Cục diện xung đột Nga – Ukraine sau hai năm
Những dấu mốc trong năm xung đột thứ hai
Vào đầu năm 2023, cuộc phản công của Kiev với xe tăng và phương tiện chiến đấu mới theo tiêu chuẩn NATO cùng binh sỹ được phương Tây huấn luyện được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi trong cục diện xung đột. Tuy nhiên, sau khi lùi phản công từ mùa Xuân sang mùa Hè, trong suốt nhiều tháng, Kiev vẫn không thể xuyên thủng phòng tuyến kiên cố của Nga.
Trong khi đó, Nga đã chuyển sang thế tấn công. Sau nhiều tháng giao tranh, ngày 17/2/2024 các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka ở miền đông Ukraine. Việc giành quyền kiểm soát thị trấn này được xem là thắng lợi lớn nhất của Nga trong 9 tháng, sau khi Moscow nắm quyền kiểm soát thành phố Bakhmut vào tháng 5/2023. Hiện Nga đang kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine.
Trong hai năm xung đột, các nước phương Tây đã cung cấp viện trợ trị giá hàng trăm tỷ USD cho Kiev. Các chuyến hàng bắt đầu vào năm 2022 với đạn pháo đã mở rộng bao gồm cả xe tăng, hệ thống phòng không tiên tiến, tên lửa, bom chùm và sắp tới là máy bay chiến đấu F-16. Bên cạnh cung cấp vũ khí, Mỹ và phương Tây tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga, từ hạn chế khả năng Nga giao dịch với các ngân hàng trên thế giới cho tới áp lệnh cấm nhập khẩu công nghệ, tẩy chay các sản phẩm năng lượng và áp giá trần dầu mỏ nhằm ngăn chặn nguồn doanh thu hàng đầu của Nga. Đối đầu Nga-phương Tây càng trở nên khó kiểm soát khi hai bên dần rút khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí chung.
Trong khi đó, tâm lý mệt mỏi vì xung đột kéo dài ngày càng lan rộng ở các nước phương Tây. Tại Mỹ, lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra, viện trợ cho Ukraine đã bị chặn lại tại quốc hội. Tại châu Âu, trong khi các nước vùng Baltic kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Ukraine thì một số nước thành viên NATO như Hungary hay Slovakia tỏ ra hoài nghi về Kiev.
Một nghiên cứu của Viện Kiel công bố vào tháng 12/2023 cho thấy phương Tây đã giảm gần 90% cam kết viện trợ mới cho Kiev, mức thấp nhất kể từ đầu xung đột với Nga.
Tương quan lực lượng
Năng lực quân sự
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề cập đến thành quả mà nước này đã đạt được trong hai năm xung đột. Ông nói: “Người Ukraine đã cầm cự được 724 ngày, liệu 725 ngày trước bạn có tin rằng đây là điều có thể?”. Nhưng với thương vong ngày càng tăng, quân đội và nguồn cung cấp pháo binh cạn kiệt trong khi viện trợ tài chính của Mỹ bị đình trệ, người dân Ukraine chuẩn bị bước sang năm xung đột thứ ba với nỗi lo lắng về những gì có thể xảy ra, cũng như với sự chia rẽ ngày càng rõ rệt trong xã hội.
Ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2024 ở mức hơn 100 tỷ USD, là mức cao nhất kể từ thời Liên Xô, tăng hơn 2/3 so với năm 2023. Năng lực sản xuất của nước này cũng đã khắc phục được những thiếu hụt ban đầu để giúp Moscow sản xuất vũ khí cho một chiến dịch kéo dài, thường gây thiệt hại cho sản xuất dân sự.
Trong khi đó, Ukraine cũng đang đầu tư vào khả năng sản xuất quân sự trong nước, nhưng không thể so sánh với một tổ hợp công nghiệp-quân sự lớn hơn nhiều của Nga đang hoạt động hết công suất. Với ngân sách quốc phòng năm 2024 là 46 tỷ USD, Kiev có thể tụt lại phía sau hơn nữa khi sự hỗ trợ của phương Tây cạn kiệt.
Nhân lực & thiết bị
Với dân số gấp khoảng 3,5 lần dân số Ukraine trước khi xung đột nổ ra, Nga có lợi thế vượt trội trên chiến trường. Trong cuộc họp báo cuối năm 2023, Tổng thống Putin cho biết, Nga hiện có 617.000 binh sỹ đang chiến đấu ở Ukraine. Trước đó, vào đầu tháng 12, ông Putin đã ký sắc lệnh tăng thêm 170.000 binh sỹ trong lực lượng vũ trang Nga, nâng tổng quân số lên 1,32 triệu người. Đối với Ukraine, tình trạng thiếu nhân lực đang trở thành một vấn đề lớn.
