Đảng Lao động trở lại nắm quyền tại Anh
Nguyên nhân dẫn tới chiến thắng của Công đảng Anh
Ngày 5/7, ông Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng, tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Anh sau khi đảng này giành chiến thắng áp đảo trước đảng Bảo thủ cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử hôm 4/7, khi giành được 412 ghế trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện.
Trong khi đó, đảng Bảo thủ chỉ giành được 121 ghế, mức thấp nhất trong lịch sử của đảng này.
Ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Anh Keir Starmer đã có chuyến công du khắp Vương quốc Anh. Điểm dừng chân đầu tiên của ông là Scotland, nơi Công đảng do ông lãnh đạo đã giành đa số phiếu trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua.
Sau đó, ông đã tới Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO ở Washington, đúng dịp kỷ niệm 75 năm thành lập khối.
Giới phân tích chính trị cho rằng kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Anh được báo trước khi các cuộc thăm dò đều dự đảng Bảo Thủ sẽ mất vị trí dẫn đầu.
Chiến thắng của Công đảng trong cuộc bầu cử vừa qua ở Anh đến từ nhiều yếu tố. Trước hết, đó là sự bất mãn của người dân với Chính phủ đương nhiệm.
Kể từ sau sự kiện Brexit, tình hình kinh tế của Vương quốc Anh liên tục gặp khó khăn với những cuộc khủng hoảng về y tế Covid-19 và năng lượng liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Cuộc sống của người dân Anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thậm chí không ít người rơi vào cảnh túng quẫn, phải cầu cứu Chính phủ.
Họ chật vật để sinh tồn, nhưng sau ba năm, mọi thứ dường như không được cải thiện. Người dân dần trở nên bất mãn với chính phủ của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Rishi Sunak.
Kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016, Anh đã trải qua 5 đời thủ tướng từ đảng này. Đảng Bảo thủ trung hữu đã nắm quyền ở Anh trong 14 năm. Gần đây, đảng này thực hiện nhiều chương trình nghị sự có phần cực hữu, tập trung vào vấn đề nhập cư.
Đảng Bảo thủ cũng vướng vào loạt vụ vấn đề nan giải, bao gồm vụ bê bối tổ chức tiệc giữa thời kỳ phong tỏa đại dịch Covid-19 dưới thời cựu Thủ tướng Boris Johnson và các kế hoạch kinh tế của cựu Thủ tướng Liz Truss gây hỗn loạn cho thị trường tài chính.
Tôi nghĩ rằng có những chu kỳ trong chính trị và tôi nghĩ theo một cách nào đó, nước Anh đang thoát ra khỏi chu kỳ của một chính phủ thiên về dân túy kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit.
Ông Peter Ricketts, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Anh.
Trong bối cảnh này, Công Đảng được người dân tin tưởng giao quyền điều hành nước Anh.
Trên trang web của mình, Công đảng mô tả họ là tổ chức mang lại lợi ích cho người dân lao động và thay đổi nước Anh theo hướng tốt đẹp hơn. Công đảng cho biết mục tiêu của họ là mang lại tiếng nói cho người dân bình thường và cải thiện cuộc sống.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Starmer đã trình bày một chương trình rất thận trọng, không có những hứa hẹn ngoạn mục, với lý do tình hình tài chính công rất mong manh.
Các biện pháp chính của ông Starmer tập trung vào tăng hoặc duy trì thuế nhưng không tăng thuế đối với người lao động và công ty; từ bỏ dự án gây tranh cãi trục xuất người di cư đến Rwanda nhưng hứa hẹn giảm nhập cư; thành lập công ty năng lượng sạch của nhà nước nhằm tăng cường an ninh năng lượng, áp thuế lợi tức phụ thu đánh vào các công ty dầu khí lớn; đánh thuế các trường tư thục để trả lương cho hàng nghìn giáo viên mới tại các trường công lập; đồng thời giảm thời gian chờ đợi khám chữa bệnh trong hệ thống dịch vụ y tế quốc gia.
Với các biện pháp kinh tế hợp lý khác xa so với những biện pháp của người tiền nhiệm trong Công đảng, Keir Starmer muốn mang đến hình ảnh một đảng có lợi cho các doanh nghiệp, để không làm hoảng sợ các thị trường vẫn còn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế do chính phủ Liz Truss gây ra vào năm 2022.
Ưu tiên trong chính sách của tân Thủ tướng Anh
Sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Anh đã bổ nhiệm nội các mới với 27 thành viên, với số lượng thành viên nữ kỷ lục là 11 người.
Trong buổi họp báo đầu tiên trên cương vị mới, tân Thủ tướng Anh Keir Starmer đã đề cập tới những ưu tiên trong chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ mới tại Anh.
Ông Starmer đã dành phần lớn chiến dịch tranh cử để nhấn mạnh những gì ông sẽ không làm. Điều gì cần ổn định, Starmer sẽ giữ ổn định. Những gì cần cải cách, sẽ được cải cách. Tất cả đều dựa trên sự thực dụng chứ không phải để làm đẹp cho những lời hứa.
