Cuộc đối đầu làm thay đổi địa chính trị ở Trung Đông

Israel và Iran sau khi thực hiện các cuộc tấn công quân sự công khai vào lãnh thổ của nhau đã đẩy Trung Đông vào một kỷ nguyên mới đầy nguy hiểm. Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu yêu cầu giữ thể diện bằng việc thể hiện sự răn đe của mỗi bên đã được thỏa mãn chưa, liệu 'hai đối thủ truyền kiếp' này có định bước vào một chu kỳ leo thang mới khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn. Cả thế giới đang tập trung theo sát diễn biến của cuộc đối đầu đang làm thay đổi địa chính trị ở Trung Đông.

Hiện “trái bóng” đang ở bên phía sân Iran sau khi Israel tiến hành các cuộc tấn công gần thành phố Isfahan vào sáng ngày 19/4. Những thông tin ban đầu cho thấy hành động của Tel Aviv chỉ mang tính hạn chế và  không nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran trong khu vực. Thay vào đó, cuộc tấn công có thể chỉ nhằm mục đích chứng minh Israel có thể  thâm nhập sâu vào trong lãnh thổ Iran.

Tuy nhiên, việc Israel chọn mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran thay vì tấn công các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Syria hoặc Iraq, đã làm gia tăng đáng kể thế trận đối đầu và có nguy cơ đẩy cuộc đối đầu nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Các cuộc tấn công của Israel ngày 19/4 dường như đang muốn chứng tỏ rằng Tel Aviv có thể né tránh hệ thống phòng thủ của Iran theo ý muốn - và có thể tấn công những địa điểm nhạy cảm như khu vực lân cận các cơ sở hạt nhân của Iran - trong khi không tạo ra tình huống buộc Iran phải đáp trả bằng vũ lực, một sự leo thang khác có thể đẩy hai bên tiến tới một cuộc chiến tranh tổng lực.

Những diễn biến này xảy ra khi khu vực đang ở trong tình trạng nguy hiểm sau 6 tháng diễn ra cuộc chiến Israel - Hamas ở Gaza và căng thẳng chính trị ở cả hai nước trở nên gay gắt đến mức mỗi bên khó có thể đánh giá chính xác bên kia sẽ có thể phản ứng như thế nào.

Vài giờ trước cuộc tấn công của Israel, Iran đã cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel sẽ gặp phải phản ứng mạnh mẽ. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói với CNN rằng nước này sẽ đáp trả “ngay lập tức và ở mức tối đa”.

Tuy nhiên, những dấu hiệu ban đầu hiện nay cho thấy Iran đã sẵn sàng chấm dứt giai đoạn leo thang đặc biệt này mà không tiếp tục bước lên một nấc thang đối đầu khác, trong khi Israel - bất chấp những lời kêu gọi kiềm chế của quốc tế - vẫn có thể khiến Mỹ và phương Tây lo ngại về khả năng gây ra một cuộc chiến tranh lớn ở khu vực.

Các phương tiện truyền thông chính thức của Iran và các quan chức chính phủ nước này đã hạ thấp tầm quan trọng của cuộc tấn công hôm 19/4. Và một nguồn tình báo khu vực, nắm rõ phản ứng tiềm tàng của Iran trước cuộc tấn công hôm thứ Sáu, cho biết rằng các cuộc tấn công trực tiếp giữa Iran và Israel đã “kết thúc”. Nguồn tin, không được phép phát biểu công khai, nói với CNN rằng, theo hiểu biết của ông, Iran dự kiến sẽ không đáp trả các cuộc tấn công, nhưng không đưa ra lý do.

Nếu các sự kiện tiếp theo diễn ra theo đúng nhận định này, Israel có thể đã thành công trong việc thực hiện châm ngôn chiến lược do Tổng thống Mỹ John Kennedy đặt ra vào năm 1963 khi ông suy ngẫm về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, rằng khả năng quản lý nhà nước phải nhằm mục đích “ngăn chặn những cuộc đối đầu có thể khiến đối phương phải lựa chọn hạ mình rút lui một cách hèn hạ hoặc chiến tranh hạt nhân”.

Mối nguy hiểm trong trường hợp này không phải là một cuộc chiến tranh hạt nhân mà là một cuộc ăn miếng trả miếng leo thang trở thành một cuộc xung đột lớn có thể tàn phá toàn bộ khu vực và cướp đi sinh mạng của nhiều người Iran, Israel và người dân ở cả các nước láng giềng. Như hiện tại, cả Iran và Israel đều không bị buộc phải hạ mình rút lui - và đó có thể là chìa khóa để kiềm chế tình hình.

