Đằm thắm tuổi bốn mươi

Khi bước sang tuổi 40, có người bỗng giật mình nhận ra, mình đã đi qua hơn nửa cuộc đời. Bốn mươi lần xuân qua hè đến, đất trời lặp đi lặp lại vòng tuần hoàn. Thời gian đời người, thời gian của một phụ nữ qua nhanh như một cái chớp mắt.

Chiều nay, Hường mời bạn nghe tự sự của Ngọc Thanh.

Bốn mươi tuổi. Cái tuổi không tính là trẻ, chẳng gọi là già. Không còn những ngông cuồng của một thời nông nổi, lại chưa đến mức sống trong hoài niệm như tuổi xế chiều. Bạn biết mình là ai, đâu là thứ thuộc về mình, trân trọng những gì mình đạt được.

Bốn mươi tuổi, nét thanh xuân không còn. Bù lại, bạn có vẻ đằm thắm và quyến rũ. Bạn thôi lo lắng về vẻ bề ngoài. Bởi vì bạn biết mình không phải là người mẫu mà theo đuổi thân hình hoàn mỹ. Bạn có thể bỏ ra nhiều giờ trang điểm tỉ mỉ để bản thân tỏa sáng trong một sự kiện quan trọng. Cũng có thể cài một chiếc kẹp đơn giản, không cần điểm tô cầu kỳ. Bạn có thể xách chiếc túi hàng hiệu, cũng có thể đeo chiếc vài chục nghìn. Bạn không còn quan tâm ánh nhìn của người khác, không gồng mình khoe mẽ với thiên hạ, mà bạn chỉ là chính mình.

Tuổi trẻ, nếu ai đó nói bạn sai rồi, thì máu nóng bốc lên đầu, hùng hổ chứng minh rằng mình đúng. Bạn sẵn sàng tranh luận, nói về đạo lý mình học được. Bước qua tuổi bốn mươi, bạn thấy đúng sai nào có rõ ràng, đôi khi chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh, mang tên cảm xúc. Ở tuổi đôi mươi, khi mới ra trường, bạn không có thời gian đi họp lớp vì bận cắm mặt vào công việc. Đến tuổi ba mươi, bạn ngại đi họp lớp. Vì ở nơi đó, những người gọi là bạn bè thường kể cho nhau nghe đang làm chức gì, lương bổng ra sao, đi được đâu, nhà lầu xe hơi bao nhiêu chiếc. Bước sang tuổi bốn mươi, gặp nhau chỉ có cái bắt tay siết chặt, cái ôm nồng ấm, quan tâm ai sướng khổ mà giúp đỡ nhau. Tạm gác lại chênh lệch do cuộc sống tạo thành, trở về những kỉ niệm trong trẻo thời đi học. Cố nhớ đứa nào bị phạt nhiều nhất, đứa nào phá nhất, đứa nào học dốt nhất. Những cái nhất mà ngày xưa bị chê cười thì giờ được mọi người xem như niềm vui kể hoài không chán. Có khi tình cảm thầm kín, giấu hơn hai mươi năm, nay gặp nhau nhẹ nhàng bày tỏ. Ngày xưa tôi yêu bà mà bà nào có hay.

Bốn mươi tuổi, hồn nhiên mơ mộng qua đi, bạn học cách đối diện với vật đổi sao dời. Cuộc tình lãng mạn, sau bao năm chung một mái nhà bạch mã hoàng tử giờ là một ông béo bụng phệ, đêm nằm ngáy vang như gió giật sấm rền. Cái người mà ngày xưa ngồi hàng giờ nghe bạn ríu rít kể chuyện đã biến mất, chỉ còn một gã đàn ông kiệm lời, mỗi khi bạn liến thoắng thì thả một câu “nói nhiều nhức đầu”. Những từ như “trường tồn”, “vĩnh cửu”, “mãi mãi” chỉ có trong tiểu thuyết. Bạn sẵn sàng buông tay một người không thuộc về mình, không trói buộc cái xác không hồn, giải phóng cho tâm hồn mình thanh thản. Bốn mươi tuổi, dù chuyện tình dang dở, hay duyên phận muộn màng, cha mẹ thôi không hối thúc. Bạn không cần trốn tránh mỗi dịp lễ tết, vì đã qua giai đoạn con gái lấy chồng, con trai lấy vợ. Cha mẹ đành chấp nhận. Chắc số nó sống một mình. Khi nào duyên tới thì tới, không thì vui khoẻ là tốt.

Bốn mươi tuổi, bạn dù bận rộn, vẫn dành thời gian cho đứa con bé bỏng. Bạn đi du lịch, cùng con khám phá nhiều điều, giúp con bước đầu hiểu được thế giới ngoài kia rộng lớn biết bao. Buổi sáng đánh thức con dậy bằng bài hát tự chế, ríu rít chuyện trò trên đường đến trường. Dạy con chào hỏi những người lạ ngày nào cũng gặp thành quen, cụ già ngồi phơi nắng, chú bảo vệ trước cửa hàng, cô lao công ngày ngày quét rác.

