Cuối năm nay hai huyện Đông Anh và Gia Lâm thành quận | Hà Nội tin mỗi chiều

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội diễn ra ngày 7/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh xác định ít nhất đến cuối năm 2024, huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm được công nhận thành quận; đồng thời phấn đấu năm 2025 huyện Thanh Trì và huyện Hoài Đức sẽ thành quận.

Báo cáo về kết quả thực hiện đề án của 5 huyện trong 6 tháng đầu năm 2024, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm đã hoàn thành các tiêu chí và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện nay, hai huyện đang phối hợp với Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng xem xét, công nhận các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập quận, phường, làm cơ sở hoàn thiện đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố tham dự phiên họp. Ảnh: Mai Hữu/ Báo Chính phủ.

Đối với huyện Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng, về nhóm tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, cả ba huyện đều đạt. Tuy nhiên, tiêu chí thành lập phường cả ba huyện đều chưa đạt. Nhóm tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, cả ba huyện đều chưa đạt 100% tiêu chí thành lập phường, thành lập quận. Chưa kể, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, bốn huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng vẫn còn diện tích đất nằm ngoài khu vực phát triển đô thị.

Đông Anh và Gia Lâm hiện tại là những huyện đầu mối tạo ra liên kết vùng đồng bằng sông Hồng của Hà Nội với các tỉnh lân cận vì có mạng lưới giao thông thuận tiện. Hai huyện Gia Lâm, Đông Anh phát triển thành quận sẽ tạo ra thế mạnh mới để thực hiện mô hình thành phố Bắc sông Hồng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: Mai Hữu/ Báo Chính phủ.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, quan điểm của thành phố triển khai xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận nhằm thay đổi một cách thực chất về cơ sở vật chất, đời sống người dân. Đây là cơ hội rất tốt cho Hà Nội nhằm thay đổi về tư duy, về triết lý phát triển đô thị, phát triển Thủ đô.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các Sở, ngành thành phố với vai trò đầu mối cơ quan chuyên môn của các Bộ, cơ quan Trung ương chủ động phối hợp giải quyết những khó khăn, tạo điều kiện cho các huyện hoàn thành các tiêu chí.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kết luận phiên họp. Ảnh: Mai Hữu/ Báo Chính phủ.

TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc Đông Anh và Gia Lâm lên quận là kế thừa và phát huy giá trị của quá trình phát triển vừa qua. Khi lên quận đời sống của người dân sẽ được nâng cao, kinh tế phát triển mạnh mẽ, ngoài ra, các hạ tầng xã hội, kỹ thuật, giao thông, y tế, trường học được nâng cấp, đất đai khai thác có hiệu quả.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân ở Đông Anh là đã có sẵn nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, di tích lịch sử. Khi lên quận sẽ được phát huy hết khả năng, thu hút thêm các nguồn đầu tư. Còn với Gia Lâm, nhiều khu đô thị mới được hình thành và điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Đề án thành lập quận Đông Anh đã được HĐND TP Hà Nội thông qua vào tháng 7/2023.
Ảnh: Mạnh Quân/ Báo Dân trí.

Còn theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, với những điều kiện về con người, kinh tế, tốc độ đô thị hóa, Đông Anh và Gia Lâm đủ điều kiện để lên quận. Để chuyển đổi từ huyện lên quận không chỉ đơn giản là cái tên mà còn là chuyển đổi từ tư duy, lối sống đến cách sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

Đây là những điều mà các nhà hoạch định, lãnh đạo các cấp đã có những tính toán kỹ lưỡng, cụ thể để chuyển đổi kinh tế từ huyện sang quận. Bên cạnh đó khi lên quận về văn hóa, đời sống của người dân sẽ có những thay đổi vì chuyển từ đời sống xóm làng sang đô thị, phố phường. Đây là những điều mà chính quyền cần phải quan tâm, hỗ trợ bởi việc này người dân không thể làm trong một sớm một chiều.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với tinh thần lá lành đùm lá rách, cả nước đang hướng về đồng bào vùng bão lũ các tỉnh miền Bắc, sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia, bằng nhiều phương cách khác nhau. Ấy vậy mà, nhiều người lại đang lợi dụng sự khốn khó của người khác để có những hành vi kiếm chác, trục lợi.

Sau bão số 3, nguy cơ mất an toàn giao thông từ những cây cầu yếu, cầu cũ lại một lần nữa được đặt ra với Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.

Lũ trên hàng loạt các con sông qua địa bàn Thủ đô Hà Nội đang lên nhanh. Lũ trên sông Hồng vượt báo động 2, đe doạ an toàn nhiều tuyến đê và tính mạng, tài sản của người dân.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc đang bị thiệt hại nặng nề. Trận bão lũ lịch sử này khiến nhiều người nghĩ đến hai trận bão, lũ lụt cũng vào năm Giáp Thìn 1904 và 1964 đã gây ra những hậu quả kinh hoàng.

Trong những thời điểm bão số 3 hoành hành, dù lo sợ trước sự tàn phá của thiên tai, thế nhưng trong khó khăn, người Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.

Ngay sau siêu bão Yagi, ngày hôm nay 8/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã ban hành lệnh báo động lũ trên sông Tích.