Cuộc bầu cử Tổng thống khó đoán nhất lịch sử Mỹ

Các cuộc khảo sát mới nhất tại Mỹ cho thấy cuộc đua vào Nhà trắng của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ ngày càng sít sao và không thể đoán trước. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng đây là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất trong lịch sử Mỹ.

Tỷ lệ ủng hộ sít sao

Mặc dù Phó Tổng thống Kamala Harris đã dẫn trước ông Trump trong mọi cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos kể từ khi bà tham gia cuộc đua vào tháng 7, nhưng khoảng cách dẫn trước của bà đã liên tục bị thu hẹp kể từ cuối tháng 9.  Càng đến gần ngày bầu cử, xu hướng lật ngược thế cờ của ông Donald Trump ở các bang chiến địa ngày càng rõ hơn. Sự phục hồi mạnh mẽ của đảng Dân chủ sau khi bà Kamala Harris thay thế Tổng thống Joe Biden ra tranh cử vào tháng 8 đang giảm dần.

Trong tuần cuối tháng 10, khảo sát và mô hình dự đoán của những kênh truyền thông lớn đều cho ra kết quả rất sít sao giữa hai ứng viên tại 7 bang chiến địa. Các bang chiến địa là những bang không có xu hướng nhất quán bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng nào và thường là những bang có vai trò quyết định kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống. Trong cuộc bầu cử năm nay, các bang chiến địa gồm Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, North Carolina, Georgia, Arizona và Nevada.

Bản đồ 7 bang chiến địa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024. Ảnh BBC

Theo New York Times, cựu Tổng thống Mỹ đang có tỉ lệ ủng hộ nhỉnh hơn Phó Tổng thống đương nhiệm tại các bang chiến địa. Cụ thể, hai ứng viên về cơ bản hòa nhau ở 4/7 bang với cùng tỉ lệ ủng hộ 48%, đó là Michigan, North Carolina, Pennsylvania và Nevada. Bà Harris nhỉnh hơn ông Trump ở bang Wisconsin với khoảng gần 1 điểm phần trăm, nhưng lại thua hơn 1 điểm phần trăm ở bang Georgia và 2 điểm phần trăm tại bang Arizona.

Còn cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được công bố hôm 29/10 cho thấy cuộc đua thực sự ngang tài ngang sức giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ. Cuộc thăm dò có biên độ sai số khoảng 3 điểm phần trăm theo cả hai hướng.

Dĩ nhiên, những khảo sát này vẫn chỉ được thực hiện ở quy mô nhỏ và mang tính chất tương đối. Trong khi đó, tính tới ngày 31/10, hơn 48 triệu cử tri Mỹ đã tham gia bỏ phiếu sớm. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm đang phá vỡ kỷ lục ở các tiểu bang dao động như Georgia và North Carolina. Sức mạnh của việc bỏ phiếu sớm sẽ rất quan trọng đối với chiến dịch tranh cử của cả ông Trump và bà Harris.

Kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu chính trị Mỹ thuộc Đại học Harvard và Công ty Nghiên cứu Phân tích Harris công bố cho thấy 48% cử tri đi bỏ phiếu sớm ở các bang chiến địa bầu cho ông Trump, trong khi 47% chọn bà Harris.

Ông Julian Zelizer - Giáo sư lịch sử và quan hệ công chúng tại Đại học Princeton nhận định: “Dù việc bỏ phiếu sớm không có nhiều tác động đến cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng là cơ sở để các ứng viên có thể theo dõi những người đã bỏ phiếu. Từ đó, các ứng cử viên có thể tập trung vận động nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định. Điều này giúp hai ứng viên nâng cao tiềm năng chiến thắng trong một một cuộc đua sít sao mà kết quả cuối cùng có thể được định đoạt chỉ với vài lá phiếu".

Những lợi thế của hai ứng cử viên

Sự quan tâm của cử tri tới chiến lược của các ứng cử viên chính là yếu tố quyết định phiếu bầu của họ. Các kết quả thăm dò chỉ ra rằng vấn đề nhập cư, kinh tế và các mối đe dọa đối với nền dân chủ là những vấn đề quan tâm hàng đầu đối với những cử tri tiềm năng.

