'Cuộc chiến' của Israel tại các trường đại học Mỹ
Trong nhiều năm qua, khả năng theo đuổi kiến thức mở và quyền tự do bày tỏ các quan điểm đa dạng của sinh viên đã trở thành một đặc điểm nổi bật của các trường đại học tại Mỹ. Tuy nhiên, một xu hướng đáng lo ngại đang xuất hiện tại các trường đại học danh giá nhất ở đây, có nguy cơ đe doạ các giá trị cốt lõi của quyền tự do học thuật tại các trường như Harvard, Columbia, hay MIT. Khi xung đột Israel - Hamas đang tiếp diễn, sinh viên khắp nước Mỹ đã có rất nhiều hoạt động ủng hộ Palestine và phản đối chiến dịch quân sự của Israel. Những sinh viên tham gia vào các tổ chức và các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine liên tục bị đe doạ bởi các nhóm Do Thái và chính trường đại học của họ qua nhiều cách khác nhau, nhằm dập tắt sự ủng hộ Palestine trong khuôn viên các trường đại học.
Hôm 17/11, tạp chí danh tiếng The Nation xuất bản một bài viết có tựa đề “Cuộc chiến của Israel chống lại các nhà hoạt động sinh viên Mỹ” của James Bamford, một tác giả Mỹ nổi tiếng, chuyên về tình báo và an ninh quốc gia Mỹ, từng được New York Times gọi là “nhà báo hàng đầu quốc gia về Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA)”. Ông đã giành được Giải thưởng Tạp chí Quốc gia (National Magazine Awards) năm 2006 cho bài viết về cuộc chiến ở Iraq trên Rolling Stone. Những tiết lộ đáng ngại trong bài báo của The Nation được rút ra một phần từ cuốn sách mới nhất của ông, “Thất bại gián điệp: Điệp viên nước ngoài, chuột chũi, kẻ phá hoại, và sự sụp đổ của cơ quan phản gián Mỹ” (Spyfail: Foreign Spies, Moles, Saboteurs, and the Collapse of America’s Counterintelligence), xuất bản vào tháng 1/2023.
Trong bài viết này, Bamford mô tả về một chiến dịch bí mật chống lại các nhóm sinh viên ủng hộ Palestine tại các trường đại học Mỹ. Bài viết cho thấy mức độ đáng lo ngại của các thủ đoạn giám sát và đe doạ của liên minh Israel trong khuôn viên Đại học (Israel on Campus Coalition), một tổ chức có liên kết với tình báo Israel và Hội đồng quan hệ Mỹ Israel (American Israel Public Affairs Committee/AIPAC). Những hành động của tổ chức này không chỉ là một hiện tượng biệt lập, mà là một phần của xu hướng đàn áp và thao túng diễn ngôn lớn hơn xung quanh xung đột Israel - Palestine tại các trường đại học danh giá.
Ví dụ đáng chú ý nhất là tại Harvard, nơi những sinh viên viết thư ngỏ cáo buộc rằng các chính sách của Israel đã dẫn đến cuộc tấn công của Hamas vào 7/10. Không lâu sau khi lá thư này được công khai, ảnh và tên của họ đã được hiển thị trên một chiếc xe tải đỗ tại Quảng trường Harvard với dòng chữ “Những kẻ bài Do Thái hàng đầu Harvard”, nhằm công khai hạ nhục và phá hoại danh tiếng của họ. Sau khi rời khuôn viên trường, chiếc xe tải được lái đến nhà của từng sinh viên để công khai địa chỉ của họ. Một số sinh viên bị nhắm mục tiêu sau đó đã nhận được những lời doạ giết, trong khi những sinh viên khác lo lắng về những hậu quả lâu dài hơn, bao gồm nguy cơ bị đuổi việc hoặc làm tổn hại cơ hội tuyển dụng trong tương lai và ít nhất một sinh viên đã bị mất việc làm kể từ sau vụ việc này.
Theo Bamford, ngay cả trong thời gian trước cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas, Thủ tướng Israel Netanyahu đã bày tỏ lo ngại trước sự ủng hộ Palestine ngày càng tăng trong các trường đại học Mỹ. Với kinh nghiệm của người từng học bốn năm tại MIT và Harvard, Netanyahu hiểu tầm quan trọng chiến lược của việc củng cố môi trường học thuật ủng hộ Israel tại các trường đại học danh giá nhất của Mỹ - nơi những sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành thế hệ lãnh đạo tiếp theo của quốc gia đồng minh quan trọng nhất của Israel. Ông đã thành lập một mặt trận bí mật tại các trường đại học Mỹ, nhằm mục tiêu theo dõi, gây rối, đe doạ, và phá hoại các nhóm sinh viên ủng hộ Palestine.
Trọng tâm của nỗ lực này chính là ICC, một tổ chức ít được biết đến có trụ sở tại Washington. Trong nhiều năm, ICC đã tuyển dụng các sinh viên và tổ chức ủng hộ Israel tại các trường đại học Mỹ, nhằm xây dựng một mạng lưới gián điệp giúp cho việc giám sát và phá hoại hoạt động các nhóm ủng hộ Palestine tại trường. Trái ngược với thông tin công khai trên mạng bởi ICC, tổ chức này không phải là độc lập hay chỉ được tài trợ bởi những người Mỹ ủng hộ Israel, mà còn là một phần của chiến dịch rộng lớn hơn, dàn dựng ở cấp cao nhất của chính phủ Israel.
