Cuộc đua vào Nhà Trắng dần thay đổi cục diện

Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, những lợi thế mà cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa có được trước Tổng thống Biden hầu như đã thay đổi trong cuộc đua mới với bà Harris, sau khi bà Harris nhận được một loạt sự ủng hộ của các đảng viên đảng Dân chủ và nhận được số tiền ủng hộ cao kỷ lục.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tưởng như đã định hình là cuộc tái đấu giữa hai đối thủ Joe Biden và Donald Trump. Tuy nhiên, quyết định rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng của Tổng thống Joe Biden và sự thay thế của Phó Tổng thống Kamala Harris với tư cách là đại diện tiềm năng của đảng Dân chủ đã tạo ra sự xoay chuyển bất ngờ.

Kết quả khảo sát mới cho thấy, những lợi thế mà cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa có được trước Tổng thống Biden hầu như đã thay đổi trong cuộc đua mới với bà Harris, sau khi bà Harris nhận được một loạt sự ủng hộ của các đảng viên đảng Dân chủ và nhận được số tiền ủng hộ cao kỷ lục.

Lợi thế của Bà Kamala Harris

Bà Kamala Harris, 59 tuổi, cựu công tố viên, tổng chưởng lý tiểu bang, thượng nghị sĩ California, lần đầu tiên xuất hiện với tư cách là ứng cử viên mới đại diện đảng Dân chủ, chỉ chưa đầy 24 giờ sau tuyên bố gây sốc của Tổng thống Joe Biden hôm 21/7 về việc rút lui khỏi cuộc bầu cử và chuyển giao cho phó Tổng thống Harris. Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 25/7, Tổng thống Biden đã lên tiếng ủng hộ bà Kamala Harris.

Bà Kamala Harris, 59 tuổi, cựu công tố viên, tổng chưởng lý tiểu bang, thượng nghị sĩ California, lần đầu tiên xuất hiện với tư cách là ứng cử viên mới đại diện đảng Dân chủ.

“Chỉ trong vài tháng nữa, người dân nước Mỹ sẽ lựa chọn hướng đi cho tương lai của đất nước. Tôi đã đưa ra lựa chọn của mình. Tôi đã bày tỏ quan điểm của mình. Tôi muốn cảm ơn Phó Tổng thống tuyệt vời của chúng ta, Kamala Harris. Bà ấy giàu kinh nghiệm, bà ấy cứng rắn. Bà ấy có năng lực. Bà ấy là một đối tác tuyệt vời của tôi và là một nhà lãnh đạo cho đất nước chúng ta”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tính đến nay, phó Tổng thống Kamala Harris đã nhận được sự ủng hộ của khá nhiều thành viên của đảng Dân Chủ, trong đó có cả những nhân vật chủ chốt như cựu Chủ tịch Hạ viện bà Nancy Pelosy, bà Hillary Clinton. Tất cả 23 thống đốc tiểu bang thuộc đảng Dân chủ và các quan chức, từ các thành viên Quốc hội cấp thấp nhất cho đến lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện và Chuck Schumer, cũng đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho bà Harris.

Hôm 26/7, bà Harris cũng nhận được cuộc gọi của vợ chồng cựu tổng thống Barack Obama thể hiện sự ủng hộ dành cho bà.

Những sự ủng hộ này thực sự có ý nghĩa sống còn đối với chiến dịch tranh cử của bà Harris. Việc nhận được sự ủng hộ quan trọng này không chỉ mang về cho bà Harris những lá phiếu đại biểu cần thiết để được đề cử đại diện Đảng Dân chủ vào Đại hội sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới, mà còn nhanh chóng củng cố thống nhất nội bộ trong đảng Dân chủ sau những rạn nứt không tránh khỏi từ sau kết quả tranh luận của ông Biden khi còn là ứng cử viên Tổng thống.

