Cựu Tổng thống Mỹ bị bắn - bạo lực chính trị gia tăng tại Mỹ
Vụ xả súng gây chấn động
Theo truyền thông khu vực, ông Trump bị thương nhẹ, trong khi hai người khác thiệt mạng và một người bị thương nặng. Vụ nổ súng diễn ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra đại hội của Đảng Cộng hòa vào tuần tới để chính thức đề cử đại diện cho đảng ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới.
Các nguồn tin tại hiện trường cho biết ít nhất 8 tiếng súng đã vang lên khi cựu Tổng thống Trump vừa bắt đầu bài phát biểu tranh cử trước những người ủng hộ tại thành phố Butler, Pennsylvania.
Giới chức địa phương cho biết ông Donald Trump đã bị đạn sượt qua tai phải. Đoạn video cho thấy ông Trump giơ tay lên giữ tai phải và trên mặt ông có vết máu sau khi tiếng súng vang lên. Sau đó, các vệ sĩ vây quanh ông Donald Trump khi ông cúi xuống dưới bục phát biểu và các sĩ quan có vũ trang chiếm lĩnh các vị trí ở phía trước sân khấu.
Ông Trump liên tục giơ nắm tay về phía đám đông và hét lên khi được mật vụ Mỹ hộ tống lên một chiếc xe gần đó. Các nhân chứng tại hiện trường quan sát thấy các nhân viên thực thi pháp luật có vũ trang trên mái nhà gần sân khấu nơi ông Trump đang đứng, đồng thời một chiếc trực thăng bay phía trên.
Người phát ngôn Anthony Guglielmi - Cơ quan mật vụ Mỹ cho biết vào khoảng 6h15 chiều ngày 13/7 theo giờ Mỹ, một kẻ tình nghi đã bắn nhiều phát súng từ trên cao, bên ngoài cuộc biểu tình.
Nghi phạm đã bị các mật vụ Mỹ bắn chết ngay tai hiện trường. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bước đầu xác định nghi phạm là Thomas Matthew Crooks (20 tuổi) sống ở Bethel Park, bang Pennsylvania. Ngoài ra, một khán giả và hai người khác bị thương nặng trong vụ xả súng.
Trong một tuyên bố trên Truth Social, cựu Tổng thống Donald Trump cho biết ông không thể tin được một sự việc như vậy lại xảy ra tại Mỹ.
Tôi bị bắn trúng một viên đạn vào phần trên tai phải. Tôi biết ngay rằng có điều gì đó không ổn khi nghe thấy tiếng rít, tiếng súng và ngay lập tức cảm thấy viên đạn xé toạc da. Máu chảy rất nhiều nên lúc đó tôi nhận ra chuyện gì đang xảy ra.
Ông Donald Trump - cựu Tổng thống Mỹ.
Nhân chứng vụ xả súng, anh Saurabh Sharma cho hay: "Ông ấy bước lên sân khấu, trong vòng năm hoặc sáu phút đầu tiên, ông ấy bắt đầu nói về biểu đồ mà ông ấy đã đưa ra về vấn đề nhập cư. Và cảm ơn Chúa vì biểu đồ đó, bởi vì tôi nghĩ rằng chính vì ông ấy quay đầu sang hai bên khi giải thích về biểu đồ đó mà viên đạn đầu tiên đã bắn trượt ông ấy.”
Trong bài đăng, ông Trump đã cảm ơn Cơ quan Mật vụ Mỹ và tất cả cơ quan thực thi pháp luật vì đã phản ứng nhanh chóng đối với vụ nổ súng. Ông cũng gửi lời chia buồn tới gia đình của người thiệt mạng tại cuộc mít tinh và cả gia đình của một người khác bị thương nặng.
Cơ quan Mật vụ Mỹ thông báo: ông Trump đã được kiểm tra tại một cơ sở y tế địa phương và vẫn an toàn.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Sở Cảnh sát thành phố New York đã tăng cường sự hiện diện tại Tháp Trump và các địa điểm nhạy cảm khác trên đại lộ số 5 Mahattan và xung quanh thành phố.
Trong nhiều năm qua, Tháp Trump là nơi tụ tập của những người ủng hộ và phản đối cựu tổng thống. Sở Cảnh sát thành phố New York cũng sẽ tăng cường an ninh tại 40 Phố Wall, Quảng trường Foley và Tòa thị chính.
