'Đại hồng thuỷ' đoạt mạng gần 200 người ở Tây Ban Nha

Gần 200 người đã thiệt mạng trong trận lũ quét ở vùng Valencia, miền Đông Tây Ban Nha. Trận lũ lụt chết người nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ là một lời nhắc nhở đau thương rằng châu Âu chưa chuẩn bị đối phó với hậu quả của bầu khí quyển quá nóng.

Cảnh tượng chưa từng có trên đường phố

Những trận mưa xối xả do luồng không khí lạnh di chuyển qua khu vực Đông Nam Tây Ban Nha đã gây ngập lụt nghiêm trọng, làm gián đoạn giao thông đường sắt và hàng không. Chính quyền các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ lụt đã phải khuyến cáo người dân ở nhà và tránh mọi chuyến đi không cần thiết. Một số địa phương đã ghi nhận mưa lớn chưa từng có, có nơi lượng mưa lên tới 320mm chỉ trong vòng 4 giờ. Mưa lớn gây lũ quét đã cuốn trôi nhiều xe cộ và phá hủy nhiều ngôi nhà. Các con đường và thị trấn ngập trong nước lũ.

Các nhà khí tượng học cho biết lượng mưa tương đương một năm đã đổ xuống chỉ trong 8 giờ tại một số khu vực của Valencia vào thứ Ba, gây ra tình trạng ùn tắc trên đường cao tốc và nhấn chìm vùng đất nông nghiệp ở khu vực này.

Dòng nước màu nâu dữ dội tràn qua các con phố, nhổ bật gốc cây và cuốn trôi những mảng gạch đá từ các tòa nhà.

Các cảnh quay do lực lượng cứu hộ thực hiện từ trực thăng cho thấy những cây cầu bị sập và ô tô, xe tải chất đống lên nhau trên những xa lộ giữa các cánh đồng ngập lụt bên ngoài thành phố Valencia.

Lũ quét làm ngập các thị trấn ở Valencia. Ảnh: Andalou.

Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles trả lời Đài phát thanh Cadena Ser rằng một đơn vị quân đội chuyên về các hoạt động cứu hộ sẽ bắt đầu rà soát bùn đất và đống đổ nát bằng chó nghiệp vụ tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào thứ Năm. Khi được hỏi liệu số nạn nhân có khả năng tăng lên không, bà cho biết: "Thật không may, chúng tôi không lạc quan". Các đội đã mang theo 50 nhà xác di động. Thủ tướng Pedro Sanchez phát biểu trên truyền hình: "Toàn thể Tây Ban Nha khóc thương cùng các bạn".

Gần 200 người đã thiệt mạng trong trận lũ quét ở vùng Valencia, miền Đông Tây Ban Nha sau những trận mưa như trút nước vào ngày 29/10. Carlos Mazon, lãnh đạo khu vực Valencia, phát biểu tại một cuộc họp báo rằng một số người vẫn bị cô lập ở những địa điểm không thể tiếp cận.

"Nếu các dịch vụ khẩn cấp chưa đến, thì không phải do thiếu phương tiện, mà là do vấn đề tiếp cận", ông Mazon cho biết, đồng thời nói thêm rằng việc di chuyển tới một số khu vực nhất định là "hoàn toàn không khả thi".

Chính quyền trung ương đã triển khai đơn vị quân đội chuyên về các hoạt động cứu hộ đến Valencia để hỗ trợ các lực lượng cứu hộ địa phương. Chính quyền thành phố Valencia cho biết đã đóng cửa tất cả trường học, công viên và hoãn các sự kiện thể thao.

Đội cứu hộ tìm kiếm nạn nhân sau lũ tại Catarroja, vùng Valencia. Ảnh: Reuters.

Các quan chức cho biết các chuyến tàu đến thành phố Madrid và Barcelona đã bị hủy do lũ lụt, và các trường học cùng các dịch vụ thiết yếu khác đã phải tạm dừng hoạt động ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Công ty điện lực i-DE của Tây Ban Nha cho biết khoảng 150.000 khách hàng ở Valencia không có điện. Chính quyền kêu gọi người dân tránh mọi hoạt động đi lại trên đường và tuân thủ theo các khuyến cáo chính thức.

