Cuộc đua gay cấn tranh chức Thủ tướng Nhật Bản
Số lượng ứng cử viên đông kỷ lục
Ủy ban bầu cử LDP đã tuyên bố danh sách 9 ứng cử viên cho chức Chủ tịch đảng, bao gồm: Chánh văn phòng Nội các Hayashi Yoshimasa, Tổng thư ký LDP Motegi Toshimitsu, Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono, cựu Bộ trưởng Môi trường Koizumi Shinjiro, Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, cựu Bộ trưởng An ninh kinh tế Kobayashi Takayuki, cựu Chánh Văn phòng Nội các Katsunobu Kato và Ngoại trưởng Yoko Kamikawa.
Cuộc bầu cử Chủ tịch LDP lần này đã ghi nhận số lượng ứng cử viên đông kỷ lục kể từ năm 1972, vượt xa con số 5 ứng cử viên tại các cuộc bầu cử Chủ tịch LDP hồi năm 2008 và năm 2012.
Truyền thông Nhật Bản bình luận rằng cuộc bầu cử Chủ tịch đảng LDP sắp tới của Đảng Dân chủ Tự do LDP sẽ là một “cuộc đua lớn”, thể hiện quyền lực bị chia rẽ tại Nhật Bản. Với số lượng 9 ứng viên tranh cử chức Chủ tịch, cuộc bầu cử này là cuộc đua giữa các phe phái và tạo ra một tình thế phức tạp, thậm chí là “lộn xộn” chưa từng có.
Bắt đầu từ ngày 13/09, các ứng cử viên sẽ khởi động cuộc vận động tranh cử để thu hút sự ủng hộ của cử tri cho đến trước ngày bỏ phiếu 27/09 tới.
Truyền thông Nhật Bản cho rằng cuộc bầu cử này là cuộc bầu cử Chủ tịch đầu tiên do LDP tổ chức sau khi bê bối tiên quỹ chính trị của đảng này. Thời gian chiến dịch tranh cử kéo dài 15 ngày cũng là thời gian dài nhất trong lịch sử và nhằm mục đích khôi phục sự ủng hộ của công chúng dành cho LDP.
Dư luận chung cho rằng, trong cuộc tranh cử lần này, các ứng cử viên sẽ tập trung chủ yếu vào các vấn đề đang được quan tâm, như cách thức cải tổ đảng để khôi phục niềm tin của người dân sau vụ bê bối “quỹ đen”, các giải pháp an sinh xã hội, đối phó với tình trạng giá cả leo thang, tỷ lệ sinh giảm, già hóa dân số… mà Nhật Bản đang phải đối mặt hiện nay.
Sanae Takaichi, Bộ trưởng An ninh kinh tế, cho biết trong một bài phát biểu: "Điều đầu tiên chúng ta phải làm là tái sinh thành một LDP mà người dân có thể tin tưởng vững chắc." Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba nói: “Nếu trở thành Chủ tịch LDP, tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện nhiệm vụ của mình cho đến khi người dân hài lòng. Để xây dựng một đảng LDP tin tưởng vào người dân, một LDP được người dân tin tưởng và một LDP tạo ra tương lai."
Các ứng cử viên sẽ cạnh tranh tổng cộng 734 phiếu bầu của Nghị sĩ LDP tại Quốc (367 phiếu) và thành viên LDP (367 phiếu). Theo quy định bỏ phiếu bầu cử, trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, nếu một ứng cử viên giành được đa số (quá bán) trên tổng số phiếu bầu hợp lệ sẽ trúng cử Chủ tịch LDP. Nếu không ai giành được đa số phiếu bầu, hai ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất sẽ tiến vào vòng bỏ phiếu thứ hai.
Đa số ý kiến đều cho rằng do số lượng ứng cử viên đông nên số phiếu bầu sẽ bị phân tán, khó ai có thể giành được quá một nửa số phiếu ở vòng bỏ phiếu đầu tiên. Vì vậy, có nhiều khả năng sẽ có vòng bỏ phiếu thứ hai để quyết định.
Vì Đảng Dân chủ Tự do của Nhật Bản hiện nắm đa số ghế trong Quốc hội nên điều này cũng có nghĩa là ai thắng cử chức Chủ tịch đảng thì gần như chắc chắn sẽ kế nhiệm Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida để trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản.
