Công viên bỏ hoang giữa khu dân cư đông đúc ở Hà Nội | Hà Nội tin mỗi chiều

Công viên bỏ hoang giữa khu dân cư đông đúc ở Hà Nội; Không để làng, xã trở thành 'phố làng'; Xem xét điều chỉnh chu kỳ kiểm định xe ô tô cá nhân... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Công viên bỏ hoang giữa khu dân cư đông đúc ở Hà Nội 

Trong khi người dân Thủ đô đang thiếu không gian công cộng, nơi vui chơi lại có một công viên gần như bị bỏ hoang giữa khu dân cư đông đúc. Đó là Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Được khởi công từ tháng 10/2016, đến nay công viên này vẫn chưa đưa vào sử dụng. Hiện toàn bộ được quây tôn, lối vào chính đều được khóa lại. Công viên đã hoàn thành nhiều hạng mục như hồ điều hòa, đường đi, một số chòi nghỉ, cây xanh, đèn chiếu sáng. Nhưng tới nay mọi thứ đã xuống cấp, cỏ dại mọc cao hàng mét bên trong công viên. Cây xanh cũng không được chăm sóc, nhiều cây chết khô. Theo đại diện UBND phường Trung Văn, hiện còn 16 hộ dân chưa di dời khỏi dự án là lý do chính khiến công viên chậm hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Trước đó, sau khi được báo chí và dư luận phản ánh, Hà Nội đã tạm mở cửa một số công viên bỏ hoang nhiều năm như công viên âm nhạc Đô Nghĩa và công viên Thiên văn học ở quận Hà Đông.

Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.

Hà Nội hiện có hơn 2.200 điểm vui chơi dành cho trẻ em, trong đó có 1.700 điểm vui chơi cấp phường xã. Nhưng có tới 40% các điểm vui chơi này có hệ thống trang thiết bị đã quá cũ kỹ, không được thay mới hay cải tạo trong nhiều năm. Cùng với đó, hàng chục công viên, vườn hoa xây xong bị bỏ hoang hay xây dựng dở dang bỏ đó. Điều này dẫn đến nghịch lý, có nơi người dân thiếu chỗ vui chơi nhưng có nơi công viên, vườn hoa lại bị bỏ hoang lãng phí.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân chính khiến các dự án xây dựng công viên mới chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng bị vướng phải dừng thi công để chờ điều chỉnh quy hoạch.

Theo ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, những công viên đã có cần được chỉnh trang, tôn tạo, nâng cấp cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, đáp ứng đời sống tinh thần ngày một lớn của người dân. Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thiếu không gian công cộng, thiếu công viên cây xanh là một bài toán mà thành phố Hà Nội chưa thể giải được trong nhiều năm qua. Đặc biệt, các công ty quản lý công viên cây xanh thiếu chủ động cũng như thiếu đi sự sáng tạo để có thể đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần của người dân. Khả năng tài chính của các công ty này khó có thể đáp ứng được yêu cầu đó, nhưng nếu họ có phương án và có các dự án đầu tư một cách cụ thể thì họ hoàn toàn có thể kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia xây dựng các sân chơi.

Chỉ tiêu không gian xanh của nhiều đô thị trên thế giới là từ 9 - 10 m2/người, nhưng chỉ tiêu này ở nhiều quận, huyện của thành phố Hà Nội còn rất thấp, chưa được 2 m2/người. Tăng chỉ tiêu không gian cây xanh; cải tạo, xây dựng thêm nhiều công viên, khu vui chơi giải trí công cộng, đó cũng là cách thành phố đem đến nhiều hơn cảm giác hài lòng và trạng thái hạnh phúc của người dân.

Không để làng, xã trở thành “phố làng”

Hà Nội đang triển khai lập 14 đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện song song với điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô. Trong đó, thành phố đặt ra những nội dung ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm để kịp thời quản lý, phát triển khu vực này một cách bền vững, hài hòa gắn với phát triển đô thị.

Thời gian qua, do tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với kinh tế phát triển, nhiều làng xã trở thành “phố làng”, cấu trúc không gian bị thay đổi nhanh chóng và không có khả năng kiểm soát, tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn, xây dựng trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp.

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định dành 30% diện tích đất để phát triển đô thị; 70% diện tích hành lang xanh là khu vực nông thôn. Nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với kinh tế phát triển, khu vực nông thôn đang đối diện với thực trạng nhiều làng xã trở thành “phố làng”, cấu trúc không gian bị thay đổi nhanh chóng và không có khả năng kiểm soát.

Làng Chuông ở huyện Thanh Oai, Hà Nội

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, nguyên nhân của tình trạng này một phần do những chồng chéo trong các quy định pháp luật gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch. Ngoài ra, do chưa có các quy định, hướng dẫn về thiết kế kiến trúc cảnh quan nên kiến trúc công trình ở nhiều khu vực phát triển lai tạp, mất dần bản sắc địa phương, phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống, phá hủy nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể…

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, KTS Lã Hồng Sơn cho rằng, cần phải xây dựng các hướng dẫn, quy định để gìn giữ giá trị văn hóa, bản sắc kiến trúc và cảnh quan tại các huyện. Khoanh vùng bảo vệ với khu vực có công trình tôn giáo, tín ngưỡng gồm cả loại hình đã xếp hạng và chưa xếp hạng. Đất ao làng, giếng làng, cổng làng, đền miếu, quán, cầu đá, cây cổ thụ và các loại hình nhà công cộng truyền thống khác… phải xác định là đất bảo tồn, không phải đất giao thông hoặc đất nông nghiệp. Ngoài ra, cần hướng dẫn công tác quy hoạch các xã, điểm dân cư có định hướng phát triển mô hình làng nghề du lịch, làng du lịch dựa trên giá trị di sản.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị cần đưa ra hướng dẫn về định hướng phát triển xanh trên địa bàn các huyện nhằm thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, phát triển hạ tầng xanh nông thôn và cụ thể hóa về định hướng xây dựng hành lang xanh Thủ đô.

