Cuộc chiến pháp lý của Nam Phi chống Israel tại Tòa ICJ
Thông tin về phiên điều trần ngày 11/1
Ngày 11/1, Israel đang tự bảo vệ mình trước tòa án cao nhất của Liên Hợp Quốc trước những cáo buộc rằng họ đang phạm tội ác diệt chủng với chiến dịch quân sự ở Gaza.
Sau phiên tòa, nhóm đại diện cho Hamas bày tỏ hy vọng rằng ICJ sẽ ra phán quyết có lợi cho người Palestine.
Chính quyền Palestine cũng bày tỏ "sự tin tưởng" vào hoạt động kêu gọi pháp lý do Nam Phi khởi xướng và hy vọng ICJ sẽ đưa ra các phán quyết bảo vệ nhân quyền cho người dân Palestine.
Theo The Times of Israel, về phía Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - ông Yoav Gallant tiếp tục lặp lại các tuyên bố trước đó rằng "Lực lượng Phòng vệ Israel chỉ tấn công chiến binh Hamas chứ không phải dân thường Gaza", đồng thời cho biết Israel tiếp tục tạo điều kiện cho viện trợ vào Gaza.
Bên cạnh đó, Mỹ ngày qua tiếp tục gọi vụ kiện của Nam Phi là "vô căn cứ", Washington đang "theo dõi chặt chẽ" quá trình tố tụng.
Tại sao Nam Phi khởi kiện?
Công ước ngăn ngừa diệt chủng bắt buộc các quốc gia phải ngăn chặn nạn diệt chủng. Theo quy định, quyền tài phán trong những trường hợp liên quan đến ngăn ngừa diệt chủng thuộc về ICJ - một tòa án của Liên hợp quốc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên.
Vào ngày 29/12/2023, Nam Phi đưa ra cáo buộc trong hồ sơ kiện của mình rằng "các hành động và thiếu sót của Israel mang tính chất diệt chủng" vì họ cam kết với mục đích "tiêu diệt người Palestine ở Gaza" với tư cách là một phần của quốc gia Palestine với các nhóm chủng tộc và dân tộc rộng lớn hơn.
Với mục đích tìm kiếm các biện pháp tạm thời để bảo vệ người Palestine, Nam Phi đưa vào hồ sơ nộp lên ICJ thông tin về những thiệt hại do cuộc tấn công quân sự của Israel gây ra kể từ ngày 7/10/2023 và chỉ ra "hơn 21.110 người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza (con số này hiện đã tăng lên trên 23.300), trong đó có hơn 7.729 trẻ vị thành niên (nay là hơn 10.000); hơn 7.780 người mất tích; và hơn 55.243 (hiện là hơn 59.000) người Palestine bị thương". Hồ sơ còn tuyên bố thêm rằng "Israel đã san bằng các khu vực rộng lớn ở Gaza và làm hư hại hoặc phá hủy trên 355.000 ngôi nhà của người Palestine".
Trong khi lên án các cuộc tấn công của Hamas, Nam Phi còn lưu ý rằng "không có cuộc tấn công vũ trang nào chống lại một quốc gia, dù nghiêm trọng đến đâu, biện minh cho hành vi vi phạm Công ước Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng".
Lập luận của Nam Phi
Trong "cuộc chiến pháp lý bảo vệ nhân quyền", Nam Phi yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế ra lệnh cho Israel dừng chiến tranh ngay lập tức với cáo buộc nước này đã vi phạm Công ước năm 1948 về ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng, được soạn thảo sau Thế chiến thứ II.
Theo đó, công ước định nghĩa tội diệt chủng là những hành động như giết người "được thực hiện với mục đích tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần một nhóm quốc gia, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo".
Nam Phi đã yêu cầu ICJ đưa ra một loạt phán quyết ràng buộc về mặt pháp lý tuyên bố rằng Israel đang vi phạm "các nghĩa vụ của mình theo Công ước diệt chủng" và ra lệnh cho Israel chấm dứt hành động thù địch, đề nghị bồi thường và hỗ trợ tái thiết tất cả những gì họ đã phá hủy ở Gaza.
Hồ sơ lập luận rằng các hành động diệt chủng của Israel bao gồm giết người Palestine, gây tổn hại nghiêm trọng về tinh thần và thể xác, đồng thời cố tình "gây ra sự hủy diệt về thể chất của họ với tư cách là một nhóm". Trong phần tranh luận mở đầu, các luật sư Nam Phi cho biết, cuộc chiến mới nhất là một phần trong nhiều thập kỷ Israel áp bức người Palestine.
Cả Nam Phi và Israel đều nằm trong số 152 quốc gia tham gia Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng, và Nam Phi có mong muốn chứng minh rằng Israel đã có những hành động tiêu diệt người dân Palestine vượt quá khả năng tự vệ chính đáng. Nhiều người Nam Phi, bao gồm cả Tổng thống Cyril Ramaphosa, đã so sánh các chính sách của Israel đối với người Palestine ở Gaza và Bờ Tây với chế độ phân biệt chủng tộc trước đây của Nam Phi . Israel bác bỏ những cáo buộc như vậy.
Do đó, ICJ đã ấn định hai phiên điều trần vào ngày 11 và 12/1 tại The Hague (Hà Lan), nơi đặt trụ sở chính thức của toà án.