Ông Chuck Schumer, Lãnh đạo đa số tại Thượng viện cho biết: "Kể từ sau thông báo của Tổng thống Biden, chúng ta đã thấy Đảng Dân chủ nhanh chóng đoàn kết lại. Khi tôi nói chuyện với bà Harris, bà nói rằng bà muốn có cơ hội giành được đề cử của riêng mình".

Ông Chuck Schumer, Lãnh đạo đa số tại Thượng viện.

Quan trọng hơn, với sự ủng hộ của các nhân vật chủ chốt trong Đảng, bà Harris còn nhận được được nguồn tài chính ủng hộ từ các tập đoàn, các ủy ban hành động chính trị, cử tri nòng cốt trong Đảng. Quỹ chiến dịch tranh cử của bà đã thu được số tiền cao kỷ lục mọi thời đại là 81 triệu USD chỉ trong 24 giờ. Quỹ này đã huy động được 126 triệu USD chỉ trong 3 ngày và hơn 200 triệu USD trong vòng chưa đầy một tuần kể từ khi ông Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua tổng thống ngày 21/7. Kết quả trên có thể xem là thành tích đáng mừng cho Đảng Dân chủ khi cựu Tổng thống Trump đại diện Đảng Cộng hòa gần như chiếm ưu thế hoàn toàn về vấn đề tài chính tính đến tháng 6-2024.

Ngay sau khi tiếp nối cuộc đua dang dở của Tổng thống Biden, bà Kamala Harris đã lập tức bắt tay vào xây dựng lại một liên minh Dân chủ truyền thống hơn. Đó là thu hút lại sự ủng hộ đã bị xói mòn đáng kể trong số những nhóm cử tri trẻ tuổi, da màu, Mỹ La tinh đã ủng hộ đảng Dân chủ trong lần bầu cử trước.

"Đây là một chiến dịch do nhân dân thúc đẩy, chúng ta sẽ có một nhiệm kỳ tổng thống lấy nhân dân làm trọng tâm. Chúng ta phải đối mặt với hai tầm nhìn khác nhau cho quốc gia của chúng ta. Một là tập trung vào tương lai, còn một là tập trung vào quá khứ. Chúng tôi tin vào một tương lai mà mọi người đều có cơ hội không chỉ để tồn tại mà còn để tiến lên".

Bà Kamala Harris, Phó Tổng thống Mỹ.

Nhóm chiến dịch tranh cử của bà Harris đã phát hành video chiến dịch đầu tiên trên tài khoản mạng xã hội mới mở của bà để tận dụng sự ủng hộ đông đảo của nhóm cử tri trẻ tuổi dành cho bà, sau khi có những tài khoản đăng tải bài hát hay sử dụng meme có liên quan đến bà trên các nền tảng mạng xã hội được nhiều người trẻ sử dụng.

Trong tuần qua, bà Kamala Harris đã có cuộc gặp với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trong đó, bà nhắc lại "sự ủng hộ tuyệt đối" và "cam kết không lay chuyển" của Mỹ đối với Israel, tuy nhiên, bà đã truyền đạt một cách mạnh mẽ về mong muốn chấm dứt chiến tranh và tuyên bố "không im lặng" về nỗi thống khổ của người dân ở Dải Gaza. Điều này có thể đem lại thêm sự ủng hộ dành cho bà từ một bộ phận người Mỹ trước đây phản đối chính sách tài trợ cho Israel của tổng thống Biden.

Việc bà Kamala Harris được Tổng thống Joe Biden giới thiệu tham gia tranh cử là một bước ngoặt không nhỏ cho đảng Dân chủ mà cả đối với ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump

Việc phó Tổng thống Kamala Harris được Tổng thống Joe Biden giới thiệu tham gia tranh cử là một bước ngoặt không chỉ cho đảng Dân chủ mà cả đối với ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump. Chiến lược tranh cử của ông Trump giờ đây sẽ phải thay đổi khi đối thủ của ông không còn là Tổng thống Biden nữa mà là phó tổng thống Kamala Harris. Những lợi thế mà ông Trump đã giành được trong cuộc tranh luận với Tổng thống Biden và những lời chỉ chích về sức khỏe của ông Biden đã không còn tác dụng khi ông Trump chuyển sang chạy đua với bà Harris trẻ tuổi và năng động hơn.