So với các quận hiện nay, các huyện có nhiều lợi thế hơn khi nhiều nơi vẫn giữ được bản sắc không gian kiến trúc, không gian văn hóa lâu đời vốn có. Do đó, nhiệm vụ hiện nay là cần phải tập trung giữ gìn, phát huy các giá trị bản sắc, tránh bị làm mai một trong quá trình đô thị hóa. Bởi xây dựng vùng nông thôn phát triển bền vững vừa bảo tồn nét đẹp truyền thống vừa nâng tầm văn minh hiện đại là xu thế hiện nay.

Xem xét điều chỉnh chu kỳ kiểm định xe ô tô cá nhân

Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét điều chỉnh chu kỳ kiểm định vào thời điểm phù hợp, bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật cho phương tiện, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho chủ phương tiện.

Trước đó, sau những sự cố của ngành đăng kiểm tạo nên cảnh ùn ứ tại các trung tâm đăng kiểm trong cả nước. Nhiều người dân, chuyên gia đã phân tích và cho thấy sự bất cập của quá trình đăng kiểm lần đầu cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới trong thời gian một năm tính từ năm sản xuất. Năm 2023, tiếp thu ý kiến của người dân, Bộ Giao thông Vận tải đã quy định miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới chưa qua sử dụng và điều chỉnh chu kỳ kiểm định tăng thêm 6 tháng đối với nhóm phương tiện ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải so với quy định chu kỳ kiểm định trước đây.

Bộ GTVT sẽ xem xét kéo dài chu kỳ đăng kiểm ô tô vào thời điểm thích hợp

Sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, cử tri tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải ban hành quy định điều chỉnh thời hạn đăng kiểm đối với xe cá nhân theo hướng giãn thời gian, để vừa đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông và giảm bớt kinh phí, thuận tiện cho người dân.

Theo quy định mới nhất về thời hạn đăng kiểm xe ô tô, xe con không kinh doanh vận tải, chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 30 tháng. Sau đó, cứ mỗi 18 tháng một lần. Khi đủ 7 năm kể từ ngày sản xuất, chu kỳ đăng kiểm sẽ rút ngắn còn 12 tháng. Nếu xe có tuổi thọ hơn 12 năm kể từ ngày sản xuất thì chu kỳ giảm còn 6 tháng một lần.

Hiện chủ xe cơ giới đã quan tâm hơn đến việc bảo dưỡng, sửa chữa xe giữa hai kỳ kiểm định nên chất lượng phương tiện tăng lên. Mặt khác, tần suất hoạt động của loại xe này cũng giảm đi do xuất hiện nhiều xe hoạt động theo hình thức taxi công nghệ, trong khi trước đây chỉ có loại xe taxi truyền thống. Do đó, nếu đề xuất được thực hiện sẽ giúp doanh nghiệp vận tải, lái xe giảm thời gian, chi phí đăng kiểm.

Theo Bộ GT-VT, việc điều chỉnh chu kỳ kiểm định được xác định dựa trên các nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm của những tổ chức đăng kiểm quốc tế đánh giá quá trình khai thác và một số yếu tố cơ bản: tuổi của xe, tần suất sử dụng xe, môi trường hoạt động.

Trước đề xuất này, Bộ GT-VT sẽ giao các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu các yếu tố có liên quan phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam có tham khảo các quy định quốc tế. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xem xét điều chỉnh chu kỳ kiểm định vào thời điểm phù hợp, bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật cho phương tiện, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho chủ phương tiện./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Lập Tổ công tác đôn đốc triển khai đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM; Cầu vượt thép Mai Dịch sẽ được thông xe vào ngày 6/5; Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá điện tử… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Từ 1/7, chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và nhà nước. Đây là yêu cầu của Chính phủ tại phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Đang giữa cái nắng nóng 39-40 độ C, hai hôm nay thời tiết Hà Nội bỗng mưa dông, sấm chớp và se lạnh khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về những dị thường của thời tiết trong thời gian gần đây.

Cả nước đón 8 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5; 5 ngày nghỉ lễ, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; Từ 2/5, thí sinh đăng ký thi tốt THPT năm 2024... là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.

Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục; Từ 2/5, sẽ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; Kỳ nghỉ lễ năm nay, lượng du khách không tăng đột biến... là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.

Việt Nam thu hút thêm gần 9,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong 4 tháng đầu năm, trong đó Hà Nội thu hút gần 1,2 tỷ USD; Nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu dịp nghỉ lễ đang diễn ra tại Hà Nội; Người dân cần cảnh giác chiêu trò lừa đảo dịp lễ là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.