Sĩ quan mang bí danh ‘Limousine’ - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 59, quân đội Ukraine chia sẻ: “Chúng tôi gặp vấn đề lớn về nhân lực, đơn giản là chúng tôi thiếu binh sỹ. Mọi người đã mất đi sự nhiệt tình vốn có khi xung đột bắt đầu nổ ra. Chúng tôi cần quân tiếp viện lớn, nhiều người ở đây đã mệt mỏi.”
Không chỉ thiếu nhân lực, quân đội Ukraine còn rơi vào tình thế nguy hiểm khi thiếu nghiêm trọng đạn dược, trong khi mâu thuẫn chính trị nội bộ ở các nước phương Tây đang cản trở việc viện trợ cho Kiev. Theo Viện nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia Anh, hiện nay, các lực lượng Kiev hiện chỉ có thể bắn 2.000 quả đạn pháo mỗi ngày, trong khi số lượng đạn pháo được Nga sử dụng là 10.000 quả.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu: “Hiện tại, tình thế vô cùng khó khăn ở một số khu vực của tiền tuyến, nơi quân đội Nga tập trung tối đa lực lượng dự bị. Họ đang lợi dụng sự chậm trễ trong viện trợ cho Ukraine. Chúng tôi thiếu hụt pháo binh, nhu cầu phòng không ở tuyến đầu và vũ khí tầm xa hơn.”
Kiev đã cố gắng thu hẹp khoảng cách bằng máy bay không người lái cảm tử, nhưng vẫn chưa thể sánh ngang với lực lượng của Nga.
kinh tế
Nền kinh tế Nga đã vượt qua làn sóng trừng phạt của phương Tây tốt hơn mong đợi, phần lớn nhờ vào cách nước này chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ sang các nền kinh tế “thân thiện” như Trung Quốc và Ấn Độ. Huyết mạch này đã giúp Nga chuyển sang nền kinh tế thời chiến, tìm nguồn thay thế cho các linh kiện trước đây mua từ phương Tây và chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài.
Theo số liệu thống kê chính thức, năm 2022, năm đầu tiên của cuộc xung đột, nền kinh tế Nga suy giảm 1,2%. Tuy nhiên, trong phát biểu mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2023 đạt 3,6%, vượt mức trung bình trên thế giới.
Trong khi đó, GDP của Ukraine đã giảm 29,1% vào năm 2022 và dự kiến tăng 3,5% trong năm 2023. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc, Ủy ban Châu Âu và chính phủ Ukraine cho thấy, việc tái thiết lại nền kinh tế Ukraine sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga dự kiến sẽ tiêu tốn 486 tỷ USD. Con số này cao gấp 2,8 lần sản lượng kinh tế dự kiến năm 2023 của Ukraine.
Trong ngắn hạn, Ukraine còn đang ở trong tình thế bấp bênh khi sự hỗ trợ của phương Tây ngày càng giảm và mối lo ngại ngày càng tăng về thái độ của Mỹ có thể thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ, Ukraine có thể phải cắt giảm mạnh chi tiêu hoặc thậm chí in tiền để bù đắp thâm hụt - điều có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe nền kinh tế nước này.
chính trị
Sau hai năm xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, trong khi hiệu ứng lan tỏa của nó ngày càng rõ ràng đối với châu Âu, đặc biệt là Đức, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga. Theo các nhà phân tích chính trị, các lệnh trừng phạt chống Nga đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Đức và việc các nước phương Tây liên tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ làm khủng hoảng thêm trầm trọng.
Ông Heinz Michael Vilsmeier, người phát ngôn một tổ chức phản chiến ở Đức cho hay: “Ngân sách tài chính của Đức lẽ ra phải được đầu tư vào nhà ở, giáo dục và các lĩnh vực khác liên quan đến sinh kế của người dân, giờ lại được chi cho lĩnh vực quân sự. Mọi dấu hiệu cho thấy xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục xấu đi khi các chính trị gia phương Tây đều ủng hộ.”
Một cuộc khảo sát được tiến hành trên toàn EU cho thấy hiện chỉ có khoảng 10% người dân châu Âu tin rằng Ukraine có thể giành chiến thắng trước Nga.
Còn tại Mỹ, kết quả thăm dò ý kiến cũng cho thấy tỷ lệ người nói rằng Washington đang hỗ trợ quá nhiều cho Kiev đã tăng từ 7% khi xung đột bắt đầu nổ ra lên 31% vào tháng 12/2023.
