'Cơn gió ngược' trong viện trợ cho Ukraine?

Những ngày qua, trong khi trên chiến trường, chiến sự Nga – Ukraine vẫn diễn ra chậm chạp, chưa có bước đột phá, thì tại Mỹ và châu Âu, những “cơn bão” chính trị xảy ra liên tiếp đang đặt mặt trận đoàn kết của phương Tây trong việc ủng hộ cho Ukraine trước những thách thức mới.

Ngày 30/9, các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Washington đã làm chệch hướng nỗ lực cung cấp một gói hỗ trợ lớn cho Ukraine. Để ngăn chặn nguy cơ chính phủ liên bang bị đóng cửa ngay trước thời hạn chót, Quốc hội Mỹ đã quyết định loại bỏ khoản tài trợ trị giá 6 tỷ USD cho Kiev khỏi dự luật ngân sách tạm thời của chính phủ. Khoản tài trợ này đã là một phiên bản thu nhỏ so với yêu cầu khoảng 24 tỷ USD mà chính phủ Mỹ đưa ra, nhưng vẫn bị bỏ ra khỏi dự luật ngân sách tạm thời. Điều đó một lần nữa khiến người ta không khỏi hoài nghi, liệu Mỹ có hỗ trợ thêm cho Ukraine trong năm nay hay không?

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 01/10 tuyên bố, Mỹ sẽ không từ bỏ Ukraine: “Tôi muốn đảm bảo với các đồng minh, người dân Mỹ và người dân Ukraine rằng, các bạn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi. Tôi xin nhắc lại rằng, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà, Thượng viện và Hạ viện đều ủng hộ việc giúp đỡ Ukraine.”

Tuy nhiên, phát biểu của ông Biden đã dẫn tới một tình huống bất ngờ, khiến Quốc hội Mỹ hoài nghi: Liệu Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy có cuộc đàm phán bí mật nào về việc viện trợ vũ khí cho Ukraine hay không? Phát biểu của ông Biden đã vô tình khiến chính Chủ tịch Hạ viện McCarthy gặp sức ép từ chính các thành viên trong trong Đảng Cộng hòa.

Ngày 03/10, ông Kevin McCarthy trở thành Chủ tịch Hạ viện đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị phế truất sau một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện. Người dẫn đầu nỗ lực bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy là nghị sĩ Matt Gaetz - thành viên đảng Cộng hòa cực hữu từ bang Florida. Vị nghị sĩ này và các hạ nghị sĩ Cộng hòa cực hữu khác đã bày tỏ tức giận vì ông McCarthy hôm 30/9 đã dựa vào phiếu bầu của đảng Dân chủ để thông qua nghị quyết gia hạn tài trợ tạm thời cho chính phủ tiếp tục hoạt động thêm 45 ngày, tới 17/11. Ông Gaetz cũng cáo buộc ông McCarthy thực hiện "thỏa thuận bí mật" với Tổng thống Joe Biden về viện trợ Ukraine, để có được một dự luật tài trợ ngắn hạn được thông qua vài giờ trước khi chính phủ bị đóng cửa.

Những diễn biến tại chính trường Mỹ diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm Washington để kêu gọi hỗ trợ, đã cho thấy tâm lý miễn cưỡng ngày càng tăng của một số đảng viên Cộng hòa trong việc cung cấp viện trợ cho Kiev. Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, hầu hết người Mỹ vẫn ủng hộ viện trợ cho Ukraine, nhưng sự ủng hộ đó đang giảm dần. Kết quả khảo sát của ABC News/Washington Post công bố ngày 25/9 cho thấy 41% người được hỏi nói rằng: Mỹ đang làm quá nhiều để hỗ trợ Ukraine, tăng từ mức 33% vào tháng 2 và 14% vào tháng 4/2022. 1/2 số người được hỏi cho rằng Mỹ hỗ trợ vừa đủ hoặc quá ít, so với 60% ghi nhận tháng trước và 73% ghi nhận trong những tháng đầu xung đột bùng phát. 

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, đến nay cơ quan lập pháp nước này đã phê duyệt 113 tỷ USD hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, việc tăng cường hỗ trợ cho Kiev đang ngày càng trở nên cấp bách hơn, khi Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, ngày 04/10 cảnh báo nguồn vũ khí viện trợ cho Ukraine đang có nguy cơ cạn kiệt. 

