Cuộc xung đột Nga - Ukraine khi nào kết thúc?
Mục tiêu của Nga và Ukraine
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 1.000 ngày, gây tổn thất nặng nề cả về người và của cho cả hai bên tham chiến. Đến nay, các mục tiêu của Nga vẫn không thay đổi kể từ ngày ngày 24 tháng 2 năm 2022. Các điều kiện của Moscow bao gồm Ukraine phải rút khỏi các khu vực do Nga tuyên bố chủ quyền, từ bỏ ý định gia nhập NATO, trở thành một quốc gia trung lập, đảm bảo quyền cho người nói tiếng Nga, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa. Ngoài ra, phương Tây phải dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt và chịu gánh nặng tài chính để khôi phục Ukraine.
“Đối với chúng tôi, hoàn toàn không có lựa chọn nào khác ngoài việc đạt được các mục tiêu của mình. Ngay khi các mục tiêu này đạt được theo cách này hay cách khác, hoạt động quân sự đặc biệt sẽ hoàn tất”.
Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin
Trong khi đó, Ukraine vẫn còn một chặng đường rất xa mới có thể khôi phục lại biên giới được quốc tế công nhận của mình. Mục tiêu lớn nhất của Kiev trong cuộc xung đột là khôi phục lại biên giới của đất nước từ trước năm 2014, nghĩa là giành lại quyền kiểm soát các thành phố phía đông như Donetsk và Luhansk cũng như bán đảo Crimea. Kiev cũng muốn có sự đảm bảo an ninh dưới hình thức tư cách thành viên NATO hoặc sự đảm bảo chắc chắn từ các đồng minh để đảm bảo rằng Nga không tấn công nữa.
“Nếu xung đột bị đóng băng mà không có lập trường vững chắc nào cho Ukraine, thì sau 2, 3 hay 5 năm nữa… Nga sẽ quay lại”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
Ông Zelensky đã vạch ra kế hoạch chiến thắng gồm 5 điểm vào tháng 10 năm ngoái, gồm lời mời gia nhập NATO, nhiều vũ khí hơn mà không hạn chế sử dụng, khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga trong tương lai, phát triển các nguồn lực kinh tế của Ukraine với các đồng minh và củng cố an ninh của châu Âu sau chiến tranh.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng có một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm bao gồm các vấn đề như hạt nhân an toàn, an ninh lương thực và năng lượng, thả tất cả tù nhân, khôi phục biên giới, rút quân Nga, trừng phạt tội ác chiến tranh, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh và một hiệp ước đã ký kết chấm dứt xung đột.
Ông Zelensky đã đi khắp thế giới với các kế hoạch của mình và nhận được những lời động viên từ nhiều quan chức châu Âu, Mỹ và các đồng minh khác. Tuy nhiên, đến nay NATO vẫn chưa đưa ra lời mời Kiev gia nhập liên minh.
Trên chiến trường, Kiev đang dần mất đi thế trận trước các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga, mạng lưới năng lượng của nước này tan hoang, nhiều thành phố phía đông đang bị tàn phá và hàng triệu người phải tị nạn.
Trả lời hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản hôm 1/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận quân đội nước này không đủ sức mạnh để đạt được mục tiêu và cần phải tìm ra giải pháp ngoại giao.
Ba kế hoạch của ông Donald Trump
Cuộc chiến kéo dài gần 3 năm ở Ukraine sẽ trở thành phép thử cho Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và nghệ thuật đàm phán mà ông thường tự hào. Tuy nhiên, với việc cả Nga và Ukraine chưa thể thống nhất điều kiện tiên quyết để thương lượng, thách thức đặt lên ông Trump được xem là không nhỏ. Phân tích của hãng tin Reuters về các tuyên bố và cuộc phỏng vấn được thực hiện với một số nhân vật thân cận với Tổng thống đắc cử Mỹ cho thấy, các cố vấn của ông Trump, cả công khai và riêng tư, đã đưa ra các đề xuất về việc chấm dứt xung đột Nga – Ukraine bằng cách đổi đất lấy hòa bình. Theo đó, Kiev sẽ phải nhượng lại những vùng lãnh thổ rộng lớn cho Nga trong tương lai gần và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
Một cựu quan chức an ninh quốc gia tham gia vào quá trình chuyển giao cho biết có ba đề xuất chính được chắp bút bởi ba cố vấn chủ chốt của ông Trump, bao gồm đặc phái viên sắp tới về Nga – Ukraine Keith Kellogg, Phó Tổng thống đắc cử JD Vance và cựu giám đốc tình báo tạm quyền của ông Trump Richard Grenell. Dù có một số khác biệt, nhưng cả ba kế hoạch này đều có một điểm chung, đó là loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO.
