Cử tri da màu - yếu tố quyết định trong bầu cử Tổng thống Mỹ

Trong chặng đua nước rút vào Nhà Trắng, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump tích cực tiến hành các cuộc vận động ở các bang quan trọng, hay còn gọi là bang chiến địa. Đặc biệt, một nhóm đối tượng cử tri mà cả hai ứng cử viên đều muốn hướng tới là cử tri da màu.

Cuộc chiến giành cử tri da màu tại các bang quan trọng

Cuộc đua vào Nhà Trắng tại Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút. Trong những ngày này, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump tích cực tiến hành các cuộc vận động ở các bang chiến địa. Đặc biệt, một nhóm đối tượng cử tri mà cả hai ứng cử viên đều muốn hướng tới là cử tri da màu. Vậy tại sao sự ủng hộ của cử tri da màu lại có ý nghĩa quan trọng như vậy và hai ứng cử viên có những chính sách nào để thu hút những cử tri này?

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 thực sự là cuộc bầu cử đầu tiên mà cả hai Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ phải đấu tranh để giành được phiếu bầu của người da màu. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu Pew, số lượng cử tri người da màu đủ điều kiện bỏ phiếu tại Mỹ dự kiến sẽ đạt 34,4 triệu vào tháng 11 năm 2024, sau nhiều năm tăng trưởng khiêm tốn.

Tổng thống Trump vận động tại Georgia ngày 17/10. Ảnh: Reuters.

Tính đến năm 2022, khoảng một nửa số cử tri da màu đủ điều kiện sống ở một trong tám bang, trong đó Texas có số lượng lớn nhất, với 2,9 triệu người, tiếp theo là Georgia và Florida (mỗi bang có 2,6 triệu người). Tổng cộng, các bang này chiếm 52% số cử tri da màu đủ điều kiện tại 50 bang của Mỹ.

Trong đó, bang Georgia từng là nơi có đa số người da trắng theo Đảng Cộng hòa, nhưng giờ đây có 30% người da màu, 14% người gốc Tây Ban Nha và 6% người châu Á. Khu vực này đã giúp ông Biden giành chiến thắng vào năm 2020 với gần 80% phiếu bầu. Nhưng sau đó, nhiều người bất mãn với chính sách kinh tế thời Tổng thống Biden nên có xu hướng quay sang ủng hộ ông Trump.

Trước đây, chiến dịch của ông Trump từng cho rằng đã nắm chắc phần thắng ở Georgia cho đến khi bà Kamala Harris trở thành đối thủ. Người da màu tại đây chuyển sang kỳ vọng vào sự thay đổi từ bà Harris. Còn ông Trump bị chỉ trích vì công kích vấn đề sắc tộc. Nên giờ đây, ông Trump đang phải nỗ lực giành lại sự ủng hộ của cử tri tại đây.

Cả hai ứng cử viên tổng thống đã mang đến Georgia những cuộc vận động rầm rộ, biến bang Georgia từ một bang Cộng hòa đáng tin cậy trở thành một bang chiến trường, với tỷ lệ ủng hộ sít sao giữa hai ứng cử viên.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã có nhiều chuyến đi đến Georgia để vận động tranh cử. Hôm 23/10, chiến dịch của ông Trump đã tập hợp những người ủng hộ ông tại Atlanta như cựu ngôi sao Fox News Tucker Carlson và cựu ứng cử viên tổng thống độc lập Robert F. Kennedy. Tại đây, ông tiếp tục nói về chính sách an ninh biên giới, hạn chế người nhập cư nếu tái đắc cử. Chiến dịch của ông Trump cũng nhấn mạnh về quyền phá thai, cơ hội kinh tế và tôn giáo với các cử tri da màu tại bang này.

Bang Georgia ngày 15/10 đã bắt đầu bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống. Đây là một trong số 7 bang chiến trường có thể quyết định cục diện bầu cử. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, nhóm chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris cũng đã tổ chức buổi mít tinh tại tiểu bang chiến trường Georgia, với sự tham gia của cựu Tổng thống Barack Obama và nhiều ngôi sao nổi tiếng như huyền thoại nhạc rock Bruce Springsteen, nghệ sĩ giải trí Tyler Perry. Sự có mặt của những người nổi tiếng ở Georgia đã giúp buổi vận động của bà Harris thu hút khoảng 20.000 người tham dự. Chiến dịch của bà cho biết, đây là buổi vận động tranh cử lớn nhất của bà cho đến nay, vượt qua 17.000 người mà bà Harris đã thu hút được tại Greensboro, Bắc Carolina, vào đầu tháng 9. Đây là một phần trong kế hoạch trong chiến dịch tranh cử của bà Harris, nhằm tổ chức các sự kiện tại các bang chíến trường quan trọng, có sự tham gia của những người nổi tiếng là nam giới gốc Phi. Nhóm này cho biết họ cũng có kế hoạch chạy các quảng cáo tại các bang này, với sự “góp giọng” của những người đàn ông da màu địa phương.