Trong đó, ông Trump có lợi thế về các vấn đề kinh tế và nhập cư trong suốt chiến dịch vận động tranh cử. Lợi thế lớn nhất của Trump về mặt chính sách có thể là về vấn đề nhập cư, khi ông đưa ra các đề xuất cứng rắn bao gồm trục xuất hàng loạt người di cư bất hợp pháp vào nước này. Trong vấn đề nhập cư và kinh tế, ông Trump dẫn trước với khoảng cách lần lượt là 48%-35% và 46%-38% so với bà Harris.

Cựu Tổng thống Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử tại bang Pennsylvania hôm 17/8/2024. Ảnh AP

Trong khi đó, bà Harris dẫn trước trong vấn đề các mối đe dọa đối với nền dân chủ cũng như chăm sóc sức khỏe và phá thai, với tỷ lệ ủng hộ 42% so với 35% của đối thủ. Các vấn đề quan tâm khác là bất bình đẳng thu nhập 11%, thuế và chăm sóc sức khỏe 10%.

Theo các chuyên gia, khoảng cách dẫn trước giữa bà Harris và ông Trump chỉ ở mức 1% có thể là không đủ để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ngay cả khi tỷ lệ này được duy trì cho đến ngày 5/11.

Những cuộc khảo sát toàn quốc đưa ra những tín hiệu quan trọng về quan điểm của cử tri. Theo đó, bà Harris dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu phổ thông. Nhưng ông Trump vẫn duy trì lợi thế trong đại cử tri đoàn. Kết quả của đại cử tri đoàn theo từng bang sẽ quyết định người chiến thắng, trong đó 7 bang chiến địa có khả năng mang tính quyết định. Trang thăm dò 538/ABC News nhận định bà Harris gần như sẽ chắc chắn nắm 225 phiếu đại cử tri ở các bang chiến địa nghiêng về đảng Dân chủ, còn ông Trump giành được 219 phiếu.

Kết quả khó đoán

Trước ngày bầu cử Mỹ, truyền thông và các diễn đàn nóng lên bởi câu hỏi ai sẽ trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ? Câu hỏi đó đang làm đau đầu công chúng khi tất cả các chuyên gia, dù là người thăm dò ý kiến, học giả hay người lập tỷ lệ cược quốc tế, nhà dự báo …đều đưa ra các lý lẽ và lập luận riêng để dự đoán kết quả bầu cử.

Nhà phân tích người Pháp Christophe Barraud được mệnh danh là “nhà kinh tế chính xác nhất thế giới” hôm 28/10 đã có bài đăng trên X dự đoán kết quả bầu cử Mỹ sắp tới có thể nghiêng về ông Trump.

Ông Christophe Barraud. Ảnh AFP

Ông Christophe Barraud viết trên X rằng: "Dựa trên các chỉ số như thị trường cá cược, thăm dò dư luận, dự báo của các mô hình bầu cử và thị trường tài chính, đến thời điểm này, kịch bản có khả năng cao nhất là: ông Trump thắng và đảng Cộng hòa giành đa số ghế".

Trước đó, giáo sư Allan Lichtman, người được mệnh danh là "Nhà dự báo của các kỳ bầu cử Mỹ" do đã từng dự đoán chính xác chín trong số mười kết quả bầu cử tổng thống từ năm 1984, cho rằng bà Harris sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ông Lichtman sử dụng phương pháp dự đoán có tên là "Keys to the White House" (Chìa khóa vào Nhà Trắng), gồm 13 mệnh đề đúng/sai, hay còn gọi là chìa khóa mà ông tin rằng sẽ chỉ ra người thắng cử.

Giáo sư Allan Lichtman Đại học American cho biết “Dự đoán ngày 5 tháng 9 của tôi không thay đổi. Như tôi đã nói, nó không bị ảnh hưởng bởi các cuộc thăm dò, các chuyên gia, các sự kiện của chiến dịch. Tôi vẫn dự đoán chiến thắng của bà Harris".

