Cứu sống bé 7 ngày tuổi ngừng thở vì sặc sữa

Một trong những tâm điểm được chú ý nhất trên mạng xã hội 2 ngày qua là câu chuyện đầy cảm động về một nữ điều dưỡng cứu sống một em bé sơ sinh ngừng thở, ngừng tim vì sặc sữa trên xe taxi. Clip 4 phút nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) giành giật sự sống cho bé sơ sinh 7 ngày tuổi từ tay tử thần khiến người xem cảm thấy nghẹt thở và vô cùng xúc động... Cùng lắng nghe những chia sẻ của cô với phóng viên FM96 - Đài Hà Nội.

Kể lại về quá trình sơ cấp cứu cho em bé, điều dưỡng Thảo cho biết, khoảng 21 giờ ngày 4/7, khi chị đang cùng chồng và con đang trên đường đi chơi về thì thấy một người đàn ông đang bế một đứa trẻ vừa đi vừa hét thất thanh. Bằng linh cảm của một người mẹ và kinh nghiệm của một người điều dưỡng, phán đoán ngay được có điều gì đó bất thường với em bé, chị liền bảo chồng trông giữ con, còn mình vội chạy tới tiếp cận xem em bé bị làm sao.

Nhận thấy em bé đang trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, toàn thân tím tái, không còn chút phản xạ nào, chị vội giới thiệu mình là điều dưỡng bệnh viện nhi và đề nghị người đàn ông đưa em bé cho mình sơ cứu. Sau đó, chị bế em bé và đặt lên ghế sau của chiếc xe taxi đang chờ sẵn. Trên đường taxi chở em bé đến bệnh viện, chị liên tục thực hiện động tác ép tim và thổi ngạt cho em bé.

Chị Thảo cho biết, mỗi mỗi lần thổi ngạt cho cho bé thì sữa từ mũi và miệng của bé trào ra rất nhiều. Xác định được nguyên nhân do em bé bị sặc sữa, chị Thảo tiếp tục thực hiện động tác ép tim và thổi ngạt cho bé khoảng 2 đến 3 lần thì trong đường thở của bé không còn sữa nữa.

Sau đó, trên đường đến Bệnh viện Thủy Nguyên, chị tiếp tục ép tim thổi ngạt cho bé. Đến bệnh viện, chị bế thẳng em bé vào khoa Hồi sức của bệnh viện và hô hoán thông báo cho các anh chị điều dưỡng tình trạng bệnh nhân đang ngừng thở, ngừng tim và đề nghị mọi người chuẩn bị lấy nội khí quản cho bệnh nhân.

Trong quá trình chờ các anh chị chuẩn bị dụng cụ, chị Thảo tiếp tục ép tim cho bệnh nhân cho đến khi các bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Thủy Nguyên đặt được nội khí quản cho bệnh nhân và dần dàn em bé cũng đã hồng trở lại nhưng chưa có nhịp tim. Chị Thảo tiếp tục cùng hỗ trợ với a ê kíp trực của khoa Hồi sức - Bệnh viện Thủy Nguyên ép tim cho bệnh nhân.

Một lúc sau, khi sờ vào động mạch của bệnh nhân, nhận thấy bệnh nhân có mạch đập, chị thông báo với các y, bác sĩ là bệnh nhân đã có nhịp tim, sau đó chị giao lại em bé cho bệnh viện để các y, bác sĩ tiếp tục xử trí cho bệnh nhân và cùng chồng con trở về nhà.

Nhận được sự cảm ơn từ gia đình em bé và sự tán dương của cộng đồng mạng, chị Thảo chia sẻ, chị cảm thấy rất tự hào và cảm động. Chị Thảo bày tỏ, vào tình huống nguy cấp, không chỉ riêng chị mà bất kỳ ai cũng sẽ hành động như vậy cho dù bệnh nhân chỉ còn 1% hi vọng sống.

Chị Thảo cho rằng, việc làm của chị cũng chỉ góp một phần nhỏ nhoi trong suốt quá trình cấp cứu ban đầu cho em bé, đồng thời chị cho rằng, em bé được cứu sống là nhờ công lao của rất nhiều người như: người lái xe taxi đã vững tay lái chạy thật nhanh để đưa trẻ tới bệnh viện cũng như sự kịp thời, khẩn trương của đội ngũ ekip trực khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Thủy Nguyên, cùng sự chăm sóc tận tình, chuyên môn vững vàng của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng trong khoa Hồi sức Tích cực của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo (áo trắng) tiếp tục theo dõi, chăm sóc cháu bé tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng - Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Thạc sĩ Bùi Thị Quyên, Trưởng Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, điều dưỡng Thảo là một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sơ sinh, đã từng công tác tại Khoa Sơ sinh, bởi vậy, khi gặp tình huống em bé sơ sinh bị sặc sữa nguy kịch, đã kịp thời xử trí bằng phản xạ nghề nghiệp sẵn có của mình. Hơn nữa, với bản năng của một người mẹ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, nên khi gặp tình huống đó, điều dưỡng Thảo đã kịp thời có phản xạ như bản năng của người mẹ với con của mình.