Kế hoạch của ông Kellogg đã được trình lên ông Donald Trump vào đầu năm nay, trong đó kêu gọi đóng băng các chiến tuyến hiện tại. Mỹ sẽ cố gắng thuyết phục cả Moscow và Kiev ngồi vào bàn đàm phán bằng cách sử dụng chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt". Theo đó, Washington sẽ dừng viện trợ cho Ukraine trừ khi quốc gia này đồng ý đàm phán, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho Kiev nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối thỏa thuận. Ukraine cũng sẽ nhận được các đảm bảo an ninh của Mỹ, có thể bao gồm việc tăng nguồn cung cấp vũ khí sau khi đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ bị tạm dừng.
Trong khi đó, Phó Tổng thống đắc cử JD Vance đã đưa ra một ý tưởng riêng vào tháng 9. Ông Vance nói với người dẫn chương trình podcast của Mỹ Shawn Ryan rằng một thỏa thuận tiềm năng sẽ bao gồm việc thiết lập một khu phi quân sự tại các tiền tuyến hiện tại. Khu vực này sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt để ngăn chặn các cuộc xâm nhập tiếp theo của Nga. Đề xuất của ông Vance cũng từ chối trao cho Kiev tư cách thành viên NATO.
Trong khi đó, ông Grenell, cựu Đại sứ Mỹ tại Đức, đã ủng hộ việc thành lập “các khu tự trị” ở miền đông Ukraine trong một cuộc họp bàn tròn của Bloomberg vào tháng 7 nhưng không giải thích thêm. Ông cũng cho rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine không phục vụ lợi ích của Mỹ. Ông Grenell là người vẫn chưa chắc chắn có được một vị trí trong chính quyền mới sắp tới, nhưng vẫn được ông Trump lắng nghe về các vấn đề châu Âu. Theo một cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của ông Trump, ông Grenell là một trong số ít người từng tham dự cuộc họp giữa ông Trump và ông Zelensky tại New York vào tháng 9.
Vẫn còn những trở ngại
Theo giới quan sát, những gợi ý từ các cố vấn của ông Donald Trump có thể hé lộ những nét chính trong kế hoạch hòa bình tiềm năng mà vị tổng thống đắc cử sẽ đề xuất. Tuy nhiên, tính đến tuần trước, ông Trump vẫn chưa triệu tập nhóm công tác để đưa ra một kế hoạch hòa bình thống nhất. Thỏa thuận giữa Nga và Ukraine có thể sẽ phụ thuộc vào sự tham gia trực tiếp của ông Trump, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Zelensky.
Cho đến nay, Kiev vẫn chưa bình luận về bất kỳ kế hoạch nào của nhóm cố vấn của ông Trump. Theo giới quan sát, các đề xuất này có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ Tổng thống Ukraine Zelensky, người đã đưa lời mời gia nhập NATO vào “Kế hoạch Chiến thắng” của mình. Ông Zelensky mới đây khẳng định Kiev cần sự đảm bảo an ninh từ NATO và nhiều vũ khí hơn trước khi bước vào đàm phán với Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh việc gia nhập NATO là vấn đề sống còn với Kiev.