“Thay đổi” là khẩu hiệu của ông Starmer sau 14 năm nắm quyền của đảng Bảo thủ. Trong cuộc họp báo đầu tiên sau cuộc họp nội các, Thủ tướng Anh Keir Starmer xác nhận chính phủ mới thành lập của ông sẽ không theo đuổi chính sách của người tiền nhiệm là gửi những người di cư đến Rwanda vì chỉ có khoảng 1% người xin tị nạn bị từ chối. Hơn nữa, chính sách này sẽ không có tác dụng ngăn chặn.
Kế hoạch Rwanda đã chết và bị chôn vùi trước khi nó bắt đầu. Nó chưa bao giờ có tác dụng ngăn chặn. Tôi chưa sẵn sàng để tiếp tục với những mánh lới quảng cáo không có tác dụng ngăn chặn.
Tân thủ tướng Anh Keir Starmer.
Ông Starmer cho biết chính phủ của ông sẽ thành lập Bộ Tư lệnh an ninh biên giới để tập hợp các nhân viên cảnh sát, cơ quan tình báo trong nước và các công tố viên để làm việc với các cơ quan quốc tế để ngăn chặn nạn buôn người.
Tân Thủ tướng Anh cam kết sẽ làm mới đất nước, trong đó có cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục và nhà ở với giá cả phải chăng. Thủ tướng Starmer cho biết các bộ trưởng mới là những người "liên quan đến sự thay đổi" và minh chứng cho quyết tâm mang lại những cải thiện cụ thể cho cuộc sống người dân. Ông nhấn mạnh rằng công việc "thúc đẩy tăng trưởng" đã bắt đầu và yêu cầu các bộ trưởng tuân thủ các tiêu chuẩn cao.
Đối với vấn đề kinh tế, Công đảng cam kết đầu tư vào công nghiệp và tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Về mặt quản lý cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, Công đảng được dự đoán có thể tăng mức lương tối thiểu hoặc khuyến khích các thành phố áp dụng chính sách tiền lương.
Công đảng cũng cam kết sẽ cải thiện dịch vụ y tế, mối quan tâm hàng đầu của các cử tri Anh, đặc biệt là cử tri lớn tuổi.
Ngoài ra, Công đảng cũng quyết tâm đưa nước Anh trở thành siêu cường năng lượng sạch, hướng tới việc phát thải ròng bằng 0. Đảng này cũng cam kết giảm một nửa tội phạm bạo lực nghiêm trọng và giúp nâng niềm tin của người dân vào cảnh sát và hệ thống tư pháp hình sự lên mức cao nhất.
Ông Starmer là người phản đối mạnh mẽ quyết định rời khỏi EU, tuy nhiên ông cho biết hiện tại Công đảng sẽ không tìm cách đảo ngược quyết định ấy. Thay vào đó, ông muốn đàm phán một thỏa thuận tốt hơn với EU trước những hậu quả kinh tế mà Anh phải đối diện từ Brexit.
Phía Công đảng cũng cho biết họ lựa chọn “cải thiện mối quan hệ thương mại và đầu tư của Anh với EU" bằng cách dỡ bỏ các rào cản thương mại không cần thiết.
Ông Starmer tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Washington, Mỹ, trong tuần này và nhấn mạnh rằng nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ là đảm bảo an ninh và quốc phòng, cùng với sự ủng hộ kiên định đối với NATO.
Ông cũng khẳng định mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2,5% GDP để phù hợp với yêu cầu của NATO. Đối với cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, chính phủ của Công đảng nhiều khả năng sẽ duy trì chính sách của đảng Bảo thủ hiện nay là bảo đảm sự hỗ trợ về quân sự, tài chính, chính trị - ngoại giao đối với Ukraine, đồng thời kêu gọi giúp đỡ Kiev để sớm trở thành thành viên NATO.
Tháng 2/2023, ông Keir Starmer đã tới Kiev để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky nhằm tái khẳng định sự hỗ trợ quân sự của Anh đối với chính quyền Kiev.
Ông Starmer đã nói chuyện qua điện thoại với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để thảo luận về các mục tiêu chung và sự phát triển kinh tế.
Thách thức chờ đón tân Thủ tướng Anh
Báo The Economist nhận định chiến thắng của Công đảng là một kết quả tốt cho nước Anh, chấm dứt giai đoạn bất ổn chính trị và sự thắng thế của chủ nghĩa dân túy cực đoan với đỉnh điểm là cuộc bỏ phiếu đưa Anh rời khỏi châu Âu năm 2016.
Tuy nhiên, bài viết cũng chỉ ra những thách thức với chính phủ mới, bao gồm sự mất niềm tin của người dân với chính phủ và các chính trị gia nổi bật.
Bản thân tân Thủ tướng Anh cũng thừa nhận những thách thức đang chờ đợi phía trước, nhưng khẳng định ông sẽ hành động thay vì lời nói để tái thiết niềm tin.
Cử tri Anh muốn chính phủ mới sẽ định hình tương lai đất nước trong bối cảnh 75% số người được hỏi cho rằng đất nước đang ở trong tình trạng tệ hơn so với năm 2010 khi đảng Bảo thủ lên nắm quyền.
