Công nghệ đóng vai trò động lực thúc đẩy kinh tế
Sự phục hồi mạnh mẽ của những “gã khổng lồ” công nghệ
Các công ty công nghệ lớn đều ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn và phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023, nhờ kiểm soát chi phí và điều kiện kinh tế vĩ mô tốt hơn, cũng như thúc đẩy sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Những “gã khổng lồ” như Meta, Microsoft, Amazon hay Alphabet đều báo cáo doanh thu vượt dự báo của thị trường trong quý 4 năm ngoái, cho thấy khả năng phục hồi của lĩnh vực công nghệ.
Meta đã công bố mức tăng doanh thu “khủng” 40,1 tỷ USD trong quý kết thúc vào ngày 31/12/2023, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và vượt qua ước tính 39,01 tỷ USD. Trong đó, doanh thu từ quảng cáo đạt 38,71 tỷ USD, vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích. Thu nhập ròng trong quý 4/2023 tăng vọt 201% so với cùng kỳ năm 2022, lên 14,02 tỷ USD.
Giám đốc điều hành của Meta Mark Zuckerberg cho biết Meta đã có một quý kinh doanh thành công và quỹ đạo tăng trưởng của công ty là minh chứng cho sự đầu tư không ngừng vào trí tuệ nhân tạo (AI) và vũ trụ ảo (Metaverse).
Hai “ông lớn” công nghệ khác là Microsoft và Google cũng ghi nhận doanh thu quý 4/2023 tăng mạnh nhờ nhu cầu về dịch vụ điện toán đám mây tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh. Trong 3 tháng cuối năm ngoái, doanh thu của Microsoft tăng mạnh lên 62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức 61,1 tỷ USD mà các nhà phân tích dự đoán trước đó. Trong giai đoạn này, các dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft ghi nhận doanh số bán hàng tăng 24%. Riêng lợi nhuận từ dịch vụ điện toán đám mây Azure đã tăng thêm 30% so với cùng kỳ trước đó.
Trong bối cảnh nhu cầu gia tăng về công nghệ có sự kết hợp giữa AI và điện toán đám mây, Microsoft đã đẩy mạnh vai trò tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh khi đầu tư vào OpenAI, công ty sở hữu ChatGPT, cũng như tăng cường phát triển các sản phẩm và dịch vụ công nghệ tích hợp AI. Kết quả là cuộc cách mạng AI đã giúp Microsoft vượt qua Apple để trở thành công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới với hơn 3.000 tỷ USD vào tháng 1 vừa qua. Giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng tới 70% so với một năm trước.
Công ty mẹ của Google là Alphabet cũng cho biết AI đã giúp doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn tăng cao trong quý 4/2023. Báo cáo cho thấy doanh thu của Alphabet đạt 86,3 tỷ USD trong quý vừa qua, thu về lợi nhuận 20,7 tỷ USD, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ từ nền tảng chia sẻ video YouTube và mảng điện toán đám mây. Doanh thu cả năm 2023 của Google đạt 307,4 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm 2022, chủ yếu nhờ quảng cáo. Giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai cho hay mô hình Gemini AI đang được phát triển sẽ mang lại năng lực mới cho sản phẩm của họ. Ngoài ra, Google cũng đã tích hợp AI vào công cụ tìm kiếm, gmail và các công cụ khác, đẩy mạnh khả năng sáng tạo và cải thiện trải nghiệm người dùng.
Ông Sundar Pichai - Giám đốc điều hành Alphabet chia sẻ: “Đã bảy năm trong hành trình trở thành công ty ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, và chúng tôi đang ở một bước ngoặt thú vị. Chúng tôi có cơ hội làm cho AI trở nên hữu ích hơn cho doanh nghiệp, cho cộng đồng và cho tất cả mọi người.”