Trước đó, hồi tháng 8, Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 9 sau 3 năm tại nhiệm, sau khi xảy ra các vụ bê bối liên quan đến quỹ chính trị của đảng cầm quyền LDP và chi phí sinh hoạt tăng cao. Ông Kishida khi đó cho biết ông sẽ không tham gia tranh cử nghiệm kỳ Thủ tướng tiếp theo.
Ba ứng cử viên sáng giá nhất
Kết quả cuộc thăm dò do Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (NHK) công bố mới đây cho thấy, có 3 nhân vật nhận được sự ủng hộ nhiều nhất cho vị trí Chủ tịch LDP là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, cựu Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi và Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi.
Nhiều cuộc thăm dò của Nhật Bản cũng cho thấy ba nhân vật trên được coi là những ứng cử viên được ủng hộ cho vị trí Thủ tướng mới của nước này.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba, 67 tuổi, từng giữ chức Tổng Thư ký Đảng LDP và Chủ tịch Cơ quan Điều tra Chính sách. Ông còn được gọi là "chuyên gia chính sách". Đây là lần thứ năm ông Shigeru Ishiba ra tranh cử chức chủ tịch LDP và ông gọi đây là trận chiến cuối cùng trong sự nghiệp chính trị của mình. Ông Shigeru Ishiba làm việc trong một ngân hàng trong những năm đầu ra nhập chính trường. Trong 38 năm làm chính trị, ông đã tham gia vào nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, an ninh và phục hồi địa phương.
Mặc dù ông Ishiba nhận được tỉ lệ ủng hộ cao trong các cuộc thăm dò, 28%, theo kết quả thăm dò của NHK, nhưng nhiều ý kiến cho rằng ông nhận được ít sự ủng hộ trong đảng và ông có thể gặp khó khăn trong việc tăng phiếu bầu trong Quốc hội.
Cựu Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, 43 tuổi, được coi là "ngôi sao mới nổi" trên chính trường Nhật Bản. Ông Koizumi xuất thân từ một gia đình chính trị và cha ông, Junichiro Koizumi, là cựu Thủ tướng Nhật Bản. Giống như cha mình, ông Shinjiro Koizumi thúc đẩy "cải cách" và cho biết ông sẽ thay đổi bộ mặt chính trị Nhật Bản và giải quyết một loạt vấn đề tồn tại lâu dài. Truyền thông Nhật Bản chỉ ra rằng ông Shinjiro Koizumi được giới trẻ và phụ nữ yêu thích, và những người ủng hộ LDP coi ông là ứng cử viên sáng giá nhất.
Một số phương tiện truyền thông Nhật Bản chỉ ra rằng khả năng ông Shinjiro Koizumi trở thành “đối thủ mạnh” trong cuộc bầu cử lần này chủ yếu là do ảnh hưởng của cha ông, cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide mới đây đã có bài phát biểu ủng hộ ứng viên Shinjiro Koizumi. Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản nhận định, do ông Shinjiro Koizumi thiếu kinh nghiệm nắm giữ các chức vụ quan trọng và có sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Yoshihide Suga, có ý kiến lo ngại chính phủ mới có thể rơi vào tình trạng “nhiếp chính” nếu ông Shinjiro Koizume đắc cử Thủ tướng.
Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi, 63 tuổi, là ứng cử viên chính thức thứ bảy và là ứng cử viên nữ đầu tiên trong cuộc tranh cử lần này. Bà phấn đấu trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.
Đây là lần thứ hai bà Takaichi tranh cử chức chủ tịch LDP. Trong cuộc đua năm 2021, bà Sanae Takaichi đã thua Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida và để mất cơ hội làm lãnh đạo đảng.
Là người được cố Thủ tướng Shinzo Abe bảo trợ, bà Takaichi được trọng dụng trong chính quyền ông Abe. Bà ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.
Trong cuộc đua lần này, các nhóm ủng hộ của bà đồng thời cũng ủng hộ cựu Bộ trưởng An ninh kinh tế Kobayashi Takayuki. Nhóm ủng hộ này coi trọng các chính sách bảo thủ. Làm thế nào để mở rộng sự ủng hộ đã trở thành một vấn đề gai góc mà bà Takaichi phải đối mặt.
