Côn trùng, thực phẩm của tương lai
Những món ăn độc đáo từ côn trùng
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, mặc dù nhu cầu lương thực trên thế giới ngày càng tăng, song sản lượng lương thực lại không đáp ứng kịp thời nhu cầu. Việc tìm nguồn thực phẩm bổ sung và thay thế là vấn đề cấp bách. Cơ quan Thực phẩm Singapore vừa phê duyệt 16 loài côn trùng có thể dùng làm thực phẩm cho con người, trong đó có bọ cánh cứng, châu chấu, cào cào và sâu bột.
Những loài côn trùng này không chỉ được thu hoạch từ tự nhiên mà còn được "nuôi trong các cơ sở do cơ quan có thẩm quyền quản lý". Singapore là một trong số nhiều quốc gia đã bắt đầu đón nhận món ăn từ côn trùng. Danh sách các nhà hàng có phục vụ các món ăn từ côn trùng ở quốc đảo này ngày một dài thêm. Và thực khách cũng đón nhận món ăn này với thái độ tích cực.
Nhà hàng House of Seafood ở bờ biển Đông Bắc Singapore nổi tiếng với món cua sốt ớt, món ăn tủ của nhà hàng, nằm trong danh sách các cơ sở ăn uống tại Singapore muốn đưa côn trùng vào thực đơn của mình sau khi chính phủ phê duyệt một số côn trùng là món ăn an toàn cho con người.
Hiện nay, các món côn trùng mới chỉ được đưa ra để thực khách dùng thử. Nhà hàng chỉ có thể chính thức đưa vào thực đơn, khi các nhà nhập khẩu nhận được giấy phép từ Cơ quan Thực phẩm Singapore. Các món được phục vụ tại bàn gồm cơm chiên phủ côn trùng, xiên gà và mì ống.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), côn trùng là nguồn cung cấp chất béo, protein, vitamin, chất xơ và khoáng chất dồi dào. Các nhà dinh dưỡng học và nhà khoa học từ lâu đã ca ngợi côn trùng là nguồn protein bền vững và rẻ tiền để làm món ăn cho con người.
Tuy nhiên, chưa có nền kinh tế phát triển nào như Singapore, chính thức coi côn trùng là một thực phẩm bổ sung phổ biến cho chế độ ăn uống. Ngoài việc phê duyệt danh sách 16 loại côn trùng làm thực phẩm, Singapore sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để món ăn côn trùng được chấp nhận.
Các quốc gia như Thái Lan, Campuchia và Lào đã ăn côn trùng từ rất nhiều thế hệ. Vì vậy, người ta không thấy ái ngại nữa. Đó là một phần trong chế độ ăn uống bình thường của họ. Giờ đây Singapore cũng phải làm được điều đó, vì chúng ta không có lịch sử ăn côn trùng. Xây dựng thói quen đó như thế nào? Đó là một lĩnh vực mà chúng ta phải nghiên cứu. Thái độ của người tiêu dùng là gì? Bạn biết đấy, điều gì sẽ thuyết phục người tiêu dùng ăn côn trùng? Phải chứng minh giá trị, vị ngon và cả giá trị dinh dưỡng của nó.
Tiến sĩ Paul Teng - Nhà nghiên cứu an ninh lương thực tại Viện Giáo dục Quốc tế Singapore.
Phản ứng đối với món ăn mới lạ này là rất tích cực. Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Francis Ng, cho biết điện thoại của ông đã reo liên tục bởi khách hàng háo hức đặt chỗ nếm thử. Nhà hàng hiện đang nhập khẩu nguồn cung cấp côn trùng từ Thái Lan, đồng thời hy vọng có thể nuôi côn trùng ăn được cho nhà hàng trong tương lai thông qua phương pháp trồng rau thẳng đứng.
RosEnergy là một công ty sản xuất bột dế làm thực phẩm ở Nga. Nhân viên công ty giải thích rằng để có được sản phẩm thân thiện với môi trường, loài côn trùng được tạo điều kiện thuận lợi nhất để sinh sản và phát triển. Ngoài việc duy trì nhiệt độ và độ ẩm ổn định trong phòng, nhân viên còn cung cấp cho côn trùng chế độ ăn đặc biệt bao gồm bí ngô, cà tím, lúa mì và ngô.
