Cưới xin, tiền đâu mua vàng?
Đắn đo mua vàng cưới
Theo phong tục của người Việt, khi tổ chức đám cưới, cô dâu, chú rể thường được người thân tặng vàng nhẫn hay vàng miếng, vừa là món quà kỷ niệm, vừa là của cải làm vốn cho đôi uyên ương.
Việc giá vàng tăng phi mã trong thời gian qua khiến cho không ít cặp đôi, gia đình sắp có đám cưới phải lo lắng, nhất là những người đã được người thân hoặc bạn bè trước đây cho vay vàng và bây giờ khi họ có việc thì phải trả lại bằng vàng. Đắn đo mua vàng mừng cưới là tâm trạng của nhiều người.
Chỉ còn 3 tuần nữa chị Huỳnh Thị Thanh Tân (phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM) sẽ tổ chức đám cưới. Dù đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng và dự trù các khoản chi phí, nhưng khi chị chưa kịp mua vàng thì giá đã tăng phi mã. Là người gốc miền Tây nên vàng thách cưới là tục lệ rất quan trọng, nay do biến động của thị trường và điều kiện gia đình nhà trai có hạn, hai họ đã phải bàn bạc lại.
Anh Lê Đình Minh Sơn (phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết dù đã có sự chuẩn bị về tài chính cho đám cưới của mình vào tháng 9 tới, nhưng với giá vàng hiện nay thì việc lựa chọn nhẫn cưới phải thay đổi so với dự định ban đầu. Thay vì tới các cửa hàng vàng mua nhẫn, anh thường xuyên truy cập vào các trang thương mại điện tử để săn những deal khuyến mại.
Với hầu hết người già, việc mua vàng tích trữ để tặng con cháu ngày cưới dường như là một điều tất yếu. Các cụ lại công bằng, cháu nào cũng phải giống nhau. Vì thế, việc giá vàng tăng cao làm các cụ ông, cụ bà có nhiều con cháu "đau đầu".
Giá vàng tăng cao, người dân phải đắn đo khi mua vàng cưới cho người thân, khiến cho lượng đơn đặt hàng vàng làm quà cưới tại các tiệm vàng trang sức giảm đi đáng kể.
Giá vàng cao ngất, nhiều người… thuê vàng để cưới
Hiện nay, nhiều nơi ở Việt Nam, tục thách cưới còn khá nặng nề. Trong đám cưới, không hiếm gia đình vẫn coi trọng phần "lễ đen". Rất nhiều gia đình muốn thể hiện giá trị của đàng gái trước khách mời trong ngày trọng đại của con trẻ nên thách cưới cao bằng tiền hoặc vàng. Đó sẽ là gánh nặng nếu gia đình nhà gái thách cưới quá mức và nhà trai không thể đáp ứng. Nhưng vì sĩ diện và tự trọng, sẽ có rất nhiều gia đình đi vay mượn cho đủ phần sính lễ để rồi sau đó lại phải cày cuốc để trả nợ.
Thời gian gần đây, giá vàng tăng cao, ngày càng có nhiều cặp đôi chuẩn bị cưới đã chọn phương án đi thuê trang sức thay vì mua để tiết kiệm chi tiêu, với chi phí thuê chỉ 10 - 20% giá trị thực của sản phẩm.
Theo khảo sát của phóng viên tại một cửa hàng kinh doanh trang sức, mỗi bộ trang sức bao gồm 1 vòng cổ hoặc 1 kiềng, lắc tay, 2 bông tai, 1 nhẫn có giá thuê từ 500.000 đến 8 triệu đồng cho 2 đêm 3 ngày, tùy vào chất liệu và kiểu dáng. Để thuê, khách hàng phải đặt cọc số tiền bằng đúng giá trị của bộ sản phẩm đó.
Giá vàng lập đỉnh, nhiều gia đình làm đám cưới cho con tìm cách hài hòa giữa nghi lễ của đám cưới và kinh tế gia đình. Chị Vũ Thị Thu Liễu, chủ tiệm vàng trên phố Hàng Bạc cho biết có nhiều khách hàng ngại chi khoản lớn khi giá vàng đang cao nên muốn tìm các dịch vụ cho thuê mượn vàng cưới để hoàn thành hôn sự cho con.