Mặc dù cả ba ứng cử viên trên đều tương đối được yêu thích trong các cuộc thăm dò nhưng tỷ lệ ủng hộ dành cho họ thực tế chỉ dưới 30%. Không ai trong số 3 ứng viên này có lợi thế chiến thắng tuyệt đối. Vì vậy chưa thể biết trước liệu cuộc bầu cử này sẽ giúp Nhật Bản có Thủ tướng trẻ nhất hay sẽ có vị nữ Thủ tướng đầu tiên .
Tương lai đầy thách thức của tân Chủ tịch LDP
Một số nhà phân tích dự đoán rằng lãnh đạo đảng mới về cơ bản có thể tiếp tục đường lối kể từ thời cố Thủ tướng Abe và Thủ tướng đương nhiệm Kishida trong các vấn đề đối nội và đối ngoại.
Theo phóng viên chính trị Nogami Tadayoshi của tờ "Tokyo Shimbun", các nghị sĩ Nhật Bản chưa nỗ lực khôi phục lòng tin của người dân. Cho dù ai trở thành chủ tịch LDP cũng sẽ chỉ "đẩy nhanh khoảng cách" giữa người dân với Đảng này.
Nozomi Yamazaki, giáo sư lý thuyết chính trị tại Đại học Chuo ở Nhật Bản bày tỏ hoài nghi về thể chế của Đảng Dân chủ Tự do LDP. Ông cho rằng: “Trong quá trình phấn đấu trở thành chủ tịch LDP, các ứng cử viên phải dựa vào LDP. Chủ trương của họ sẽ bị hạn chế và cuối cùng sẽ bị LDP hóa. Bất kể ai trở thành Chủ tịch đảng đều sẽ khó tiến hành đổi mới.”
Tờ Asahi Shimbun cho rằng mặc dù việc có nhiều ứng cử viên tham gia tranh cử cho thấy Đảng LDP đang tìm kiếm sự đổi mới và thay đổi. Nhưng mấu chốt của vấn đề dường như nằm ở chỗ liệu LDP có thể vạch ra ranh giới rõ ràng từ vụ bê bối “quỹ đen” và cải thiện hiệu quả các vấn đề mang tính thể chế hay không.
Nhiều nhà phân tích cho rằng người chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử này sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức chính trị và kinh tế phức tạp. Một cuộc khảo sát của Reuters công bố ngày 12/9 cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng nhiệm vụ kinh tế quan trọng nhất của tân thủ tướng là giải quyết tình trạng giá cả tăng cao, sau đó là cải cách tài chính.
Trong bối cảnh người dân mất niềm tin vào Đảng chính trị, các vấn đề kinh tế khó giải quyết, tình hình hiện tại phức tạp và luôn thay đổi..., dù cho ứng cử viên nào giành được ghế Chủ tịch LDP và có thể trở thành Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản, thì tương lai chính trị tiếp theo của người đó cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ngày 21/11, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã lên án quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc tội ác chiến tranh ở Gaza, cho rằng đây là quyết định "chống Do Thái".
Lực lượng không quân Ukraine vừa xác nhận Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này, nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine.
Cựu hạ nghị sĩ bang Florida Matt Gaetz hôm 21/11 thông báo rút khỏi đề cử bộ trưởng Tư pháp do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đưa ra.
Chính quyền Nhà nước Palestine đã từ chối mọi kế hoạch của Israel về việc thiết lập vùng đệm ở phía Bắc Dải Gaza để phân phối viện trợ.
Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani vừa bị truy tố tại New York, Mỹ với cáo buộc âm mưu hối lộ và gian lận trị giá hàng tỷ USD. Đáng chú ý, tỷ phú Gautam Adani hiện là người giàu thứ 2 tại Ấn Độ và giàu thứ 22 tại châu Á, với tổng tài sản gần 70 tỷ USD.
Tờ Moskovsky Komsomolets của Nga dẫn thông tin từ ấn phẩm “Chính trị đất nước” đưa tin sáng 21/11, Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan, miền Nam nước này nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine.
0