Đàm phán hòa bình Ukraine đối mặt với nguy cơ thất bại

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine tổ chức tại Thụy Sỹ đang có nguy cơ thất bại khi không có sự tham gia của nguyên thủ một số nước quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và đặc biệt là Nga.

Thiếu vắng nhiều nguyên thủ quốc gia chủ chốt

Hồi đầu tháng này, Thuỵ Sĩ cho biết trong số 160 nước được mời tham dự hội nghị, mới chỉ có 90 nước đăng ký. Nhưng con số này vẫn chưa chắc chắn. Đài châu Âu Tự do ngày 11/6 cho biết số quốc gia và tổ chức xác nhận tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hoà bình Ukraine đã giảm từ 93 xuống 78.

Không nằm trong danh sách tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hoà bình Ukraine tại Thuỵ Sĩ, Nga tuyên bố một hội nghị về cuộc xung đột Ukraine mà không có sự tham gia của Moscow chỉ là sự lãng phí thời gian và sẽ không thể đạt được kết quả. Nga cũng cho rằng Thụy Sĩ không còn ở vị trí trung lập và tuyên bố Moscow không quan tâm tham dự hội nghị trên.

Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd (trái) và Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis tham dự cuộc họp báo tổ chức tại Bern vào ngày 10/6. Ảnh: AFP.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 31/5 thông báo nước này sẽ không tham dự hội nghị vì Bắc Kinh cho rằng cần có sự tham gia bình đẳng của Nga và Ukraine. Trung Quốc luôn khẳng định một hội nghị hòa bình quốc tế phải được tổ chức với ba yếu tố quan trọng, đó là đại diện của cả Nga và Ukraine phải có mặt, sự tham gia của tất cả các bên phải bình đẳng và mọi kế hoạch hòa bình phải được xem xét công bằng.

Tổng thống Ukraine Zelensky từng hy vọng hội nghị thượng đỉnh tại Thuỵ Sĩ sẽ gia tăng áp lực lên Moscow sau những bước tiến liên tiếp của Nga trên chiến trường thời gian gần đây. Cuối tháng 5, ông Zelensky kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden, đồng minh chính của Ukraine, tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới, nhấn mạnh sự cần thiết của việc ông Biden có mặt tại hội nghị.

Nước chủ nhà Thụy Sĩ nêu rõ mục tiêu của hội nghị là “thúc đẩy một tiến trình hòa bình trong tương lai và phát triển những yếu tố thiết thực cũng như các bước hướng tới tiến trình đó”, nhấn mạnh “tất cả các quốc gia tham dự hội nghị cần đóng góp ý kiến và tầm nhìn cho một nền hòa bình công bằng và bền vững ở Ukraine”.

Đồng thời, hội nghị sẽ xác định lộ trình về cách thức Moscow và Kiev tiến hành các cuộc hòa đàm trong tương lai; thảo luận các lĩnh vực được quốc tế quan tâm rộng rãi như nhu cầu về an ninh hạt nhân và lương thực, tự do hàng hải, cũng như các vấn đề nhân đạo.

Chúng tôi muốn thảo luận các cách thức cho một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Chúng tôi muốn phát triển sự hiểu biết chung về một khuôn khổ khả thi để đạt được mục tiêu này. Và chúng tôi muốn cùng nhau quyết định một lịch trình để cả hai bên có thể gắn kết với tiến trình hòa bình trong tương lai.

Tổng thống Thuỵ Sĩ Viola Amherd.

Hội nghị do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khởi xướng, được phía Ukraine kỳ vọng sẽ trở thành bước đệm quan trọng trên con đường dài và quanh co hướng tới hòa bình ở Ukraine.

Chương trình nghị sự của hội nghị được Thụy Sĩ phát triển dựa theo kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine, tuy nhiên có thể tập trung vào chủ quyền lãnh thổ, nền hòa bình công bằng ở Ukraine và duy trì Hiến chương Liên hợp quốc.