“Chúng tôi cần đưa phần lãnh thổ Ukraine đang kiểm soát vào ô bảo vệ của NATO. Chúng tôi phải hành động nhanh chóng. Và với phần lãnh thổ Ukraine bị Nga kiểm soát, chúng tôi có thể giành lại thông qua con đường ngoại giao”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
Trước đó, ông Zelensky đã lần đầu tiên ám chỉ rằng Ukraine có thể chấp nhận quyền kiểm soát của Nga đối với một số vùng lãnh thổ của mình để đổi lấy tư cách thành viên của nước này trong liên minh quân sự.
Về phần mình, Nga đã công khai tuyên bố rằng họ cởi mở với các ý tưởng của Tổng thống đắc cử Mỹ, song cũng thể hiện sự không hài lòng với các kịch bản đóng băng xung đột theo ê-kíp của ông Trump đề xuất, bởi lẽ, theo quan điểm của Nga, điều này được xem là “đòn nghi binh” nhằm giúp Kiev tái vũ trang và tình trạng thù địch sẽ tiếp tục diễn ra.
“Chúng tôi lo ngại về những gì chúng tôi đang nghe thấy, ngày càng thường xuyên hơn trong thời gian gần đây. Ở phương Tây: tại Brussels, London, Paris, Washington, họ bắt đầu nói về lệnh ngừng bắn như một biện pháp để Ukraine được nghỉ ngơi và tự cho mình cơ hội tấn công một lần nữa bằng vũ khí tầm xa hiện đại. Đây chắc chắn không phải là con đường dẫn đến hòa bình”.
Ông Sergey Lavrov - Bộ trưởng Ngoại giao Nga
Ở góc độ của Nga, nếu không có sự trung lập của Ukraine thì khó có thể đi đến giải pháp bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và Kiev. Chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ sự sẵn sàng đàm phán hòa bình, nhưng chỉ trên cơ sở thỏa thuận đạt được ở Istanbul vào năm 2022 và có tính đến cục diện thực chiến hiện nay. Rõ ràng, vẫn còn có những khác biệt cơ bản trong quan điểm của Nga và ê-kíp của ông Trump trong giải quyết vấn đề Ukraine.
Theo chuyên gia Mikhail Mironyuk, Trường Kinh tế cao cấp Moscow, sự trở lại của Donald Trump không đồng nghĩa với việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, thậm chí còn có thể khiến tình hình thêm phức tạp hơn. Những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên cho thấy sự khó đoán định trong hoạch định đường lối của Tổng thống Donald Trump, do đó, tình hình có thể diễn ra theo một khuôn khổ nguy hiểm hơn theo kiểu tối hậu thư, không chỉ đối với chính quyền Kiev, mà còn đối với Nga.
Mô hình Israel
Ngoài ba kế hoạch chấm dứt xung đột được các cố vấn của ông Trump đề xuất, hồi tháng 5, Trung Quốc và Brazil cũng đã trình bày đề xuất chung về các cuộc đàm phán hòa bình. Trong khi Nga cho rằng những điều khoản do Trung Quốc và Brazil đề xuất chứa đựng tất cả những từ ngữ đúng đắn, thì kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của Ukraine vì không yêu cầu Nga rút quân. Ngoài ra, cũng có những ý tưởng khác về cách thức chấm dứt xung đột. Mặc dù đây có thể không phải là những kế hoạch hòa bình phù hợp, nhưng có thể mang đến những gợi ý về cách thức xây dựng mối quan hệ giữa Ukraine và Nga để chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến này.
Trong bối cảnh các quốc gia như Đức phản đối việc nhanh chóng cấp tư cách thành viên NATO cho Ukraine, các nhà ngoại giao phương Tây và thậm chí cả Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra ý tưởng sao chép mô hình Israel. Israel không chính thức là một phần của liên minh quốc phòng như NATO. Thay vào đó, nước này là đồng minh thân cận của Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu, đồng thời được những nước này cung cấp một lượng lớn vũ khí và cũng hỗ trợ ngoại giao. Israel cũng có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển mạnh mẽ. Điều này có lợi thế là không ràng buộc Ukraine vào một liên minh có thể kéo các quốc gia khác vào một cuộc chiến với Nga, một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, mô hình này cũng có những nhược điểm đáng kể. Ukraine sẽ có nguy cơ trở thành một quốc gia luôn sống trong nguy cơ chiến tranh, mong manh không thể tự đứng vững. Ngoài ra, một Ukraine bất ổn và được trang bị vũ khí hạng nặng có thể rất nguy hiểm. Một nhà ngoại giao EU đã đặt câu hỏi "làm sao chúng ta có thể trang bị vũ khí cho một quốc gia gần biên giới của mình mà không biết ai sẽ là nhà lãnh đạo tương lai của họ và liệu họ có tiếp tục là đối tác của chúng ta hay không?". Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine "có khả năng dẫn đến leo thang không thể kiểm soát".
