Con đường của tuổi trẻ
Tôi đang dừng xe đạp chờ đèn đỏ, chợt nghe tiếng nhạc và lời bài hát: Hà Nội mùa vắng những cơn mưa của nhạc sĩ Trương Quý Hải, vọng ra từ chiếc xe ô tô du lịch bên cạnh:
"Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa
Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh
Hoa sữa thôi rơi ta bên nhau một chiều tan lớp
Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về..."
Chợt nhớ sáng nay, có một người bạn cùng lớp, hiện đang định cư ở nước ngoài đăng bức ảnh của lớp lên nhóm Facebook. Phải quý lắm, bạn ấy mới cất giữ bức ảnh suốt ba mươi lăm năm ở xứ người. Điều đó khiến lũ chúng tôi ngỡ ngàng, xen lẫn thích thú vì có dịp sống lại những ký ức của một thời sinh viên sôi nổi.
Nghĩ tới đây, tôi quyết định đạp xe lên đường Thanh Niên để tìm lại bối cảnh góc chụp bức ảnh năm xưa.
Đường Cổ Ngư xưa, nay là đường Thanh Niên, con đường đẹp lãng mạn, nằm giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, nơi có một quần thể di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp bậc nhất của Thủ đô. Giới trẻ chúng tôi khi đó còn gọi con đường này là cung đường tình yêu.
Lật giở những dòng lịch sử ghi lại những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, con đường được hình thành từ công sức lao động của thế hệ thanh niên ngày ấy. Sau khi hoàn thành, Bác Hồ quyết định đặt tên là đường Thanh Niên nhằm ghi nhận và cổ vũ công sức đóng góp của tuổi trẻ.
Thanh Niên không chỉ là tên đường gắn với công trình của tuổi trẻ, nó còn gắn với ký ức của nhiều thế hệ. Những bức ảnh được chụp tại hồ Tây, hồ Gươm, hay cây cầu bê tông uốn cong, sơn màu trắng pha đỏ, bắc qua hồ nước, nối với đảo Thống Nhất, bán đảo Phong Lan trong Công viên Thống Nhất của thế hệ 5x, 6x, 7x hay 8x sau này đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên của một thời tuổi trẻ mang theo ba lô vào chiến trường miền Nam, lên biên giới phía Bắc, hoặc sang Đông Âu xuất khẩu lao động. Nhiều bức ảnh trong số ấy, đã quay lại gia đình, trở thành kỷ vật thiêng liêng, khi người lính anh dũng ngã xuống nơi chiến trường ác liệt.
Bây giờ, Thanh Niên vẫn là con đường của tuổi trẻ, của những cuộc hẹn hò của đôi lứa yêu nhau. Những cái nắm tay thật chặt, những khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc được đi bên nhau trên những con đường nhỏ uốn lượn xung quanh hồ Tây, trong làn gió thu mơn man se lạnh thổi từ mặt hồ, khiến cô gái trẻ khẽ co mình đón nhận một vòng tay đủ ấm.
Đây rồi, căn biệt thự màu hồng chỉ cách đền Quán Thánh vài chục bước chân. Căn biệt thự nằm trong khuôn hình bức ảnh chúng tôi chụp năm xưa.
Ngồi bên ghế đá bên đường, tôi lặng lẽ nhìn sang căn biệt thự cổ có từ thời Pháp thuộc mà lòng đầy tiếc nuối, vì xung quanh ngôi biệt thự này đã được bao bọc bởi những cửa hàng, cửa hiệu che kín mặt tiền, cứ như thể, nó không còn tồn tại ở khu vực đối diện vườn hoa Lý Tự Trọng như trước kia nữa!
Sự thay đổi âu cũng là quy luật của thời gian. Cái cũ mất đi hoặc dần mai một thì cái mới lại xuất hiện. Đường Thanh Niên hôm nay vẫn là con đường thơ mộng và đẹp nhất của Thủ đô. Đã có nhiều công trình được đầu tư, sửa chữa. Đền Thủy Trung Tiên trên hồ Trúc Bạch vừa được tôn tạo, tạo điểm nhấn cho du khách tham quan, thưởng ngoạn, và cũng là điểm check-in lý tưởng cho giới trẻ.
Trời đã tối muộn, những cơn gió se se lạnh từ hồ Tây thổi vào đường Thanh Niên, cuốn theo mùi hương của các loài hoa thơm ngát làm ngây ngất lòng người. Tôi hít một hơi thật sâu cho căng tràn lồng ngực, rồi phấn chấn đạp xe trở về. Đâu đây, vẫn văng vẳng lời bài hát quen thuộc.
"Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ
Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay
Hơi ấm trao anh tuổi thơ ngây
Tưởng như ... tưởng như còn đây!"
Trần Minh
Nét đẹp văn minh đô thị ở một khu dân cư; Chiều hoàng hôn trên Hồ Đầm Hồng; Ô nhiễm và lãng phí từ dự án chậm tiến độ ...là những nội dung chính trong bản tin hôm nay.
Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết, nhiều ngân hàng và công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tiêu dùng; Hàn Quốc tổ chức vòng đàm phán cuối cùng của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin ngày hôm nay.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Bulgaria; 150 sản phẩm người tiêu dùng yêu thích năm 2024; Kết thúc ngày thi cuối cùng vòng sơ khảo 2 cuộc thi Tiếng hát Hà Nội; Mỹ nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn tại Lebanon;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin ngày hôm nay.
Cần mẫn, say nghề, nghệ nhân Hà Thị Vinh không nghĩ rằng mình lại đóng vai trò chuyển giao thế hệ, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ để tiếp tục giữ lửa cho hàng nghìn lò nung được cháy mãi tại Bát Tràng, biến nó từ các vật dụng hàng ngày trở thành những tác phẩm nghệ thuật để đời, vươn xa ra thế giới.
Những ngôi trường lâu đời của Hà Nội nên được coi như những di sản sống bởi cả phần vật thể kiến trúc và cả truyền thống lịch sử. Không chỉ học sinh, giáo viên của các trường đó tự hào về trường mình mà người Hà Nội nói chung cũng tự hào về những ngôi trường mang dấu ấn lịch sử đang góp phần vào vẻ đẹp của một thủ đô vừa hiện đại vừa cổ kính.
Thí sinh làm khó ban giám khảo ‘Tiếng hát hà nội 2024’; Lễ hội văn hóa lạc đà 2024 tại Nội Mông, Trung Quốc... là những nội dung chính sẽ có trong Chương trình Hà Nội 18h00 hôm nay.
0