Đắng bùi dưa lá mì
Hồi con gái mẹ đẹp có tiếng ở làng, bao mối dạm hỏi mà bà ngoại không ưng. Rồi bố đi bộ đội về, qua hỏi, ngoại gật đầu cái rụp. Thành vợ thành chồng từ đó chớ có biết hò hẹn là gì. Vậy mà ăn đời ở kiếp tới giờ, vợ chồng cái nghĩa mới là quan trọng, cái tình chỉ thoáng phút giây đầu thôi, mẹ kết luận vậy sau khi kể xong câu chuyện đời mình.
Bởi cái nghĩa nặng sâu nên khi bố quyết định tha hương cầu thực, vào Nam lập nghiệp mẹ cũng gật đầu răm rắp nghe theo, bỏ cha bỏ mẹ, bỏ anh em, xóm giềng. Bà ngoại không khóc chỉ bảo mẹ: "Thuyền theo lái, gái theo chồng, ráng mà ăn ở thuận hòa với nhau".
Biết mẹ buồn, bố động viên: "Nhà đông con, ở quê lay lắt qua ngày không đủ cơm ăn, tội chúng nó lắm". Bố nói cũng có lý, hai sào ruộng tiêu chuẩn được non năm mươi ký lúa tươi, ăn dè lắm thì được ba tháng là cao tay, còn lại phần dài của năm cầm chắc đói. Nhưng miền đất mới biết no đói thế nào, mẹ mới chỉ biết qua lời kể của bố từ chuyến đi lần trước. Bởi vậy khi xe tới đèo Cả, nó cứ khóc ngặt đòi về nhà, mẹ cũng khóc theo. Bố không dỗ, mẹ chỉ lặng thinh nhìn cảnh vật qua kính xe. Mấy lần mẹ kể là mấy lần nó tưởng tượng ra đôi mắt bố khi đó, có khi ông đang cố kiềm giọt nước mắt vừa trào lên khóe mi để không khóc theo hai mẹ con. Có ai rời bỏ quê hương mà vui bao giờ?
Khi đứng trước mảnh đất bố đặt cọc mua từ lần đi trước, thấy những thân mì dại xanh um, mẹ thở phào nhẹ nhõm: Sống rồi! Kiểu gì thì kiểu cũng không lo đói nữa, nhổ một bụi mì, bóc vỏ ngâm nước qua đêm, bào sợi nấu lên được nồi đầy vun. Sợi dây thắt ruột gan suốt chặng đường dài được cởi bỏ, nghe lòng nhẹ hẫng niềm vui miền đất mới.
Từ đó đến nay cả gia đình gắn bó với mảnh đất hiền hòa. Nó lớn lên trọ trẹ tiếng miền Nam, mãi thành quen, đến giờ ít khi nói giọng quê choa nữa. Miền đất mới là vùng đất thịt pha sỏi, thích hợp trồng mì. Nó theo những mùa gieo hom mà phổng phao khi nào chẳng biết. Sáu tuổi, nó đã xách giỏ hom nặng quằn theo chân bố, cứ mỗi nhát cuốc xong lại gieo vào một hom rồi dùng chân lấp đất lại.
Thích nhất là được thăm rẫy mì sau kỳ gieo hom. Qua một cơn mưa những mầm non thi nhau nhú. Một màu xanh mướt mát, sắp xếp theo hàng theo lối, trông đẹp vô cùng.
Tới kỳ mưa nổi nước, rô đồng nhiều vô kể. Bố câu rô đồng về, mẹ hái lá mì non muối dưa đem kho chung. Dưa lá mì đăng đắng, bùi bùi kho với cá rô đồng và tóp mỡ thì ngon cháy cơm chứ chẳng chơi. Cái món ăn dân dã này theo chị em nó hết thời áo trắng. Lên đại học, vây bủa bởi bao thứ hào nhoáng nơi thị thành, thứ nhớ thương nhất lại là nồi cá kho dưa lá mì tóp mỡ của mẹ ngày mưa dầm.
Mùa thu hoạch mì bắt đầu từ đầu tháng 11, trùng với đợt thi học kỳ. Năm nào mì được giá, thương lái vào tận nhà thu mua. Có năm mì rẻ, họ ép giá, mẹ nhất quyết không bán mì tươi mà tự nhổ, lát mì khô.