Qua mạng xã hội X, Nhà vua Felipe VI bày tỏ đau buồn trước những thiệt hại nặng nề do trận lũ quét gây ra, gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, đồng thời cảm ơn những nỗ lực của lực lượng cứu hộ.

Xe cộ, đường sá bị hư hỏng do mưa lũ tại vùng Valencia, Tây Ban Nha hôm 1/11. Ảnh: AFP.

Lũ lụt cũng xảy ra ở những nơi khác trong nước, bao gồm cả xứ Andalusia, và các nhà dự báo thời tiết cảnh báo sẽ có nhiều thời tiết xấu hơn khi cơn bão di chuyển theo hướng Đông Bắc.

Các nhà khoa học cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở nên thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Các nhà khí tượng học cho rằng sự ấm lên của Địa Trung Hải, làm tăng sự bốc hơi nước, đóng vai trò chính trong việc khiến mưa xối xả trở nên nghiêm trọng hơn.

Ernesto Rodriguez Camino, nhà khí tượng học cấp cao tại Hiệp hội Khí tượng Tây Ban Nha, cho biết: "Những sự kiện kiểu này, vốn thường xảy ra cách nhau nhiều thập kỷ, giờ đây đang diễn ra thường xuyên hơn và sức tàn phá của chúng cũng lớn hơn". Đây là trận lũ chết chóc nhất ở châu Âu kể từ năm 2021, năm đã xảy ra lũ ở châu lục này làm gần 200 người chết, chủ yếu ở Đức.

Thiếu sự chuẩn bị đối phó với thiên tai

Các cảnh báo được đưa ra sau khi mực nước đã bắt đầu dâng cao. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhận định hôm thứ Tư rằng: Trận lũ lụt chết người nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ là một lời nhắc nhở đau thương rằng châu Âu chưa chuẩn bị đối phó với hậu quả của bầu khí quyển quá nóng. Bà nói: “Đây là thực tế bi thảm của biến đổi khí hậu. Và chúng ta phải chuẩn bị để đối phó với nó.”

Lượng mưa quá lớn đổ xuống các khu vực xung quanh thành phố lớn thứ ba của Tây Ban Nha là Valencia. Ở một số nơi, lượng mưa trong một ngày tương đương với lượng mưa của cả năm — đã phơi bày sự thiếu chuẩn bị của đất nước. Chính phủ trung ương do Đảng Xã hội lãnh đạo chỉ trích chính quyền khu vực do Đảng Trung hữu lãnh đạo vì đã không đưa ra cảnh báo sớm cho những người gặp nguy hiểm.

Chính quyền khu vực Valencia, chịu trách nhiệm điều phối các dịch vụ khẩn cấp tại các khu vực bị ảnh hưởng, thừa nhận rằng họ chỉ gửi tin nhắn văn bản cảnh báo người dân về thảm họa sắp xảy ra lúc 8 giờ 12 tối, tám giờ sau khi trận lũ đầu tiên được báo cáo và 10 giờ sau khi Cơ quan Khí tượng Nhà nước Quốc gia Tây Ban Nha (AEMET) ban hành cảnh báo nêu rõ "mối nguy hiểm cực độ" trên khắp khu vực Valencia. Vào thời điểm chính quyền Valencia hành động, "tình hình đã leo thang đáng kể".

Lúc 5 giờ chiều, mưa đã bắt đầu trút xuống, làm sao họ có thể đợi đến 8 giờ tối mới bảo chúng tôi về nhà? Thật khó khăn và gian khổ, giờ chúng tôi phải bình tĩnh lại, tiếp tục cuộc sống, và ở đây tất cả chúng tôi đoàn kết lại và cố gắng trở lại bình thường trong vài ngày tới.

Ông Hector Bolivar - Người dân địa phương, 65 tuổi.

Một quan chức giấu tên nói về vấn đề gây chấn động chính trị này như sau: "Chính quyền khu vực ở Tây Ban Nha là những người xử lý hệ thống cảnh báo và có thẩm quyền gửi cảnh báo đến điện thoại di động của công dân để hạn chế di chuyển khi cần thiết... Tại sao lại có sự chậm trễ đáng kể này trong việc gửi tin nhắn cảnh báo đến điện thoại di động, khuyến cáo không nên đi du lịch hoặc đến nơi làm việc? Chúng tôi không biết".