Cựu Tổng thống Trump thay đổi chiến lược tranh cử

Tuần qua, cựu tổng thống Trump đang phải đối mặt với một đối thủ mới trẻ hơn và năng động hơn là phó Tổng thống Kamala Harris. Lo ngại bà Harris giành được đa số sự ủng hộ hoặc thậm chí vượt qua ứng viên Đảng Cộng hòa, đội ngũ tranh cử của cựu tổng thống Trump đã chuyển sang chiến lược tranh cử mới, công kích cá nhân bà Kamala Harris, gọi bà là “phó tổng thống không được ưa chuộng và cực tả nhất trong lịch sử Mỹ”, đồng thời đưa ra những lời chỉ trích đối thủ mới về những chính sách mà ông Biden và bà Harris đã triển khai và gặp khó khăn, từ vấn đề biên giới, làn sóng nhập cư bất hợp pháp, đến vấn đề lạm phát, phá thai và tội phạm.

Cựu tổng thống Trump đang phải đối mặt với một đối thủ mới trẻ hơn và năng động hơn là phó Tổng thống Kamala Harris.

"Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, bà Kamala Harris và ông Biden đã đình chỉ việc trục xuất. Họ đã dừng việc xây dựng bức tường biên giới và họ đã tái áp dụng chính sách bắt và thả. Cuộc khủng hoảng biên giới là cuộc khủng hoảng do bà Kamala Harris gây ra".

Ông JD Vance, Ứng cử viên Phó Tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Ông JD Vance, Ứng cử viên Phó Tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Các chuyên gia cảnh báo rằng sẽ có một cuộc tấn công toàn diện về sự kỳ thị phụ nữ và phân biệt chủng tộc đối với bà Harris khi cuộc bầu cử đang đến gần.

Về việc gây quỹ, trong tuần qua chiến dịch tranh cử của ông Trump đã kêu gọi những người ủng hộ quyên góp tiền để quỹ tranh cử của ông theo kịp với lượng tiền mặt đột ngột đổ về quỹ tranh cử của bà Harris.

Một số cuộc thăm dò mới cho thấy cuộc đua giữa ông Trump và bà Harris đang trở nên sít sao hơn, khi khoảng cách giữa hai đối thủ đang dần thu hẹp. Các nhà quan sát và một số người ủng hộ ông Trump nhận định rằng ông Trump sẽ có một cuộc đua khó khăn hơn với đảng Dân chủ. Đội ngũ tranh cử của ông Trump đã hé lộ thông tin rằng ông có thể sẽ rút lui khỏi cuộc tranh luận tổng thống vào ngày 10 tháng 9 với bà Harris.

Thế cục mới của cuộc bầu cử

Với việc phó Tổng thống Harris thay thế ông Biden ra tranh cử, cuộc bầu cử Mỹ đã bước vào giai đoạn nước rút. Hai đảng đã có những ngày bận rộn trong tuần qua khi liên tục có các cuộc vận động tranh cử tại các bang chiến địa. Các bài phát biểu của hai đối thủ chủ yếu tập trung vào những vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang dần bước vào giai đoạn nước rút.

Vấn đề ưu tiên hàng đầu của nhiều người dân Mỹ hiện nay là kinh tế. Về tổng thể, nền kinh tế Mỹ hiện nay đã có sự phục hồi và tăng trưởng tích cực. Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump từ trước đến nay vốn chủ trương giảm thuế thu nhập của giới siêu giàu và của cả doanh nghiệp. Ông Trump kỳ vọng sẽ thúc đẩy chi tiêu và thu hút đầu tư nhưng lại chủ trương tăng thuế lên hầu hết hàng hóa nhập khẩu, trong đó đặc biệt là hàng từ Trung Quốc, mong muốn giảm thâm hụt thương mại, tạo thêm nhiều việc làm tại Mỹ.