Trong các chiến dịch tại các bang có nhiều người da màu như Georgia, bà Harris thu hút cử tri bằng các thông tin về xóa nợ cho sinh viên, hỗ trợ cho các trường đại học lịch sử của người da màu và giảm giá thuốc, những vấn đề được đa số người da màu tại Mỹ quan tâm.

Kế hoạch hỗ trợ nam giới da màu phát triển kinh tế

Để thu hút thêm sự ủng hộ từ nhóm cử tri da màu, bà Kamala Harris đã công bố kế hoạch nhằm mang lại cho nam giới da màu thêm những cơ hội phát triển kinh tế. Kế hoạch của bà Harris gồm cung cấp các khoản vay kinh doanh có thể xóa nợ cho các doanh nhân da màu, tạo ra nhiều chương trình học nghề hơn, cũng như nghiên cứu thêm về các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến nam giới người Mỹ gốc Phi.

Theo kế hoạch này, nếu trở thành tổng thống, bà Harris sẽ phân phối 1 triệu khoản vay trị giá lên tới 20.000 USD nhằm xóa nợ cho các doanh nhân da màu cũng như những người khác có ý tưởng kinh doanh khả thi. Các khoản vay này sẽ được cung cấp thông qua cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ, chính quyền địa phương và các ngân hàng.

"Tôi nghĩ rằng đề xuất mà bà ấy vừa đưa ra sẽ là một điều tuyệt vời cho các doanh nhân da màu trẻ tuổi vì họ cần một số tiền vốn nghiêm túc để làm việc gì đó khác ngoài tiệm cắt tóc hoặc cửa hàng góc phố. Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách này".

Ông Windsor Wade, cử tri New York, Mỹ.

Ngoài ra, bà Harris đặt mục tiêu cung cấp các ưu đãi của liên bang nhằm khuyến khích nhiều nam giới người Mỹ gốc Phi tham gia đào tạo để trở thành giáo viên. Bà cũng có kế hoạch mở rộng các chương trình liên bang hiện có nhằm xóa nợ cho các khoản vay giáo dục, từ đó khuyến khích thêm nhiều nam giới da màu tham gia vào nghề giáo viên hơn nữa. Theo số liệu thống kê, nam giới da màu chỉ chiếm khoảng 1% số giáo viên trường công trong năm học 2020 - 2021 tại Mỹ.

Để thu hút thêm các cử tri nam, các cố vấn của bà Harris cho rằng bà cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho một khuôn khổ pháp lý nhằm bảo vệ các nhà đầu tư vào tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số, vốn đã trở nên phổ biến trong cộng đồng da màu.

Ứng viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong sự kiện chiều 16/8 tại tiểu bang Bắc Carolina (Mỹ). Ảnh: AP.

Về y tế, bà Harris cũng cam kết sẽ tài trợ cho các nỗ lực phát hiện, nghiên cứu và chống lại các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến nam giới da màu, như bệnh hồng cầu hình liềm, tiểu đường, ung thư tuyến tiền liệt và các thách thức về sức khỏe tâm thần. Theo các nhà quan sát, nhiều nam giới da màu vốn không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế tốt tại Mỹ. Nên đây sẽ là điểm mới nhận được sự chú ý của nam giới da màu.

Kế hoạch đề xuất chính sách mới là một phần trong nỗ lực do bà Harris thúc đẩy nhằm thu hút nhiều sự quan tâm hơn của nam giới da màu trong chiến dịch của bà trong giai đoạn nước rút.

Một cuộc thăm dò gần đây do Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công cộng của The Associated Press-NORC thực hiện cho thấy khoảng 70% cử tri da màu có quan điểm tích cực về bà Harris, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với khả năng lãnh đạo của bà so với đối thủ Donald Trump về các vấn đề chính sách quan trọng như kinh tế, chăm sóc sức khỏe, nhập cư. Mức độ ủng hộ bà Harris giữa cả hai giới nam và nữ ở nhóm da màu là tương đương nhau.

Tại sao nhiều nam giới da màu trẻ ủng hộ ông Trump?

Bà Harris đưa ra kế hoạch hỗ trợ kinh tế cho nam giới da màu, bởi dù nhận được sự ủng hộ khá cao từ nhóm cử tri da màu với 78%, nhưng con số này vẫn thấp hơn con số gần 90% trước đây Tổng thống Biden đã nhận được, và có xu hướng ngày càng giảm. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, một số cử tri da màu trẻ tuổi và nam giới da màu ở mọi lứa tuổi đã giảm bớt niềm tin vào Đảng Dân chủ do các chính sách điều hành kinh tế và nhập cư. Một kết quả thăm dò của NAACP cho thấy, có hơn 25% đàn ông da màu dưới 50 tuổi ở Mỹ ủng hộ cựu Tổng thống Trump của Đảng Cộng hòa tái đắc cử. Điều này có thể là yếu tố gây lo ngại cho Đảng Dân chủ.

Phần lớn những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump vẫn rất trung thành. Ảnh: The New York Times.