Phản ứng của Israel
Trước cáo buộc của Nam Phi, Israel - quốc gia được thành lập sau thảm họa diệt chủng Holocaust, đã bác bỏ vấn đề này. Bộ Ngoại giao Israel cho rằng, cáo buộc của Nam Phi thiếu cơ sở pháp lý và cấu thành "sự lợi dụng hèn hạ và khinh thường" của tòa án.
Đồng thời, Eylon Levy - một quan chức trong văn phòng thủ tướng Israel, đã cáo buộc Nam Phi "tạo vỏ bọc chính trị và pháp lý" cho cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas khiến khoảng 1.200 người ở miền nam Israel thiệt mạng và gây ra chiến dịch đáp trả của Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến cho đến khi Hamas bị "nghiền nát" và hơn 100 con tin Israel bị nhóm phiến quân ở Gaza bắt giữ đã được giải thoát. Ông nói rằng việc đó có thể mất vài tháng.
Trong quá khứ, Israel từng không tham dự các phiên điều trần vào năm 2004 khi ICJ thảo luận về ý kiến tư vấn về tính hợp pháp của bức tường sắt của Israel (Israel đã bắt đầu xây dựng bức tường ngăn cách nổi tiếng từ năm 2002, cho rằng đây là bức tường thành bảo vệ trước các vụ đánh bom liều chết của Palestine). Tòa án đã đưa ra quan điểm không mang tính ràng buộc rằng bức tường "trái với luật pháp quốc tế". Israel đã gửi một tuyên bố bằng văn bản tới tòa án rằng họ không đề cập đến việc họ có thẩm quyền xét xử hay không.
Chuyện gì có thể xảy ra trong tương lai?
Hồ sơ cáo buộc của Nam Phi bao gồm yêu cầu tòa án khẩn cấp ban hành các lệnh tạm thời có tính ràng buộc về mặt pháp lý để Israel "đình chỉ ngay lập tức các hoạt động quân sự chống lại Gaza".
Những biện pháp tạm thời sẽ được giữ nguyên khi vụ việc tiếp tục (Các biện pháp có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng không phải lúc nào cũng được tuân theo. Điển hình như trong năm 2022, trong vụ Ukraine kiện Nga về tội diệt chủng, tòa án đã ra lệnh cho Moscow đình chỉ ngay lập tức cuộc xâm lược nhưng lệnh này đã bị "phớt lờ").
Tòa án là cơ quan tư pháp cao nhất của Liên Hợp Quốc nhưng lại không có lực lượng cảnh sát để thi hành các phán quyết của mình. Nếu một quốc gia có cơ sở để cho rằng một thành viên khác không tuân thủ lệnh của ICJ, quốc gia đó có thể báo cáo lên Hội đồng Bảo an.
Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên là cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Các quyền hạn của hội đồng bao gồm từ các lệnh trừng phạt đến cho phép hành động quân sự, nhưng tất cả các hành động đều cần có sự hỗ trợ từ ít nhất chín quốc gia trong hội đồng và không gặp phải phủ quyết từ bất kì thành viên thường trực nào - Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.
Phiên điều trần sẽ được diễn ra vào ngày 11/1 và 12/1, và các luật sư đại diện cho Nam Phi và Israel có thể đưa ra các tranh luận. Hội đồng gồm 15 thẩm phán được tuyển chọn từ khắp nơi trên thế giới cùng với một thẩm phán do Israel và Nam Phi đề cử có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để đưa ra quyết định về các biện pháp tạm thời.
Sau đó, tòa án sau đó sẽ bước vào một quá trình dài để xem xét toàn bộ vụ việc.
Có trường hợp tương tự nào đang được xem xét không?
Hiện nay, cũng có hai vụ án diệt chủng khác đang được tòa án xét xử. Đó là vụ kiện do Ukraine đệ trình ngay sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự và cáo buộc Nga lên kế hoạch cho hàng loạt hành động diệt chủng ở Ukraine.
Một vụ khác liên quan đến Gambia, thay mặt cho các quốc gia Hồi giáo, cáo buộc Myanmar tội diệt chủng đối với người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Tòa án Công lý quốc tế hay Tòa án Hình sự Quốc tế?
The Hague tự gọi mình là thành phố quốc tế của hòa bình và công lý. Đây không chỉ là nơi đặt trụ sở của Tòa án Công lý Quốc tế - ICJ mà còn cả Tòa án Hình sự Quốc tế - ICC.
ICJ được thành lập lần đầu tiên vào năm 1946, xét xử các vụ việc giữa các quốc gia, thường là tranh chấp biên giới hoặc bất đồng trong việc giải thích các điều ước quốc tế.
ICC được thành lập vào năm 2002 với mục tiêu cao cả là chấm dứt tình trạng miễn trừ toàn cầu đối với các tội ác tàn bạo, buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
ICC đang tiến hành một cuộc điều tra về cuộc xung đột Israel-Palestine, kể từ cuộc chiến cuối cùng ở Gaza. Cho đến nay, cơ quan này chưa ban hành bất kỳ lệnh bắt giữ nào. Israel từng đưa ra lập luận rằng ICC không có thẩm quyền vì người Palestine không thuộc một quốc gia có chủ quyền độc lập.
Công tố viên ICC Karim Khan cho biết cuộc điều tra về tội ác có thể xảy ra của các chiến binh Hamas và lực lượng Israel là ưu tiên hàng đầu. Tòa án có thể buộc tội các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự.
Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Riyad al-Maliki cho biết, Chính quyền Palestine sẽ không can thiệp vào cuộc điều tra của ICC về các cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas.
(Tổng hợp)
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0