Về tổng thể, nền kinh tế Mỹ hiện nay đã có sự phục hồi và tăng trưởng tích cực.

Trong khi đó, chính sách mà bà Harris theo đuổi hiện tại là kế thừa chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden, đó là tạo cơ hội kinh tế cho mọi thành phần trong xã hội, tăng thuế thu nhập lên giới siêu giàu. Chủ trương không tăng thêm thuế nhập khẩu vì e ngại làm giá cả hàng hóa tăng, lạm phát tăng trở lại, người dân thêm gánh nặng chi tiêu.

Nếu các số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục ổn định trong hơn 3 tháng nữa cho đến ngày bầu cử 5/11, lợi thế sẽ nghiêng về chính quyền của đảng Dân chủ, trong đó bà Harris đang có đóng góp ít nhiều với tư cách là phó Tổng thống. Còn nếu tình hình xấu đi, lợi thế có thể nghiêng về ông Trump vì ông được kỳ vọng có thể giải quyết các vấn đề kinh tế bất ổn không theo cách của một lãnh đạo chính trị truyền thống.

Bên cạnh kinh tế, nhập cư bất hợp pháp cũng là một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý của ngày càng nhiều cử tri, với khoảng 28% số người được hỏi khẳng định nhập cư là vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay, tăng đáng kể so mức 9% vào tháng 8/2023. Chính sách về người nhập cư vẫn luôn là vấn đề gây bất đồng giữa hai đối thủ của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Quan điểm của ông Trump là sẽ đóng cửa biên giới, hạn chế mạnh mẽ người nhập cư. Còn bà Harris vẫn duy trì đường lối của Tổng thống Biden về chính sách nhập cư cởi mở hơn và nhân đạo hơn.

Về vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, khác với các kỳ bầu cử trước đây, hiện ngày càng nhiều cử tri cho rằng an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại cần được coi là một trong những ưu tiên của nước Mỹ trong bối cảnh Mỹ vẫn đang xoay xở với nhiều điểm nóng toàn cầu, từ xung đột lan rộng ở Trung Đông đến cuộc chiến tại Ukraine. Ông Donald Trump nhiều lần khẳng định trong các cuộc gặp với cử tri rằng xung đột Ukraine hay cuộc chiến ở dải Gaza sẽ chấm dứt nếu ông đắc cử tổng thống nhiệm kỳ tới. Còn bà Kamala Harris phần lớn vẫn kế thừa các chính sách mà ông Biden đang thực hiện về vấn đề này, vốn gây ra sự bất bình của nhiều người dân Mỹ.

Ông Donald Trump nhiều lần khẳng định trong các cuộc gặp với cử tri rằng xung đột Ukraine hay cuộc chiến ở dải Gaza sẽ chấm dứt nếu ông tái đắc cử.

Hàng loạt vấn đề khác cũng thu hút sự quan tâm của cử tri Mỹ, trong đó có chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe, tội phạm, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, giáo dục, kiểm soát súng đạn… Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, ưu tiên của người dân Mỹ cũng có sự phân hóa theo yếu tố đảng phái. Cử tri đảng Cộng hòa quan tâm nhiều hơn đến nhập cư, chống khủng bố. Trong khi cử tri đảng Dân chủ chú trọng chăm sóc y tế, giáo dục, môi trường.

Sự thay đổi trong lòng cử tri và sự ủng hộ tăng cao trong đảng Dân chủ có thể mang lại lợi thế cho bà Harris. Dẫu vậy, sự ủng hộ trong số các cử tri trẻ và cử tri da mầu đối với bà Harris vẫn còn kém so với ông Biden ở cuộc bầu cử năm 2020.

