Đắng cay mới thấy ngọt bùi

Có một loại lá, khi được chế biến thành món ăn, lúc ban đầu, ta cảm nhận vị đắng nhẹ, nhưng càng nhai kĩ càng thấy vị ngọt bùi của lá. Không biết đó có phải là một sự hồi đáp thử thách lòng người của một loài cây, hay lá muốn gửi gắm một thông điệp: Có đắng cay mới thấy ngọt bùi?

Cha tôi sinh ra trên mảnh đất miền Trung, nơi mà thiên tai năm nào cũng hoành hành, nơi mà đất đai không màu mỡ như những vùng quê khác, cho nên cái đói một thời cứ bám đuổi người dân quê tôi.

Đó chính là vị đắng của đói nghèo, khổ cực để cha tôi phải dứt áo, rời làng tìm đến vùng đất mới. Cha tôi nói: "Người miền Trung đã quen với khó khăn, chính sự nhọc nhằn đã rèn dũa nghị lực, tạo nên bản lĩnh để con người có ý chí hơn, trưởng thành trong thách thức, vượt qua khó khăn cuộc sống".

Cũng vì đã quá quen với nhọc nhằn, lam lũ mà có thứ rau đắng đã thành thức ăn quen thuộc, quen thuộc đến nỗi không còn nhận ra vị đắng của nó. Đó là vị đắng của cây lằng, một loài cây tự nhiên, mọc hoang ở vùng núi, bên những sườn dốc, bờ suối vùng đất xứ Nghệ.

Cây lá lằng

Lần đầu tiên tôi được nếm bát canh lá lằng không phải ở quê hương của loài cây này, mà ở Hà Nội. Biết cha tôi thích món canh lá lằng, những người bà con trong quê đã vào rừng tìm hái mang về thái nhỏ, phơi khô, bọc gói cẩn thận rồi gửi xe khách ra cho cha tôi.

Bát canh lá lằng khô được cha tôi chế biến rất đơn giản. Tép đồng tươi hoặc tép khô phi với mỡ hành, không có cà chua bi mà quê tôi còn gọi là cà kiu thì sốt với cà chua thông thường. Sau khi cà chua đã được sốt nhuyễn thì đổ nước đun sôi rồi thả lá lằng vào, là có bát canh lá lằng.

Tôi nếm thử một chút canh lá lằng và thú thật, không thể nuốt nổi vì vị đắng. Ngày đó, tôi còn nhỏ tuổi, chưa quan tâm đến cảm xúc của người khác. Mặc cho cha tôi hết lời quảng bá về lá lằng là một loại cây thanh khiết, được mọc tự nhiên trong rừng nên không có thuốc trừ sâu.

Cây lằng là một vị thuốc, có tác dụng thanh mát, giải độc, kích thích tiêu hóa, nhuận gan, có lợi cho sức khỏe. Ông nói để chúng tôi đổi ý mà ăn cùng ông. Chắc cha tôi buồn vì bát canh quê không được chúng tôi đón nhận. Sau này, mỗi khi muốn ăn, ông chỉ nấu một bát nhỏ cho riêng mình.

Canh lá lằng. Ảnh minh hoạ: Môi trường & Cuộc sống.

Cha tôi mất đã nhiều năm. Một hôm dọn nhà, tôi phát hiện gói lá lằng phơi khô được cha tôi cẩn thận cất kĩ trên gác bếp. Quê tôi nghèo, đất cày lên sỏi đá, chả có đặc sản gì nổi trội để ai đó mỗi dịp ghé qua mua về làm quà. Nhưng với cha tôi, gói là lằng khô ấy chính là món quà quê đáng giá, bởi nó gói gém cả tình thân tộc, gói cả những ngọt bùi của một thời tuổi trẻ, để rồi, dù có bôn ba lập nghiệp xứ người, vẫn không quên được cái hương vị chân tình mộc mạc của quê hương.