Chiến dịch của bà Harris và Đảng Dân chủ - bao gồm cựu Tổng thống Barack Obama lo ngại rằng có nhiều nam giới da màu có thể sẽ không tham gia cuộc bầu cử sắp tới như trong các cuộc bầu cử trước đây và không biết họ sẽ ủng hộ bà Harris hay đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump.

Cựu Tổng thống Obama trong chuyến đi đến Pensylvania đã chỉ trích những cử tri nam da màu không ủng hộ bà Harris cho dù bà ấy quen thuộc với cộng đồng người da màu, và cho rằng những nam giới này “không muốn một người phụ nữ” làm tổng thống.

“Giờ đây bạn đang nghĩ đến việc đứng ngoài cuộc hoặc thậm chí ủng hộ một người từng hạ thấp bạn vì bạn nghĩ rằng đó là dấu hiệu của sức mạnh? Bởi vì đó là bản chất của một người đàn ông, hạ thấp phụ nữ? Rằng điều đó là không thể chấp nhận được. Điều đó không đúng.”

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tuy nhiên, nhiều cử tri nam da màu phản đối lời chỉ trích của ông Obama và giải thích rằng, họ có ý định bầu cho ông Trump là vì các chính sách của ông ấy phù hợp với lợi ích của họ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các cử tri nam quan tâm đến vấn đề chính sách nhiều hơn. Vì vậy, cách tốt nhất để thuyết phục những cử tri này là đưa ra những chính sách phù hợp với họ.

Còn chưa đến hai tuần nữa là đến ngày bầu cử, một số cử tri da màu trẻ tuổi nói rằng họ vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai. Họ cho biết vẫn đang xem xét những chính sách nào sẽ có lợi cho người da màu trẻ tuổi.

Theo kênh ABC 13, kết quả từ các cuộc bầu cử tổng thống trước đây cho thấy cử tri da màu trẻ tuổi thường có xu hướng nghiêng về Đảng Dân chủ và các cuộc khảo sát cho thấy, vào tháng 11, tình hình có khả năng vẫn như vậy.

Tuy nhiên, có một số người có kế hoạch bỏ phiếu cho ông Trump. Theo nghiên cứu của Dự án cử tri da màu quốc gia năm 2024, ngày càng có nhiều cử tri da màu trẻ tuổi trở nên bảo thủ hơn cha mẹ của họ. Họ không muốn có quá nhiều sự thay đổi trong chính sách.

Cử tri đi bầu cử tại Mỹ. Ảnh: Reuters.

Cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ người da màu bảo thủ cao nhất, ở mức 22,2%, là những người trong độ tuổi từ 18 đến 29. Các nhóm cao tuổi hơn ít bảo thủ hơn.

Trong những năm qua, nền kinh tế Mỹ đã có nguy cơ suy thoái, tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức cao, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Vì vậy, có thể thấy, dù là ở nhóm cử tri nào, các chính sách kinh tế vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu. Ứng cử viên nào có chính sách phù hợp với lợi ích của họ, thì họ sẽ nghiêng về ứng cử viên đó.

Ngoài nhóm cử tri da màu, các nhà phân tích dự đoán rằng một nhóm quan trọng khác có thể quyết định cuộc bầu cử sẽ là phụ nữ da trắng. Kết quả thăm dò cho thấy hơn 60% trong số họ sẽ bỏ phiếu cho ông Trump, điều này có thể làm lệch kết quả theo hướng có lợi cho ông Trump. Vì vậy bà Harris sẽ cần nhiều nhóm nhân khẩu học hơn ngoài nhóm da màu để giành chiến thắng. Bà Harris sẽ cần nhóm cử tri Latinh, cử tri trẻ, nam và nữ da trắng có trình độ đại học, cùng nhiều người khác nữa. Những yếu tố này được dự báo sẽ đem đến nhiều bất ngờ cho cho cuộc bầu cử từ nay đến ngày 5/11.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Người dân Iran sẽ sớm được sở hữu iPhone 14, 15 và 16 sau khi nhà chức trách dỡ bỏ lệnh cấm bán các mẫu điện thoại thông minh mới của tập đoàn công nghệ Mỹ Apple.

Siêu bão Kong-rey (Leon) đang tiến về châu Á với sức gió kinh hoàng gần 230 km/h và Đài Loan (Trung Quốc) đang gấp rút chuẩn bị đón bão.

Tây Ban Nha ngày 30/10 đã thông báo quốc tang trong 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng sau trận lũ quét nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm qua.

Sáng 31/10 theo giờ Việt Nam, quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo chưa xác định ra vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên.

Thủ tướng tạm quyền Liban Najib Mikati khẳng định, Chính phủ nước này đang nỗ lực hết sức để có thể đạt được một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah trong ít giờ hoặc ít ngày tới.

Tình trạng xung đột cũng như chi phí gia tăng đã khiến nhiều em nhỏ ở Sudan phải gác lại việc học. Trước thực trạng đó, một trường học ở Sudan đã giúp nhiều trẻ em muốn tiếp tục đi học được tiếp tục giấc mơ của mình.