Để phòng tránh trẻ bị sặc sữa, Thạc sĩ Bùi Thị Quyên khuyến cáo: đối với các bậc phụ huynh, đặc biệt là những người đang nuôi con nhỏ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 12 tháng đầu sau sinh. Với những trường hợp, vì lý do nào đó, người mẹ không đủ sữa cho con bú và phải cho trẻ ăn bằng sữa ngoài, các bà mẹ cần trang bị các kỹ năng, kiến thức cơ bản cần thiết trong chăm sóc trẻ sau sinh.

Bên cạnh đó, các bà mẹ cũng lưu ý, khi cho trẻ ăn cần hết sức cẩn thận, bởi với trẻ em (đặc biệt là trẻ sinh non, trẻ bị dị tật bẩm sinh hoặc trẻ có một số bệnh lý khác…), nguy cơ bị sặc sữa rất cao, bởi vậy, các bà mẹ cần phải trang bị những kiến thức cơ bản cần thiết trong chăm sóc trẻ: khi cho trẻ ăn phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn; sau khi cho trẻ em ăn xong không nên cho trẻ nằm ngay, phải thường xuyên theo dõi và bế trẻ sau ăn; cho trẻ ăn với lượng vừa đủ; không cho trẻ ăn quá no…

Trong trường hợp không may trẻ bị sặc sữa, các bà mẹ cần hết sức bình tĩnh để xử trí, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên, dùng khăn để lau sữa và các dịch ứ đọng, đồng thời nhanh chóng gọi người hỗ trợ và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cấp cứu cho trẻ.

Giây phút nữ điều dưỡng Thảo cấp cứu cho cháu bé sơ sinh 7 ngày tuổi ngay trên xe taxi (Nguồn: MXH)

Sặc sữa là hiện tượng sữa tràn vào đường thở khiến trẻ khó thở, sặc sụa, tím tái, có thể ngừng thở. Nếu không được cấp cứu nhanh chóng, kịp thời sặc sữa ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến tử vong.

Các chuyên gia nhi khoa khẳng định, sặc sữa ở trẻ sơ sinh là tai nạn này rất hay gặp trong Nhi khoa, nếu trẻ không được sơ cứu nhanh chóng, kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân trẻ bị sặc sữa

Sặc sữa ở trẻ sơ sinh có thể do nhiều nguyên nhân như: người chăm sóc trẻ để trẻ bú, ăn không đúng tư thế, cho bú quá no, cho trẻ bú khi đang khóc; sữa mẹ xuống quá nhiều hoặc núm vú cao su có lỗ thông quá rộng khiến sữa chảy nhiều, chảy mạnh làm trẻ không nuốt kịp.

Đặc biệt trẻ sơ sinh non tháng cũng thường rất dễ bị sặc sữa.

Ngoài ra, những trẻ bị dị tật vùng hầu họng như: khe hở môi, khe hở vòm... cũng rất dễ bị sặc sữa.

Các dấu hiệu nhận biết sặc sữa ở trẻ sơ sinh:

  • Trẻ đang bú hoặc đang nằm (sau ăn) đột ngột ho mạnh, ho sặc sụa, tím tái hoặc lịm đi.
  • Trẻ đột nhiên khóc thét lên
  • Có thể thấy sữa trào ra mũi, miệng.
  • Trẻ hốt hoảng, da xanh tái, có thể mềm nhũn hoặc co cứng.
  • Trường hợp nặng trẻ có thể ngừng thở.

Việc xử lý sơ cứu trẻ sơ sinh bị sặc sữa đúng cách là điều quan trọng, giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ từ 15-44 tuổi. Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị “Nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản - phụ khoa Hà Nội lần thứ 12 năm 2024” do Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức sáng 20/12.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận vừa thông tin về tiến độ của 2 bệnh viện "nghìn tỷ" là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam).

Bốn nạn nhân nặng trong vụ phóng hoả vừa xảy ra ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được điều trị chuyên sâu tại Bệnh viện Bạch Mai, sức khoẻ đang tiến triển tốt.

Bệnh viện đa khoa Thanh Trì và Bệnh viện Thanh Nhàn vừa ký kết hợp tác toàn diện trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.

Hôm qua (19/12), Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp tục khai trương thêm một bệnh viện đa khoa hiện đại điều trị hiếm muộn tại Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong hôm nay (19/12), cả 4 bệnh nhân trong vụ cháy quán cà phê ở quận Bắc Từ Liêm đều sẽ được chuyển sang Viện bỏng Lê Hữu Trác.