Cảnh báo ngắn gọn của chính quyền địa phương đã đến quá muộn. Khi tin nhắn đến thì nhiều người đã mắc kẹt trong những ngôi nhà thấp, cửa hàng và đường sá bị ngập nhanh chóng do nước lũ chảy xiết. Đến chiều thứ Tư, ít nhất 92 người đã được xác nhận là đã tử vong. Bộ trưởng Chính sách Lãnh thổ Tây Ban Nha Ángel Victor Torres cho biết quy mô thiệt hại về vật chất là "không thể tính toán được. Chính quyền vẫn chưa thể đưa ra số liệu chính thức về những người mất tích, điều này càng nhấn mạnh mức độ to lớn của thảm kịch này.

Người dân vùng lụt nhanh chóng phát hiện ra rằng họ phải tự lo liệu. Các mạng điện thoại bị sập vào đầu buổi tối và các dịch vụ khẩn cấp khu vực đã bị quá tải bởi các cuộc gọi khiến đường dây điện thoại 112 không còn hoạt động.

Người dân dọn dẹp bùn đất tại một nghĩa trang ở Valencia ngày 1/11. Ảnh: AFP.

Các chuyên gia cũng cho rằng sự phát triển đô thị không kiểm soát của khu vực Valencia - một trong những khu vực phát triển nhanh nhất của Tây Ban Nha - là một yếu tố chính gây ra thảm kịch. Khi lũ lụt xảy ra, đường nhựa trở thành kênh dẫn nước mưa nhanh chóng tràn ngập các khu cộng đồng được xây dựng bên cạnh các khe núi hoặc trên lưu vực của các con sông.

Tin tức về số người chết thảm khốc được đưa ra ngay trước khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trình bày báo cáo về cách tăng cường năng lực của EU để đối phó với mọi loại khủng hoảng, từ chiến tranh đến thời tiết khắc nghiệt.

Những gì chúng ta đang chứng kiến thật là tàn khốc. Toàn bộ các ngôi làng bị bao phủ bởi bùn. Người dân tìm nơi trú ẩn trên cây và xe hơi bị cuốn trôi trong dòng nước cuồng nộ. Hàng chục người đã mất mạng. Hàng nghìn người phải di dời. Và do đó, chúng tôi xin gửi lời chia buồn đến các nạn nhân, gia đình và bạn bè của họ, nhưng cũng xin chia sẻ với các đội cứu hộ. Các đội cứu hộ đang làm việc không biết mệt mỏi để đưa càng nhiều người đến nơi an toàn càng tốt. Và châu Âu sẵn sàng giúp đỡ. Chúng tôi đã kích hoạt hệ thống vệ tinh Copernicus của mình để giúp điều phối các đội cứu hộ. Và chúng tôi đã đề nghị kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự của mình.

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Trong những tuần gần đây, một số quốc gia châu Âu đã phải hứng chịu lũ lụt chết người và gây thiệt hại lớn về vật chất. Lũ lụt ở Hy Lạp, Bỉ và Đức trong vài năm qua là lời cảnh báo tiếp theo về mối nguy hiểm ngày càng tăng của thời tiết khắc nghiệt. Dấu vết của biến đổi khí hậu trong cơn bão đổ bộ vào Tây Ban Nha tuần này vẫn chưa được đo lường. Nhưng các nhà khoa học cho rằng sự nóng lên là một yếu tố chính. Biển Địa Trung Hải đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại vào tháng 8, làm gia tăng lượng nước bốc hơi, và tiếp tục gây mưa lớn, lũ lụt nghiêm trọng hơn. Bà Von der Leyen đã yêu cầu Ủy ban soạn thảo một kế hoạch toàn diện để bảo vệ người dân châu Âu tốt hơn khỏi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Kế hoạch đó đã quá muộn đối với cư dân ở các vùng bị tàn phá của Tây Ban Nha.