Trong khi đó, Amazon kết thúc quý cuối cùng năm 2023 với doanh thu ròng tăng 14% lên 170 tỷ USD. Thu nhập ròng của “gã khổng lồ” thương mại điện tử cũng tăng lên 10,6 tỷ USD trong quý 4, từ mức 278 triệu USD một năm trước đó. Đáng chú ý, Amazon Web Services (AWS), dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới, đã mang lại doanh thu 24,2 tỷ USD trong quý 4. Giám đốc điều hành Andy Jassy khẳng định đây là minh chứng cho nỗ lực nâng cao hiệu suất hoạt động của Amazon. Tăng trưởng vượt bậc cũng được cho là nhờ các chương trình khuyến mãi mở rộng và tốc độ giao hàng được cải thiện giúp hãng thu hút nhiều người mua sắm vào dịp nghỉ lễ. Để tiếp tục đà tăng trưởng này, ngay đầu tháng 2, Amazon đã cho ra mắt Rufus, một trợ lý mua sắm tiên tiến được hỗ trợ bởi AI nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Giới chuyên gia nhận định lĩnh vực công nghệ sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2024 nhờ đầu tư vào AI. Dù vậy, các điều kiện kinh tế vĩ mô tổng thể sẽ tác động nhiều đến thị trường, trong bối cảnh những căng thẳng địa chính trị có nguy cơ khiến nền kinh tế toàn cầu chững lại và tăng trưởng bị hạn chế. Thêm vào đó, các quy định mới về kiểm soát dịch vụ kỹ thuật số và thị trường công nghệ sẽ thay đổi đáng kể hoạt động kinh doanh trong ngành.
Kính thực tế ảo đầu tiên của Apple
Công nghệ hiện đại không ngừng phát triển, mang đến những thiết bị tiên tiến nhằm cải thiện cuộc sống của con người. Trong nền kinh tế số đầy cạnh tranh, các công ty công nghệ lớn đua nhau nghiên cứu và cho ra mắt những sản phẩm mới không chỉ mang tính năng vượt trội, mà còn chú trọng đến thiết kế, sự tiện lợi và tính bảo mật. Mới đây, chiếc kính thực tế ảo Vision Pro của Apple đã chính thức được bán ra tại thị trường Mỹ, hứa hẹn mở ra một dòng thiết bị hoàn toàn mới và đáng chú ý của Apple sau hơn một thập kỷ phụ thuộc vào iPhone.
Được hé lộ lần đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái và hiện chỉ có mặt trên thị trường Mỹ, kính thực tế ảo Vision Pro được Apple kỳ vọng sẽ nâng cao khái niệm “điện toán không gian”, vượt trội so với sản phẩm của các đối thủ như Meta hay Microsoft. Điện toán không gian là một công nghệ mới, kết hợp giữa thế giới vật lý và kỹ thuật số, mang lại trải nghiệm tương tác với máy tính một cách mạnh mẽ và hấp dẫn hơn.
Trong ngày đầu tiên ra mắt, hàng dài người hâm mộ Apple đến từ khắp nơi trên thế giới đã chờ đợi trước các cửa hàng để được sở hữu Vision Pro.
Theo CEO Tim Cook của Apple, Vision Pro hoạt động theo chuyển động của mắt, cử chỉ tay để điều hướng, đem đến cho người dùng trải nghiệm sống động. Sản phẩm vận hành theo cách trí óc con người hoạt động. Mọi người chỉ cần đeo kính lên là biết cách sử dụng ngay lập tức.
Thiết bị được trang bị hàng loạt công nghệ tiên tiến như chip M2 phụ trách tác vụ về thị giác máy tính, đồ họa, chip R1 xử lý ảnh và âm thanh đầu vào, camera 3D ở phía trước cho phép ghi lại video, 5 cảm biến và 12 camera tăng khả năng phối hợp giữa thế giới thực và ảo, cho đến màn hình OLED có mật độ điểm ảnh cao hơn TV 4K. Tuy nhiên, với mức giá 3.499 USD, Vision Pro được cho là một sản phẩm công nghệ khá đắt đỏ. Apple cũng bán một số phụ kiện đi kèm như hộp đựng du lịch giá 200 USD và hộp đựng pin giá 50 USD.
Khi kích hoạt thiết bị, Vision Pro sẽ yêu cầu đăng nhập Apple ID, thiết lập mật khẩu. Hiện có hơn 600 ứng dụng dành cho sản phẩm này, từ video đến âm thanh, cho phép người dùng trải nghiệm nội dung kỹ thuật số theo cách khác biệt. OpenAI cũng đã đưa ChatGPT lên kính với giao diện sử dụng tương tự trên iPhone. Người dùng sẽ được nhắc nhở về môi trường xung quanh khi đang giao tiếp với chatbot. Thời lượng pin là khoảng 2,5 giờ đồng hồ cho mỗi lần sạc đầy.