Chính phủ của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Rishi Sunak đã để lại một Vương quốc Anh với đầy rẫy khó khăn. Các hệ lụy liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc khủng hoảng y tế Covid-19, cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn còn hiện hữu.
Đối với Công đảng, thách thức đầu tiên họ phải đối mặt là nền kinh tế Anh không tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây. Đảng này đã cam kết sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Đây là một cam kết rất lớn và không dễ thực hiện.
Về cơ bản, các chính sách mà Công đảng đưa ra tới nay chưa cho thấy nhiều khác biệt so với những gì chính quyền đảng Bảo thủ đã làm.
Hơn nữa, nguồn ngân quỹ của Anh khá hạn hẹp và không có nhiều tiền để chi cho các dịch vụ mới. Vì vậy, Công đảng sẽ phải nỗ lực rất nhiều để tránh không đi vào vết xe đổ của các chính phủ trước.
Chuyên gia phân tích chính trị Tony Travers - Trường kinh tế và khoa học chính trị London, Anh.
Ngay cả khi lạm phát được kiểm soát tốt, giảm từ mức đỉnh điểm 11,1% xuống 2%, thì cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vẫn đè nặng lên một quốc gia không có hệ thống giảm sốc xã hội mạnh mẽ.
Nhiều người dân Anh đã phải gửi thư lên Chính phủ yêu cầu được cứu trợ bởi họ không còn khả năng chi trả tiền điện, nước với giá cả tăng chóng mặt. Thậm chí nhiều trẻ em còn buộc phải tạm ngừng học vì gia đình không còn đủ khả năng đóng học phí.
Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng thường không đạt yêu cầu. Dịch vụ y tế công cộng (NHS), một trong những niềm tự hào của người Anh, hiện trong tình trạng tồi tệ, với hàng triệu người đang chờ khám, chữa bệnh.
Chính sách thắt lưng buộc bụng được đưa ra vào năm 2010 sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là nguyên nhân gây ra tình trạng xuống cấp này.
Nếu coi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp (4,4%) là sự thành công của chính phủ ông Sunak thì khả năng tăng trưởng trì trệ trong bối cảnh gánh nặng thuế ở mức cao nhất trong 70 năm trở lại đây được coi là sự thất bại.
Mặc dù ít được đề cập, nhưng các cuộc thăm dò đều cho thấy đại đa số người dân Anh vẫn tỏ ra tiếc nuối về thời huy hoàng của đất nước trước sự kiện Brexit.
Thế nên, thách thức lớn nhất của chính phủ mới tại Anh là phải nhanh chóng cải thiện đời sống của người dân bản địa với nhiều gói cứu trợ phân bổ đến các thành phần khác nhau, đồng thời khôi phục chất lượng của các dịch vụ y tế công, gây dựng lại lòng tin cho người dân.
Chính phủ cũng cần xem xét các chính sách giảm thuế và hàn gắn mối quan hệ với Liên minh châu Âu, qua đó đẩy mạnh hợp tác song phương, khôi phục hy vọng về tương lai của Anh tại lục địa già.
Quan hệ với các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc là những vấn đề cần Thủ tướng Starmer giải quyết ngay trong những ngày đầu cầm quyền.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng sâu sắc, Anh đang đứng trước hai lựa chọn khó khăn, hoặc ủng hộ các chính sách của đồng minh Mỹ hoặc tiếp tục duy trì quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại trị giá hơn 90 tỷ USD trong năm vừa qua. Ông sẽ phải chọn nghiêng về phía nào nhiều hơn để phù hợp với mục tiêu theo đuổi tăng trưởng kinh tế của mình.
Việc giành số ghế áp đảo tại Hạ viện không phải là chiến thắng dành cho Công đảng mà là sự thất bại dành cho đảng Bảo thủ. Theo ghi nhận của AFP, Công đảng đã thu được ít phiếu bầu hơn so với lần thất bại năm 2019, bất chấp số ghế giành được cao hơn.
Các đảng nhỏ, chẳng hạn như đảng Cải cách Vương quốc Anh đã đạt được tiến bộ. Do đó, rủi ro rất lớn đối với Công đảng là làm thất vọng những cử tri bị thu hút bởi lời hứa về sự thay đổi.
Theo một số phân tích, Vương quốc Anh hiện là nước xuất khẩu dịch vụ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, gồm các lĩnh vực tài chính, luật, giáo dục, kiến trúc và nghệ thuật.
Anh cũng có những thế mạnh khác, từ thể chế mạnh mẽ và pháp quyền đến các trường đại học đẳng cấp thế giới, các công ty sáng tạo và lực lượng lao động có tay nghề cao.
Tân Thủ tướng Starmer và chính phủ mới của ông sẽ cần phải xây dựng dựa trên những thế mạnh này, và ưu tiên phát triển những thế mạnh mới, từ đó tạo ra một môi trường thuận lợi giúp nền kinh tế Anh hồi sinh và tăng trưởng mạnh mẽ.
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
0