Cuộc điều tra về vụ xả súng sẽ kéo dài nhiều ngày
Theo các quan chức thực thi pháp luật tại Mỹ, vụ xả súng tại cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump ở Butler, Pennsylvania, đang được điều tra như một vụ mưu sát có chủ đích.
Mặc dù tình trạng sức khỏe của ông Trump được cho là vẫn ổn sau vụ xả súng, nhưng vụ việc đã đặt ra câu hỏi về cách ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa được bảo vệ như thế nào trong suốt quá trình vận động tranh cử và nguyên nhân gây ra những sơ suất lớn trong vấn đề an ninh hôm 13/7 này.
Là một cựu tổng thống và ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, ông Trump được mật vụ bảo vệ. Trong hầu hết các điểm dừng chân trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, cảnh sát địa phương luôn hỗ trợ mật vụ bảo vệ địa điểm.
Các đặc vụ từ các cơ quan khác trong Bộ An ninh Nội địa, chẳng hạn như Cục An ninh Giao thông, đôi khi cũng hỗ trợ. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nhiều cuộc mít tinh của ông Trump có sự tham gia của hàng nghìn người, diễn ra ngoài trời và kéo dài hàng giờ.
Vài ngày trước sự kiện, mật vụ lên kế hoạch và diễn tập cho sự kiện. Ngay trước cuộc mít tinh, các đặc vụ sẽ quét địa điểm để tìm bom hoặc các mối đe dọa khác. Ông Trump cũng luôn đến bằng đoàn xe hộ tống được tăng cường. Các quan chức thực thi pháp luật cũng dựng rào chắn và yêu cầu tất cả những người tham dự phải đi qua máy dò kim loại để vào địa điểm.
Tuy nhiên, theo các báo cáo điều tra ban đầu, vụ tấn công hôm 13/7 dường như được thực hiện bởi một tay súng ở bên ngoài chu vi được bảo vệ.
Có nhiều lớp bảo vệ khác nhau được áp dụng cho nhiều hoạt động khác nhau. Bạn cần nhớ rằng cựu Tổng thống Trump chỉ là một cựu tổng thống. Vì vậy, ông ấy không nhất thiết - trừ khi dựa trên các tình huống tình báo - có được tất cả các nguồn lực khác nhau dành cho tổng thống hoặc phó tổng thống. Ông ấy có một đội bảo vệ trước đây rất mạnh mẽ luôn bên cạnh ông ấy. Vì vậy, tôi nghĩ rằng có một số khía cạnh của sự việc này sẽ được điều tra. Họ sẽ có các báo cáo sau hành động để xem chính xác những gì đã xảy ra ở đây, tại sao nó lại xảy ra.
Ông Bobby Mc Donald - Cựu giám sát Mật vụ Mỹ.
Ngay sau vụ nổ súng, đại diện Cơ quan an ninh Mỹ FBI cho biết họ đã phối hợp với Cơ quan Mật vụ điều tra, hiện chưa xác định được động cơ của thủ phạm xả súng và cuộc điều tra có thể kéo dài nhiều ngày.
Cộng đồng quốc tế lên án bạo lực chính trị
Vụ xả súng đang được điều tra như một vụ ám sát nhằm vào ông Donald Trump. Đây không phải là lần đầu tiên một tổng thống hoặc ứng cử viên tổng thống gặp phải tình huống tương tự trong lịch sử nước Mỹ.
Lịch sử nước Mỹ hiện đại đã ghi nhận các vụ mưu sát đối với ít nhất ba Tổng thống Mỹ, một tổng thống đắc cử và một cựu Tổng thống Mỹ cũng như hàng chục âm mưu bị phá vỡ. Trong bối cảnh đó, vụ xả súng lần này đã làm dấy lên làn sóng lên án rộng rãi về bạo lực chính trị tại Mỹ từ cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lập tức tổ chức họp báo sau vụ xả súng vào cuộc vận động tranh cử của ông Trump. Ông Biden kêu gọi chấm dứt bạo lực chính trị và khẳng định nước Mỹ không chấp nhận những hành động như vậy. Khi được hỏi đây có phải vụ mưu sát không, ông Biden nói rằng cần chờ thêm thông tin và hiện tại ông không có ý kiến gì.
Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết bà đã cảm thấy thở phào vì ông Trump không bị thương nặng. Bà cảm ơn những người ứng cứu đầu tiên và lên án gay gắt vụ việc.
Bạo lực như thế này không có chỗ đứng ở đất nước chúng ta. Tất cả chúng ta phải lên án hành động ghê tởm này và làm phần việc của mình để đảm bảo rằng nó không dẫn đến thêm bạo lực.