Tim Cook khẳng định sự ra đời của Vision Pro sẽ định hình lại Apple và định nghĩa lại công nghệ. Ông so sánh việc xuất hiện của thiết bị này tương tự như sự ra đời của máy tính Mac cách đây 40 năm, tiếp đến là iPod, iPhone và iPad.
Giới chuyên gia dự đoán Apple bán được 180.000-200.000 chiếc đợt đầu, đồng thời lưu ý rằng Vision Pro sẽ không thể gây ra cú hích lớn về doanh số. Đây là một trong những mẫu kính thực tế ảo hiện đại nhất trên thị trường hiện nay, nhưng lại khó tiếp cận với số đông người dùng do giá cả và số lượng hạn chế các ứng dụng.
Trung Quốc thúc đẩy “nền kinh tế bay tầm thấp”
Sự phát triển của công nghệ cũng mở ra cơ hội cho nhiều lĩnh vực kinh tế mới. Trung Quốc đang thúc đẩy “nền kinh tế bay tầm thấp”, bao gồm các ngành công nghiệp tập trung vào các phương tiện bay dân dụng và không người lái, bao gồm sản xuất, hoạt động bay ở độ cao thấp như vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hóa và các dịch vụ tích hợp khác. Trong những năm gần đây, nền kinh tế bay tầm thấp của Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững ở cả số lượng máy bay và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Viễn cảnh máy bay không người lái vận chuyển các gói hàng và đồ ăn, người dân đi làm bằng taxi bay và đi trực thăng ngắm cảnh như một sở thích có thể sớm trở thành hiện thực ở đất nước tỷ dân.
Tại huyện Bắc Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc, một khu vực dành riêng cho việc thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) đã được thành lập, thu hút các công ty trên khắp đất nước thử nghiệm sản phẩm mới.
Ông Zhang Jian - Nhân viên công ty UAV có trụ sở tại Thành Đô cho biết: “Địa hình của Bắc Xuyên chủ yếu bao gồm các ngọn núi. Địa lý phức tạp của các khu vực miền núi là điều kiện lý tưởng để thử nghiệm máy bay không người lái nhằm phát huy khả năng tốt nhất của chúng”.
Trong khi đó, thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc, được mệnh danh là “Thủ đô của máy bay không người lái”, đã trở thành nơi tiên phong phát triển nền kinh tế bay tầm thấp ở Trung Quốc. Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Thâm Quyến cho thấy thành phố đã mở 77 tuyến bay UAV mới và hoàn thành hơn 600.000 chuyến bay vận chuyển hàng hóa bằng UAV vào năm 2023. Nhiều quy định mới về thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bay trên địa bàn thành phố đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/2 năm nay.
Một trong những sản phẩm trọng tâm là máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL), hoạt động tương tự như máy bay trực thăng nhưng êm hơn và hiệu quả hơn nhờ năng lượng điện. Chiếc máy bay cải tiến này được chế tạo nhằm cách mạng hóa giao thông đô thị, ra mắt dịch vụ taxi bay và cung cấp các chuyến tham quan ngắm cảnh trên không.
Trung tâm công nghệ Thâm Quyến đã thử nghiệm thành công mẫu eVTOL mới vào tháng 1. Đây là mẫu eVTOL đầu tiên trên thế giới đạt được chứng chỉ đủ điều kiện bay, thể hiện bước nhảy vọt trong lĩnh vực du lịch hàng không công cộng.
Theo Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, tính đến cuối tháng 8/2023, số lượng máy bay không người lái dân sự được đăng ký ở Trung Quốc đã vượt 1,11 triệu chiếc, tăng 16% so với cuối năm 2022. Tổng số doanh nghiệp vận hành máy bay không người lái đã đăng ký kinh doanh là hơn 17.000. Ước tính ngành kinh tế bay tầm thấp có thể đóng góp từ 3.000 - 5.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 422 - 700 tỷ USD vào nền kinh tế Trung Quốc đến năm 2025. Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng lĩnh vực này sẽ là một trong những ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược cho phát triển, bên cạnh sản xuất sinh học và hàng không vũ trụ thương mại.
Sự ra đời liên tục của các thiết bị công nghệ hiện đại đã tạo nên một cuộc cách mạng trong cách con người sống, làm việc, giải trí và quản lý cuộc sống hàng ngày. Những tiến bộ này không chỉ thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo mà còn tạo ra dòng chảy kinh tế mới, khuyến khích sự phát triển của thị trường toàn cầu.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0