Người dân Iran biểu tình phản đối Israel sau buổi cầu nguyện thứ Sáu ở Tehran, vào ngày 19 tháng 4 năm 2024. Ảnh: AP

Rủi ro chính trị với Tổng thống Mỹ Joe Biden

Cuộc tấn công của Israel vào Iran cũng cho thấy một lần nữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bỏ ngoài tai đề nghị của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Tel Aviv nên coi việc đánh chặn thành công gần như tất cả máy bay không người lái và tên lửa của Iran nhắm vào nước này là một chiến thắng. Tổng thống Mỹ đã lập luận rằng hoạt động phòng thủ quy mô lớn đã chứng minh Iran không thể gây ra mối đe dọa cho an ninh của Israel và không cần phải trả đũa thêm.

Trong khi Israel dường như đã nỗ lực xem xét những lo lắng của Mỹ và phương Tây về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến rộng lớn hơn, thì ông Netanyahu đã nhiều lần phớt lờ những lời đề nghị của Tổng thống Mỹ Biden, bao gồm cả những lời phàn nàn của Washington về cuộc chiến của Israel ở dải Gaza. Tổng thống Mỹ Joe Biden, mặc dù ngày càng thất vọng với ông Netanyahu, nhưng vẫn chưa sẵn sàng đặt ra ranh giới đỏ cho Thủ tướng Israel hoặc ra điều kiện đối với các chuyến hàng vũ khí mà Mỹ viện trợ cho Israel.

Trên thực tế, ông Biden cũng gặp khó khi Israel là một quốc gia có chủ quyền và mặc dù phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ nhưng khó có thể cho phép một cuộc không kích hàng loạt nhắm vào lãnh thổ của mình mà không bị đáp trả. Sau những diễn biến mới nhất, Washington hiện đang tập trung vào một nỗ lực mới nhằm ngăn chặn căng thẳng gia tăng hơn nữa, trong khi tránh xa hành động của Israel.

Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 diễn ra tại Italy mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “điều chúng tôi và G7 đang tập trung hiện nay được phản ánh trong tuyên bố và cuộc trò chuyện của chúng tôi, đó là nỗ lực của chúng tôi nhằm giảm căng thẳng”.

Nhà Trắng trong những ngày gần đây đã nói rõ rằng họ sẽ không tham gia bất kỳ hành động tấn công nào của Israel chống lại Iran. Nhưng lực lượng quân sự Mỹ gần như chắc chắn sẽ được huy động để bảo vệ Israel một lần nữa trong trường hợp Iran thực hiện một cuộc trả đũa lớn.

Do đó, Tổng thống Mỹ Biden vẫn có thể bị kéo sâu hơn nữa vào một cuộc xung đột quân sự trong khu vực mà ông đã nhiều lần cố gắng ngăn chặn nhưng không thể . Những hậu quả chính trị sẽ rất nghiêm trọng đối với ông chủ Nhà trắng vào tháng 11, khi ứng cử viên được cho là của Đảng Cộng hòa Donald Trump từng cảnh báo thế giới đang vượt khỏi tầm kiểm soát dưới sự giám sát của ông.

Ông Biden đã phải trả giá đắt khi đánh mất sự ủng hộ của các cử tri cấp tiến, những người trẻ tuổi và người Mỹ gốc Ả-rập vì sự ủng hộ của ông dành cho Israel. Điều này có thể tác động nghiêm trọng đến thành tích của ông ở các bang chiến địa có ý nghĩa quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Và bất kỳ đợt tăng vọt nào của giá dầu gây ra bởi bất ổn ở Trung Đông trước cuộc bầu cử cũng có thể đẩy giá xăng lên cao và khiến ông Biden phải trả một cái giá chính trị đau đớn.

Bức tranh địa chính trị với gam màu xám

Israel, với tất cả sức mạnh quân sự của mình, đang ở vào thế rất dễ bị tổn thương. Hiện nước này đang chiến đấu trên ba mặt trận – chống lại Hamas ở Gaza; đối phó với Hezbollah, một lực lượng ủy nhiệm khác của Iran ở biên giới Liban; và trực tiếp chống lại chính Iran.

Mối đe dọa từ Hezbollah đặc biệt nghiêm trọng vì nhóm vũ trang này có hàng chục nghìn tên lửa có thể gây ra cuộc tấn công với hậu quả thảm khốc ở các thành phố của Israel,với quy mô lớn hơn nhiều so với mối đe dọa do tên lửa của Hamas gây ra khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza. Việc Hezbollah tham gia toàn diện vào cuộc xung đột để hỗ trợ Iran chắc chắn sẽ khiến Israel phải có phản ứng đáp trả mạnh mẽ và khiến chiến tranh trở lại Liban.

Các sự kiện trong vài ngày qua có nghĩa là ngay cả khi khu vực không rơi vào một cuộc chiến tranh quy mô lớn ngay lập tức, thì những giả định trước đây rằng Iran sẽ không bao giờ công khai tấn công Israel và Israel sẽ không tấn công vào đất Iran đã bị xoá bỏ.