Phó Tổng thống Kamala Harris.
Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cũng lên tiếng ủng hộ ông Trump và lên án bạo lưc chính trị sau vụ nổ súng ở Pennsylvania.
Thủ tướng Anh Kier Starmer, cho biết ông "kinh hoàng trước những cảnh tượng gây sốc" tại cuộc biểu tình. Bạo lực chính trị dưới mọi hình thức không có chỗ đứng trong xã hội của chúng ta và tôi xin chia buồn với tất cả các nạn nhân của vụ tấn công này".
Trong bài đăng trên mạng X, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định “Chúng ta phải kiên quyết chống lại mọi hình thức bạo lực thách thức nền dân chủ. Tôi cầu nguyện cho cựu Tổng thống Trump sớm bình phục.”
Vụ nổ súng cho thấy sự chia rẽ và tranh cãi trong cuộc tái đấu tranh cử giữa cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Joe Biden, cũng như cảm giác bạo lực chính trị đang lan tỏa trên chính trường Mỹ. Trong một cuộc thăm dò của Bloomberg và Morning Consult được thực hiện vào tháng 5, một nửa số cử tri ở các tiểu bang đã nói rằng họ lo ngại về bạo lực xung quanh cuộc bầu cử.
Một cuộc thăm dò khác về bạo lực chính trị tại Mỹ do nhà khoa học chính trị Robert Pape tại Đại học Chicago thực hiện cho thấy, 10% những người được khảo sát cho biết "việc sử dụng vũ lực để ngăn chặn ông Donald Trump trở thành tổng thống là chính đáng".
Một phần ba trong số những người trả lời như vậy cũng cho biết họ sở hữu một khẩu súng. 7% những người được khảo sát cho biết họ "ủng hộ vũ lực để đưa ông Trump trở lại vị trí tổng thống".
Các nghiên cứu khác về bạo lực chính trị cũng phát hiện ra rằng có một số nhỏ người Mỹ ủng hộ ý tưởng sử dụng bạo lực để thúc đẩy các ý tưởng chính trị.
Ông Trump nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ cử tri
Sau vụ xả súng trong buổi vận động tranh cử của cựu Tổng thống Trump, nhiều người được hỏi cho biết họ cảm thấy sốc và ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa này. Điều này cho thấy mặc dù rơi vào tình huống nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sự việc này có thể thúc đẩy chiến dịch tranh cử của ông Trump, giúp ông giành được nhiều sự cảm thông và ủng hộ hơn từ phía cử tri.
Nhiều cử tri đã tập trung gần khu điền trang Mar-a-Lago rộng lớn của ông Trump ở Florida sau khi ông bị bắn để thể hiện sự ủng hộ giành cho ông. Trong khi đó, nhiều người Mỹ được hỏi cho rằng ông Trump sẽ trở nên mạnh hơn sau vụ xả súng hôm 13/7.
Điều đó khiến ông Trump trở nên nổi tiếng hơn bất kỳ điều gì. Mỗi lần họ làm điều gì đó với ông ấy, điều đó luôn phản tác dụng.
Ông Tavarra Jones, người dân đến từ Los Angeles (Mỹ).
Nhiều cuộc thăm dò cho thấy ông Trump luôn dẫn trước Tổng thống Biden trong cả cuộc thăm dò toàn quốc và ở các tiểu bang. Nhiều đảng viên của Đảng Cộng hòa vả cả Đảng Dân chủ đều coi màn trình diễn tranh luận lép vế của ông Biden vào tháng 6 là thắng lợi nghiêng về ông Trump. Thêm vào đó, gần đây nhiều lần nói lỡ miệng và nghi vấn về sức khỏe của ông Biden đã khiến ông bị kêu gọi rút lui khỏi cuộc tranh cử.
Lịch sử cho thấy nhiều vụ ám sát nhằm vào các tổng thống hay chính trị gia tại Mỹ thường xảy ra vào những năm quan trọng, có thể dẫn đến những thay đổi mang tính bước ngoặt trên chính trường Mỹ.
Đối với vụ xả súng lần này, mặc dù chưa xác định được động cơ chính của kẻ chủ mưu, nhưng có thể thấy đằng sau đó là một nền chính trị Mỹ đầy phức tạp và chia rẽ, với những nguy cơ bạo lực chính trị đang nổi lên, gây ra những lo lắng, bất an và sự hoài nghi trong xã hội.
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
0