Trong khi đó, nhiều cuộc thăm dò cho thấy, ông Trump đã đạt được tỷ lệ ủng hộ ở mức cao nhất hoặc gần mức cao nhất từng được ghi nhận. Ông Trump được coi là có khả năng hơn bà Harris trong việc xử lý các vấn đề nhập cư, kinh tế, quan hệ đối ngoại và tội phạm.

Trong một cuộc khảo sát mới đây của tờ New York Times, bà Kamala Harris giành được 46% sự ủng hộ, trong khi ông Donald Trump giành được 47%, khoảng cách chênh lệch chỉ là 1% nghiêng về ông Trump, trong khi tỷ lệ này của Nhật báo Phố Wall là 2% và CNN là 3%.

Dù cựu Tổng thống Trump vẫn duy trì lợi thế hơn so với bà Harris, nhưng có thể thấy khoảng cách giữa hai Đảng đã rút ngắn hơn so với cuộc khảo sát trước đây khi ông Trump dẫn trước ông Biden tới 6% sau cuộc tranh luận cuối tháng 6 trên truyền hình.

Bên cạnh cuộc khảo sát của Wall Street Journal, cuộc thăm dò của Đài Fox News tại các "bang chiến trường" cho thấy ông Trump và bà Harris cạnh tranh nhau sít sao. Riêng tại bang Minnesota, bà Harris dẫn trước ông Trump tới 6 điểm.

Các cuộc thăm dò cho thấy thế ngang tài ngang sức của hai đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đồng thời cũng cho thấy người dân Mỹ đang đắn đo trước lựa chọn sẽ bầu ai là người dẫn dắt nước Mỹ trong nhiệm kỳ tới. Liệu đó sẽ là sự quay trở lại của ông Donald Trump với chính sách ưu tiên nước Mỹ là trên hết hay sẽ là chiến thắng của nữ Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.  Lịch sử chính trường Mỹ đã nhiều lần cho thấy các cuộc bầu cử Tổng thống luôn chứa đựng nhiều yếu tố kịch tính, bất ngờ và khó đoán định. Chúng ta chỉ có thể biết được câu trả lời sau ngày bầu cử 5/11 tới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Gần 200 người đã thiệt mạng trong trận lũ quét ở vùng Valencia, miền Đông Tây Ban Nha. Trận lũ lụt chết người nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ là một lời nhắc nhở đau thương rằng châu Âu chưa chuẩn bị đối phó với hậu quả của bầu khí quyển quá nóng.

Cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia đã kết thúc với chiến thắng thuyết phục thuộc về đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền. Phe đối lập dựa vào sự ủng hộ của bên ngoài, không công nhận kết quả bầu cử và cố gắng tìm cách lật ngược kết quả thông qua các cuộc biểu tình và khiêu khích sử dụng vũ lực. Những diễn biến này giống với những cuộc cách mạng màu của những năm trước.

Ngày 31/10, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là vụ phóng thử ICBM đầu tiên sau gần một năm, cho thấy khả năng tấn công hạt nhân tầm xa tiềm tàng của nước này.

Từ một tỉ phú, ngôi sao truyền hình, ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông trở thành vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi. Dù sẽ còn mất nhiều năm lẫn nhiều giấy mực để các nhà sử học và báo chí nhận định về nhiệm kỳ của ông, nhưng những dấu ấn mà ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu.

Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng mạnh tại khu vực Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo hậu quả kinh tế của kịch bản xung đột lan rộng là rất nghiêm trọng.

Trong chặng đua nước rút vào Nhà Trắng, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump tích cực tiến hành các cuộc vận động ở các bang quan trọng, hay còn gọi là bang chiến địa. Đặc biệt, một nhóm đối tượng cử tri mà cả hai ứng cử viên đều muốn hướng tới là cử tri da màu.