Mô hình Đức
Các nước Bắc Âu đã gợi ý rằng sự chia rẽ của Đức trong Chiến tranh Lạnh, khi phần phía tây của đất nước này gia nhập NATO trong khi phần phía đông nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô, có thể trở thành hình mẫu cho Ukraine. Tây Ukraine sẽ liên kết với phương Tây và có khả năng gia nhập NATO, trong khi các tỉnh do Nga kiểm soát ở phía đông sẽ vẫn ở bên ngoài. Đây là ý tưởng mà Tổng thống Zelensky hiện đang ủng hộ. Tuy nhiên, Điện Kremlin kiên quyết rằng không một bộ phận nào của Ukraine có thể gia nhập NATO. Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov khẳng định: việc Ukraine gia nhập NATO là “mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với sự tồn tại của Nga”.
Thương vong khủng khiếp, nguy cơ chiến tranh hạt nhân cận kề cùng những xáo động lớn về kinh tế và dòng người di cư… khiến nhân loại mong mỏi vòng xoáy xung đột Nga - Ukraine sẽ sớm chấm dứt. Thế giới vẫn đang mải miết tìm kiếm yếu tố có thể giúp kết thúc sớm cuộc đổ máu này. Giới quan sát nhận định, kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trên thương trường trước khi bước vào chính giới đã mang lại cho ông Trump một góc nhìn khác về cuộc chiến ở Ukraine: góc nhìn của một doanh nhân. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến cách ông và những người cộng sự xử lý vấn đề Ukraine, đồng thời tạo động lực buộc hai bên tham chiến gấp rút tìm cách phản ứng. Tuy nhiên, với tính chất phức tạp của cuộc xung đột, việc tìm ra một giải pháp hoà bình sẽ không phải là chuyện có thể làm trong một sớm một chiều.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sẽ có bài phát biểu quan trọng trước công chúng vào ngày 12/12 nhằm điểm lại những hoạt động quan trọng của Chính phủ do bà lãnh đạo trong 3 tháng qua, đồng thời làm rõ các định hướng chính sách quan trọng của Thái Lan trong năm 2025.
Theo dịch vụ lập bản đồ DeepState, lực lượng Nga hiện chỉ còn cách ngoại ô thành phố Pokrovsk quan trọng ở miền đông Ukraine 3km sau khi tiến quân nhanh chóng trong ngày 11/12.
Trên những cánh đồng ở Manouba, Tunisia, những người nông dân đang chăm sóc những bông hoa tím chứa một trong những loại gia vị quý giá nhất thế giới - nghệ tây, thường được gọi là “vàng đỏ”. Họ là người tiên phong trong ngành nghệ tây còn non trẻ ở Tunisia.
Ngày 11/12, Bộ trưởng Người tị nạn trong chính quyền Taliban ở Afghanistan, ông Khalil Ur-Rahman Haqqani, đã thiệt mạng trong vụ nổ xảy ra tại trụ sở bộ ở thủ đô Kabul của nước này.
Ngày 11/12, Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh Nga đã hỗ trợ Syria chống khủng bố và ổn định tình hình sau năm 2015. Tuy nhiên, các động thái tiếp theo sau đó phụ thuộc vào chính phủ Syria.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết, các cuộc đàm phán hòa bình về cuộc xung đột tại Ukraine có thể bắt đầu vào mùa đông năm 2024.
0