Gốc mì vừa bật khỏi đất lúc nhúc củ to tròn chen nhau. Chị em nó reo lên thích thú nhìn thành quả một năm lao động vất vả của cả nhà. Bố uốn căm xe đạp sao cho hai đầu cuộn tròn, ở giữa thì để thẳng, làm thành cái móc cài vào dao để bào mì. Chiếc bào tự tạo này mới bền lâu được chứ thứ bào mua ngoài chợ được vài ba bữa là gãy, không chịu nổi công suất làm việc của cả gia đình.
Nhớ cái mùa mì cuối cùng khi nó vào đại học, mẹ bán mì khô dành dụm được hơn triệu dúi vào tay nó bảo vô Sài Gòn lo mà học. Nước mắt chỉ chực trào mà ráng nín thinh. Nhiêu đó là nửa vườn mì, là số tiền còn lại của cả nhà, đưa hết rồi mẹ lấy gì chợ búa mẹ ơi?
Được cái, xứ này thời tiết ôn hòa, mưa nắng đều đặn, không có bão lũ nên chỉ cần con người chịu khó làm ắt có dư. Từ hai bàn tay trắng ngày vào Nam lập nghiệp, bố mẹ đã dành dụm mua được hai mẫu đất, nuôi mấy đứa con ăn học đàng hoàng.
Hết xa nhà đi học, rồi lại xa thêm khi theo chồng về miền quê mới. Nỗi nhớ nhà nhớ quê nhiều khi cồn cào không sao ngủ được. Nhất là khi cơn mưa đầu mùa rớt, lại thèm được xách thùng hom nặng quằn theo chân bố, thèm nồi cá rô đồng kho dưa lá mì những ngày mưa tầm tã của mẹ.
Mỗi lần nhớ mẹ, nhớ quê nó hay lần giở những mùa mì trong ký ức ra xem. Quê hương ơi chỉ hai từ ngắn gọn mà cồn dậy trong lòng người xa xứ biết bao nỗi niềm. Hình như tình quê hương là thứ rễ cây, cứ bám đất ở đâu thì cắm sâu vào đấy, đơm hoa kết trái, bứng đi chỗ khác lại héo mòn, còi cọc. Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn! (Chế Lan Viên). Nghe sao thấm thía cõi lòng, rưng rưng nỗi niềm khó tỏ bày của người xa xứ…
Ngân Kim
Hà Nội bổ sung 191 tuyến phố được phép trông giữ xe; Những mẫu xe giá rẻ ra mắt tại Việt Nam trong năm 2024; Nhà sản xuất châu Âu giảm giá xe điện, tăng giá xe xăng... là những nội dung đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
Gắn bó gần như cả đời với Hà Nội, ông Vũ luôn mong muốn góp một phần công sức vào việc gìn giữ và phát huy những giá trị tinh hoa của văn hóa Hà thành. Chính vì vậy, ngoài việc nghiên cứu, viết những bài báo ca ngợi về sự phong phú, tinh tế của ẩm thực Hà Nội, ông Vũ còn tìm tòi, nghiên cứu về trang phục Việt.
Cuộc đời của nhân vật Đỗ Chiến được ví như thần thoại. Vốn là người láu cá, khôn ngoan nên từ ngày biết đến cái tên Thành Lai, Đỗ Chiến đã tìm mọi cách để đọc hồ sơ của gã. Từ đó, hắn sinh ra đố kị với quá khứ và coi Thành Lai là một cái gai trong mắt.
Nhu cầu vay vốn từ người dân ngày càng tăng, nhất là những người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, vốn quen việc đồng ruộng, nay phải chuyển sang một ngành nghề mới nên nhu cầu tìm việc và đầu tư vào một công việc mới là cần thiết. Vậy pháp luật hiện hành quy định cụ thể thế nào về việc thực hiện hỗ trợ vay vốn?
Doanh nghiệp nước ngoài, hoạt động và đầu tư tại Việt Nam ngày càng phổ biến. Khi đầu tư có lãi tại Việt Nam, dòng tiền tại doanh nghiệp nước ngoài được quy đổi như thế nào?
Dự báo giá xăng dầu đồng loạt tăng vào ngày mai; Việt Nam có khả năng đối mặt với nắng nóng khốc liệt trong năm 2025; Hà Nội: Nhà trường phải bảo đảm sức khỏe cho học sinh khi trời rét; Nga xác định rõ kẻ chủ mưu vụ nổ khiến tướng Kirillov thiệt mạng... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin ngày hôm nay.
0