Theo Giám đốc dự án sản xuất RosEnergy Anton Stokoz, ấu trùng dế sẽ biến thành con trưởng thành có thể ăn được trong vòng 45 ngày. Tuy nhiên, nuôi dế thôi là chưa đủ. Trước khi phục vụ công chúng, cần phải tiến hành một số nghiên cứu y khoa để đảm bảo sản phẩm an toàn cho con người.
Theo giám đốc dự án, các sản phẩm từ dế có rất nhiều đặc tính hữu ích. Bột dế chứa 65 - 70 phần trăm protein dễ tiêu hóa, nhiều hơn gần ba lần so với thịt bò và gấp đôi so với thịt gà. Bột dế cũng chứa canxi, magiê và 15 loại axit amin, trong đó có tám loại thiết yếu. Hơn nữa, dế chứa tới 90% chitin, có thể được chiết xuất và chế biến thành chitosan, giúp chữa lành vết thương và tiêu hóa.
Bột dế chứa tới 75 gam protein trên 100 gam sản phẩm. Bột thông thường có từ hai đến năm gam protein. Bột dế có thể được sử dụng để làm các sản phẩm mà mọi người đều biết: đó là mì, bánh ngọt và bánh kẹo. Công ty RosEnergy cung cấp các món ăn nhẹ từ dế như dế chiên giòn hoặc phủ sô cô la. Cho đến nay, công ty chỉ mới bắt đầu quảng bá sản phẩm của mình tới người tiêu dùng, nhưng công ty có kế hoạch mở rộng thị trường trong tương lai. RosEnergy tin tưởng rằng người Nga sẽ có thể đánh giá cao những lợi ích của các sản phẩm này.
Côn trùng trong nền ẩm thực các nước
Khi dân số thế giới cán mốc 8 tỷ người thì một câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm là làm thế nào để đảm bảo đủ lương thực cho dân số toàn cầu. Không chỉ cần đảm bảo về khối lượng, việc sản xuất lương thực còn phải thân thiện môi trường để không làm trầm trọng thêm quá trình biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học đang nghiên cứu khả năng sản xuất thực phẩm của côn trùng và coi đây là nguồn lương thực lý tưởng cho tương lai. Với một số nền ẩm thực trên thế giới, côn trùng đã đóng góp một phần quan trọng.
Tằm được coi là một món ngon ở một số tiểu bang Đông Bắc Ấn Độ. Ở Nagaland, một tiểu bang trên biên giới Myanmar, tằm có bán ở mọi khu chợ. Được gọi là “eri puka” trong tiếng Nagamese, tằm được chiên, trộn với gia vị, rau và măng. Châu chấu chiên giòn cũng là một món ăn nhẹ phổ biến ở tiểu bang này.
Nsenene, châu chấu sừng dài, là món ăn nhẹ phổ biến ở Uganda mà người ta thường bán rong hoặc nấu tại nhà. Những loài côn trùng này thường được chiên với ớt, hành tây và gia vị. Vì chúng tự tiết ra dầu nên không cần dầu ăn.
Sâu Tacoma là một món ăn ngon trong cộng đồng người Arawak bản địa ở Pakuri, Guyana. Chúng có thể ăn sống, xào, hoặc xiên và nướng và được gọi là "bơ" và rất bổ dưỡng. Người ta thưởng thức món này tại các sự kiện đặc biệt.
Ở Marondera, Zimbabwe, dân làng đã ăn côn trùng và giun kiếm được trong rừng hoặc thu thập được trong quá trình thu hoạch mùa màng suốt nhiều thế hệ. Giờ đây, ngôi làng tự hào có trang trại thực phẩm côn trùng của riêng mình.
Côn trùng đã được một số quốc gia trên thế giới đưa vào thực đơn, nhưng chúng không phải là món ăn ưa thích của những người sành ăn ở phương Tây. Mặc dù vậy, một số nhà hàng cao cấp vẫn đưa côn trùng vào thực đơn.
Đầu bếp người Pháp Laurent Yenet phục vụ bữa ăn bảy món được chế biến công phu tại nhà hàng Inoveat ở Paris. Ông kết hợp thịt côn trùng với cam quýt và thảo mộc, trang trí bằng hoa. Các siêu thực phẩm như tảo xoắn và phấn hoa cũng có trong thực đơn.