Biển gọi hè về, gọi mùa cá trích với những chuyến biển đầy khoang. Tại những khu chợ quê tôi mùa này đâu đâu cũng hàng cá trích nướng trên than ta vàng ươm. Trong những quán ăn bình dân hay những bữa cơm đãi khách, người quê tôi nhâm nhi chén rượu quê, mời nhau món cá trích nướng cuốn với lá lằng tươi chấm với mắm tôm hay mắm ruốc, nhưng ngon hơn cả là chấm với nước mắm truyền thống được sản xuất từ làng nghề miền biển xứ Quỳnh.

Lá lằng phơi khô. Ảnh minh hoạ: Môi trường & Cuộc sống.

Cá trích gỡ xương, lọc lấy thịt, nấu cùng với lá lằng, ăn với cà pháo trắng giòn tan thì ngon tuyệt! Ngoài ra, lá lằng còn có thể  xào với lòng lợn, lòng dê, tạo ra một hương vị rất riêng, độc đáo. Khi nhai lá lằng, ban đầu ta cảm nhận có vị đắng nhẹ nơi đầu lưỡi, nhưng càng nhai kĩ càng cảm thấy vị ngọt bùi của lá. Đó là sự hồi đáp thử thách lòng người của một loài cây dân dã, hay là một thông điệp truyền đi triết lý cuộc đời?!

Lá lằng bây giờ không chỉ là món ăn tự cung tự cấp ở quê tôi mà nó đã trở thành một sản phẩm hàng hóa. Còn rừng là còn cây lằng. Người dân ở một số huyện của tỉnh Nghệ An như Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn rủ nhau vào rừng hái lá lằng tươi về bán cho các thương lái để họ chế biến thành lá lằng khô, đóng gói và mang đi tiêu thụ. Trên các trang thương mại điện tử cũng thấy rao bán lá lằng khô, có lẽ để phục vụ những người con xa quê như cha tôi và cả những người yêu thích món ăn dân dã của người dân xứ Nghệ.

Bây giờ ăn lá lằng, tôi không còn cảm giác đắng như ngày trước. Có lẽ, cái gốc gác xứ Nghệ, cho dù không được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ấy, nhưng nó ẩn sẵn trong dòng máu, trong huyết thống, giúp tôi cảm nhận rõ hơn hương vị ngọt ngào của quê hương mình.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có những hố sâu hoẳm ngăn cách tôi và bạn tưởng chẳng thể nào vượt qua. Nhưng không, chúng ta vẫn ở bên nhau một cách lặng lẽ vì những kỷ niệm ngày xanh vẫn ngập tràn trong tim.

Mùa hè thường làm người ta nhớ đến bởi cái nắng nhưng tôi lại có hảo cảm với những cơn mưa. Sau những ngày dài làm cho lồng ngực ta co ngót trong cái nóng, mùa hè sẽ chọn một ngày đẹp trời để xoa dịu ta bằng một trận mưa.

Không phải phật tử cũng không là con chiên, tôi như kẻ dở dở ương ương với gót chân lem lấm bụi trần. Ấy vậy mà tôi lại muốn nghe tiếng chuông ngân vang trong chiều đến lạ. Nào ai thúc giục? Nào ai hối hả? Chỉ giản đơn thôi, tiếng chuông đưa tôi về với bình yên.

Có một người con gái đi giữa phố phường Hà Nội trong một chiều lá bay dày để nỗi nhớ ngày xưa chênh chao ùa về!

Cụm từ chữa lành có thể bạn đã nghe và đọc rất nhiều ở khắp các trang mạng hay cả những câu nói hằng ngày. Với tôi, thật sự đã có thời gian loay hoay mãi để tìm cách chữa lành.

Trong ký ức của một người xa Thủ đô, Hà Nội là những hàng cây xanh mát hai bên đường, những sạp báo, những bác xích lô ngồi đợi khách. Và nỗi nhớ Hà Nội đọng lại trong một ly trà ấm nóng, phảng phất khói bay trong một chiều hoàng hôn.