Trong khi đó, tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tỷ lệ ủng hộ ông chủ Điện Kremlin đã tăng từ mức 71% vào tháng 2 năm 2022 lên 85% vào tháng 11 năm 2023. Dự kiến Tổng thống Putin sẽ giành được thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 tới.
Còn tại Ukraine, các cuộc thăm dò cho thấy mức độ tin cậy vào Tổng thống Volodymyr Zelensky đang có dấu hiệu giảm sút. Sự đoàn kết trong năm đầu tiên đã dần tan biến trong những tháng gần đây, khi các đối thủ chính trị của ông Zelenskiy bắt đầu lên tiếng trong bối cảnh sự mệt mỏi hiện rõ trong xã hội.
Kịch bản nào cho năm 2024?
Khi Nga-phương Tây tiếp tục đối đầu và cuộc xung đột Nga-Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ ba, câu hỏi khi nào tìm được giải pháp hòa bình cho vấn đề này vẫn bỏ ngỏ. Các chuyên gia quân sự cho rằng quỹ đạo mà cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra vào năm 2024 sẽ chủ yếu được quyết định bởi Mỹ, quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine.
Sau khi kiểm soát Avdiivka, quân đội Nga tuyên bố sẽ tiếp tục tiến sâu hơn vào Ukraine để phát huy thành công trên chiến trường. Các chuyên gia quốc phòng cho rằng trong năm 2024, Nga sẽ tiến hành các hoạt động tấn công ở nhiều khu vực nhằm giành thế chủ động.
Trong khi đó, các lực lượng Ukraine sẽ thiết lập và củng cố các vị trí phòng thủ để bảo toàn nhân lực và nguồn lực cho các nỗ lực tấn công trong tương lai. Trong bối cảnh ấy, có rất ít triển vọng diễn ra đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine để chấm dứt xung đột trong năm nay.
Tổng thống Putin mới đây tuyên bố Nga sẵn sàng chấm dứt xung đột ở Ukraine một cách hòa bình nhưng không có dấu hiệu cho thấy Kiev mong muốn điều này.
Tổng thống nga Vladimir Putin phát biểu: “Đã có những cuộc đàm phán hoà bình, khi các bên đã đạt đến mức độ nhất trí rất cao về quan điểm trong một tiến trình phức tạp. Nhưng sau khi chúng tôi rút quân khỏi Kiev thì Ukraine, đã vứt bỏ tất cả những thỏa thuận này và chấp nhận tuân theo chỉ thị của các nước phương Tây – của châu Âu và Mỹ - là chiến đấu với Nga đến thắng lợi cuối cùng.”
Vào tháng 10 năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Putin. Nga nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine, đồng thời cho rằng những điều kiện mà Kiev đưa ra không thực tế.
Nỗ lực duy trì xung đột của Ukraine còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính từ Mỹ và châu Âu. Việc Liên minh châu Âu gần đây phê duyệt gói viện trợ trị giá 54 tỷ USD sẽ cho phép Ukraine có thêm hỗ trợ và các thành viên NATO châu Âu sẽ cung cấp thêm một số vũ khí cho Kiev.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn là bên cung cấp viện trợ lớn nhất cho Ukraine. Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine, khả năng Kiev đẩy lùi Moscow trên chiến trường vào năm 2024 sẽ ảm đạm hơn nhiều.
Trong khi đó, tháng 11 tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra và cựu Tổng thống Donald Trump, người từng tuyên bố chỉ cần 24 giờ để chấm dứt xung đột Nga – Ukraine, có thể sẽ quay trở lại nắm quyền. Tại cuộc phỏng vấn mới đây với Fox News, ông Trump nhận định Nga có thể đánh bại bất kỳ kẻ xâm lược hùng mạnh nào trong quá khứ và việc gửi hàng tỷ USD viện trợ cho Ukraine là hoàn toàn sai lầm. Nếu ông Donald Trump đắc cử, với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, viện trợ cho Ukraine có thể nhanh chóng bị gác lại.
Video: Nhìn ra thế giới: Cục diện cuộc xung đột Nga - Ukraine sau 2 năm
Việc kiểm soát biên giới và xử lý người nhập cư bất hợp pháp đã trở thành trọng tâm trong suốt chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ngay sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Bước đầu tiên là ông đề cử những nhân vật có quan điểm cứng rắn về nhập cư vào các vị trí chủ chốt trong nội các mới của mình.
Ngày 21/11, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã lên án quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc tội ác chiến tranh ở Gaza, cho rằng đây là quyết định "chống Do Thái".
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
0