Grub Kitchen ở Wales là nhà hàng côn trùng đầu tiên của Vương quốc Anh, thể hiện tầm nhìn của đầu bếp Andy Holcroft. Thực đơn bao gồm từ món Bolognese côn trùng băm nhỏ đến món hummus sâu bột và hỗn hợp pakora côn trùng chiên với rau và ăn kèm với sốt xoài.
Thực phẩm của tương lai
Một nguyên nhân quan trọng khiến sự ủng hộ việc ăn côn trùng tăng lên là do việc sản xuất thực phẩm từ côn trùng ít gây ô nhiễm môi trường.
Một công ty sản xuất bột làm từ dế đã trở thành công ty đầu tiên tại Italy được phép bán thực phẩm làm từ côn trùng cho con người tiêu thụ, bất chấp việc chính phủ đưa ra quy định hạn chế dùng côn trùng làm thực phẩm. Anh Josè Francesco Cianni, Giám đốc điều hành của Nutrinsect, cho biết "một trang mới trong lịch sử thực phẩm đã được mở ra" khi loại bột giàu dinh dưỡng từ côn trùng có thể dùng làm thực phẩm cho con người.
Kể từ năm 2020, hàng triệu con dế đã được nuôi tại nhà máy của công ty. Dế được sấy khô trong lò vi sóng, sau đó xay thành bột bằng cối xay truyền thống.
Có 10 triệu con dế trong nhà máy này. Chúng tôi bắt đầu cách đây ba năm với 10.000 con dế. Từ đó trở đi, chúng tôi không phải nhập nữa. Trong ô này, dế đẻ trứng. Dế đẻ trong đất khá ẩm. Chúng đẻ từ 100 đến 150 trứng mỗi ngày: tốc độ tự sản xuất đáng kinh ngạc.
Anh Jose Cianni – Giám đốc Công ty Nutrinsect.
Bột dế của Nutrinsect sẽ được phân phối cho các công ty cung cấp thực phẩm và các công ty trong chuỗi cung ứng dịch vụ ăn uống. Bột này cũng có thể được mua trực tuyến với giá 6 Euro một gói. Anh Cianni đã nhận được rất nhiều tin nhắn kể từ khi được cấp phép, một số ủng hộ sáng kiến của anh và một số khác thì không. Về hương vị, bột dế có hương vị giống với "hạt bí ngô, hạt phỉ và cũng hơi giống tôm".
Trước đó, công ty chỉ được phép bán bột dế để sử dụng trong thức ăn cho vật nuôi. EU đã chấp thuận việc bán côn trùng - cụ thể là dế, châu chấu và ấu trùng bọ cánh cứng để làm thức ăn cho con người vào đầu năm 2023.
Phản ứng trước quyết định này, Chính phủ Italy đề xuất một loạt các quy định, bao gồm quy định nhằm đảm bảo côn trùng không có trong các món ăn truyền thống như mì ống và pizza. Tuy nhiên, vào thời điểm các quy định chính thức có hiệu lực vào cuối năm ngoái, chính phủ đã nhượng bộ, không cấm, mà chỉ yêu cầu quy tắc dán nhãn nghiêm ngặt, chẳng hạn như nêu rõ nguồn gốc sản phẩm và yêu cầu sử dụng Acheta domesticus, tiếng Latin có nghĩa là dế nhà, trên bao bì để người tiêu dùng bớt lo lắng hơn.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò của Coldiretti/Ixe cho thấy hơn một nửa người Italy phản đối việc ăn côn trùng, trong khi 16% ủng hộ. Chứa nhiều protein và vitamin, côn trùng ngày càng được coi là thực phẩm bền vững và giàu dinh dưỡng. Thị trường côn trùng ăn được ở châu Âu dự kiến sẽ đạt 2,7 tỷ Euro vào năm 2030.
Một nhà hàng pizza ở Trieste, Italy có một món độc đáo, đó là pizza côn trùng khô nguyên con vào thứ Tư hàng tuần.
Anh Alessandro Pribaz - Chủ nhà hàng chia sẻ: "Gần đây, chúng tôi đã nghe rất nhiều về bột dế, tôi nghĩ mình sẽ đặt dế lên trên pizza. Trải nghiệm này cũng dẫn đến một số phản ứng dữ dội từ một số khách hàng và người review ẩm thực. Một số cho rằng đây là âm mưu của Diễn đàn Davos 2030, thậm chí còn nói với chúng tôi rằng chúng tôi đã được Liên minh châu Âu trả tiền".