Một quan chức Mỹ cho biết, tính đến ngày 02/10, Bộ Quốc phòng chỉ còn lại 1,6 tỷ USD để thay thế lượng vũ khí gửi đến Ukraine, và không còn quỹ nào theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine cũng như từ quỹ Quyền Giải ngân của Tổng thống trị giá 5,4 tỷ USD, cho phép Tổng thống Joe Biden rót tiền vào kho dự trữ quốc phòng của Mỹ để trang bị cho Ukraine. Giờ đây, mọi sự tập trung đổ dồn vào ai sẽ là người kế nhiệm ông McCarthy và quan điểm của nhân vật này về việc viện trợ cho Ukraine sẽ như thế nào. 

Trên thực tế, nội bộ đảng Cộng hòa đang có sự chia rẽ về cách thức ủng hộ cho Ukraine. Ngày càng có nhiều ý kiến kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản tiền sử dụng cho Kiev, đồng thời cho rằng Mỹ cũng cần có những ưu tiên quan trọng hơn là vấn đề Ukraine, ví dụ tình hình biên giới phía Nam. 

Nhóm chính trị mang tên "Cùng nhau bảo vệ nền dân chủ" của Mỹ đã công bố một bảng đánh giá có các thang điểm A, B, C, D, E, F nhằm đánh giá mức độ ủng hộ viện trợ cho Ukraine của các ứng cử viên đảng Cộng hòa, với A là mức cao nhất và F là mức thấp nhất.

Theo đó, Hạ nghị sĩ Tom Emmer, người đứng đầu Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, một nhân vật tiềm năng cho vị trí chủ tịch Hạ viện Mỹ, đạt điểm A. Hạ nghị sỹ Steve Scalise, nhân vật số 2 của đảng Cộng hoà tại Hạ viện xếp hạng B. Hạ nghị sỹ Matt Gaetz, người vừa dẫn đầu đề nghị bãi nhiệm ông McCarthy, đã tuyên bố sẽ ủng hộ ông Scalise. 

Nếu Chủ tịch Hạ viện vừa bị phế truất McCarthy được xếp hạng B- thì Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan và hạ nghị sĩ có quan điểm cứng rắn Byron Donalds đều được xếp điểm F. 

Bảng đánh giá này cho thấy những sự bất đồng quan điểm khá rõ rệt trong nội bộ đảng Cộng hòa về việc viện trợ cho Ukraine, trong bối cảnh nhiều chuyên gia và giới chức Mỹ cảnh báo về tâm lý mệt mỏi do cuộc chiến kéo dài hơn 19 tháng qua.

Ngoài ra, nằm trong danh sách ứng cử viên cho chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện Mỹ còn có Cựu Tổng thống Donald Trump. Đến nay đã có ít nhất 2 nghị sỹ Cộng hòa thông báo sẽ đề cử cựu tổng thống Donald Trump làm Chủ tịch Hạ viện. Ông Trump hiện còn là ứng cử viên Tổng thống dẫn đầu của đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào năm tới. Vị cựu tổng thống Mỹ từng phản đối việc cấp thêm tài trợ cho Ukraine và tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine ngay trong 24 giờ nếu tái đắc cử.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã có cuộc trao đổi với Đài Hà Nội về ý nghĩa của thắng lợi vĩ đại này. Một thắng lợi mà ông cho rằng có thể xem như hình mẫu của chiến tranh nhân dân, hình mẫu của việc huy động sức mạnh toàn dân tộc.

Trong cuộc họp đầu tháng 5, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện nay ở mức từ 5,25 đến 5,5% để kiềm chế lạm phát. Việc FED duy trì mức lãi suất cao khiến đồng USD tăng giá và gây ra nhiều tác động đến nền kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng năm 2024 được đánh giá là năm hứa hẹn mở ra một loạt tiến bộ đột phá trong phát minh robot AI thế hệ mới.

Châu Á đã trở thành điểm nóng cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Singapore được coi là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Các cuộc biểu tình diễn ra tại hàng chục trường đại học từ bờ Đông đến bờ Tây của nước Mỹ. Làn sóng biểu tình của sinh viên trên khắp nước Mỹ đã làm nổ ra các cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận, chủ nghĩa bài Do Thái và xung đột Israel - Palestine.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine mới đây cho biết, binh sĩ dưới quyền của ông đang trong tình thế cam go khi Nga đẩy mạnh tiến công để tận dụng lợi thế. Trong khi đó gói viện trợ quân sự mới của Mỹ vẫn chưa tới tay Ukraine vì vậy phòng tuyến của Ukraine đã bị Nga xuyên thủng.