Ông Friederike Otto, lãnh đạo một nhóm các nhà nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến thời tiết khắc nghiệt tại Imperial College London, cho biết: "Không còn nghi ngờ gì nữa, những trận mưa lớn dữ dội trở nên nghiêm trọng hơn là do biến đổi khí hậu".

Một báo cáo mới từ World Weather Attribution cho biết, hiện tượng biến đổi khí hậu đang khiến châu Âu ngày càng phải đối diện với nhiều trận mưa lớn và lũ lụt tàn khốc hơn. Khẳng định, lũ lụt nghiêm trọng một lần nữa cho thấy hậu quả tàn khốc của tình trạng nóng lên toàn cầu, nhóm nghiên cứu từ World Weather Attribution kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần khẩn trương hành động; trong đó đặt trọng tâm vào việc hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Thiệt hại lớn vì biến đổi khí hậu

Theo Báo cáo Khí hậu châu Á - Thái Bình Dương mới phát hành của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển giảm 17% vào năm 2070, theo kịch bản phát thải khí nhà kính ở mức cao và sẽ tăng lên 41% vào năm 2100.

Báo cáo Khí hậu châu Á - Thái Bình Dương của ADB nêu cụ thể một loạt những tác động tổn hại đang đe dọa khu vực. Theo đó, mực nước biển dâng và năng suất lao động giảm sẽ gây ra thiệt hại lớn nhất, trong đó các nền kinh tế thu nhập thấp hơn và dễ đổ vỡ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nếu cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp tục tăng tốc, có tới 300 triệu người trong khu vực có thể bị đe dọa bởi tình trạng ngập lụt ven biển và hàng nghìn tỷ USD tài sản ven biển có thể bị tổn thất mỗi năm vào năm 2070.

Hàng trăm chiếc xe bị mắc kẹt và chất chồng lên nhau sau trận lũ tại vùng Valencia, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters.

Báo cáo cho thấy xu hướng của người dân trong khu vực ủng hộ hành động vì khí hậu. Trong một nghiên cứu về nhận thức biến đổi khí hậu của ADB năm nay, 91% số người được hỏi tại 14 nền kinh tế trong khu vực cho biết, họ coi hiện tượng ấm lên toàn cầu là một vấn đề nghiêm trọng, trong đó nhiều người mong muốn chính phủ có hành động quyết liệt hơn.

Các hành động thích ứng cần được đẩy nhanh để giải quyết những rủi ro khí hậu đang gia tăng, cùng với yêu cầu cấp bách phải nâng cao đáng kể nguồn tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ngân hàng ADB, nhu cầu đầu tư hàng năm cho các quốc gia trong khu vực để thích ứng với tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức từ 102 tỷ USD đến 431 tỷ USD - vượt xa mức 34 tỷ USD tài trợ cho hành động thích ứng được ghi nhận trong khu vực vào năm 2021 - 2022. Các cải cách quy định của chính phủ và việc tăng cường nhận thức về rủi ro khí hậu đang giúp thu hút thêm các nguồn tài chính khí hậu tư nhân mới, nhưng vẫn cần có những dòng đầu tư tư nhân lớn hơn nhiều mới có thể giúp cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng một tên lửa có tầm bắn xa và mạnh như vậy trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Một chàng trai người Ai Cập đã trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút hơn 750.000 người theo dõi trên Instagram khi anh thực hiện hành trình đường bộ dài hơn chu vi trái đất từ Ai Cập tới Nhật Bản trong vòng 274 ngày.

Mỹ đã công bố gói viện trợ an ninh mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã vượt qua mốc 1.000 ngày và được dự báo sẽ còn kéo dài.

Lực lượng không quân Ukraine thông báo Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa vào Ukraine hôm thứ Năm. Đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến, Nga sử dụng một loại vũ khí mạnh mẽ, có khả năng hạt nhân với tầm bắn hàng nghìn km.

Nvidia vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 ấn tượng và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi nhu cầu chip AI vẫn còn rất cao.

Ukraine cáo buộc Nga tập kích thành phố Dnipro bằng loạt vũ khí, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhấn mạnh không có thiệt hại đáng kể. Tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đi xa hàng nghìn km.