Tuy nhiên, một khách hàng tại tiệm bánh pizza ở Trieste nói rằng món pizza dế "ngon", một người khác nhận xét nó "độ giòn" và có kết cấu giống với khoai tây chiên.
Một nhà hàng ở tỉnh Bologna của Italy đang bán pizza làm từ bột dế. Các đầu bếp tại Almiro Pizzeria trộn 3,5 phần trăm bột dế vào bột mì. Việc sử dụng bột dế đã được EU chấp thuận trong năm 2023 và một số người ủng hộ tin rằng đây là cách để tăng giá trị dinh dưỡng của pizza. Một thực khách tin rằng "pizza dế sẽ là tương lai của chúng ta!".
Theo báo cáo của FAO, sản xuất thịt và các sản phẩm từ sữa tạo ra 14,5% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Trong khi, để sản xuất 100 gam dế, lượng khí thải ước tính ít hơn 100 lần. Với tình trạng thiếu lương thực trong vài năm tới, thì các nguồn protein mới và hiệu quả là rất cần thiết để nuôi sống con người.
Nghiên cứu cho thấy, các loại côn trùng có khả năng sinh sản rất cao. Chúng thích nghi nhanh chóng đối với các thay đổi về môi trường. Dù có nhiều biến động trong hệ sinh thái, côn trùng vẫn sống sót trong khi hàng loạt giống loài khác rơi vào tuyệt chủng. Đặc biệt, côn trùng cung cấp một hàm lượng dinh dưỡng và protein cao hơn so với thịt, cá
Một số loài giàu các vi chất như đồng, magie, mangan, photo, kẽm, sắt. Chính vì thế, chúng rất giàu protein, chất béo, chất khoáng. Con người lại có thể dễ dàng nuôi nhiều loại côn trùng trong một khoảng không gian, không tốn quá nhiều công sức, cơ sở vật chất.
Với ưu điểm về tính bền vững và độ linh hoạt trong các sản phẩm đầu ra, hoạt động sản xuất côn trùng trên quy mô công nghiệp đang trở thành ngành kinh doanh trị giá hàng tỷ USD.
Dự báo dân số thế giới sẽ tăng đáng kể từ nay tới tới 2050. Chi phí sản xuất protein động vật tăng và áp lực của sản xuất nông nghiệp đối với môi trường ngày càng lớn, đòi hỏi con người phải tìm kiếm các giải pháp thay thế hiệu quả và các kỹ thuật sáng tạo để cung cấp đủ thực phẩm, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về dinh dưỡng, môi trường và văn hóa.
Việc sử dụng côn trùng làm thực phẩm cho con người có thể đáp ứng những nhu cầu này và chứng minh là một chiến lược hợp lý để góp phần cải thiện an ninh lương thực trên toàn thế giới.
Gần 200 người đã thiệt mạng trong trận lũ quét ở vùng Valencia, miền Đông Tây Ban Nha. Trận lũ lụt chết người nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ là một lời nhắc nhở đau thương rằng châu Âu chưa chuẩn bị đối phó với hậu quả của bầu khí quyển quá nóng.
Cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia đã kết thúc với chiến thắng thuyết phục thuộc về đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền. Phe đối lập dựa vào sự ủng hộ của bên ngoài, không công nhận kết quả bầu cử và cố gắng tìm cách lật ngược kết quả thông qua các cuộc biểu tình và khiêu khích sử dụng vũ lực. Những diễn biến này giống với những cuộc cách mạng màu của những năm trước.
Ngày 31/10, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là vụ phóng thử ICBM đầu tiên sau gần một năm, cho thấy khả năng tấn công hạt nhân tầm xa tiềm tàng của nước này.
Từ một tỉ phú, ngôi sao truyền hình, ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông trở thành vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi. Dù sẽ còn mất nhiều năm lẫn nhiều giấy mực để các nhà sử học và báo chí nhận định về nhiệm kỳ của ông, nhưng những dấu ấn mà ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu.
Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng mạnh tại khu vực Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo hậu quả kinh tế của kịch bản xung đột lan rộng là rất nghiêm trọng.
Trong chặng đua nước rút vào Nhà Trắng, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump tích cực tiến hành các cuộc vận động ở các bang quan trọng, hay còn gọi là bang chiến địa. Đặc biệt, một nhóm đối tượng cử tri mà cả hai ứng cử viên đều muốn hướng tới là cử tri da màu.
0