Các hoạt động của ICC dựa trên chiến thuật chống nổi dậy của quân đội, đặc biệt là chiến lược của Tướng Stanley McCrystal ở Iraq. Thông tin tình báo được thu thập tại các đại học Mỹ được chia sẻ trực tiếp với Bộ Chiến lược của Israel. Mối liên hệ này cho thấy một đường dây trực tiếp giữa các hoạt động trong khuôn viên đại học Mỹ và chính phủ Israel, cho phép các cơ quan tình báo tại Jerusalem tham gia vào chiến dịch trấn áp những tiếng nói ủng hộ Palestine trong giới học thuật Mỹ; bao gồm cả sinh viên và các giáo sư.
Theo một bộ phim tài liệu của Al Jazeera về vận động hành lang của Israel tại Mỹ, Lila Greenberg, nhà tổ chức cấp cao quốc gia của AIPAC (2015 - 2017), nói với James Kleinfeld vào năm 2016:
“ICC tập hợp nguồn lực từ tất cả các tổ chức (ủng hộ Israel) tại các trường đại học. Điều này giúp họ khai thác từ mọi góc độ”.
Lúc bấy giờ, Kleinfeld đang làm phóng viên bí mật cho Al Jazeera và đóng giả là một nhà hoạt động ủng hộ Israel. Ông cũng gặp Jacob Baime, giám đốc điều hành của ICC và cựu giám đốc quốc gia của AIPAC. Tại trụ sở chính ở Washington, Baime khẳng định sức mạnh của ICC trong việc tấn công các sinh viên Mỹ ủng hộ quyền của người Palestine, nói rằng, “Chúng tôi đã xây dựng chiến dịch chính trị quốc gia quy mô lớn này để đè bẹp họ”.
Quy mô của các hoạt động gián điệp này được tiết lộ nhiều hơn khi Bamford đề cập đến sự tham gia của Psy-Group, một công ty tình báo tư nhân tại Israel tập trung vào chiến thuật tâm lý và có liên kết với Mossad. Vào năm 2016, Psy-Group đã khởi động Dự án Butterfly, được tài trợ bí mật bởi các cá nhân Do Thái giàu có tại Mỹ, với một trong những mục tiêu chính là sử dụng thông tin giả mạo để tấn công và huỷ hoại danh tiếng của các mục tiêu, biến họ trở thành những kẻ khủng bố trong con mắt của công chúng.
Quay trở lại với ICC, hoạt động của tổ chức này được củng cố bởi công nghệ tinh vi và hỗ trợ tài chính đáng kể. ICC sử dụng thiết bị giám sát tiên tiến để theo dõi các phương tiện truyền thông xã hội và các cuộc trò chuyện trực tuyến của sinh viên và các nhà hoạt động Palestine. Các phương pháp giám sát công nghệ cao này cho thấy nguồn lực đáng kể được phân bổ bởi các nhà tài trợ ủng hộ Israel cho ICC. Các phương pháp giám sát công nghệ cao này cho thấy sự đầu tư đáng kể từ phía các nhà tài trợ ủng hộ Israel. Hỗ trợ tài chính của họ cho ICC cũng lớn không kém, Baime ước tính ngân sách của ICC vượt mức 9 triệu USD trong những năm gần đây.
Ý nghĩa sâu sắc của các tiết lộ của Bamford là Mỹ đang cho phép một chính phủ nước ngoài, thông qua nhiều tổ chức khác nhau và các phương tiện công nghệ tiên tiến, đang tham gia tích cực vào việc đàn áp tự do ngôn luận và tự do học thuật tại các trường đại học Mỹ. Điều này sẽ không chỉ làm suy yếu các giá trị dân chủ được đề cao bởi những trường này mà còn dấy lên lo ngại về chủ quyền của các trường đại học và sự can thiệp từ bên ngoài đối với quyền của sinh viên tham gia vào các hoạt động xã hội.
Thông điệp của Bamford về sự ảnh hưởng của các nhóm ủng hộ Israel đang ngày càng rõ ràng, không chỉ tại Harvard mà cả ở các trường đại học danh giá khác tại Mỹ. Đại học Columbia đã đình chỉ hai nhóm Tiếng nói vì Hoà bình của người Do Thái (Jewish Voice for Peace) và Sinh viên vì Công lý tại Palestine (SJP) sau một buổi trình diễn nghệ thuật phản kháng ủng hộ Palestine, với lý do là họ tổ chức “sự kiện trái phép” và có các “lời lẽ đe doạ và hăm doạ”. Tương tự, Đại học Brandeis và Đại học George Washington cũng đình chỉ các tổ chức của SJP với lý do chống Hamas hay không tuân thủ các thủ tục tổ chức sự kiện.
Những hành động này phản ánh xu hướng tăng cường của các trường đại học Mỹ nhằm ứng phó với áp lực từ bên ngoài, đặc biệt từ các nhóm ủng hộ Israel, dẫn đến việc đàn áp chưa từng có đối với sinh viên ủng hộ Palestine. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về cam kết của các trường đại học này trong việc duy trì các giá trị tự do học thuật và tự do ngôn luận, những giá trị đã xây dựng nên nền giáo dục mạnh mẽ của Mỹ.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0