tôi ăn cùng rau xà lách tươi, đặc sản của Đà Lạt và trộn thêm một thìa ớt chưng. Xuýt xoa nhìn làn khói bốc lên, tôi gắp từng miếng nhỏ, chầm chậm nhâm nhi. Tôi khoan thai cảm nhận dư vị ngọt lành của nước, mùi thơm của lạc. Tôi nghe rõ thanh âm mãn nguyện khi miếng bì lợn mềm nhũn tan ra trên đầu lưỡi. Tôi thấy hương ớt cay nồng nàn xộc lên, đôi mắt tôi đỏ rực, sống mũi cay cay.

Bao năm trôi qua, tôi vẫn thèm hương vị bát mì Quảng của ngày gian khó ấy mà chẳng thể tìm được. Dù đi khắp chốn bốn phương, quay về quán cóc xưa để thưởng thức nhưng dĩ vãng nhạt nhoà. Chỉ có dư âm của tình thương vẫn quẩn quanh nơi đâu trong thẳm sâu hoài niệm. Tô mì Quảng của tình thương đã sưởi ấm lòng tôi trong những ngày tha phương cầu thực.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một cô gái lang thang phố trong một ngày hè sang xơ xác gió Lào, lại nao nao trôi về miền nhớ, nhớ quê, nhớ giếng nước bên đồi.

Có những hố sâu hoẳm ngăn cách tôi và bạn tưởng chẳng thể nào vượt qua. Nhưng không, chúng ta vẫn ở bên nhau một cách lặng lẽ vì những kỷ niệm ngày xanh vẫn ngập tràn trong tim.

Mùa hè thường làm người ta nhớ đến bởi cái nắng nhưng tôi lại có hảo cảm với những cơn mưa. Sau những ngày dài làm cho lồng ngực ta co ngót trong cái nóng, mùa hè sẽ chọn một ngày đẹp trời để xoa dịu ta bằng một trận mưa.

Không phải phật tử cũng không là con chiên, tôi như kẻ dở dở ương ương với gót chân lem lấm bụi trần. Ấy vậy mà tôi lại muốn nghe tiếng chuông ngân vang trong chiều đến lạ. Nào ai thúc giục? Nào ai hối hả? Chỉ giản đơn thôi, tiếng chuông đưa tôi về với bình yên.

Có một người con gái đi giữa phố phường Hà Nội trong một chiều lá bay dày để nỗi nhớ ngày xưa chênh chao ùa về!

Cụm từ chữa lành có thể bạn đã nghe và đọc rất nhiều ở khắp các trang mạng hay cả những câu nói hằng ngày. Với tôi, thật sự đã có thời gian loay hoay mãi để tìm cách chữa lành.