Đài Hà Nội, cơ quan báo chí chuyển đổi số xuất sắc

Lần đầu tiên, Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí toàn quốc. Theo đó, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã vào top 10 cơ quan báo chí chuyển đổi số đạt mức xuất sắc và top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối Đài trong lĩnh vực này.

Đài Hà Nội nằm trong số gần 4% cơ quan báo chí xuất sắc về chuyển đổi số

Chuyển đổi số báo chí được đánh giá là xu thế tất yếu tại Việt Nam với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền, đồng thời đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới. Với tinh thần đó, thời gian qua, Đài Hà Nội đã nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong hoạt động này và đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu nổi bật đáng ghi nhận. Theo kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí toàn quốc năm 2023 do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông công bố thì Đài Hà Nội đã lọt vào top 10 cơ quan báo chí chuyển đổi số đạt mức xuất sắc gồm có: Đài Truyền hình Việt Nam, Báo VNExpress, Báo Lao động , Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo Điện tử Vietnamplus, Báo Vietnamnet, Báo Điện tử VTC News, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long và Báo Người Lao động.

Ngoài ra, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cũng nằm trong top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối Đài trong lĩnh vực này.

Theo Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có 339 cơ quan báo chí hoàn thành đạt yêu cầu và được cấp tài khoản chính thức để thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí cho đơn vị mình. Trong đó, có 273 cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình triển khai công tác đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Cụ thể, Khối Địa phương 59 đơn vị, Khối Trung ương 67, Khối Đài 60 và Khối Tạp chí Khoa học 87 đơn vị.

Kết quả tỷ lệ xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023 cho thấy, chỉ có 3,66% đơn vị đạt mức xuất sắc, 8,06% đạt mức tốt, 13,19% đạt mức khá, 12,09% đạt mức trung bình và 63% đạt mức yếu. Trong đó mức xuất sắc Khối Trung ương chiếm tỉ lệ cao nhất với 50%, Khối Đài 40% và Khối Địa phương chiếm 10%. Riêng mức yếu, cao nhất thuộc về Khối Tạp chí Khoa học chiếm 45,35%, Khối Trung ương 31,82%, Khối Địa phương 17,44% và Khối Đài 12,79%.

Top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối đài là: Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (mức xuất sắc); Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang (mức tốt).

10 cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc

Trước đó, Cục Báo chí đã ban hành Bộ Chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số gồm 5 trụ cột, 42 tiêu chí.

Tổng điểm đánh giá đạt tối đa là 100 điểm, trong đó thang điểm tối đa của các trụ cột là: Chiến lược: 18 điểm; hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin: 24 điểm; sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn: 20 điểm; độc giả, khán giả, thính giả: 23 điểm; mức độ ứng dụng công nghệ số: 15 điểm.

Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí sẽ được xác định căn cứ vào tổng điểm đạt được của 5 trụ cột và được xếp theo 5 mức: Mức 1: dưới 50 điểm - ở mức yếu; mức 2: từ 50 đến dưới 60 điểm - ở mức trung bình; mức 3: từ 60 đến dưới 70 điểm - ở mức khá; mức 4: từ 70 đến 80 điểm - ở mức tốt; mức 5: trên 80 điểm - ở mức xuất sắc.

Kết quả khảo sát của Cục Báo chí cũng cho thấy nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số báo chí của lãnh đạo không ít cơ quan báo chí còn ở mức thấp.

Cụ thể, tỉ lệ báo chí chưa hoàn thành tập huấn chiếm 61,56%. Tỉ lệ báo chí chưa tham gia thực hiện việc tự đánh giá lên tới 69,05%. Người đứng đầu cơ quan là người chủ trì, chỉ đạo chuyển đổi số chiếm 34,8%. Cơ quan báo chí đã xây dựng chiến lược/kế hoạch/chương trình chuyển đổi số báo chí của cơ quan chiếm 43,59%.

Đài Hà Nội thuộc top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối Đài trong chuyển đổi số

So với khối báo, khối đài chuyển đổi nhanh hơn do yêu cầu về số hóa ngành truyền hình (mức độ yếu của khối các đài chỉ chiếm 12,79%). Mức độ quan tâm của chủ quản đối với việc đầu tư cho chuyển đổi số báo chí còn ở mức thấp, khi chỉ có 25,27% cơ quan báo chí được chủ quản bố trí nguồn kinh phí chuyển đổi số.

Cũng theo Cục Báo chí, tỉ lệ cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa quy trình sản xuất tin bài còn ở mức thấp (ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các quy trình nghiệp vụ của tòa soạn và các bộ phận khác để tối ưu hóa hoạt động chỉ chiếm 12,82%; có ứng dụng hệ thống quản trị nội bộ CMS: 19,78%; có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung: 16,72%).

Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại

Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Dự và chỉ đạo hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, các cấp hội nhà báo, đặc biệt là các cơ quan báo chí, người làm báo cần nỗ lực giải quyết, xử lý tốt những thách thức để đạt được yêu cầu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Năm 2023, thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… đã được chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực. Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí phát huy kết quả tích cực, có nhiều chuyển biến rõ nét.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được là chủ yếu, công tác báo chí năm 2023 còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đáng chú ý là nguy cơ tụt hậu của báo chí trước sự phát triển rất nhanh của truyền thông xã hội cả về nội dung, khả năng dẫn dắt, định hướng thông tin, đến phương thức tiếp cận công chúng, làm chủ công nghệ và thu hút nguồn thu.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao báo chí cả nước đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị theo hướng nhanh hơn, sâu sắc hơn, tăng cường khả năng cạnh tranh với thông tin mạng xã hội. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị giới báo chí nỗ lực khắc phục những mặt còn yếu, thậm chí là những sai phạm; nâng cao trách nhiệm, nhất là của cơ quan chủ quản báo chí.

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác năm 2024, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, các cấp hội nhà báo, đặc biệt là các cơ quan báo chí, người làm báo cần quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, giải quyết, xử lý tốt những thách thức trong hoạt động báo chí để đạt được yêu cầu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật về báo chí, trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và hoàn thành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, phải tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Năm 2024 cần xác định mục tiêu cao là xử lý dứt điểm, căn cơ tình trạng vi phạm của cơ quan báo chí, người làm báo, lấy lại được niềm tin của công chúng đối với báo chí.

"Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của các nền tảng truyền thông mới, truyền thông xã hội, hơn bao giờ hết, báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội; góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới", Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao bằng khen tặng các các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2023.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị báo chí toàn quốc, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã công bố kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng nay (22/12), tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh, Metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức được đưa vào khai thác thương mại.

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe, cùng với đề xuất sửa đổi quy định về sân tập lái xe.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký Công văn số 4291/UBND-ĐT về việc nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, đặc biệt xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông.

Ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu cột mốc lịch sử trong hành trình phát triển giao thông đô thị của TP.HCM, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Sở GTVT Hà Nội ra thông báo cấm tất cả các phương tiện và người tham gia giao thông lưu thông trên tuyến đường Văn Khê (trước tòa nhà V3 Victoria Văn Phú) trong khung giờ từ 23h00 ngày 22/12/2024 đến 3h00 ngày 23/12/2024, để phục vụ thi công cầu vượt cho người đi bộ (quận Hà Đông, TP Hà Nội).

Cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ đã chính thức triển khai thi công theo lệnh khẩn cấp, yêu cầu hoàn thành xây dựng và đưa công trình vào khai thác trong năm 2025 nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng đứt gãy giao thông.