Aaron David Miller, nhà đàm phán hòa bình Trung Đông kỳ cựu của các tổng thống đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ, nói với CNN: “ngay cả khi bạn vượt qua giai đoạn này mà không có sự trả đũa mạnh mẽ từ Iran, thì thực tế là Israel và Iran vẫn sẽ bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh này”. “Không có giải pháp nào cho vấn đề lực lượng ủy nhiệm của Iran. Không có giải pháp nào cho thực tế rằng Iran là quốc gia có vũ khí hạt nhân. Và mối quan hệ này sẽ bao trùm khu vực và có lẽ cả cộng đồng quốc tế”.

Israel sẽ phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ để thể hiện sự kiềm chế không chỉ trước Mỹ mà còn với các cường quốc châu Âu và Ả-rập, một số trong số đó đã tham gia chiến dịch của Mỹ và Israel nhằm bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa của Iran vào cuối tuần trước. Trong khi Israel vẫn nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, thì điều đó không được đảm bảo với các quốc gia khác, nếu ông Netanyahu tiếp tục phớt lờ lời khuyên từ những người bảo vệ mình.

Một lợi ích khi Israel không trả đũa Iran là nước này có thể được hưởng lợi từ làn sóng ủng hộ và cảm thông, cũng như bắt đầu quá trình hàn gắn quan hệ với các đồng minh vốn chỉ trích gay gắt việc Tel Aviv tiến hành cuộc chiến ở Gaza. Tuy nhiên, cơ hội đó hiện có thể đã bị Israel bỏ phí.

Về phần mình, Israel tự coi mình đang bị mắc kẹt trong một cuộc chiến sinh tồn với Iran, một cuộc chiến cho đến nay vẫn diễn ra thông qua các cuộc tấn công bí mật và tấn công mạng nhằm vào chương trình hạt nhân, các nhà khoa học, cơ sở hạ tầng quân sự và tình báo của nước này. Lịch sử cho thấy khi các nhà lãnh đạo Israel cảm thấy sự sống còn của đất nước bị đe dọa, họ thường hành động đơn phương ngay cả khi Mỹ khuyên họ kiềm chế. Học thuyết như vậy đã dẫn đến các cuộc tấn công trước đây của Israel vào các cơ sở hạt nhân ở Iraq và Syria.

Trong khi đó, bằng cách tấn công trả đũa Israel sau cuộc tấn công ở Damascus, Iran đã đưa ra một tuyên bố ngầm rằng Israel không thể thoát khỏi việc phải trả giá cho những cuộc tấn công như vậy nữa và rằng họ sẽ phải nhận một phản ứng trực tiếp.

Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nói với CNN rằng những hành động mới nhất của hai bên đã tạo tiền đề cho một chu kỳ leo thang dài hạn bắt nguồn từ sự bất ổn tại khu vực.

Nhưng khả năng rõ ràng của Israel trong việc né tránh hệ thống phòng không của Iran cũng có thể tái lập lợi thế chiến lược của Israel. Nhà phân tích Davis nói: “tôi thực sự nghĩ rằng nó gửi một thông điệp tới Tehran rằng họ thực sự dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của Israel hơn những gì họ muốn thừa nhận”.

Một nguy cơ khác mà một số chuyên gia đang lo ngại, đó là thực tế mới về những cuộc tấn công trực tiếp với Israel có thể khiến Iran - quốc gia được các chuyên gia ước tính chỉ còn vài tuần nữa là có thể tự sản xuất vũ khí hạt nhân – sẽ có thêm động lực để đẩy mạnh chương trình hạt nhân của mình. Đây sẽ là một tình huống mà cả Israel, và có lẽ cả Mỹ, đều không thể chấp nhận được, vì vậy mối nguy hiểm ngày càng gia tăng trong những ngày gần đây có thể chỉ là điểm khởi đầu của những căng thẳng và diễn biến nguy hiểm sắp xảy ra.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Chu Hải lần thứ 15 đã bế mạc hôm 17/11 tại thành phố ven biển Chu Hải, miền Nam Trung Quốc.

Ấn Độ vừa thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm đầu tiên ở ngoài khơi bờ biển bang Odisha. Sự kiện đưa nước này vào nhóm cường quốc sở hữu công nghệ quân sự tiên tiến.

Israel vừa tuyên bố lên án Liên hợp quốc vì bịa đặt chống lại Israel sau khi một ủy ban của Liên hợp quốc cho rằng cuộc chiến của Israel ở Gaza phù hợp với đặc điểm của tội diệt chủng.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Thông tin trên được đưa ra vào Chủ Nhật (ngày 17 tháng 11). Đây sẽ là thay đổi đáng kể đối với chính sách của Washington trong cuộc xung đột Ukraine-Nga.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 17/11 cho biết, quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tấn công lớn vào nhiều khu vực của Ukraine, các mục tiêu thuộc tổ hợp công nghiệp quân sự và các cơ sở năng lượng quan trọng của nước này. Một nửa công suất sản xuất điện của Ukraine đã bị phá hủy.

Một vụ tấn công bằng dao đã xảy ra tại một trường dạy nghề ở thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và 17 người khác bị thương.