Bốn mươi tuổi, bạn dành thời gian chăm sóc cha mẹ già đau yếu. Dành trọn từng ngày ở bên khi cha mẹ còn trên cuộc đời. Như ngày xưa cha mẹ từng chăm sóc mỗi khi con đau ốm. Bạn ở cạnh lúc cha mẹ cô đơn sợ hãi vì bệnh tật, vì ngày tháng không còn nhiều. Bạn biết rằng, sau này khi cha mẹ về với cát bụi, có nhớ có thương chỉ là hoài niệm.

Bốn mươi tuổi, bạn biết kìm nén giọt nước mắt trước sóng gió cuộc đời, trước sinh ly tử biệt, học cách bình thản đón nhận. Bạn không cuống cuồng trốn tránh hoặc tìm người bạn thân tỉ tê tâm sự. Vì bạn biết chén rượu cuộc đời mình đang uống, đắng cay ngọt bùi chỉ mình mới cảm nhận được.

Bốn mươi tuổi, tiền tài danh vọng đến rồi đi. Bạn không chỉ mải mê theo đuổi công việc, xem nó là mục tiêu của cuộc đời. Bạn cân bằng các mối quan hệ, dành nhiều thời gian cho người thân. Bạn không cô đơn đến mức độ cuộc vui nào cũng góp mặt, bạn chỉ gặp người bạn muốn, đi nơi bạn thích.

Bốn mươi tuổi, bạn tìm kiếm niềm vui cho riêng mình. Bạn học nhiếp ảnh, tháng ngày rong ruổi ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ, hay chỉ đơn giản là chụp cho mình bức ảnh đẹp. Bạn học nữ công, thêu thùa, đan móc, mày mò làm ra thành phẩm nhỏ là vui cả tuần. Bạn bắt đầu uống trà, dành nhiều thời gian đọc sách, học cách sống chậm.

Khi còn trẻ người ta nói: “Nếu không phấn đấu, bạn sẽ đứng bên lề, bạn sẽ bị bỏ lại”. Ở tuổi bốn mươi, bạn vài lần đứng bên ngoài dòng chảy hối hả của tất bật hàng ngày, quan sát xem mình đang ở đâu để bắt lấy cảm xúc, để định vị lại con người mình.

Phụ nữ, theo tôi có đến ba giai đoạn thanh xuân. Một thanh xuân của tuổi trẻ nồng cháy. Một thanh xuân của tuổi trung niên mặn mà, khi đã hiểu ra giá trị của bản thân, biết mình là ai. Và một thanh xuân xuất hiện trong tâm hồn, khi mà cuộc sống bộn bề lo toan đã đi qua, chỉ còn tuổi xế chiều với niềm vui chân thật của đời người. Cho nên, phụ nữ không bao giờ già. Có thể thân thể già, tuổi sinh học già nhưng tâm hồn thì cần giữ cho tươi trẻ. Ung dung thưởng thức những thanh xuân trong cuộc đời của mình./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nghề giáo vẫn được gọi là nghề cao quý. Nghề nào cũng có những nỗi niềm riêng. Và nghề giáo cũng có những câu chuyện cuộc sống đằng sau ánh hào quang cao quý.

Có một người đã dạy cô những con chữ đầu tiên, người dạy cô bao bài học thật thà; dạy cô phải biết nỗ lực vượt qua nghịch cảnh… Với cô, ba là người thầy vĩ đại nhất.

Cô bạn thuở hoa niên vừa gửi qua Zalo khoe rổ hoa dầu sớm nay mới nhặt trên đường tập thể dục về. Ôi những cánh hoa vươn dài, vừa mỏng manh vừa cứng cỏi. Một cái gì đó như bung vỡ. Một cảm giác thật khó định hình. Bồi hồi. Thảng thốt. Trái tim ai đó bỗng lỗi mấy nhịp. Điều gì vừa gần gụi vừa xa xăm. Sài Gòn và anh!

Cuối năm thiệp mời cưới bay tá lả, đó là lúc chị em cố gắng giảm cân để mặc đồ cho đẹp. Hôm nào cũng hỏi thăm nhau giảm được bao kg rồi, để còn tụ tập đi ăn cưới.

Sau những chuyến muộn phiền, có người lại về ngồi với khu vườn, lặng yên nghe tiếng chim hót. Đôi khi ngửa mặt lên trời nhìn mây trôi về muôn nẻo. Mây trôi nhẹ tênh, trong thoáng chốc cô ước gì hồn mình cũng nhẹ như mây. Để tự do bay bổng, để đi về hướng nào mình muốn và để tan ra hay làm mưa xuống. Không như mình vẫn ngồi đây để tự hỏi, rồi cuộc đời mình sẽ đi về đâu?

Trong ký ức của một người con, có một căn nhà xưa sơ sài tới mức không có cổng, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy, lại đầy ắp tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau…