Cỏ ven đường vẫn xanh miền ký ức

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Lòng đường làng nhỏ. Hai vệ đường miên man cỏ hoa lại là khoảng trời rộng lớn. Chúng tôi thường tạt xe vào vệ đường rồi nằm ra khoảng cỏ xanh rì đó mà hít hà hương đồng gió nội mỗi chiều tan học sớm. Bãi cỏ ven đường tươi mát màu xanh, miên man mướt mát. Nhưng có ngửa cổ nằm dài ra trên tấm thảm ấy mới rõ muôn loại cỏ khác nhau chẳng biết hết tên đang cùng đan dệt. Mùi cỏ tươi mà bọn con gái bứt làm rau chơi trò nấu cơm phả ra ngai ngái. Lũ con trai đang lơ đãng ngắm vài cành cỏ may la đà thường giật mình khi nghe tiếng dế, tiếng châu chấu nhún càng. Gió hây hẩy đong đưa mái tóc, mắt nhắm nghiền lắng tiếng sáo vi vu có bữa làm chúng tôi thiếp đi trên cái mát rượi ngát xanh hoa cỏ. Thằng Mỡi có hôm còn bị ăn đòn quắn mông vì bố nó đi cày về muộn mà nó còn chưa về nấu cơm.

Lúc nông nhàn, ven đường nguyên sơ màu xanh như thảo nguyên của riêng bọn trẻ chúng tôi. Các bố mẹ ra đồng coi lúa cũng chỉ đi xe đạp ở lòng đường con con. Thảm cỏ ven đường cứ miên man xanh rì, điểm xuyết sắc hoa trăng trắng vàng vàng của xuyến chi, dạt dào sắc cỏ may biêng biếc. Nếu không có lũ trẻ chúng tôi đùa nghịch ở thảm cỏ ấy thì ngỡ như cả thế giới sống động với cỏ cây, hoa lá, châu chấu, dế mèn... sẽ ngủ yên suốt mùa.

Ảnh minh hoạ: Vnexpress

Vụ chiêm, vụ mùa vào độ gặt hái, đường làng ngõ xóm rộn ràng tiếng giục gọi từ tinh mơ gà gáy. Xe trâu còng cọc đi, bánh xe hằn vết trên thảm cỏ đẫm sương đêm. Hết xe nhà này tới xe nhà khác, hết dòng người này tới dòng người khác đi như hội trên đường từ sáng tới tối. Thời gian này, tụi trẻ chúng tôi ít nằm hít hà hương cỏ ven đường hơn vì bố mẹ làm về muộn, phải nhanh về lo cơm nước quét tước lợn gà. Nhưng các bố, các mẹ, các bác trong làng lại siêng nghỉ ngơi ven đường hơn cả. Chỉ cần một bóng râm, các mẹ có thêm chai nước vối, các bố có thêm điếu thuốc lào là đủ biến một vệ cỏ ven đường nào đó thành trạm nghỉ chân náo nhiệt giữa giờ đồng áng.

Ven đường là thế giới ngập tràn niềm vui và tiếng cười suốt tuổi thơ tôi. Cho tới khi lớn hơn một chút, chúng tôi bắt đầu theo bố mẹ ra đồng gieo trồng cấy hái. Cái nắng tháng sáu gắt như lửa, lưng chừng chiều nào cũng vậy, cứ cấy được khoảng vài bó mạ là bố mẹ tôi lại giục lên ven đường nghỉ ngơi. Bóng cây bàng tỏa bung, gió từ cái nón mê của mẹ mát rười rượi. Tôi gối đầu lên chiếc khăn đội đầu của mẹ, ngả lưng xuống thảm cỏ. Thằng Mỡi cũng lên ngồi nghỉ cấy cùng nhà tôi. Nó bứt cỏ tươi tìm dế. Lạ thay, tôi chẳng thấy nổi mùi ngai ngái quen thuộc của bao thứ cỏ hoa không tên quen thuộc. Mùi mằn mặn từ lưng áo bố, từ chiếc khăn mẹ đội đầu choáng ngợp cả không gian quanh tôi.

Suốt hai chục năm đi mòn chân trên thảm cỏ ven đường ấy, chưa bao giờ chúng tôi thấy hai bên đường ngớt màu xanh. Dù có lúc bị bánh xe trâu nghiền cho cọng lá bẹp dí xuống mặt đất hay bị đàn bò gặm xoèn xoẹt ngọn như lưỡi hái ngọt liệng qua khiến ngọn cụt ngủn.

Thằng Mỡi trước hôm đi nhập ngũ, nó còn cởi giày ra đi chân trần đoạn dài ven đường từ nhà tới đầu làng. Biên thư về, nó luôn hỏi tôi: "Ven đường cỏ có còn xanh không?" Cỏ vẫn xanh, dù cho đời nắng mưa giông bão.

Con đường làng tôi nghe tin sắp được bê tông hóa. Nhưng màu cỏ ven đường vẫn xanh khắp một miền ký ức chẳng xa xôi./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bỗng một sớm mai thức giấc, hương dẻ ngọt ngào đã chờ sẵn trên khung cửa sổ màu xám tro cùng chú mèo mun khoanh tròn say sưa bên chồng sách đêm qua tôi đọc còn dang dở. Hương hoa chực chờ cánh cửa vừa hé là vội vàng len vào xâm chiếm cả căn phòng. Căn phòng tôi ngập tràn hương hoa dẻ, ngập tràn tháng tư mang chớm hạ khẽ khàng...

Làm việc thời gian tự do mang cho tôi nhiều trải nghiệm, từ việc sắp xếp thời gian cho công việc, cho gia đình và bản thân. Phải thật khéo léo nếu không rất dễ bị chìm đắm trong những bộn bề mà không có thời gian riêng cho chính mình.

Chiều mưa, hương ngọc lan bên hiên nhà cứ lặng thầm quyến rũ. Bản nhạc Trịnh văng vẳng đâu đây cùng tiếng mưa "nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa...".

Hoa lưu ly (forget me not) - một loài hoa tím nhỏ thủy chung, suốt đời ôm thương nhớ về mối tình vô vọng. Loài hoa tím ấy như tượng trưng cho một cuộc tình tàn phai rồi hồi sinh, hồi sinh rồi lại phai tàn từ kiếp này qua kiếp khác mặc cho trong đời ai nhớ ai quên.

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.