Kể từ khi Tổng thống Ukraine Zelensky bắt đầu thúc đẩy công thức hoà bình gồm 10 điểm, yếu tố không thể thiếu là việc tổ chức hội nghị hòa bình với sự tham gia của càng nhiều lãnh đạo các quốc gia trên khắp thế giới càng tốt. Ukraine muốn có sự tham gia rộng rãi nhất có thể để chứng tỏ sự ủng hộ của họ đối với việc giải quyết xung đột theo các điều kiện của Kiev.

Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: Reuters.

Kết quả nào cho hội nghị?

Bình luận về việc một số nước chủ chốt không tham dự hội nghị tại Thuỵ Sĩ, tờ Izvestia của Nga cho rằng hội nghị này dường như không đạt được các mục tiêu đã nêu, cả về mặt đại diện tham dự và việc phát triển chương trình nghị sự thống nhất mà Kiev muốn thúc đẩy.

Nguy cơ thất bại của hội nghị khiến cho Tổng thống Zelensky không khỏi sốt ruột và ông đã phải thực hiện một loạt động thái ngoại giao chưa từng có. Ngày 2/6, ông Zelensky bất ngờ đến Singapore dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 21. Sự xuất hiện đột ngột của ông Zelensky khiến cho Đối thoại Shangri-La lần này mang màu sắc mới.

Tổng thống Zelensky (trái) gặp người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Manila ngày 3/6. Ảnh: AFP.

Dù trở thành tâm điểm chú ý trong ngày thứ hai của Đối thoại Shangri-La, nhưng ông Zelensky vẫn không thể thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Á như Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto cam kết tham dự hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ, trong khi Campuchia đã quyết định không tham gia hội nghị với lý do hội nghị không có sự tham gia của tất cả các bên trong cuộc xung đột, đặc biệt là Nga.

Để công thức hòa bình của Ukraine có tính toàn cầu, sự tham gia của các nước Nam bán cầu là rất quan trọng. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine đang gặp khó khăn đáng kể không chỉ ở châu Á mà còn ở Nam Mỹ và châu Phi.

Phát biểu tại buổi tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây, Ngoại trưởng Congo cho biết: “Liên quan đến hội nghị thượng đỉnh hoà bình ở Thụy Sĩ, Liên bang Nga không tham dự và chúng tôi không hiểu liệu hội nghị này có thực sự nhằm tìm kiếm hòa bình hay không, chúng tôi không hiểu”.

Đến nay, Brazil, Nam Phi, Ả Rập Xê Út và một số quốc gia Trung Đông đã tuyên bố không thể tham dự hội nghị, trong khi Ấn Độ sẽ cử đại biểu nhưng sẽ là quan chức cấp thấp hơn.

Nhận thấy rằng hội nghị thượng đỉnh tại Thuỵ Sĩ sẽ không có nhiều lãnh đạo cấp cao tham dự, Ukraine đã giảm chương trình nghị sự của cuộc họp xuống còn ba vấn đề nhỏ không gây tranh cãi, đó là tự do hàng hải, liên quan đến việc bảo vệ cơ sở hạ tầng cảng ở Biển Đen; an ninh lương thực, an ninh hạt nhân; vấn đề nhân đạo, trong đó có việc trao đổi tù binh.

Việc thiếu các điều khoản mà Kiev yêu cầu là do quan điểm của một số quốc gia đang phát triển ở châu Á và Trung Đông coi trọng mối quan hệ với Moscow.

Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric. Ảnh: menaaffairs.

Về phía Liên hợp quốc, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết cơ quan này sẽ không ký bất cứ văn kiện nào được đưa ra ở Hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ và chỉ tham gia với tư cách quan sát viên.

Trong một phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy hôm 3/6, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng Ukraine hướng đến việc khởi động đàm phán với Nga sau hội nghị này. Ông Kuleba cũng thừa nhận không thể có được hòa bình cho Ukraine mà không có sự tham gia của hai bên là Nga và Ukraine. Tuy nhiên, vấn đề đàm phán sẽ rất khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay.