Trong khi đó, giới chuyên gia chính trị không biết phải dự đoán kết quả của cuộc bầu cử này như thế nào. Ngay cả chuyên gia thăm dò Nate Silver, nhà sáng lập của hãng dự đoán và phân tích kết quả bầu cử FiveThirtyEight, người nổi tiếng với việc dự đoán đúng kết quả bầu cử, cũng nói ông không thể đoán trước kết quả bầu cử năm nay sẽ đi theo hướng nào. Ông Nate Silver đã nói trên tờ New York Times rằng "50-50 là dự báo duy nhất có trách nhiệm" trong cuộc bầu cử lần này.

Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều chiến lược gia Dân chủ và Cộng hòa đều không thể chắc chắn về một chiến thắng cho ứng viên đảng mình khi họ đánh giá những yếu tố có thể thay đổi kết quả cuối cùng.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: liệu các cuộc thăm dò có đang bỏ sót những cử tri bầu cho ông Trump, như những gì từng diễn ra năm 2016, hay các nhà khảo sát đang đánh giá quá cao nhóm này? Liệu chiến lược tiếp cận thực địa vượt trội của đảng Dân chủ với sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng có thể đưa họ lên vị trí cao hơn, hay khoản đầu tư đột ngột từ Elon Musk có giúp đảng Cộng hòa bứt phá? Trong một cuộc đua sát nút như hiện nay, hầu như bất kỳ điều gì, một sự kiện thời tiết bất thường, cháy hòm phiếu ở nhiều nơi, hay một bê bối mới nổ ra đều có thể mang tính quyết định.

Nhiều đảng viên Cộng hòa cũng bày tỏ có nhiều ẩn số có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, và không loại trừ khả năng bà Harris sẽ thắng.

"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có gã khổng lồ nào đó đang say ngủ ngoài kia", một chiến lược gia đảng Cộng hòa đề cập đến những thế lực bầu cử ngầm mang tính quyết định mà các cuộc thăm dò không phát hiện ra. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ông Trump cuối cùng vượt qua kỳ vọng ở các nhóm cử tri quan trọng. Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu bà Harris giành chiến thắng ở mọi bang chiến trường".

Phó Tổng thống Kamala Harris (phải) và Cựu Tổng thống Barack Obama (trái) trong cuộc vận động tranh cử tại bang Georgia hôm 24/10/2024. Ảnh AJC

Lauren Groh-Wargo, chiến lược gia đảng Dân chủ ở Georgia, người điều hành nhóm vận động cử tri Fair Fight Action do cựu ứng viên thống đốc Stacey Abrams sáng lập, cho biết "Tôi không còn cảm xúc nữa. Tôi không thể để các vấn đề chính trị khiến tôi trở nên bất an. Cuộc đua này rất cam go, bạn chỉ cần làm những gì bạn có thể và tập trung vào những gì bạn kiểm soát được".

Các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng trong chặng đua cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, các mô hình dự đoán có thể bị ảnh hưởng bởi các nỗ lực của các đảng nhằm tăng số điểm trung bình của ứng cử viên. Điều này có thể trở nên nguy hiểm, vì những thông tin sai lệch có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu cuối cùng của cử tri.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Quốc phòng Nga ngày 31/10 cho biết nhóm tác chiến phía Đông của Nga đã kiểm soát khu định cư Yasnaya Polyana ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR).

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko đã tới thăm Trung Quốc và có cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh, thảo luận các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc – ông Vassily Nebenzia khẳng định hợp tác giữa Nga và Triều Tiên không vi phạm luật pháp quốc tế cũng như không nhằm chống lại nước thứ ba.

Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng mạnh tại khu vực Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo hậu quả kinh tế của kịch bản xung đột lan rộng là rất nghiêm trọng.

Sáng 31/10, Nhật Bản cùng Hàn Quốc và Mỹ đã lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất của Triều Tiên, cho rằng hành động này vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo hãng tin Yonhap, ngày hôm nay 31/10, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này đã công bố danh sách các mặt hàng sử dụng để phát triển tên lửa đạn đạo nguyên liệu rắn phải giám sát xuất khẩu.