Theo chị Liễu, có nhiều lý do dẫn đến việc thuê vàng, trang sức để làm đám cưới. Ngoài những nhân vật chính như cô dâu chú rể, bố mẹ 2 bên thì những nhân vật không phải là chính yếu trong ngày cưới như họ hàng cô dâu và chú rể, hay thậm chí là những người đi dự tiệc cưới cũng đều có nhu cầu làm đẹp với phụ kiện trang sức. Với họ, bỏ ra một khoản tiền lớn mua vàng, ngọc để đeo đi ăn cưới vào thời buổi giá vàng leo thang từng ngày thì quá lãng phí, vì thế cũng nên đi thuê.
Nhiều người cho rằng nếu điều kiện kinh tế eo hẹp, người thuê cũng nên tính toán kỹ lưỡng, không nên thuê những gói tới gần chục triệu đồng. Bởi lẽ, với 8 - 10 triệu đồng, khách đã có thể mua được những bộ nhẫn khá đẹp cả về kiểu dáng và chất liệu.
Tình yêu đâu cần vàng bạc mới hạnh phúc
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hiện nay, nhiều người đang bị phụ thuộc vào vật chất mà không chú trọng ý nghĩa tinh thần của lễ cưới khi thách cưới bằng vàng quá cao. Bởi thế, họ khiến con gái của mình trở thành sản phẩm của "chợ búa" chứ không còn là câu chuyện tình yêu thiêng liêng.
Khi nhà trai không có điều kiện, họ sẽ phải chạy vạy khắp nơi vay tiền mua vàng đáp ứng yêu cầu của nhà gái hoặc mượn của họ hàng để trình lễ rồi sau đám cưới thu lại trả cho người ta. Nếu gia đình nhà trai có mang nhiều vàng làm sính lễ thì tốt, còn không cũng đừng nên thách cưới để chạy theo việc... khoe của.
Có 15 năm nghiên cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, giảng viên trường Đại học KHXH&NV, cho rằng một đám cưới văn minh, hiện đại là lễ vừa đủ, có sự chia sẻ, chúc mừng cho nhau, hướng đến sự bền vững trong tình yêu, cuộc sống hôn nhân chứ không phải chạy theo vàng, tiền.
Tiến sĩ Đinh Đức Tiến cho biết hiện nay, có nhiều đám cưới, nhà gái thách cưới quá cao bởi cho rằng giá trị của con gái mình sẽ được định vị thông qua giá trị những sính lễ do nhà trai mang tới như tiền, vàng, bất động sản… Tuy nhiên, trên thực tế, đã có nhiều đám cưới đã bị đổ bể trước ngày dự định tổ chức vì lý do nhà trai không đáp ứng đủ sính lễ. Theo Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, nên xem xét đến hoàn cảnh của hai bên gia đình để tổ chức đám cưới cho phù hợp, tránh trường hợp đẩy cho một trong hai phía vào thế khó xử hoặc bị rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti. Một đám cưới được tổ chức theo đúng truyền thống, giảm đi các yếu tố vật chất sẽ là một đám cưới hạnh phúc viên mãn và vui vẻ.
Trong tương lai gần, việc chuyển đổi sang du lịch thông minh không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ, mà còn đòi hỏi một sự thay đổi theo hướng tiếp cận kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa đưa ra thông tin dự báo thời tiết ngày hôm nay (22/11), Thủ đô Hà Nội sẽ duy trì thời tiết không mưa, tuy nhiên nhiệt độ sẽ hạ thấp.
UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố". Lộ trình thực hiện đề án bắt đầu từ năm 2025, mục tiêu đến năm 2035 sẽ sử dụng 100% xe buýt điện.
Tình huống nguy hiểm trên xảy ra ngày 20/11 trên tuyến quốc lộ 6 đoạn qua huyện Mai Châu, Hòa Bình và được chính camera hành trình trên xe ô tô con bị nạn ghi lại.
Gần đây tại quận Thanh Xuân, câu chuyện về những chiếc barie dựng tại các ngõ nhỏ vào giờ cao điểm đã thu hút sự chú ý. Mục đích ban đầu là để kiểm soát lưu lượng giao thông, thế nhưng sự xuất hiện của chúng cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi từ những người đi lại thường xuyên qua đây.
Sáng nay, ngày 21/11/, Bộ Y tế và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã khởi động dự án “Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam”.
0