Tháng 5/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng đặt vấn đề về tính chính danh của Tổng thống Ukraine Zelensky vì hiện nay nhiệm kỳ tổng thống của ông đã hết và Ukraine chưa thể tổ chức bầu cử do đang trong thời chiến, đang áp dụng thiết quân luật.

Theo Tổng thống Putin, Nga sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng sẽ chỉ làm việc với các nhà lãnh đạo hợp pháp ở Ukraine. Ông Putin cũng nhấn mạnh Moscow sẽ không bao giờ chấp nhận “tối hậu thư”.

Điều họ muốn làm là tập hợp càng nhiều quốc gia càng tốt, thuyết phục mọi người rằng những đề xuất tốt nhất là những đề xuất đã được phía Ukraine đưa ra và sau đó đưa ra tối hậu thư cho chúng tôi. Họ sẽ nói, đây là ý kiến của cả thế giới.

Liệu đây là một cách để tổ chức các cuộc đàm phán thực chất không? Đương nhiên là không. Đây là một nỗ lực nhằm áp đặt những điều kiện không thể chấp nhận được đối với Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Sự lựa chọn của Trung Quốc

Theo giới quan sát, để hội nghị về hòa bình Ukraine đạt được mục đích ban đầu đặt ra thì ít nhất nó phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan đến xung đột tại Ukraine, cụ thể là Nga.

Không có Nga, hội nghị sẽ thiếu một đối tác quan trọng trong câu chuyện hòa bình Ukraine và sẽ không đạt được điều gì. Trong bối cảnh ấy, việc Trung Quốc từ chối không tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine được đánh giá là một hành động hợp logic.

Dựa trên lập trường chính trị của Bắc Kinh và những mối quan hệ với Nga, châu Âu cũng như Mỹ, Trung Quốc có thể đang chờ thời điểm thích hợp để đóng vai trò chủ nhà, tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế với sự tham gia của cả Nga và Ukraine.

Nga và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận hợp tác trong một loạt lĩnh vực quan trọng.

Đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine, Trung Quốc luôn khẳng định vị thế trung lập và là nước ủng hộ hòa bình. Tuy nhiên, phương Tây cho rằng Trung Quốc đã đưa ra những hỗ trợ đáng kể để Moscow duy trì cuộc xung đột và đã tuyên bố lệnh trừng phạt nhằm vào các thực thể Trung Quốc.

Mặc dù vậy, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không thể làm thay đổi quyết định của Trung Quốc cũng như mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga.

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Trung Quốc vào tháng 5, Nga và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận hợp tác trong một loạt lĩnh vực quan trọng, bao gồm việc mở rộng xuất khẩu năng lượng của Nga sang Trung Quốc, hợp tác phát triển đảo Bolshoy Ussuriysky, tham vấn với Triều Tiên để cho phép các tàu Trung Quốc đi vào biển Nhật Bản qua sông Đồ Môn, cũng như mở ra tuyến đường biển phía Bắc - tất cả đều là những điều kiện hết sức thuận lợi đối với Trung Quốc.

Kéo dài 3/4 thế kỷ, quan hệ Trung - Nga ngày càng phát triển mạnh mẽ bất chấp những thăng trầm và vẫn đứng vững trước thử thách trong bối cảnh quốc tế thay đổi.

Mối quan hệ này đã trở thành một tấm gương tốt để các nước lớn và các nước láng giềng đối xử với nhau bằng sự tôn trọng và thẳng thắn, đồng thời theo đuổi sự hòa hợp và cùng có lợi. Mối quan hệ Trung - Nga ngày nay rất khó để có được và hai bên cần trân trọng và nuôi dưỡng nó.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Điều đó có nghĩa là, trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh không ngừng gây áp lực với Trung Quốc và Nga, mối quan hệ cộng sinh về mặt chiến lược và kinh tế giữa hai quốc gia khó có thể thay đổi về cơ bản vì xung đột Nga - Ukraine.

Đối với hội nghị thượng đỉnh tại Thuỵ Sĩ lần này, đây không phải là sự kiện cuối cùng, mà chỉ là một trong số nhiều hội nghị với sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.